Diễn đàn

Văn hóa đọc, đừng lạc quan tếu!

Sự kiện Ngày hội sách Việt Nam “Đọc sách cho ngày mai” diễn ra tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám và lan rộng khắp cả nước trong tháng tư này, nhằm khơi dậy văn hóa đọc của người Việt- như ông Đỗ Quý Doãn thứ trưởng Bộ TT&TT đã nói, là một sáng kiến hay, rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên khi thấy hàng vạn người tham gia Ngày hội sách, một thành viên Ban tổ chức đã khẳng định: “Văn hóa đọc không chết mà đang phát triển”, thì đó là niềm lạc quan thái quá, có phần ảo tưởng.

Nếu hiểu văn hóa đọc bao gồm ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của cá nhân và cộng đồng thì việc hàng vạn người tham gia Ngày hội sách chỉ chứng tỏ được phần nào ứng xử của cộng đồng đối với sách chứ khó có thể khẳng định văn hóa đọc nước nhà đang phát triển. Đấy là chưa nói đến một sự kiện thu hút nhiều người tham gia rất nhiều khi vì nó được tổ chức hấp dẫn, thú vị chứ không phải sự hấp nội tại của chính sự kiện đó. Trong trường hợp này, Ngày hội sách có thể rất hấp dẫn, nhưng sách không chắc đã là mối quan tâm của người đọc.

Cũng vậy, nếu dựa vào số liệu 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã, 10.000 điểm bưu điện văn hoá xã trong các báo cáo để khẳng định nền văn hóa đọc của ta đã hình thành và phát triển, sẽ rất dễ rơi vào tình trạng lạc quan tếu. Nhà báo Nguyễn Quang Thạch cho biết trong năm 2010, anh đã làm thảo luận nhóm với 240 học sinh ở 3 trường trung và tiểu học tại 3 xã thì 20/240 gia đình của các em có sở hữu ít nhất 1-12 cuốn sách. Số 220 em còn lại không có 1 cuốn sách nào trong nhà, ngoại trừ SGK. Phỏng vấn khoảng 100 trưởng thôn ở nhiều tỉnh khác nhau thuộc khu vực đồng bằng lẫn miền núi về chuyện tủ sách thôn xóm, 100% thôn không có tủ sách nào.

Nhưng những con số trên cũng không nói lên điều gì. Bởi vì xem xét văn hóa đọc trước hết phải tính đến thói quen đọc sách. Một anh nhà giàu, trong nhà có cả ngàn cuốn sách nhưng quanh năm suốt tháng không đọc cuốn sách nào, thì văn hóa đọc của anh ta không thể sánh được với một người nghèo khó, nhà không có sách, suốt ngày lang thang đọc cọp ở các quầy sách báo. Cho nên rất nhiều số liệu nhà báo Nguyễn Quang Thạch đưa ra nhằm báo động tình trạng văn hóa đọc nước nhà vẫn không làm cho người ta giật mình khi anh nói: “Tìm 2 tháng trên xe buýt mới thấy 1 người đọc sách.” Đừng nói người ta ngại đọc sách trên xe buýt vì tuyến xe buýt ở ta ngắn, xe thì chật chội, không thoải mái. Ngay ở sân bay, một người đã cố công quan sát ở sân bay Nội Bài đã thấy 15 người đọc sách, trong đó có 14 người nước ngoài. Có khi người Việt còn lại kia cũng mang quốc tịch nước ngoài nốt, rất có thể.

Hãy khoan nói đến cách đọc, mới xem xét thói quen đọc sách của người Việt thôi cũng đã thấy văn hóa đọc nước nhà thật thê thảm. PGS. TS Trần Hữu Tá than thở: “Số thầy cô nêu gương hiếu học, tự học, cần cù đọc sách, có lẽ khó đạt đến 2 chữ số trong tỷ lệ phần trăm của hơn một triệu thầy cô.” Ngay cả các nhà văn, những người gắn bó suốt đời với sách, tỉ lệ phần trăm kia liệu có đạt đến 2 chữ số ? Chắc không. Còn các nhà quản lý thì sao? Chắc phải tính đến tỉ lệ phần mười nghìn mới mong đạt đến 1 con số. Có lẽ vì thế mà một người đã hồ hởi viết báo vì đã “ quá ngạc nhiên” khi thấy bộ trưởng GD&ĐT “ cũng ham đọc sách”. Than ôi!

 
                                                                             Nguồn: quechoa.info

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511482

Hôm nay

2145

Hôm qua

2336

Tuần này

21856

Tháng này

218355

Tháng qua

121356

Tất cả

114511482