Người Thái là một trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, cư trú chủ yếu ở vùng thung lũng chân núi, lấy kinh tế nông nghiệp trồng trọt làm nguồn sống chính, trong đó canh tác ruộng nước là chủ đạo. Vì thế, đối với người Thái, yếu tố nước luôn có vai trò hết sức quan trọng, thể hiện ở hai khía cạnh: nước phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi (tưới ruộng, nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản) và nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày (ăn uống, tắm rửa, giặt giũ…).
Sau ngày miền Bắc hoàn toàn được giải phóng (1954), cùng với chủ trương di dân từ miền xuôi lên miền núi khai hoang, phát triển kinh tế (như ở Tây Bắc, miền núi Thanh Hóa, Nghệ An), dẫn đến sự gia tăng về dân số; nhu cầu về gỗ làm nhà ở, đất sản xuất... cùng với việc chặt phá rừng làm nương bừa bãi của con người, khiến cho diện tích rừng ngày càng kiệt quệ, nhiều cánh rừng bạt ngàn trước kia, nay chỉ còn là đất trống, đồi núi trọc (vùng Tây Bắc chỉ còn 2,4 triệu ha), dẫn đến thiên tai hết sức khốc liệt (lũ quét, hạn hán, lốc xoáy), nhiều địa phương thiếu nước sản xuất và sinh hoạt nghiêm trọng. Chính vì thế, tìm hiểu, nghiên cứu tri thức dân gian, vì mục tiêu bảo vệ và khai thác tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên nói chung, tài nguyên nước nói riêng, phục vụ cho sự phát triển bền vững ở vùng miền núi, dân tộc hiện nay có ý nghĩa thực tiễn lớn lao.
2. Các khía cạnh liên quan đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước của người Thái
2.1. Nước là một trong những tiêu chí quan trọng để chọn nơi cư trú
Một trong những tiêu chí quan trọng đầu tiên khi chọn đất dựng nhà của người Thái là phải có/gần nguồn nước. Minh chứng cho điều này là cho dù hầu hết làng bản của người Thái đều được bố trí theo lối mật tập trong các thung lũng lòng chảo hay trải dài theo các sườn đồi, nhưng bao giờ nơi cư trú của họ cũng đều gắn với khe suối, gần nguồn nước, thuận tiện cho việc đắp mương phai để dẫn thủy nhập điền và nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
Nếu điểm qua các hình thái cư trú của người Thái, chúng ta thấy, nhiều tên bản thường được bắt đầu hoặc liên quan đến yếu tố nước (nặm) như: huổi (suối), bó (mỏ nước), xốp (miệng/cửa khe suối), noong (ao/hồ). Có thể kể ra hàng loạt tên các bản Thái có tiếp đầu tố nước này như: nặm Rốm, nặm Xan, nặm Xuông, huổi Nhu, huổi Cang, nặm Bó, bản Noong, Noong Lay, xốp Pu…
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bất cứ ở địa phương nào người Thái cũng có điều kiện làm ruộng nước, mà nhiều bộ phận phải sinh sống bằng kết hợp canh tác ruộng nước và nương rẫy, thậm chí có những nơi như Mường Tè (Lai Châu), tây Thanh Hóa, Nghệ An... một số lượng lớn họ phải sinh sống bằng canh tác nương rẫy, nhưng cho dù sinh sống bằng canh tác ruộng nước hay bằng nương rẫy là chính, thì những bản của họ bao giờ cũng thường bố trí gần khe suối, thuận tiện cho việc lấy nước sinh hoạt, đánh bắt cá, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm hàng ngày. Những bản gần kề sông suối, đóng vai trò trung tâm thường có tên gọi là bản Tá Đo (bến thuyền).
Người Thái cho rằng, nếu trong khuôn viên của gia đình nào mà có mỏ nước chảy ra, thì được xem như là nguồn của cải vô tận, gia đình đó sau này sẽ giàu có. Trái lại, nhà nào dựng trên mỏm gò đồi cao, quanh năm trơ trọi, thì đó là dấu hiệu của sự nghèo khó, làm ăn lụn bại. Chính vì thế, điều lý tưởng nhất để họ dựng nhà thường là những nơi đất đai bằng phẳng, gần sông suối.
Nước chẳng những là tiêu chí để chọn nơi cư trú, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc khai khẩn đồng ruộng, tạo điều kiện cho sự hình thành các đơn vị cư dân đông đúc. Những mường lớn xưa kia của người Thái ở Tây Bắc đều được hình thành trên cơ sở của các cánh đồng rộng lớn như câu tục ngữ: “nhất Thanh, nhì Lò, tam Tấc, tứ Than” vốn cũng đều là những vùng có hệ thống sông suối dày đặc, thuận tiện cho việc làm thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng, nuôi sống một lượng cư dân đông đúc. Tục ngữ Thái có câu: “có nước mới có mương, có mường mới có tạo” (mi nặm chắng mi mương, mi mường chắng mi tạo). Ngụ ý của câu tục ngữ này chính là nói lên vai trò và tầm quan trọng của nước như là yếu tố cố kết đối với việc hình thành thiết chế xã hội bản - mường của họ.
2.2. Nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất và chăn nuôi
Vốn là cư dân nông nghiệp làm ruộng nước, người Thái đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và tri thức dân gian phong phú trong việc khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu qủa nguồn nước thiên nhiên để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và chăn nuôi. Chính các kinh nghiệm và tri thức dân gian này đã làm nên một phần các giá trị văn hoá mang tính bản sắc tộc người của họ.
Xưa nay, chúng ta vẫn biết đến hệ thống thuỷ lợi nổi tiếng - mương phai, lái, lin và cọn nước - của người Thái. Về mặt này, họ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc khai thác và sử dụng nguồn nước tưới tiêu bằng phương pháp dẫn thuỷ nhập điền. Trong các khâu kỹ thuật liên hoàn, biện pháp thuỷ lợi luôn được người Thái đặt lên hàng đầu với ý thức, vai trò và tầm quan trọng: “có nước mới nên ruộng, có ruộng mới nên lúa” (mi nặm chắng pên na, mi na chắng pên kháu). Có thể nói, hệ thống thuỷ lợi mương phai của người Thái chẳng những là một trong những thành tố văn hoá vật chất, phản ánh những kinh nghiệm dân gian truyền thống đã được đúc kết, mà còn thể hiện bản sắc đặc trưng văn hoá tộc người của họ.
Mương là đường khai để dẫn nước từ miệng phai vào ruộng. Nguồn nước ở mương thường bắt nguồn từ việc đắp phai. Mặc dù với trình độ lao động thủ công trước đây, nhưng người Thái đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công việc đắp mương phai làm thuỷ lợi. Nhiều con mương nổi tiếng ở vùng Tây Bắc, tây Thanh-Nghệ dài hàng cây số vắt qua các triền núi, các chướng ngại vật để đưa nước về tưới cho đồng ruộng còn sử cho đến tận ngày nay.
Phai là một loại đập ngăn suối dựng bằng gỗ, nứa, rơm, rạ, đất... để dâng mực nước vào mương dẫn tới ruộng. Người Thái ví tầm quan trọng của phai qua câu nói “phai vỡ như cha chết” (pó tai khư phai lớ). Với nhận thức về mối tương quan đó, người ta đã khôn khéo đắp phai để dâng nước lên cao tới mức cần thiết đổ vào mương. Phai có nhiều loại: loại có đà và không có đà, tuỳ theo điều kiện địa hình mà họ đắp loại phai nào thích hợp.
Mương phai là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho sự bội thu hay thất bát của vụ lúa, cho nên việc đắp mương phai thường là công việc chung của bản. Tập quán quy định mọi thành viên trong bản đều phải có nghĩa vụ đắp và bảo vệ mương phai. Ở mỗi bản, công việc này thường do ông trưởng bản chỉ đạo, huy động và đôn đốc khi đến mùa đắp phai cũng như cắt cử người bảo vệ vào mùa lũ.
Lái là một dạng phai phụ thường được đắp trong các con mương để dẫn nước vào các triền ruộng, các thửa ruộng lẻ hoặc được đắp tạo dòng chảy, hướng vào guồng quay của cọn nước.
Lin là hệ thống máng dẫn nước vào ruộng, thường được làm bằng tre, luồng, thân vỏ cây cọ, thân gỗ đục, vỏ cứng bên ngoài của cây móc. Lin có tác dụng hứng nước từ guồng cọn nước đưa nước tới ruộng. Nói tóm lại lin cũng như một con mương dẫn nước vào ruộng. Thay vì không thể đào mương được vì chướng ngại vật hoặc vì quá xa, thì lin là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc dẫn thuỷ nhập điền. Muốn thế, lin phi được bắc trên một hệ thống giá đỡ chắc chắn. Giá đỡ này thường làm bằng gỗ hay tre luồng. Người ta cắm chéo hai cọc sâu xuống đất tạo thành hình chữ X rồi đặt lin lên trên chỗ 2 giao nhau của 2 cọc chéo.
Nhiều nơi, người ta còn phân biệt giữa lin và máng. Nếu làm bằng các loại thân cây đục rỗng, vỏ cây cọ, cây móc thì gọi là máng. Nếu làm bằng tre, nứa, luồng thì gọi là lin. Tuy nhiên, lin và máng đều có tác dụng như nhau. Nhiều khi, người ta phải bắc máng từ bên kia suối sang bên này suối để dẫn nước vào mương chảy tới ruộng. Trong trường hộp này, cứ cách nhau 5-6m, người ta phải đan một cái sọt hình trụ tròn, cao bằng tre nứa (đường kính từ 1.5 đến 2m, cao khoảng 2 m); sau khi đặt sọt dựng đứng, người ta dùng hai cọc gỗ lồng vào trong rồi chất đầy đá để giữ cho sọt vững chãi. Trên hai cọc gỗ được buộc các thanh ngang để 2 cọc không xê dịch và để nâng đỡ máng khỏi trũng. Kiểu làm máng vượt suối này cũng là sự sáng tạo của tư duy, kinh nghiệm lâu đời của người Thái trong việc làm thuỷ lợi.
Cọn nước (pặt nặm) là một sáng tạo văn hoá khá độc đáo trong hệ thống thuỷ lợi của các dân tộc Tày, Mường và Thái. Nó chẳng những thể hiện lối ứng sử trước môi trường canh tác mà còn chứng tỏ con người đã đạt được những thành tựu nhất định về kinh nghiệm trong lĩnh vực thuỷ lợi dân gian: cách tính toán lưu lượng nước, mô đun dòng chảy.
Cọn nước là công cụ phục vụ tưới tiêu được làm bằng tre, gỗ áp dụng theo nguyên tắc lợi dụng dòng suối chảy xiết để tạo ra một lực tác động làm cho guồng quay rồi đưa nước lên, đổ vào các chân ruộng cao. Khi guồng quay, các ống nứa buộc theo hình chéo tự múc đầy nước đưa lên đổ vào mương hay máng hứng để chy theo mương tới ruộng. Bởi vậy, muốn cho guồng của cọn nước quay, người ta phải đắp một cái phai nhỏ và mở con mương hay lối thoát theo hình chữ V để dồn cho nước chảy xiết đủ lực làm quay guồng cọn. Nhìn đại thể, con nước gồm hai bộ phận chính: trục bánh xe hay còn gọi là guồng quay (pặt) và hai cọc giá đỡ trục làm điểm tựa gọi là xau hay mé pặt.
Guồng quay được tạo ra từ một cái trục bằng gỗ lõi (vàng dành, táu, trai) gọi là lay, người ta buộc chéo liên tiếp những cây tre con làm 4 đến 8 lượt ở 2 phía trục tạo thành những tam giác (hình chữ V) với tâm là trục gọi là xào. Ở đầu những cây tre này được buộc một cái vòng tre hay dây rừng gọi là khớp. Khoảng cách từ tâm trục ra đầu cây tre hai bên dài bằng nhau. Khoảng cách từ tâm trục đến đầu cây tre cũng được buộc các vòng tre hình tròn (hai lần vòng tròn) để tạo thêm độ chắc, đảm bảo cho khi vận hành, các cây tre con không bị xê dịch. Ở đỉnh vành tròn được buộc liên tiếp các ống đựng nước theo thế chéo gọi boòng nặm. Dựng được khung guồng quay xong, người ta mới dựng giá đỡ.
Giá đỡ gồm hai lõi cọc được chôn cách nhau với một khỏang cách rộng vừa độ dài của trục quay. Hai cọc này có thể có ngoãm tự nhiên hay tự tạo bằng cách đcụ ở giữa đỉnh cọc để tạo ô vuông đặt trục. Nếu không thuận tiện để chôn thì người ta luồn hai chân cọc vào hai cái sọt tre đã đan sẵn, trong sọt tre đó được chất đầy đá tạo cho cọc vững chãi. Tuỳ theo chân ruộng cao hay thấp hoặc lòng suối nông hay sâu mà người ta làm cọc cao hay thấp, chu vi guồng rộng hay hẹp.
Dựng cọn nước là công việc đòi hỏi cẩn thận, mất nhiều thì giờ và đòi hỏi phi biết kinh nghiệm về vị trí đặt, lợi dụng nơi dòng chảy vì nó còn liên quan đến tính toán lưu lượng nước ở dòng suối nhiều hay ít khi bình thường hay khi có lũ lụt, cần đắp phai phụ hay không... Hơn thế, không phải vụ cày cấy nào cũng làm cọn mới... cho nên mỗi lần dựng cọn nước mới, người ta chọn cây, cọc... rất kỹ càng để đảm bảo sử dụng được nhiều vụ lúa.
Để có thể tương trợ nhau trong quá trình dựng cũng như xử lý, khắc phục những hậu quả khi lũ lụt, làm cọn đổ.... thường mỗi bản cùng dựng cọn nước vào những ngày nhất định tại một bãi bên cạnh suối. Vì thế, các cọn nước trong một bản thường đặt kề nhau, cái nọ nối tiếp cái kia, tạo thành một cụm “văn hoá cọn nước” trông rất đẹp mắt và vui tai vì khi vận hành nó thường phát ra tiếng kêu kẽo kẹt. Cụm “văn hoá” này người Thái gọi là pại pặt pừng (bãi cọn nước).
Việc sử dụng cọn nước đưa nước từ chỗ suối sâu lên cao chảy vào mương, máng rõ ràng người ta đã khắc phục được việc phaỉ tốn quá nhiều công sức để đắp phai, đào hàng trăm mét mương qua nhiều chướng ngại vật mà với lao động thủ công chưa khắc phục được. Cọn nước đã mang lại hiệu quả cao trong việc cung cấp nước cho các ruộng lúa. Cọn nước là một sáng tạo kỹ thuật của thuỷ lợi, một “công trình văn hoá” mang đậm bản sắc văn minh nông nghiệp thung lũng vùng chân núi.
Người Thái thường khai thác và sử dụng 2 nguồn nước phục vụ sản xuất đó là nước suối lớn, khe lạch (đối với ruộng 2 vụ) và nguồn nước mưa (ruộng 1 vụ). Hàng năm trước vụ cày bừa, mỗi nhà phải cắt cử 1 người tham gia công việc sửa chữa, nạo vét mương, phai. Khi có mưa lũ, gia đình ở gần phai phải có trách nhiệm đắp bịt miệng mương để gỉam bớt lượng nước chảy vào ruộng làm đổ lúa. Trường hợp phai bị hỏng thì cả bản đều phải tập trung sửa chữa, bảo vệ. Sau cơn lũ, ruộng thường bị khô, nên việc tập trung nạo vét lòng mương cũng là công việc chung của bản. Trước khi gặt khoảng 10 ngày, người Thái thường tháo nước cho ruộng khô để dễ gặt, đồng thời thu hoạch cá ruộng. Việc tháo nước cũng được quy đinh ngày cụ thể để các gia đình biết.
Việc phân phối nước từ mương vào ruộng ở mỗi bản đều do trưởng bản điều hành. Các gia đình có phần ruộng liền thửa không được tự ý khai rãnh riêng để tháo nước vào phần ruộng của mình mà phải tuân theo nguyên tắc: cho nước chẩy vào phần ruộng ở trên rồi mới chảy vào phần ruộng ở dưới cùng. Đối với những gia đình có ruộng riêng, việc đắp phai, đào mương dẫn nước vào tưới tiêu đồng ruộng đều do gia đình tự chủ động.
Ngoài phục vụ tưới tiêu, nước còn phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao nuôi cá. Trước kia, ở nhiều địa phương của người Thái thường có tập quán nuôi cá ruộng. Người ta vớt cá con ở sông suối, đem thả vào ruộng (cá rô phi, cá chép…). Sau khi đã cấy lúa, dùng các tấm nứa đan che chắn các rãnh thoát nước ở đầu bờ để cá khỏi vượt ra ngoài. Cứ như thế, cá sẽ lớn dần nhờ nguồn thức ăn thuỷ sinh và sinh vật phù du trong ruộng. Cách nuôi cá kiểu này vừa có tác dụng làm sạch ruộng, kích thích sự sinh trưởng của cây lúa, vừa không phải lo thức ăn nuôi cá. Trước khi gặt, người ta tháo hết nước cho ruộng khô, đồng thời thu hoạch cá. Cá thu hoạch được sẽ là một trong những lễ vật để cúng ma nhà trong lễ cơm mới.
Đối với bộ phận Thái canh tác nương rẫy là chính, thì nguồn nước mưa tự nhiên hàng năm là nguồn nước quan trọng nhất cho mùa vụ. Do là nguồn nước chính phục vụ cho canh tác nương rẫy, nên thời gian sinh trưởng của cây lúa nương và các giống cây trồng khác đều phaỉ gắn với mùa mưa. Vì thế, thời điểm canh tác của mùa vụ luôn phụ thuộc vào quy luật của thời tiết. Điều này có thể nhận thấy rất rõ qua bảng nông lịch của người Thái. Thật vậy, nương rẫy bao giờ cũng chỉ làm một vụ, trùng vào mùa mưa, để đảm bảo đủ lượng nước trong suốt thời kỳ sinh trưởng của cây trồng (phát nương từ tháng 3-4, đốt và gieo nương tháng 5, làm cỏ tháng 6-7 và thu hoạch tháng 9-10 âm lịch).
Việc căn cứ vào quy luật mưa nắng thường niên để thực hiện đầy đủ, kịp thời các khâu công việc trong sản xuất nông nghiệp cũng có thể xem như một hình thức tận dụng nguồn nước tự nhiên. Chính vì thế, việc đảm bảo thời vụ, đặc biệt là khâu đốt và gieo luôn được người Thái xem như một yếu tố quyết định của mùa vụ. Về mặt này, người Thái đã tích luỹ được những kinh nghiệm dân gian quý báu, mà qua đó họ có thể dự cảm và phán đoán được những thuận lợi cũng như những khó khăn, mùa vụ sẽ bội thu hay thất bát. Để nói đến yếu tố quyết định của thời vụ, người Thái thường phải hoàn thành khâu gieo lúa nương trong cuối tháng 5 Âm lịch để khi lúa mọc cao quá gang tay, kịp đón trận mưa rào đầu mùa Hạ, nước tràn qua bề mặt nương, cuốn lớp phân tro lấp lỗ tra hạt, kích thích sự sinh trưởng nhanh cho cây lúa. Cách thức gieo lúa theo kiểu chọc lỗ tra hạt cũng có tác dụng giữ được một lượng nước nhất định, đảm bảo đủ độ ẩm cho từng gốc lúa. Kinh nghiệm dân gian trong việc sử dụng có hiệu qủa nguồn nước, đảm bảo cho sự sinh trưởng của cây lúa ngoài lối canh tác luân canh bỏ hoá theo chu kỳ vòng quay khép kín, còn được thể hiện ở việc chọn đất để phát nương. Thật vậy, khi chọn đất làm nương, người ta thường chọn những nơi có địa hình vùng lòng máng, thoai thoải có độ dốc vừa phải khoảng 15-20%, ít bị giun đào bới, ít các loại dây xù xì; cây cối to cao vừa phi, có tán lá xanh, xum xuê… Cách chọn phổ biến là dùng dao cắm xuống đất rồi rút lên, nếu thấy đất bám dính vào dao, thì mảnh đất đó đủ độ ẩm, nếu đất không bán dính vào dao, thì mảnh đất đó quá khô, phải chọn nơi khác.
Từ phương thức chọc lỗ tra hạt, chuyển sang kỹ thuật dùng cuốc và cuối cùng là kỹ thuật dùng cày là một bước tiến trong quy trình canh tác, nhờ dùng cày, tầng cơ học của đất được thay đổi, việc trao đổi chất của cây trồng diễn ra tốt hơn. Tuy nhiên, cũng vì thế mà nó dễ thúc đẩy quá trình rửa trôi nhanh hơn, nhất là trên các triền nương dốc. Nhằm khắc phục tình trạng này, người dân không chỉ tăng cường độ phì của đất bằng các loại phân bón, mà còn cần phải tính toán để hạn chế lượng nước mưa tràn qua nương vào mùa mưa lũ. Để thực hiện mục đích đó, nhiều nơi người ta thường đào hệ thống đường hào xung quanh nương hoặc đào rãnh chéo thoát nước để hạn chế bớt lượng nước tràn qua mặt nương, xói mòn đất. Ở một khía cạnh khác, hệ thống đường hào còn có tác dụng như một hình thức bảo vệ cây trồng khỏi bị muông thú phá hoại.
Như vậy, hệ thống thuỷ lợi mương, phai, theo phương thức dẫn thuỷ nhập điền, phục vụ tưới tiêu cho các cánh đồng ở vùng đồng bằng, thung lũng hay các triền ruộng bậc thang của người Thái trước hết là những tri thức và kinh nghiệm dân gian quý báu. Nó chứng tỏ khả năng thích ứng với môi trường, cảnh quan cư trú và đã được tích luỹ qua nhiều thế hệ của cư dân nông nghiệp trồng trọt. Hệ thống thuỷ lợi của Thái thể hiện thể hiện những sắc thái riêng của nền văn minh lúa nước ở Đông Nam Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Đây là cách thức tối ưu về giải pháp tưới tiêu của họ. Những con mương dài hàng cây số, những cọn nước của người Thái vẫn còn được sử dụng cho đến tận ngày nay, chứng tỏ họ là những “kỹ sư thuỷ lợi” thực sự tài ba, nhất là trong điều kiện trình độ khoa học, kỹ thuất chưa phát triển thời bấy giờ.
2.3. Nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt
Ngoài phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi, nước còn là nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể thiếu trong sinh hoạt của các dân tộc nói chung, người Thái nói riêng. Thật vậy, ngoài ăn, uống, nấu nướng, tắm giặt hàng ngày, nước còn cần cho vận hành cối giã gạo, chạy máy thuỷ điện nhỏ hay cao hơn nữa nước còn dùng để tưới cây cối...
Nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt thường lấy từ sông, suối, nước mưa, nước mỏ, ao hồ hoặc đào giếng. Tuy nhiên, chúng ta có thể phân ra thành hai nhu cầu sử dụng khác nhau: dùng để ăn (nấu nướng, nước nước lã hoặc đun nước sôi, pha chè) và dùng để tắm, giặt cùng các mục đích khác (vận hành cối giã gạo, chạy máy phát điện). Tuỳ theo từng địa bàn cư trú, các loại nguồn nước sẵn có ở từng địa phương, tập quán và thói quen của từng nơi mà người ta có thể khai thác và sử dụng các nguồn nước nói trên vào mục đích khác nhau. Theo đó, ở nhiều nnơi, nước ăn và nước tắm gịăt được người dân lấy từ bến nước chung của bản. Cách sử dụng nước này khá phổ biến đối với hầu hết người Thái. Ngoài dùng để ăn, người ta cũng sử dụng luôn nguồn nước này để tắm giặt. Đương nhiên, vị trí tắm giặt bao giờ cũng phải ở cuối nguồn. Người dân thường lấy nước vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Nước được hứng vào các ống nứa, vầu vác về nhà hoặc nay có thêm thùng tôn, thùng nhựa để chứa. Cũng có nơi, người ta phân ra thành hai nguồn nước ăn và nước dùng để tắm giặt. Nước ăn chủ yếu lấy từ đầu nguồn từ khe suối được coi là đảm bảo vệ sinh hơn hoặc chỉ dùng nguồn nước mỏ (nước mạch ngầm). Còn nước dùng cho nhu cầu tắm giặt thì thì chủ yếu sử dụng nước sông, suối. Để có nước sử dụng, người ta nạo vét, kè đá quây xung quanh một vũng nước đầu nguồn, lắp hệ thống máng dẫn đưa nước về tận nhà. Nguồn nước sử dụng có thể lấy từ một nơi chung của cả làng hoặc cũng có thể từng gia đình lấy một nơi riêng. Ngoài để ăn, người ta thường sử dụng để tắm giặt luôn ngay tại nhà.
Nếu như trước kia, người Thái chỉ có tập quán và thói quen sử dụng nguồn nước lộ thiên sẵn có, thì ở nhiều nơi, sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc (1954), nhờ tác động của phong trào “ăn chín, uống sôi”, nhiều nơi đã chuyển từ thói quen uống nước lã sang uống nước sôi. Theo đó, phong trào đào giếng và ăn nước giếng cũng được phổ biến ngày càng sâu rộng. Có thể nói, cho đến nay, hầu hết người Thái đã phổ biến việc dùng nước giếng để ăn, tắm giặt. Có nơi đã sử dụng nguồn nước sạch từ kinh phí và ngân sách hỗ trợ của các dự án Nhà nước, quỹ của UNICEP, các tổ chức quốc tế như PAM, OXFAM… Các bể nước công cộng được xây dựng ở nhiều làng bản, nhu cầu sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh của họ được cải thiện đáng kể.
Không chỉ cung cấp nước cho sản xuất, cho nhu cầu sinh hoạt của con người và gia súc, nguồn nước ở các khe suối còn được người Thái tận dụng để vận hành cối giã gạo. Người ta dựng lều có mái che hoặc không có mái che rồi làm cối ngay cạnh bờ sông, suối, sau đó đắp phai hướng dòng chảy vào một lối để lợi dụng sức nước làm quay quạt giã gạo. Buổi sáng, người ta chỉ cần đổ thóc vào cối rồi cho vận hành, đến chiều mang thúng ra để gạt lấy phần thóc đã giã, sàng sẩy là có gạo nấu ăn. Với cách thức này, người ta đã tiết kiệm được đáng kể công sức mệt nhọc của người phụ nữ để dành vào các công việc khác.
Khoảng trên chục năm trở lại đây, ở nhiều địa phương, người Thái đã mua được máy phát điện loại nhỏ (máy Trung Quốc công suất từ 0,5 đến 1-1,5 kw) chạy bằng sức nước. Bà con lợi dụng nguồn nước của các khe suối, đắp thành đập nhỏ, hướng dòng chảy vào để vận hành máy lấy điện thắp sáng, phục vụ sinh hoạt, chạy Radio, Video, Ti vi, quạt điện và phục vụ dệt vải cũng như việc học hành của con cái. Trong nhiều năm tới, những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng cung cấp nguồn điện lưới Quốc gia, thì thủy điện nhỏ vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống sinh hoạt của người dân.
3. Các phong tục, tập quán liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của nhu cầu nước đối với đời sống của con người, nên từ xa xưa, người Thái đã đặt ra những quy định khá cụ thể trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên nước. Những quy định này thể hiện trong phong tục, tập quán, luật tục (Hịt khoong), liên quan đến hai khía cạnh: nước sản xuất và sinh hoạt. Nói một cách khác, Hịt khoong bản mường của người Thái được xem như là ý thức hệ của tư duy và lối sống, điều tiết và phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người, thông qua tấm gương, hệ quy chiếu của môi trường thiên nhiên; phản ánh cách ứng xử của họ đối với môi trường thiên nhiên.
3.1. Đối với nước phục vụ sản xuất và chăn nuôi
Cho dù canh tác ruộng nước hay nương rẫy là chính, song nhu cầu nước cần cho sản xuất và chăn nuôi là hết sức quan trọng. Thiếu nước, nghĩa là mùa màng sẽ thất bát, nên trong xã hội cổ truyền của người Thái, những quy định liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước luôn được thể hiện trong luật tục hay các nghi lễ, tìn ngưỡng nông nghiệp hàng năm của họ.
Ở người Thái, tổ chức xã hội được chia thành các mường (mường to, mường nhỏ), mỗi mường gồm nhiều bản. Xã hội đã phân hoá thành tầng lớp quý tộc và người dân thường. Trên danh nghĩa, đất đai, rừng, tài nguyên đều thuộc về toàn mường (sở hữu công cộng) mà chẩu mường (chủ đất) là người đại diện. Bên cạnh chứa đựng những tri thức dân gian về quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong luật tục của người Thái thường thiêng hoá bằng cách gán cho các khu rừng cấm những câu truyện thần bí, những kiêng kỵ… mà người nào vi phạm sẽ bị ma làm hại.
Chẳng hạn, Luật tục Thái Đen Thuận Châu nêu rõ: “Mường trong mường là Chiêng Ly Mường Muổivà các mường ngoài trong châu Muổi, chỗ nào cũng có thần phù hộ cho bản, cho mường của mình.Mường nàocũng có minh bản nen mương (Minh và Nén là gốc của linh hồn TG), có khúc sông sâu suối lớn nơi chứa đựng các loài cá, có núi rừng rợp bóng bản mường...” .
(1)
Để bảo vệ nguồn nước sản xuất, luật tục “hịt khoong” ở từng mường của người Thái có những quy định về trách nhiệm và những hình thức xử phạt đối với những người vi phạm nguồn nước. Đó là cấm tất cả mọi thành viên trong cộng đồng bản - mường phát rừng đầu nguồn (rừng gỗ quý, rừng măng, vầu…) làm nương. Luật tục của người Thái Đen ở Mường Muổi (Thuận Châu, Sơn La) quy định: “Mường Muổi có núi Khâu Tú là núi để tế cụ chủ Ăm Poi, là chủ họ ngoại của tạo chủ hồn mường... Đầu mường có “rừng hồn chiềng” gọi là cửa Xen là nơi rừng cấm thiêng rộng lớn, cây to cổ thụ mọc san sát... Cuối mường có “rừng hồn chiềng” gọi là cửa Pọng, cũng là rừng cấm kiêng rộng lớn cây to cổ thụ mọc san sát... Cạnh mường còn có khu rừng mang tên Chiêng Kẻo là khu rừng tha ma của mường cũng là rừng kiêng cấm không được chặt phá...”(2)Đối với các khu rừng già, việc kiêng cấm chặt phát cũng được luật tục quy định rõ ràng: “Vùng đất còn có rừng sâu, là nơi trời đặt cho người trần gian chuyên kiếm ăn, còn khu rừng cấm đầu nguồn nước, nơi ở của ma thiêng, không được phát bừa bãi” (3).)
Vì thế, ở một số địa phương, chính nhờ những điều kiêng kỵ này mà những khu rừng cấm trước kia vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay, góp phần vào việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.
Luật tục Thái còn có những điều quy định rất cụ thể đối với các hình thức tháo nước ruộng của người khác để ăn cắp nước. Chẳng hạn, trong Luật mường của dòng họ Hà Công ở Mai Châu, Hoà Bình ở điều 1: Luật lệ về việc tranh chấp ruộng có ghi: “Nếu tháo nước ruộng của người khác để ăn cắp nước, người tháo nước phi chịu phạt 1 lạng bạc, kèm theo rượu, lợn và 1 đồng cân bạc, kèm rượu, gà cúng vía cho chủ ruộng. Nếu phạm tội tháo ống dẫn nước ở bờ ruộng người khác để ăn cắp nước, người tháo phi chịu phạt 3 lạng bạc, kèm theo rượu, lợn và 1 đồng cân bạc, kèm rượu, gà để cúng vía cho chủ ruộng”.
Để có nước sản xuất, ngoài các quy định cấm phát rừng đầu nguồn, một trong những nghi lễ nông nghiệp phổ biến ở người Thái là lễ cầu mưa, nhất là khi có hạn hán. Cũng có khi, việc cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu thường được kết hợp trong các nghi lễ chung của cộng đồng, qua việc cúng tế các thần linh, thần núi, thần sông, suối như lễ cúng bản cúng mường. Trong luật tục Thái Đen Thuận Châu, lệ quy định rõ lễ vật cúng trong dịp xên mường như sau: “ Phải có 2 trâu đen, 1 trâu trắng. Con trâu đen tế cho chủ nước ở Pák Nặm Bôm (suối chảy nhập vào Nặm Muổi); con trâu trắng tế chủ đất núi Đán Luông là nơi ngụ của hương hồn chủ đất mường và cụ chủ họ ngoại của tạo ở Khau Tù Ăm Poi...”(4).
Đây cũng là một trong những yếu tố thể hiện mối quan hệ và cách ứng xử để thích ứng giữa con người với môi trường trong việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có nguồn tài nguyên nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp ở người Thái.
Theo quan niệm của họ, phai là nơi trú ngụ của vị “chủ con suối” (chầu nặm). Chủ suối được người ta cụ thể hoá trong hình tượng con thuồng luồng (tô ngược). Vị “chủ suối” là người quyết định sự tồn tại của phai, nên muốn cho phai vững chãi không bị lũ lụt làm vỡ, hàng năm người ta phải làm lễ cúng phai vào tháng 8 hoặc kết hợp trong dịp cúng bản, cúng mường.
Lễ cầu mưa của người Thái thường được tổ chức bên cạnh bến nước, do một người đàn bà goá (me mải) chủ trì cùng với một nhóm trẻ em. Người ta đào một cái hố trên cạn, dùng mo cau đóng bịt kín miệng lỗ rồi lấy lá cau chọc thủng sâu xuống dấy hố, sau đó, người đàn bà goá và nhóm trẻ em cùng túm lấy đuôi lá cau (tượng trưng cho đuôi rồng- hang ngược) kéo ngược lên, đồng thời hò reo chạy xuống suối té nước vào nhau với ngụ ý chọc tức rồng làm mưa.
3.2. Đối với nước sinh hoạt
Nếu như nước phục vụ sản xuất có thể khai thác và sử dụng ở bất kỳ nguồn nào (nước sông, suối, khe lạch, ao hồ, nước mưa), thì nước sinh hoạt cần phi được đảm bảo vệ sinh hơn (nước đầu nguồn của các khe, suối, nước mỏ, mạch ngầm, nước mưa, nước giếng…). Vì thế, việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cũng thường được chú trọng hơn. Các quy định về bảo vệ nguồn nước sinh hoạt (đặc biệt là nước ăn) cũng cụ thể và chặt chẽ hơn trong luật tục của từng mường. Việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt bao gồm những quy định cấm không được làm bẩn nguồn nước, đặc biệt là tại các bến nước dưới mọi hình thức như: chăn thả trâu bò, chôn người chết, thả các loại thuốc độc (vôi bột, duốc cá) phóng uế, vứt xác súc vật chết, giết mổ gà lợn, vớt nhau trẻ mới đẻ, đào bới, tắm giặt (nhất là sản phụ đang trong thời kỳ ở cữ)… phía đầu nguồn và xung quanh khu vực bến, mỏ nước. Người vi phạm lần đầu có thể bị nhắc nhở, nhưng nếu tái phạm mà bị bắt quả tang sẽ bị phạt vạ theo quy định chung của bản.
Trong Luật mường (Hịt khoong mương) của Mường Mụak (huyện Mai Sơn, Sơn La), Điều I, Luật về tranh chấp ruộng quy định: “Nếu tháo nước ruộng của người khác (bộc táng nà: tháo chỗ nước chảy ở bờ ruộng) để ăn cắp, người tháo nước phải phạt 1 lạng bạc, kèm theo rượu gà cúng vía cho chủ ruộng. Nếu phạm tội dỡ ống dẫn nước ở bờ ruộng người khác (bộc ống táng nà: tháo ống nước đặt qua bờ ruộng) để ăn cắp nước phải phạt 3 lạng bạc, kèm theo rượu, gà để cúng vía cho chủ ruộng”. (6)
Vào dịp tết Nguyên đán hàng năm, người Thái có tập quán làm lễ gọi hồn (hiếc khoăn) cho các thành viên trong gia đình. Địa điểm để gọi hồn được tiến hành tại bến nước chung của bản. Sáng mồng Một, các bà vợ thường dậy thật sớm, ra bến nước múc lấy một ống nước suối gọi là nước năm mới (nặm pi mớ), đem về cho con cháu trong gia đình rửa mặt.
Ngày nay, việc quản lý và bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt ở người Thái đã trở thành quyền lợi và trách nhiệm chung của mọi người, trong đó vai trò và trách nhiệm chính do Ban quan lý ở các thôn bản điều hành và đã được cụ thể trong các bản quy ước chung.
Tóm lại, tri thức dân gian của người Thái trong việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước chẳng những là nguồn tư liệu gốc để nghiên cứu xã hội truyền thống tộc người, phản ánh bản sắc văn hoá/di sản văn hoá, mà còn thể hiện cách ứng xử xã hội và quản lý cộng đồng của họ.
Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, mọi mặt của đời sống xã hội vùng người Thái đã và đang có nhiều thay đổi, các thiết chế và quan niệm xã hội mới xuất hiện, nhưng phong tục, tập quán, luật tục “Hịt khoong” của người Thái ở nhiều địa phương vẫn giữ nguyên giá trị tích cực của nó. Vấn đề cơ bản ở đây chính là làm thế nào để kết hợp được hai nguồn tri thức dân gian và tri thức hiện đại trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nói chung, trong đó có nguồn tài nguyên thiên nhiên nước, phục vụ cho sự phát triển bền vững của dân tộc.
(1) Dẫn theo Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, Luật tục Thái ở Việt Nam, Nxb VHDT, H,2003, tr. 583.
(2) Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, TL ĐD, tr. 584
(3) Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, TL ĐD, tr. 584
(4) Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, TL ĐD, tr. 584
(5) Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, TL ĐD, tr. 584
(6) Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, TL ĐD, tr. 660