Diễn đàn

Bàn lại cách dịch bài thơ NAM QUỐC SƠN HÀ

Sách sử Việt nam còn đầy dẫy những nghi vấn, những sai sót kinh khủng cần phải đính chính lại, đây là điều hiển nhiên, nhưng chúng ta chưa đủ can đảm, chưa đủ trách nhiệm, chưa đủ khả năng để giải quyết những vấn nạn đó. Nếu có ai vì chân lý đề xuất cách viết lại lịch sử cho đúng với sự thật là chuyện đáng hoan nghênh.

Trong tinh thần đó việc GS Nguyễn Tài Cẩn trăn trở về việc dịch lại bài thơ “Nam quốc sơn hà” rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên qua bài “Cần dịch lại bài thơ Nam Quốc sơn hà…”  Nguyễn Hùng Vĩ (Văn hoá Nghệ An số 193 25/3/2011 và www.vanhoanghean.com.vn) muốn đi tiếp đề tài này đã có những đề xuất không ổn cần phải bàn lại.

 
Theo Nguyễn Hùng Vĩ : “Văn bản bài thơ ở bản ghi Đại Việt sử kí toàn thư (bản xưa nay vẫn được coi là bản thông dụng nhất), phải được phiên và dịch là:
 
                                   Nam quốc sơn hà nam đế cư
                                   Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
                                   Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
                                  Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
 
Dịch nghĩa là:
 
                                  Sông núi nước Nam, Nam đế quản trị
                                  Hiển nhiên đã định phận tại thiên thư
                                  Cớ làm sao bọn giặc ngỗ ngược đến xâm phạm
                                  Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư?!
 
Rõ ràng là lời của Thần Trương Hống Trương Hát nói với quân ta. Thần nêu ra chân lí hiển nhiên, thần nhận rõ tình thế hiện tại, thần khích lệ, kích động quân ta chiến đấu vì độc lập dân tộc. Ở đây hoàn toàn không phải hướng đến quân giặc để phát ngôn. Ta hãy xem Đại Việt sử kí toàn thư chép: “ Tục truyền rằng Thường Kiệt đắp lũy làm rào ở dọc sông để cố giữ. Một đêm các quân sĩ chợt nghe trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm to rằng: Nam quốc...”. Việt điện u linh cũng ghi về hoàn cảnh tương tự như vậy.
 
Quả nhiên có sự nhất quán giữa hoàn cảnh và phát ngôn. Đền ở bên này sông. Người nghe là quân sĩ của chúng ta. Người phát ngôn là Thần, người tiếp nhận là quân sĩ. Tính chất của lập luận cũng sáng rõ nếu ta so nó với Tì tướng hịch văn của Trần Hưng Đạo, hướng về nỗi nhục của thất bại, nỗi nhục của vong quốc để khích lệ tì tướng.
 
Nói thêm rằng, hai chữ nhữ đẳng có thể dịch là chúng người, các ngươi, các người, chúng mày, chúng bay… đều được cả. Trong ngôn ngữ cổ, nó không có ý miệt thị để chỉ quân giặc như tiếng Việt hiện đại, mà đó là cách xưng hô thường tình của bậc trên với hạng dưới. Trích một đoạn sau đây trong bức thư chữ Nôm của Lê Lợi gửi quần thần thì sẽ rõ:
 
“Kẻ làm công thần cùng Trẫm bấy nhiêu! Chúng bay chịu khó nhọc mà được nước ta. Chúng bay đã chịu khó công, cùng Trẫm đói khát mà lập nên thiên hạ, đến có ngày rày mà được phú quý. Chúng bay cũng phải nhớ công Lê Lai hay hết lòng vì Trẫm mà đổi áo cho Trẫm, chẳng có tiếc mình cùng Trẫm, chịu chết thay Trẫm". (La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn. Tập 2. Trang 600). Lê Lợi gọi công thần khai quốc là chúng bay được thì ắt hẳn Thần cũng có thể gọi như vậy với tướng sĩ phía quân ta. Chúng tôi vẫn chọn chúng bay để dịch nhữ đẳng là vì thế.
 
Tập hợp sự nhất quán nhiều yếu tố:
 
   -Hoàn cảnh phát ngôn: Chiến trận trong tình thế giằng co quyết liệt.
 
   -Không gian phát ngôn: Trong (hoặc trên như dị bản khác) đền ở phía quân ta.
 
   -Chủ thể và tư cách phát ngôn: Thần Trương Hống Trương Hát hiển linh giúp quân ta.
 
   -Hướng phát ngôn: Cho quân ta.
 
   -Đối tượng tiếp nhận phát ngôn: Quân ta.
 
Lẽ hằng nhiên, hai câu thơ cuối trong bài được chúng tôi dịch như trên là hữu lí”. (hết trích)
 
Từ trước bài thơ đều được dịch ở tư thế nói với quân Tống là quân xâm lược:       
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách Trời
Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm
Chúng bay sẽ thất bại tơi bời.
 
Đến nay Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng đối tượng tiếp nhận bài thơ là quân ta nên hai câu cuối phải dịch là:                                 
                                   Cớ làm sao bọn giặc ngỗ ngược đến xâm phạm
                                  Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư?!
Đấy là do hai cách nhìn đối nghịch nhau mới tạo nên sự khác biệt như thế.
Vậy thì bài thơ được tiếp nhận bởi đối tượng nào là đúng, quân thù hay quân ta, với Nguyễn Hùng Vĩ chỉ được chọn một, thế nhưng bài thơ có thể thích hợp với cả hai đối tượng cho cả quân thù và cho cả quân ta được không?
Bài thơ thuộc dạng chiến tranh tâm lý tác động phải chính xác, vì chuyển tải bằng thơ nên phải ngắn, gọn người nghe phải trực nhận vấn đề được đặt ra không cần phải giải thích vòng vo đánh đố đối tượng, nếu để hiểu bài thơ mà phải mất nhiều năm trường để thấu triệt thì nhiệm vụ của bài thơ quá thất bại. Về trường hợp xuất hiện bài thơ Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh. Đến sông Như Nguyệt, đánh tan địch. Quân Tống bị chết đến hơn ngàn người…(tục truyền rằng Thường Kiệt đắp lũy làm rào ở dọc sông để cố giữ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm to rằng:
 
                                   Nam quốc sơn hà nam đế cư
                                   Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
                                  Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
                                  Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Rồi sau quả nhiên thế”. ( trích ĐVSKTT)
 
Hiệu quả của bài thơ đã được xác nhận “sau quả nhiên thế”. Thế là thế nào?
-Nếu đối tượng bài thơ là quân thù mà hiểu câu cuối khẳng định chúng thất bại, bị đánh tơi bời thì “quả nhiên thế” là thích hợp.
 
-Nếu đối tượng là quân ta mà hiểu câu cuối là: “Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư?!” thì không thể “quả nhiên thế” được, quân ta thắng trận chứ đâu có chịu chuốc lấy thất bại. Nếu “quả nhiên” “chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư ?!” thì chúng ta lại phải chịu Bắc thuộc lần  nữa rồi. Không ai lại khích tướng bằng câu tiêu cực “chúng nó sang xâm lấn, chúng mày chịu thua” chí ít cũng phải nói “chúng nó sang xâm lược, chúng mày chịu thua à ?!” mới có chút ngữ khí để kích động chứ, câu “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” là câu khẳng định phải dịch “chúng mày xem ra chịu chuốc bại hư”, không có ? không có !, các dấu ? ! là do Nguyễn Hùng Vĩ thêm vào để làm rõ ý đồ thông dịch của mình, chứ bản thân câu thơ không có ngữ khí đó. Giữa chiến trường tác dụng tâm lý phải tạo hiệu ứng tức thì như mũi tên buông ra là phải trúng ngay đích, thì giờ đâu mà lật ngang lật ngửa câu chữ.
 
Nếu câu “ Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư?!” để nói với quân ta thì chắc là tinh thần quân ta lúc bấy giờ hẳn là bạc nhược lắm, họ ngần ngại, e dè, sợ sệt không dám đánh. Nhưng có phải thế không?
Trận Như Nguyệt xảy ra vào tháng 3 năm Bính Thìn (1076), một năm trước đó (Ất Mão, 1075) Lý Thường Kiệt cùng Tôn Đản đã điều 10 vạn tinh binh đánh chiếm các châu Khâm, châu Liêm, châu Ung khiến nhà Tống lao đao khiếp đảm, phải nói là quân ta thời đó rất thiện chiến, họ lập nhiều chiến công oai hùng khó có triều đại nào sánh kịp, vậy thì tinh thần chiến đấu của binh lính thời Lý rất là kiên cường, họ đâu ngại đoàn quân xâm lược của Quách Quỳ, nếu dùng câu ‘Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” để khích tướng “ Mà chúng bay, xem ra lại chịu chuốc lấy bại hư” nói với quân ta thì rất phi lý.
 
 Hơn nữa dịch theo lối hiểu truyền thống thì toàn bài mới nhất quán, câu 1 và 2 khẳng định chủ quyền tuyệt đối, câu 3 tố cáo tội ác quân xâm lược, câu 4 tất nhiên phải liên ý với 3 câu trên đương nhiên là phải cảnh cáo, răn đe kẻ thù, như thế mới gọi là đánh đòn tâm lý mượn âm phù để làm rối loạn quân địch hầu đưa đến thắng lợi nhất định. Bài thơ vừa gây niềm tin cho quân ta vừa đe nạt quân thù, chứ không nhất thiết chỉ nói với quân ta.
Trong một trận chiến trước khi đánh nhau bao giờ người ta cũng cho gián điệp trà trộn vào phía đối phương để thu thập tin tức cho nên đòn tâm lý đó cũng nhằm tạo khiếp đảm nơi kẻ thù là ta có thần nhân hộ trợ.
Theo Nguyễn Hùng Vĩ  “Hành khan được sử dụng với 2 nghĩa chính:
 
    -Nghĩa 1: Tương tự như thả khan, có thể hiểu sang tiếng Việt là vả xem, xem ra. Hàn Dũ (768 – 824), nhà thơ đời Đường trong bài Lâm Châu kỳ vũ viết: Hành khan ngũ mã nhập / tiêu táp dĩ tùy hiên. Có thể dịch là Xem ra năm ngựa vào / Xơ xác dựa theo xe.
     -Nghĩa 2: Tương tự như hựu khan với nghĩa Việt là lại xem. Giả Đảo (779 – 843), nhà thơ đời Đường trong bài Tống khứ Hoa pháp sư viết Mặc thính hồng thanh tận / Hành khan diệp ảnh phi. Có thể dịch là Lặng nghe tiếng ngỗng dứt / Lại xem bóng lá bay”.( hết trích)
 
Với nghĩa 1: Có lẽ nên dịch thả khan = hành khan là hãy trông hoặc thử xem thì chính xác hơn là xem ra, câu “hành khan ngũ mã nhập” nên dịch “hãy trông năm ngựa vào”
Với nghĩa 2:  hai câu “Mặc thính hồng thanh tận/ Hành khan diệp ảnh phi” là
Hai câu đối nhau nên mặc thính (lặng nghe) ở dạng tịnh thì hành khan phải ở dạng động không thể dịch lại xem (tương đương với hựu khan, phục khan) mà chỉ có thể dịch là ngó xem hay rán nhìn. (Lặng nghe tiếng ngỗng dứt/ rán nhìn bóng lá bay).
 
Vậy nên không thể quả quyết như Nguyễn Hùng Vĩ đã kết luận.
 
Thời Nguyên, thiền sư Liễu Am Thanh Dục có hai câu thơ:
“Thụy khởi hữu trà cơ hữu phạn, 
Hành khan lưu thủy tọa khan vân”
(Thức dậy có trà, đói có ăn,
Đi xem nước chảy, ngồi xem mây)
Câu “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” cũng có dạng như vậy:
“Hành khan xâm phạm, thủ khan hư”
(Nhữ đẳng hành khan (xâm phạm), (nhữ đẳng) thủ khan bại hư)
Có thể nên dịch là “chúng bay cứ thử gây hấn đi, chúng bay sẽ chuốc lấy bại hư (thất bại ,xôi hỏng bỏng không).
Bài này còn có dị bản, Lĩnh Nam chích quái cho biết bài này đã có trước sự kiện xảy ra ở trận sông Như Nguyệt:
 
“Năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời Lê Đại Hành, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cầm đầu đạo quân xâm lược nước Nam. Đến sông Đại Than, hai bên đối lũy, cầm cự với nhau. Lê Đại Hành được mộng báo của thần Trương Hống - Trương Hát: “Nay quân Tống phạm cõi, làm khổ sinh linh nước ta, cho nên anh em thần đến yết kiến, xin nguyện cùng nhà vua đánh giặc để cứu sinh linh”. Canh ba đêm sau, trời tối đen, mưa to gió lớn đùng đùng... hai đạo âm binh áo trắng, áo đỏ cùng xông vào trại giặc mà đánh. Quân Tống kinh hoàng. “Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng:
 
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm
Bạch nhẫn phiên thành phá trúc dư”
 
Dịch là:
 
Núi sông nước Nam, vua nước Nam ngự trị
Điều ấy trời đã định rõ trong sách trời
Cớ sao giặc Bắc sang xâm lược
Bay sẽ bị lưỡi gươm sắc chém tan như chẻ tre” ( trích theo Bùi Duy Tân).
 
Tạm dịch:
Sông núi nước Nam, Nam đế cư
Hoàng thiên đã định tại thiên thư
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm
Gươm bén phanh thây bay nát nhừ.
           (Nguyễn Thiếu Dũng dịch)
 
Hai bài tuy khác nhau câu cuối nhưng nội dung cả hai câu cũng cùng một ý “đe dọa làm quân Tống rối loạn”. Bài này bài kia làm rõ tính nhất quán toàn bài.
 
Với tinh thần như vậy thiết nghĩ cách dịch bài Nam Quốc Sơn Hà theo truyền thông vừa chính xác vừa dễ hiểu hơn, thuận lý hơn.
Sai thì nên sửa là điều hay, nhưng đúng rồi thì chẳng nên cách tân làm gì.
 
Để kết thúc lời lạm bàn, xin tạm dịch bài Nam Quốc Sơn Hà như sau:
  
I- Bản dịch 1:
Sông núi nước nam,nam đế cư
Rành rành phận định tại thiên thư
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay rồi sẽ chuốc bại chừ
 
II- Bản dịch 2:
Vua Nam riêng ngự nước Nam
Sách trời định vậy dễ làm khác đâu
Bọn người xâm lược mưu sâu
Chúng bay rồi sẽ chuốc sầu bại vong
 
                      Nguyễn Thiếu Dũng dịch
 
Tài liệu tham khảo:
1)     Nguyễn Hùng Vĩ : “Cần dịch lại bài thơ Nam quốc sơn hà…”
     2) Bùi Duy Tân “ Nam quốc sơn hà và quốc tộ -hai kiệt tác văn chương chữ Hán ngang qua triều đại Lê Hoàn” http://nguyenxuandien.blogspot.com/
3)     Đại Việt sử ký toàn thư
4)     Hán ngữ đại từ điển
 
 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511420

Hôm nay

283

Hôm qua

2336

Tuần này

21794

Tháng này

218293

Tháng qua

121356

Tất cả

114511420