Lời giới thiệu: Shing-Tung Yau (Khưu Thành Đồng) là một nhà toán học nổi tiếng của thế giới người Mỹ gốc Hoa, từng đoạt huy chương Fields năm 1982 và giải Wolf năm 2010. Ông hiện tại là trưởng khoa toán tại Đại học Harvard, nhưng cũng tham gia tích cực vào các hoạt động tại các đại học và viện nghiên cứu ở Trung Quốc.
Ông đặc biệt quan tâm đến hệ thống giáo dục và sự phát triển khoa học và công nghệ ở Trung Quốc. Với kinh nghiệm và kiến thức uyên thâm của mình, nhiều ý kiến phê bình về hệ thống giáo dục, sự gian lận trong thế giới học thuật, cũng như chất lượng nghiên cứu và đào tạo ở Trung Quốc của ông đã được phổ biến rộng rãi và thu hút được nhiều sự quan tâm.
Bài phát biểu* của ông tại Chiết Giang đã được dịch và in trong tạp chí Harvard Asia Pacific Review vào năm 2002. Mặc dù những ý kiến tâm huyết của ông đã được phát biểu cách đây 8 năm, nhưng nó vẫn còn mang tính thời sự ở Trung Quốc. Khi Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thứ tương đồng, những gì đang xảy ra ở Trung Quốc cho phép chúng ta có thể suy đoán được phần nào bức tranh hiện tại hoặc tương lai của Việt Nam.
Bài báo này là một phần bài dịch của Đặng Đình Thi, sẽ được đăng trong KỶ YẾU HUMBOLDT200 - Ban chủ biên của Kỷ yếu là các giáo sư Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh , Phạm Xuân Yêm. Chúng tôi sẽ giới thiệu toàn bộ bài viết khi Kỷ yếu chính thức được công bố.
"Tự tin quá mức có thể làm lu mờ vấn đề cần nhận diện"
Sự thịnh vượng của Trung Quốc liên quan chặt chẽ với tiến bộ công nghệ. Mười năm qua, Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt đáng kể trong kinh tế, chính trị, và các lĩnh vực khác, tạo nên một sự đổi mới chưa từng có kể từ trong hai trăm năm qua. Thế giới rất quan tâm tới sự phát triển của Trung Quốc, không chỉ bởi Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho các sản phẩm của họ, mà còn vì những thành tựu của Trung Quốc trong lãnh vực công nghệ đang từng bước chín muồi.
Lợi thế đó, một mặt tạo cho họ những cơ hội hợp tác quốc tế, nhưng mặt khác, giúp cho họ có tiềm năng trở thành một đối thủ cạnh tranh có thể hoạch định những chiến lược đối đầu. Từ viễn cảnh hôm nay của Trung Quốc, chúng ta tự hào về triển vọng tương lai, nhưng cũng lo ngại rằng sự tự tin quá mức có thể làm lu mờ rất nhiều vấn đề chúng ta phải đối mặt và cần phải nhận diện rõ ràng.
Nhìn chung, chỉ khi nền tảng kinh tế của một quốc gia đã được bảo đảm thì quốc gia đó mới có điều kiện để xây dựng văn hóa của mình. Quản Trọng**- nhà triết học xưa, đã nói: "Có ăn, có ở mới có niềm tự hào" ("Có thực mới vực được đạo"). Vì vậy, nếu không có ý niệm về sự hổ thẹn, thì không thể có pháp luật và trật tự xã hội, hay có các học giả nghiêm túc. Do đó, sự đãi ngộ thỏa đáng là cần thiết để phát triển công nghệ.
Văn hóa có thể giúp cho một người biết tự kiềm chế và hành xử có kỷ luật. Điều này, trong xã hội hiện đại đặc biệt quan trọng khi nạn ăn cắp và giả mạo đã trở thành một trong những nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế. Trong khoa học và công nghệ, việc ăn cắp thành quả của người khác xảy ra ở khắp mọi nơi. Chuyện những người viết ra những bài báo nghiên cứu mắc đầy lỗi nghiêm trọng mà không thèm sửa chẳng phải là mới. Một số nhà khoa học trẻ có tiếng, thậm chí đạt được thành công lớn, đã làm việc cẩu thả như vậy!
Trong một môi trường như thế, khoa học công nghệ đương nhiên không thể phát triển được. Kể từ khi mở cửa ra thế giới, công nghệ của Trung Quốc đã có những phát triển đáng kể, tuy nhiên, sai lầm của một số học giả trẻ tuổi là muốn tìm một con đường tắt để sớm đạt được danh vọng và thành công, nên sao nhãng việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Do sức cám dỗ của thành tựu vật chất, kỷ luật của nhóm và của cá nhân không tìm được chỗ đứng.
Ở các nước phương Tây, nhiều trường phổ thông truyền đạt cho học sinh từ lúc còn nhỏ tuổi những khái niệm và hiểu biết về pháp luật và hành vi đạo đức. Thông thường, các luật sư hoặc thẩm phán sử dụng thời gian rảnh rỗi của họ để giảng giải các vấn đề pháp lý với học sinh trung học, chuyển tải tới các em tinh thần tôn trọng pháp luật. Hiểu biết về pháp luật và tầm quan trọng của tinh thần làm việc nhóm là vô cùng quan trọng đối với một kỹ sư hay một nhà khoa học giỏi.
Học viện hạng nhất là nơi nuôi dưỡng học thuật
Khoa học được xây dựng trên nền tảng văn hóa của loài người, trong khi công nghệ mới thì được xây dựng trên cơ sở thừa kế của khoa học và công nghệ trước đó. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc cách mạng công nghiệp của Châu Âu đã diễn ra sau cuộc khai sáng văn hóa và cách mạng khoa học. Đến nay, mỗi sự phát triển công nghiệp đều có liên quan trực tiếp đến các tiến bộ trong khoa học và công nghệ.
Có thể thấy một thực tế quan trọng là đầu tư cho khoa học và công nghệ của một quốc gia có thể ngắn hạn và dài hạn. Đầu tư ngắn hạn thường áp dụng một công nghệ đã hoàn chỉnh để sản xuất đại trà tạo ra những lợi ích kinh tế.
Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh vào loại hình đầu tư này, nền kinh tế cũng chỉ có thể thành công trong một giai đoạn nào đó, vì sau đó, nó sẽ không tránh khỏi sự phụ thuộc vào khoa học và công nghệ của nước ngoài, và cùng lắm cũng chỉ duy trì được một nền kinh tế tiểu tư sản. Đầu tư dài hạn liên quan chặt chẽ đến toàn bộ môi trường văn hóa của một xã hội.
Tiến bộ xã hội và văn hóa không chỉ hỗ trợ cho sự phát triển công nghệ, trên thực tế nó còn là yếu tố quan trọng nhất trong đổi mới khoa học và công nghệ. Không phải ngẫu nhiên khi những phát minh quan trọng về khoa học và công nghệ đều được nảy sinh ở những nơi có văn hóa phát triển.
Nền văn hóa của một xã hội không chỉ có tác dụng tập hợp các nhà khoa học và kỹ sư giỏi, mà còn tạo điều kiện cho các ý tưởng của họ chín muồi. Nhìn từ khía cạnh khác, đương nhiên những phát triển kỳ diệu trong khoa học và công nghệ cũng thúc đẩy sự phát triển văn hóa.
Văn hóa có thể được giữ gìn và nuôi dưỡng bằng nhiều cách thức khác nhau, chẳng hạn như thông qua các bảo tàng mỹ thuật, bảo tàng khoa học và công nghệ, nhà hát opera, triển lãm, các tạp chí và tập san tốt, nơi quần chúng công khai bày tỏ ý kiến của mình, và vân vân.
Nhưng quan trọng nhất là việc xây dựng các trường đại học và các học viện hạng nhất. Đây là nơi nuôi dưỡng học thuật, chú trọng đến chất lượng chứ không phải số lượng; một tổ chức do các học giả giỏi có tầm nhìn sâu rộng; một môi trường cho tính chính trực, sự cống hiến, và sự tuyệt vời; một nơi để đào tạo những người đi tiên phong về học thuật và lãnh đạo xã hội; một nơi để thảo luận về các vấn đề quốc gia; một nơi giáo sư và sinh viên hết lòng hợp tác vì sự phát triển công nghệ.
Các trường Đại học là suối nguồn của phát triển khoa học và công nghệ cho đất nước. Hoa Kỳ có số lượng bản quyền và bằng phát minh sáng chế nhiều nhất thế giới, hơn ba phần tư trong số đó đến từ nghiên cứu của các trường đại học. Tiến bộ trong công nghiệp, thương mại hay quân sự quan hệ rất chặt chẽ với nghiên cứu trong các trường đại học và các viện, đặc biệt là các nghiên cứu dài hạn được thực hiện bởi sự hợp tác giữa các trường đại học, các tập đoàn, và chính phủ.
Trong phòng thí nghiệm do các tập đoàn tài trợ như Bell Labs, hoặc trung tâm nghiên cứu T.J. Watson của IBM, nhiều kết quả nghiên cứu đã được trao giải thưởng Nobel. Những kết quả nghiên cứu này thường không có quan hệ trực tiếp đến sản phẩm thương mại. Ví dụ, trong thập niên 1960 các kỹ sư tại Bell Labs đã thu được dữ liệu về Vụ Nổ Big Bang, nhờ những nỗ lực nhằm phát triển công nghệ thông tin. Như vậy ở một nơi có tự do trong khoa học, những thành tựu quan trọng nhất trong lý thuyết vũ trụ đã được thai nghén.
Đầu tư của Hoa Kỳ vào công nghệ sinh học trong hai mươi năm qua đã vượt quá hàng trăm tỷ đô la. Tính đến thời điểm này, đầu tư đó vẫn chưa đem lại lợi nhuận thực tế, nhưng các trường học và chính phủ vẫn đang tích cực tiến hành, và chưa bao giờ bỏ cuộc, bởi vì đây là một công cuộc tìm kiếm có tiềm năng to lớn cho khoa học và công nghệ. Toàn xã hội cũng phấn chấn bởi hướng nghiên cứu mới này. Nhờ hợp tác giữa các tập đoàn dược phẩm lớn với chính phủ và các viện nghiên cứu, nhiều loại thuốc quan trọng đã được sản xuất, phục vụ sức khỏe cho con người.
Để khuyến khích hợp tác trong nghiên cứu giữa trường học và khu vực tư nhân, Hoa kỳ có nhiều loại hình tổ chức cung cấp kinh phí nghiên cứu. Bên cạnh nhiều nguồn tài trợ của chính phủ như Quỹ Khoa học Quốc gia, Viện Y tế Quốc gia, Ủy ban Dự án Nghiên cứu Cao cấp Quốc phòng, Văn phòng Nghiên cứu Hải quân, còn có các tổ chức tư nhân quan trọng như quỹ Ford, Rockefeller và MacArthur trợ cấp một phần lớn cho nghiên cứu. Ưu điểm chính của các quỹ nghiên cứu là không ai có thể kiểm soát kinh phí cho toàn bộ một lĩnh vực.
Không để thói quan liêu trì níu trí thức
Trái lại, ở Trung Quốc tình hình hoàn toàn khác. Trong các lĩnh vực kỹ thuật, chỉ có duy nhất Quỹ Khoa học Tự nhiên. Quá trình đánh giá xét duyệt kinh phí cho các đề tài nghiên cứu không đủ minh bạch, chỉ có một số ít người quyết định việc cấp kinh phí, và đối với một nhà nghiên cứu nếu không được Quỹ Khoa học Tự nhiên tài trợ có nghĩa là đề xuất nghiên cứu của anh ta không thể thực hiện được.
Ở các nước khoa học công nghệ tiên tiến, bên cạnh sự sẵn có và tính đa dạng của nguồn tài trợ, việc đánh giá kết quả nghiên cứu tương đối khách quan và linh hoạt. Còn tại Trung Quốc, việc phân phối kinh phí và đề bạt các giảng viên, các nhà nghiên cứu do một vài cá nhân quyết định. Nhưng những cá nhân này lại ít tranh thủ ý kiến của các chuyên gia đầu ngành. Ngay cả khi họ tham khảo ý kiến của các học giả nước ngoài, thì cuối cùng họ vẫn đi theo ý kiến thiểu số giữ quyền quyết định, chứ không phải là của số đông các chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Trong khi nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước vẫn còn thua xa so các quốc gia khác, thói quan liêu đã nảy sinh trong giới trí thức của đất nước ta. Các nghiên cứu viên của các viện có tuổi nghỉ hưu cao, vì vậy tốc độ luân chuyển nhân lực mới thường rất chậm.
Một số nghiên cứu viên trẻ và giỏi chỉ có thể tìm thấy một con đường duy nhất, đó là đi ra nước ngoài. Những nghiên cứu trẻ tuy năng lực hạn chế nhưng có ô dù, có thể nhận được mức lương cao, trị giá trên vài triệu (nhân dân tệ) và thường xuyên xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng. Mặc dầu thành tích của họ thực sự rất khiêm tốn, nhưng một khi họ đã ít nhiều có tiếng thì sẽ không còn chút động lực nào nữa để theo đuổi học thuật thật sự.
Các trường đại học Trung Quốc chủ yếu là các trường công lập do Bộ Giáo dục quản lý. Trong thập kỷ qua Bộ Giáo dục đã nới lỏng việc quản lý một cách đáng kể, nhưng kinh phí vẫn do Bộ Giáo dục kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các phòng giáo dục cấp tỉnh, thành phố. Đóng góp của tư nhân và các quỹ tư thục vẫn còn hiếm hoi. Các trường đại học có thương hiệu như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đương nhiên nhận được nhiều kinh phí hơn vì danh tiếng của mình.
Việc tăng kinh phí nghiên cứu những năm gần đây, hiển nhiên, là một điều tốt song cũng đã gây ra sự lãng phí lớn, do việc quản lý kém hiệu quả. Một số trường đại học thuê các học giả nước ngoài và nghiên cứu viên quốc tế đến làm việc ngắn hạn. Nhiều nghiên cứu viên nước ngoài đến một vài các trường đại học được hưởng lương, nhưng làm việc ở đó một thời gian rất ngắn. Hậu quả, không chỉ kinh phí chi cho nghiên cứu bị lãng phí mà còn gây ra một ảnh hưởng xấu.
Ngoài ra còn có một số nghiên cứu viên quốc tế chỉ có trình độ học vấn trung bình, nhưng đòi hỏi các đãi ngộ đặc biệt, thường là tốn kém hơn chi phí cho các nghiên cứu viên trẻ trong nước hang chục lần. Sự bất bình đẳng này tương đồng với việc khuyến khích chảy máu chất xám của những người trẻ và có năng lực.
"Một sứ mệnh thiêng liêng là làm cho khoa học có tính ứng dụng"
Nhiều người trong số các giáo sư có tiếng tại các trường đại học uy tín thường tu nghiệp nửa năm ở nước ngoài, và sau khi về nước họ lại dành nhiều thời gian làm công tác quản lý hơn là nghiên cứu khoa học, điều này gây ảnh hưởng cho công việc hướng dẫn các nghiên cứu sinh. Tình trạng trên hoàn toàn không được khuyến khích ở các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài.
Một người nổi tiếng như Kissinger, từng là Ngoại trưởng Hoa kỳ khi nghỉ hưu, đã bị Đại học Harvard từ chối chức danh giáo sư vì ông đã từ chối giảng dạy các khóa học. Hầu hết các trường đại học đẳng cấp thế giới coi đào tạo và nghiên cứu khoa học như là mục tiêu tối thượng, và do đó các giáo sư muốn được kính trọng phải hoàn thành các nhiệm vụ này.
Tuy nhiên, khi điều kiện kinh tế đã đầy đủ và các quy trình đánh giá được chuẩn hóa, làm thế nào để khuyến khích những người trẻ tuổi sáng tạo? Điều này là vấn đề lớn nhất mà khoa học và công nghệ Trung Quốc phải đối mặt ngày hôm nay. Kể từ thời cổ đại, kỹ thuật và công nghệ của Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng mỗi khi trình độ công nghệ đạt đến một mức độ nhất định sự nâng cao tiếp tục lại bị chậm lại, như thể mọi người đã thỏa mãn rồi.
Các xã hội phương Tây có thể vượt qua căn bệnh này, nhờ có tinh thần chính trực và óc thẩm mỹ mà truyền thống Hy Lạp-La Mã đã mang lại. Không nghi ngờ gì nền văn minh Trung Quốc cũng có những truyền thống tốt đẹp, nhưng trong việc duy trì phát triển lâu dài khoa học và công nghệ, thì nó chưa đạt được một tầm vóc cần thiết. Người Trung Quốc tin rằng khoa học và công nghệ phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân. Bởi thế Tuân Tử (Xunzi***) đã nói, "Một sứ mệnh thiêng liêng là làm cho khoa học có tính ứng dụng". Chính vì quan niệm thực dụng này người Trung quốc đã thiếu vắng một tinh thần như của người Hy Lạp và các nhà khoa học Hậu Khai sáng đã có, đó là nghiên cứu khoa học vì khoa học. Nếu không tìm ra nguồn gốc của công nghệ, đương nhiên không thể có sự tiến bộ.
Trung Quốc xem gia đình là một tế bào cơ bản, và xem mối quan hệ của con người như sợi dây đạo đức quan trọng, trực tiếp tác động tới tiến bộ của khoa học và công nghệ. Theo lệ trung hiếu, người lớn tuổi được tôn trọng, điều này dẫn đến hành động và lời nói của các trưởng lão của một gia tộc hay một xã hội có thể lấn át pháp luật và lẽ phải. Người Trung Quốc có xu hướng sùng kính những thứ đã cũ, chứ không phải là những gì mới mẻ, và do đó phổ biến quan niệm, "không ai có thể hơn các vị hoàng đế đầu tiên".
Ở khía cạnh cực đoan, lòng trung thành có thể cản trở tính sáng tạo- "Ba năm sau khi cha chết, người con vẫn cần phải giữ những lề lối của cha, đó là lòng trung hiếu". Khi triết lý này được áp dụng rộng rãi, trong các phòng thí nghiệm và các nhóm nghiên cứu, sinh viên phải tuân theo các định hướng nghiên cứu của thầy hướng dẫn. Người học nghề tại các nhà máy phải tuân theo phương pháp của thầy dạy mà không chủ động khám phá những con đường mới.
Theo thời gian, ảnh hưởng của các gia tộc và trường phái bao trùm lên tất cả mọi thứ khác. Ở Trung Quốc, một học giả thành công thường được hỗ trợ bởi một nhóm các gia tộc và các trưởng lão trong làng, hay bởi một giáo sư nào đó ở trường. Vì vậy, anh ta có trách nhiệm đền đáp lại sự hỗ trợ đó, và đồng thời tạo dựng các đệ tử của chính mình trong tương lai.
Cách nhìn nhận bắt đầu từ gia tộc hướng đến xã hội và quốc gia đã in sâu vào trong tâm khảm của giới trí thức Trung Quốc. Phát triển trí tuệ bị hạn chế bởi niềm tin mù quáng vào các trường phái. Trong thời kỳ Tam Quốc, sự thành đạt của gia tộc Viên Thiệu với "bốn thế hệ có ba người làm quan triều đình cùng các môn đệ và học trò ở khắp mọi nơi" đã được ngưỡng mộ thậm chí cho đến ngày nay.
Để bảo đảm địa vị của mình, một số lớn các nhà lãnh đạo đã bổ nhiệm các học giả dựa trên quan hệ họ hàng. Ngay cả khi học vấn của những người này còn thấp, nhiều người trong số đó vẫn có thể thăng tiến tới chức thành viên hoặc giám đốc các viện. Giới trí thức tranh giành nhau vì lợi ích phe phái. Học không có gì hơn ngoài việc để phô trương trước mắt đồng bào "giàu sang mà không trở về quê thì cũng như mặc áo gấm đi đêm"****, trong khi tinh thần chính trực và cái đẹp không được khuyến khích.
Thực tế là trẻ em không được xã hội khuyến khích thỏa mãn tính hiếu kỳ và đề cao tính chính trực và cái đẹp chính là điểm yếu không thể phủ nhận được của các nền văn hóa phương Đông. Việc bám vào "Học để ứng dụng", hoặc "Học để có địa vị" làm các học giả sao nhãng việc cống hiến của họ cho việc nghiên cứu các vấn đề thiết yếu của thời đại.
Ngược lại, các trường đại học của nhiều nước khác cởi mở hơn và khuyến khích sự giao lưu kiến thức. Sau khi học sinh hoàn thành nghiên cứu của họ, thầy hướng dẫn thường yêu cầu họ đi làm việc hoặc đi nghiên cứu ở nơi khác để mở rộng tầm nhìn.
Tính sáng tạo luôn cần có một môi trường tự do học thuật, ví dụ xác thực nhất là ở trong thời kỳ trước triều đại nhà Tần, khi rất nhiều trường học được phát triển rực rỡ. Sau triều đại Tần và Hán, điều kiện chính trị xã hội trở nên thể chế hóa hơn. Bầu không khí học thuật đã được mở mang thỏa đáng trong thời nhà Tống, lại bị trói buộc trong thời nhà Minh-Thanh. Chúng ta thấy có mối tương quan trực tiếp giữa tiến bộ công nghệ và sự tôn trọng mà chế độ dành cho giới trí thức thông qua các triều đại.
Thành tích nghiên cứu không nên "thưởng" bằng cách tăng gánh nặng hành chính-xã hội
Các tiến bộ công nghệ ngày nay phụ thuộc vào sự phát triển một môi trường tự do học thuật và năng động, và xu hướng loại bỏ đánh giá cán bộ dựa vào tuổi tác. Bất cứ đánh giá học thuật nào cũng cần phải công bằng theo tiêu chuẩn chất lượng không vì số lượng và phải bố trí những học giả trẻ theo thực tế công việc của họ. Có những sinh viên giỏi và có những kết quả nghiên cứu tuyệt vời phải là niềm tự hào của các trường học.
Tại trường đại học hoặc cơ quan nghiên cứu, các giáo sư cần được bổ nhiệm bởi các phương pháp khoa học, kinh phí nghiên cứu cần được phân bổ theo khả năng và kinh nghiệm, mà không phải bởi thâm niên và hoặc bằng các mối quan hệ cá nhân.
Các nhà nghiên cứu hoặc giáo sư cần có chế độ nghỉ phép thường xuyên và chỉ nên nhận công việc ở các viện nghiên cứu khác trong những đợt nghỉ phép này, nghiên cứu viên không phải dùng quá nhiều thời gian tham gia vào chính trị. Thành tích nghiên cứu không nên được "thưởng" bằng cách tăng gánh nặng hành chính-xã hội, mà nên khen thưởng các hoạt động hàn lâm có tác động trực tiếp và tích cực đến nền kinh tế, công nghệ, và điều quan trọng nhất là những thành thích trong khoa học cơ bản có thể có ảnh hưởng lâu dài.
Một quốc gia công nghệ phát triển phải làm tất cả những gì có thể để đem lại cho các nhà khoa học và kỹ sư xuất sắc một môi trường làm việc thỏa đáng. Trả lương cho họ thỏa đáng sẽ cho phép họ hết lòng sáng tạo, biến các ý tưởng của họ thành kết quả khoa học hoặc các sản phẩm công nghiệp.
Trong quá khứ, đất nước chúng ta đo trình độ phát triển công nghiệp bằng lượng thép sản xuất ra. Hôm nay, nếu các trường học chỉ đo uy tín của họ bởi số lượng các bài báo, nghiên cứu sinh, và học giả, tôi e rằng phương pháp "vượt qua Anh và bắt kịp với Hoa Kỳ" này sẽ khó được kết quả. Khích lệ sự tò mò và đề nhiệm các học giả một cách đúng đắn dựa trên chất lượng và sự sáng tạo là mắt xích quan trọng nhất trong đổi mới khoa học, cạnh tranh bình đẳng là vấn đề quan trọng trong đổi mới công nghệ.
Công nghệ ngày nay có thể được ứng dụng nhanh chóng vào sản xuất, tuy nhiên, khi nhiều học giả trong nước có thể sáng tạo ra công nghệ mới khi ở nước ngoài, họ lại gặp nhiều khó khăn khi triển khai trong nước. Một trong các nguyên nhân của hiện tượng này là do thiếu sự bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Từ việc tạo ra công nghệ mới để sản xuất phần mềm, phần cứng, thành phẩm; và đến tiếp thị sản phẩm, tất cả đều cần một kế hoạch toàn diện và cần có đầu tư. Trong các ngành công nghiệp non trẻ, các doanh nhân có rất ít tinh thần sáng tạo và vốn liếng, trong khi các nhà phát minh lại không có khả năng chịu đựng lâu, do đó, các dự án phải được chính phủ tài trợ và lên kế hoạch toàn diện.
Chưa kể đến việc phát triển công nghệ mới, chỉ riêng nuôi dưỡng công nghệ và thương mại hóa cũng đã đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn. Trong các quốc gia công nghệ tiên tiến, các trường đại học và các viện nghiên cứu không chỉ hợp tác để nuôi dưỡng tài năng, họ còn thu hút một số lớn kỹ năng chuyên môn và vốn đầu tư từ mọi nơi trên thế giới.
Mời chào người về làm quan không phân biệt trong hay ngoài
Kể từ khi mở cửa, Trung Quốc đã thu hút đáng kể số lượng chuyên gia, nhưng đa số là các nghiên cứu sinh, các học giả và kỹ sư đi tu nghiệp ngắn hạn. Họ thực sự đã đóng góp đáng kể, nhưng chúng ta vẫn cần phải có những người thực sự yêu mến đất nước Trung Hoa, tự nguyện ở lại làm việc lâu dài. Từ triều đại nhà Hán tới nhà Nguyên, Trung Quốc đã có chính sách mời người từ bên ngoài về làm quan. Thông qua sự trao đổi này, công nghệ đã có những phát triển lớn lao.
Sự cô lập ngày càng tăng của nhà Minh và nhà Thanh ảnh hưởng tiêu cực đến các học giả Trung Quốc, làm họ mất đi liên hệ với các học giả bên ngoài của châu Âu. Mặc dù các nhà truyền giáo đã mang theo một số công nghệ, nhưng đó không phải là những công nghệ tiên tiến. Trung Quốc cũng không gửi thanh niên ra nước ngoài theo học tại các cường quốc khoa học ở châu Âu, còn ở trong nước các học giả kiên quyết chống đối việc học hỏi phương Tây.
Giữa thời nhà Thanh, các học giả đã quá nhấn mạnh việc các tài liệu và sách toán học cổ đại mà thiếu tính sáng tạo, và vì thế làm cho công nghệ bị tụt hậu xa. Chân lý và công nghệ không phân biệt giữa phương Đông và phương Tây, nên khi tìm kiếm người có năng lực, ta không nên chỉ giới hạn một vài trường học hoặc các viện ở Trung Quốc, và hơn thế nữa không nên chỉ giới hạn vào người Trung Quốc, hay các học giả gốc Hoa.
Hoàng đế Minh trị của Nhật Bản lên ngôi trị vị năm 1868 và bắt đầu phát động phong trào Minh Trị Duy Tân. Với quyền lực tập trung, ông thề với cả nước Nhật sẽ canh tân nền giáo dục trong nước và theo đuổi việc học hỏi kiến thức trên toàn thế giới. Ông đã gửi nhiều học giả đi tu nghiệp ở nước ngoài, những người này sau đó đã trở về Nhật Bản để làm việc. Các nhà khoa học và kỹ sư ngoại quốc cũng được nước Nhật chào đón. Trong một khoảng thời gian ngắn đáng kinh ngạc, những thành tựu của Nhật Bản trong công nghiệp và công nghệ đã trở nên ngang tầm với phương Tây, và cho đến ngày nay, trên chính đất nước mình, Nhật bản đã có bảy người từng đoạt giải Nobel và ba giải Fields.
Trung Quốc hôm nay về kinh tế, chính trị, và trình độ dân trí đã vượt xa hiện trạng của Nhật Bản ở thời Minh Trị Duy Tân, và nếu giải quyết được các vấn đề liên quan tới sự phát triển khoa học và công nghệ một cách thích hợp, thì trong thời gian ngắn, đất nước này sẽ trở thành một người khổng lồ trong khoa học và công nghệ.
- Đặng Đình Thi (dịch)
-------------------------------------------------
* Đây là bài phát biểu của giáo sư Shing-Tung Yau tại Chiết Giang (Trung Quốc, 2002), sau đó đã được dịch sang tiếng Anh và đăng trên tạp chí Harvard Asia Pacific Review vào mùa thu năm 2002, tập 6, số 2. Giáo sư Shing-Tung Yau đã cho phép chúng tôi dịch sang tiếng Việt và phổ biến. Bản gốc có thể được tìm thấy tại http://www.hcs.harvard.edu/~hapr/fall02_science/index.html
** Tức Quản Di Ngô (thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên) là nhà triết học, nhà chính trị gia đời Xuân Thu và giữ chức Tể tướng nước Tề, trị nước bằng Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ. Ông nổi tiếng với "chiến lược không đánh mà thắng" mà một số người Tàu ngày nay gọi là "diễn biến hòa bình".
***Trong bản gốc đề là Shunzi, người dịch đã thảo luận với tác giả để hiểu Shunzi ở đây có nghĩa là Xunzi, là triết gia Tuân Tử vào thời Chiến quốc. Ông sinh ở nước Triệu, làm việc cho Tương Vương của nước Tề. Tuân Tử là một trong Bách gia chư tử và chính là thầy học của thừa tướng nhà Tần là Lý Tư.
****Câu thành ngữ này gốc trong Hán sử là "Phú quý bất quy cố hương như cẩm y dạ hành" nghĩa là "giàu sang mà không trở về quê thì cũng như mặc áo gấm đi đêm". Áo gấm là biểu tượng cho sự thành đạt trong học hành thi cử, các học trò cứ sau mỗi kỳ thi (hương, hội, đình) trở về quê để vinh quy bái tổ đều mặc áo gấm để tỏ rõ sự thành danh của mình trước hàng xóm láng giềng. Áo gấm chỉ mặc ban ngày, mọi người mới nhận thấy sự rực rỡ, lấp lánh của nó. Nếu mặc áo gấm ban đêm, gấm vóc không "tỏa sáng" được. Câu thành ngữ trong bài phê phán lối sống khoe khoang, phô trương không phải lối của người Tàu.
Nguồn: Tuần Viêtnamnet