Chúng ta vẫn thường xoi mói, lên án lối học cử nghiệp của các nho sinh thời quân chủ, rắng tất cả đều lấy tứ thư ngũ kinh làm chuẩn mực để thi, cử.
Nhưng trong thời Dân chủ Xã hội Chủ nghĩa Việt nam lối học lối thi có khác gì các nho sinh ngày xưa là bao? Điển hình là một thời thí sinh phải thi theo “Bộ Đề”…Vẫn chưa ai vạch ra một cách rành rọt tai hại của lối học cử nghiệp. Có thể nói nhà văn Đông Tùng là người đầu tiên quan tâm đến hai lối dạy và học: Lối học cử nghiệp nhắm mắt ngu tín các kinh sách nho gia quy định; và lối học có phân tích tuân theo những quy luật biện chứng của tư duy- một kiểu tiếp cận chân lý của Tây phương. Ông Đông Tùng đã viết một bài ký sự thật hay, gián tiếp trình bày quan điểm của mình. Bài viết của ông Đông Tùng có tên: “Công sứ Oser, một người không chết ở vùng Nghệ Tĩnh”.Ông mở đầu bài viết,” Tám mươi năm chiếm đoạt và thống trị Việt Nam, có rất nhiều người Pháp muốn cho tên tuổi mình được sống mãi trên dải đất mà mình có dự phần cai trị, nên họ đã dùng đủ mọi hình thức: Đặt tên vào các trường học, ví dụ trường Albert Sarraut ở Hà Nội, trường
Chassloup Laubat ở sài Gòn, cầu Doumer, đường Gallieni…ngoài ra có người còn dựng bia, khắc chữ ghi công v v…nhưng tất cả những cái đó đã bị tiêu tan từ sau năm 1945 trở đi. Ngoại trừ Oser, công sứ Nghệ An, ông ta không đặt tên, cũng không dựng bia tạc chữ như Thibaudau, ấy thế mà tên tuổi ông còn được truyền tụng mãi ở Nghệ An. Cho hay ở đời cái gì chí công bất vụ lợi thì mới trường tồn”. Cuối bài viết ông Đông Tùng cho hay rằng” Tất cả những câu chuyện trên đây về công sứ Oser chúng tôi chỉ được nghe các thân sĩ Nghệ Tĩnh kể lại. chúng tôi cũng không dám lạm bàn Oser đúng hay sai. Nhưng chỉ biết rằng cũng vì những câu chuyện đó mà tên tuổi Oser
Vẫn còn mãi ở vùng Nghệ Tĩnh; Cụ cử nhân Nguyễn Xuân Sưởng đã gọi Oser là ông Đồ nho mũ lõ “
Vì mục đích chúng tôi đã thưa trên, chúng tôi xin biên tập lại bài viết của nhà văn Đông Tùng dưới tiêu đề: “ Cứu cánh của hai lối học”
Năm 1898 Oser đến nhậm chức công sứ Nghệ An. Khác hẳn các quan chức thực dân đương thời, Oser là một học giả, có bằng cử nhân Triết học Đông phương, rất giỏi chữ Hán, từng là lãnh sự ở Thượng Hải. Ông ta nói thạo tiếng Tàu ( bạch thoại). sang Việt Nam vài năm mà tiếng Việt nói cũng cứng.
Vừa tới Nghệ An ông ta liền đặt vấn đề liên lạc với giới khoa bảng trong tỉnh để tìm hiểu văn chương bình dân địa phương Nghệ Tĩnh. Cụ thể Oser đã hợp đồng với tổng đốc Nghệ An và tuần vũ Hà Tĩnh; bằng cách cấp phát cho mỗi làng 100 trang giấy và một số tiền phí tổn; buộc phải sưu tầm và sao lục các phương ngôn, tục ngữ, các câu hát, câu vè ở địa phương; sau đó tập trung về tòa sứ VINH, biên sọan lại để gửi về Pháp làm tài liệu nghiên cứu văn chương Việt Nam!
Tiếc thay việc làm nói trên của Oser, các thân sĩ nghệ Tĩnh hồi đó có vị lại cho rằng.”Đây là một thủ đoạn hiểm độc của người Pháp, chỉ cho biên lại những cái bậy bạ để làm tài liệu nhằm bố cáo ra thế giới rẵng : Văn hóa Việt Nam đang dã man, cổ lậu như thế này nên người Pháp chúng tôi có nhiệm vụ khai hóa cho họ”.
Có lẽ các nhà tiền bối cựu học chúng ta chú trọng về mặt tuyên truyền nhiều hơn là là chú ý đến công tác văn hóa của một người Pháp. Vì nếu bảo đây là một ác sách thì không chỉ thi hành ở một địa phương Nghệ Tĩnh, Bởi vậy chúng ta có thể nói một câu không sợ sai lầm rằng: Đây là sáng kiến riêng của Oser, một học giả Pháp; muốn tìm hiểu văn chương bình dân của một địa phương mà ông ta đang cai trị. Chúng ta nên nói như thế để đúng vói tinh thần văn chương và hợp lẽ công bình.
Oser không phải là người chỉ biết ít nhiều chữ Hán vừa đủ để xem sách và khảo cứu mà ông chính là người thâm nho; Thơ, Câu đối, Phú, Kinh nghĩa, thể văn nào ông cũng làm trôi chảy và hay ho cả. Ví dụ ông đến nhậm chức ở Nghệ An được 5 tháng thì xứ Cầu Rầm xây cất Thánh đường xong, người ta mời ông tới dự lễ khánh thành, mấy ông cố đạo cụ đão xin một câu đối cho nhà thờ, ông viết ngay câu sau đây:
Cụ hữu thử tâm đồng thử lý
具有 此 心 同 此 俚
Cố tương tư đạo giáo tư dân
故 相 思 道 教 思 民.(*)
Người ta kể chuyện thêm: khi ở Vinh làm xong nhà thương bố thí ông cũng làm một câu đối khắc vào một cửa nhà thương như sau;
Thí tế hà nan Nghiêu, Thuấn bệnh
弛 濟何 難 堯 舜 病
Dược y yên khiểm Biển, Hoa tài
禴 醫 嚥 歉 扁 華 才(**)
Khi tới nhậm chức ở Nghệ An, Oser yêu cầu Tổng đốc Nghệ An cho ông ta được liên lạc với các cụ khoa bảng Nghệ Tĩnh để được học hỏi thêm về văn chương chữ Hán. Cụ Hoàng giáp (2) Nguyễn Đức Lý người tổng An Tràng , phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An là người được Tổng đốc Nghệ An lựa chọn để thường trực tiếp công sứ Oser, vì lẽ nhà cụ Lý ở ngay VINH. Về sau cụ Hoàng giáp Lý đã trở nên người bạn chí thân của Oser vì văn chương chữ nghĩa. Nhưng cũng vì thế mà nhiều lần Oser làm cho cụ phải lúng túng.
Có lần Oser hởi cụ Lý:
- Hai chữ “Ô hô” nghĩa là sao?
- “Ô hô” nghĩa là than ôi, tức tỏ sự đau buồn.
- Chỉ có thế thôi sao? Oser hỏi.
- Vâng. Nghĩa hai chữ “Ô hô” chỉ có thế! Cụ Lý trả lời.
- Theo tôi hiểu, hai chữ “Ô hô” còn có nhiều nghĩa hơn nữa. Vì trong sách Tiền Hán thư có câu ”Ô hô Cao đế khả vị tri đại kế gỉa hĩ”(Than ôi vua Cao đế đáng gọi là một người biết mưu kế lớn vậy.).Vậy hai chữ “Ô hô” ở câu này ta không thấy có gì là đau buồn cả có phải thế không thưa ông Thạc sĩ(3). Cụ Hoàng giáp Lý không biết nói làm sao chỉ đành ngồi cười gượng.
Một hồi lâu Oser mới nói thêm:
- Theo thiển ý tôi, hai chữ”Ô hô” là một tán thán từ, dùng để biểu thị thất tình( ?) khi xẩy ra một cách đột ngột chứ không phải nhất định đau buồn như các cụ hiểu. Cụ Hoàng giáp Lý đã kể lại câu chuyện trên cho một bạn nghe với tất cả sự thán phục một người ngoại quốc.
Lại một lần khác nhân đàm luận về Kinh Truyện, sách vở; Oser hỏi cụ Lý:
- Các cụ đọc trong sách, có thể có một câu mà người này hiểu thế này, người kia hiểu thế kia thì làm thế nào?
Cụ Lý chống chế:
- Không thể như thế được. Tất cả mọi người đều phải hiểu và giảng như nhau, theo đúng ông Chu Hy đã giảng giải trong các sách thể chú của ông.
Oser cười:
- Theo tôi hiểu, Chu Hy sinh sau Khổng Tử 1000 năm, làm sao lại không hiểu sai lời nói của Khổng Tử được? Bởi vậy, hậu thế chúng ta khi đọ sách cũ của Nho gia phải tìm một định nghĩa sao cho hợp lý, chứ không nên nhất nhất đều theo ý kiến của Chu Hy đã giảng giải. Theo chỗ tôi hiểu, những lời Khổng - Mạnh trong Kinh Truyện đã bị Chu Hy giảng giải sai lạc rất nhiều.
Đây là một vấn đề mấu chốt và sâu xa đã đem Á đông tới chỗ chậm tiến và lạc hậu, mà đáng lý Châu Á này phải được văn minh trước Âu – Mỹ. Lịch sử thế giới cho ta hay rằng, khi nước Tàu đã có hệ thống triết lý và chế độ chính trị thì nước Anh cát lợi còn là mấy hòn đảo lờ mờ giửa biển, và người ta cũng chưa ai biết có Châu Mỹ!
Những lời nói của Oser đã làm cho cụ Hoàng giáp Lý tỉnh một cơn mê mộng.
Một vài phút sau đó như nhớ ra điều gì, Oser hỏi tiếp cụ Lý:
- Các cụ hiểu chữ” THIÊN” là nghĩa thế nào?
- “ Thiên” nghĩa là trời.
- Ông Trời là cái gì?
- Ông trời là một đấng tạo hóa trên thiên cung, giữ trọn quyền trong vũ trụ; tất cả những người trong đời, sống, chết, thọ, yểu, giàu, nghèo, sang, hèn đều do ông trời quyết định. Cái mà Nho giáo chúng tôi gọi là Thiên mệnh, cũng gọi là Định mệnh.
Oser tỏ thái độ hơi khó chịu, đoạn ông ta nói:
- Thưa ông, theo chỗ chúng tôi nghiên cứu, thì chữ “Thiên” trong Nho giáo không phải có một đấng thượng đế toàn năng, sáng tạo ra vũ trụ vạn vật rồi bắt vụ trụ vạn vật vận hành biến chuyển theo mệnh lệnh của mình; mà Nho giáo chỉ nói: “Thiên” tức là “Thiên nhiên”,’ Thiên lý” cũng gọi là “Tự nhiên luật”. Ví dụ trong Kinh Dịch có câu”Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”. nghĩa là:quy luật tự nhiên của trừi đất vận hành, biến chuyển là tất yếu và cứng rắn, người quân tử( người giỏi)là người thấu triệt cái lý tất yếu ấy, nên họ hành đổng rất cương quyết( tự cường) chứ không bao giờ chần chừ do dự.
Bắt sang Thiên mệnh Oser nói:
- Thuyết thiên mệnh của Nho giáo không hề nói tất cả đều do ông trời như Định mệnh ( Fatalism) của Tây Phương. Mà nó là định mệnh khoa học thuyết “Dếterminisme” của Auguste Comte, của Tây phương. Phải hiểu như vậy mới đúng. Thiệt vậy, nếu bảo chết, sống, có mệnh, giàu nghèo do trời( tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên), thì tại sao Ông Mạnh Kha ( Mạnh Tử), một lý thuyết gia của Nho giáo lại nói”Người biết mệnh trời thì không bao giờ đứng dưới một bức tường cao vút đã nứt rạn”( Tri mệnh gỉa bất lập ư nham tường chi hạ ). Nếu bảo rằng chết sống do mệnh, thì khi số anh chưa chết bức tường có cao vút và nứt rạn cũng không bao giờ đổ.
Nhưng ông Mạnh Kha nói dứt khoát” Tri mệnh” thì “Bất lập” cơ mà?
***
Lại có một lần hội Tư văn tỉnh Nghệ An tề đinh tại Văn Thánh đường, thuộc khu phố 6 thị xã VINH- BẾN THỦY, gởi giấy mời Oser tới dự lễ. Ông ta khăn áo chỉnh tề, mua sắm lễ vật tới Văn Thánh.
Ngồi giữa đám khoa giáp Nghệ An, đủ mặt Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ, Cử nhân, Tú tài và sĩ phu trong tỉnh, Oser nói với cử tọa:
- Thưa quý vị , Khổng Tử là hữu thần hay vô thần; duy vật hay duy tâm?
- Khổng Tử là hữu thần và duy tâm! Cử tọa đồng thanh trả lời.
Oser ngẫm nghị hồi lâu rồi nói:
- Các nhà triết lý Đông Tây đều hiểu Khổng Tử sai hết. Thiệt vậy, đấng “Vạn thế sư biểu” Khổng Phu Tử, cái gì biết ngài nói biết, cái gì không chắc thì Ngài nói không: Ngài không bao giờ suy luận theo chủ quan của mình, rồi bảo là có cái này, có ông thánh, ông thần nọ, trong khi tai không nghe, mắt không thấy. Ngài nói: Khi cúng tế tổ tiên, cha mẹ, như có tổ tiên, cha mẹ ở trên; khi tế tự thần thánh, như có thần thánh ngồi trên đó- Tế như tại, tế thần như thần tại (Luận ngữ). Khi Ngài dùng hai tiếng ” như có” tức đã cho ta một ý niệm là không có gì rồi; nếu ngài công nhận là có thì dùng chữ “như” trên chữ “có’ làm gì?
Lại một lần khác, học trò hỏi Ngài “ Xin Thầy cho biết nên thờ phụng quỷ thần làm sao cho phải đạo?” Ngài nói: Con người ăn ở với nhau chưa biết thế nào là phải đạo, anh hỏi tôi cái việc thờ phụng quỷ thần làm gì nhỉ?( Cảm vấn sự quỷ, Tử viết: vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ ?). Lại có một lần khác, học trò hỏi ngài:
- Thưa thầy con người ta sau khi chết rồi sẽ ra làm sao?
- Ta chưa biết hết cái đạo làm người lúc còn sống, anh đã hỏi lúc chết làm gì? (Cảm vấn tử? Tử viết vị tri sinh yên tri tử?); Luận ngữ. Rõ ràng và cụ thể nhất là lời sau đây của Nho giáo: Tri tử nhi chí tử chi bất nhân; tri tử nhi chí sinh chi bất trí. Nghĩa là “Những người bảo rằng: Con người chết rồi là hết cả, là những kẻ bất nhân; những người nói rằng: con người chết rồi vẫn có một linh hồn sống mãi, là những kẻ bất trí”.
Đến đây “người biên tập lại” không cần phải bình luận gì thêm sự khác nhau giữa hai lối học đẫn đến cứu cánh của hai nền văn hóa cách biệt nhau biết chừng nào?
Tài liệu tham khảo
1/ Nguyễn Q. Thắng VĂN HỌC VIỆT NAM nơi miền đất mới Tạp 2 NXB Văn Học 2007.Mục Đông Tùng trang 722.
(2) Hoàng giáp là học vị đứng đầu bậc Tiên sĩ trong chế độ khoa cử ở Việt nam thời nhà Nguyễn.
(*) Vốn dĩ đã có cái tâm lý ấy xuất phát từ cái lý ấy. Cho nên mới đem cái tôn giáo này mà truyền bá cho dân tộc này
(**) Sách Luận Ngữ có câu” Bác thí tế chúng Nghiêu, Thuấn kỳ do bệnh chư. Câu này có nghĩa: Mở rộng sự chẩn thí để cứu tế cho mọi người, đến Nghiêu Thuấn cũng còn cho là khó, Dùng thuốc chữa bệnh không thua thần y Biển Thước, Hoa Đà. ( Câu đối này các cụ khoa bảng Nghệ Tĩnh Đều phục là hay!)