Từ buổi thiếu thời, tôi đã thuộc thơ ông. Gần đây, tôi lại có dịp đọc lại toàn bộ thơ ông - những tập Bên kia sông Đuống, Về Kinh Bắc, Mưa Thuận Thành, Lá Diêu bông, Men đá vàng, 99 tình khúc... có một sự khẳng định mạnh mẽ trong lòng tôi: ông có một tâm hồn thơ lớn, ông là thi sĩ hàng đầu của văn học Việt Nam hiện đại.
Trong kháng chiến chống Pháp, thơ của Hoàng Cầm, nhất là những bài Bên kia sông Đuống, Đêm liên hoan, Tiếng hát sông Lô được nhiều người thuộc, chép vào sổ tay, được ngâm trình diễn như những tiết mục đặc sắc trong các buổi liên hoan văn nghệ, trong các cuộc tổng kết lớn. Chính Hoàng Cầm, một thanh niên tài hoa, với phong cách nghệ sĩ dân gian, ông đã nhiều lần ngâm thơ mình, phục vụ bộ đội trong những đêm lửa trại ở chiến khu, ở những chỗ dừng chân của các chiến sĩ trên đường hành quân. Giáo sư Hoàng Như Mai đã có lần nói với sinh viên: "Thời kháng chiến chống Pháp, những ngày ở nước ngoài vào dịp Tết, chúng tôi quây quần đọc thơ cho nhau nghe. Khi nghe xong bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, ai cũng thấy bồi hồi nhớ nước, nhớ kháng chiến da diết; rồi không ai muốn vui Tết nữa, nhẹ nhàng rút về phòng, nằm với nỗi u hoài man mác khó khuây".
Thơ kháng chiến của ông không nhiều nhưng những bài ông làm đều có một sức truyền cảm mạnh mẽ tinh thần dân tộc, ý thức căm thù giặc và lòng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ. Có một vị tướng trong quân đội đã nói: "Tác dụng bồi dưỡng lòng yêu nước, sức lan tỏa giá trị thẩm mĩ của thơ Hoàng Cầm cực kỳ lớn". Thơ kháng chiến của ông có tính tư tưởng cao nhưng lại biểu đạt nhẹ nhàng tha thiết như một dòng suối mát, dễ dàng đi vào lòng người:
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...
Với sự nồng nhiệt đón nhận của quần chúng và sức sống bền vững của tác phẩm, Bên kia sông Đuống nghiễm nhiên được coi là bài thơ đỉnh cao của thi ca kháng chiến. Bên cạnh đó, còn phải kể thêm hai bài bất hủ Đêm liên hoan và Tiếng hát sông Lô hừng hực chí nam nhi. Ông đã từng gào lên, sục sôi bầu máu nóng:
Đêm liên hoan...
Đầu nhấp nhô như sóng bể ngang tàng
Ta muốn thét cho vỡ tung lồng ngực...
để rồi "Kẻ sau người trước lao vào giặc, giữ vững nghìn thu một giống nòi" (Đêm liên hoan). Hay trong Tiếng hát sông Lô, có những câu điệp khúc oai hùng:
Biển Đông cuộn sóng ngang trời
Nhắc đi bốn bể những lời sông Lô.
Ông tiếp tục phong cách thơ mới với sắc khí tư tưởng tình cảm mới. Hồn thơ Kinh Bắc, lòng yêu quê hương Kinh Bắc, nơi chôn rau cắt rốn của ông cộng với tài năng văn chương của ông, ông đã tạo dựng được một lâu đài thơ ca Hoàng Cầm khá lộng lẫy.
Ông không chỉ làm thơ hướng ngoại, đắm mình trong dòng xoáy của thế cuộc, phục vụ kịp thời những yêu cầu nóng bỏng của cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc mà ông còn làm nhiều, làm khá nhiều những bài thơ tâm tưởng, hướng nội đến tận đáy sâu tâm khảm, bộc lộ lòng mình, tỏ bày ái ân với những thân phận chìm nổi thông qua ý tình và lời lẽ của vô thức.
Có lẽ những năm cuối thập kỉ năm mươi trong sinh hoạt tư tưởng của ông có những sự cố không may, buồn nhiều hơn vui, đã đưa ông vào một bước ngoặt mới, khoan sâu vào bản thể. Ông sống nhiều với nội tâm, với những kỉ niệm của quá khứ. Thơ ông lang thang với những chuyện tình dĩ vãng; hư hư thực thực, những ý tình tưởng như xa lạ mà lại gần gũi, làm mê man tâm tưởng người đọc.
Đọc xong Lá Diêu bông, Quả vườn ổi, Cây tam cúc, Chị em xanh, Nước sông Thương ai mà chẳng thấy lòng mình lắng đọng một điều gì, vừa thông cảm thương cho khát vọng tình yêu của Em, vừa ái ngại băn khoăn cho một thứ tình cảm ấm áp mà lững lờ cao đạo của Chị, vừa xót xa ngậm ngùi cho thân phận tình yêu của ai đó. Hình ảnh người Chị trong những bài thơ nói trên thật độc đáo. Nó là hình ảnh kỉ niệm đẹp đẽ trong mối tình lệch tuổi thời trai trẻ của tác giả hay nó là hình ảnh tượng trưng cho một đối tượng yêu đương sang trọng ngoài tầm với của mình mà mình vẫn ước ao(?).
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
cuống rạ
Chị bảo
- Đứa nào tìm được lá Diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng...
(Lá Diêu bông)
Em liền đi tìm lá Diêu bông. Ba lần tìm được, chị đều lững lờ không chấp nhận.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời!...
... ới diêu bông!
Đây phải chăng là một nỗi đam mê cháy lên từ một ảo ảnh (!) hay là một sự thực nghiệt ngã của một mối tình chua chát, đắng cay. Chuyện thực hư không rõ, có lúc tưởng như phi lí nhưng rồi người đọc vẫn bâng khuâng xao xuyến với bài thơ, với tình đời ngộ nghĩnh trong bài thơ.
Có ngót trăm bài thơ như thế của Hoàng Cầm; tuy có nhiều tứ thơ khác nhau nhưng vẫn hồn thơ ấy, vẫn nguồn cảm hứng ấy.
Thơ tâm thức của Hoàng Cầm có đôi nét giống thơ siêu thực của André Breton, Elouard, Péret... của Pháp. Thơ siêu thực là thơ diễn tả một sự thực khác trong vô thức, thơ của tiềm thức, thơ viết tự động từ ý tình và cả lời lẽ phát ra trong giấc mơ, trong suy tưởng nội tâm. Ở Việt Nam, cũng đã có một số nhà thơ vận dụng phong cách sáng tác hiện đại này nhưng chưa được quần chúng yêu thơ hoan nghênh lắm. Thơ Hoàng Cầm cũng có hình thức bậc thang, cũng lấy đề tài từ tâm tưởng, từ quá khứ xa xôi, cũng ghi chép tự động từ mộng mị nhưng thơ ông vẫn gắn với không gian Kinh Bắc, một trong những cội nguồn của văn hóa dân gian, vẫn diễn đạt theo kiểu của xứ sở Quan họ nên không cầu kỳ khó hiểu. Đọc Hoàng Cầm, ta thấy có cái mới lạ nhưng không xa lạ, có cái uẩn khúc nhưng vẫn hình dung được; tâm hồn tác giả phong phú nhưng không phức tạp rối rắm.
Người yêu thơ Hoàng Cầm vẫn đọc được tâm hồn của tác giả, vẫn thấy được đằng sau tiếng tơ lòng trong những bài thơ tâm thức của ông là hơi thở, là khát vọng, là linh hồn của một vùng quê còn nhiều khổ đau, của một cộng đồng có nhiều ước nguyện. Ngay hình ảnh mưa trong tập Mưa Thuận Thành (ngót chục bài nói đến mưa) là Mưa trắng ngang đầu, Mưa chiều nắng chếch, Mưa nhòe nắng, Mưa tung cánh trắng, Mưa gõ nhịp trên thềm vắng, Mưa nhung... Người đọc vẫn nghĩ được rằng đó là mưa trong lòng tác giả, là nỗi niềm của một đời người lận đận.
Ngày ngày anh đứng nhìn rêu đá
Thương vóc em gầy xiêu dốc mưa
(Gửi người vợ xa quê hương)
Đến nơi em, cát khô lì
Gọi em, em mải miết gì không thưa
Đến nơi, anh ứa dòng mưa
(Khi mùa xuân đến)
Nếu "nỗi khổ làm nên nhà thơ lớn" như câu thành ngữ của Pháp thì ta có thể giải thích, trích đoạn đời cô đơn khốn đốn của Hoàng Cầm đã tạo ra dòng thơ tâm thức mạnh mẽ, ngọt ngào trong ông, đưa ông trở thành một nhà thơ lớn của thời đại. Có lần anh P. P., một trí thức có tên tuổi tâm sự: "Đọc thơ Hoàng Cầm tôi muốn gọi ông là một thi sĩ lớn nhưng chưa thấy báo chí nào gọi như thế nên tôi không dám". Tôi liền thưa lại ngay, chính danh hiệu này về Hoàng Cầm đã có trong lòng quần chúng yêu thơ từ lâu. Chỉ cần một Bên kia sông Đuống, một Lá Diêu bông, một Mưa Thuận Thành, quần chúng đã có thể xếp ông ngồi chiếu trên trong hàng thi nhân Việt Nam thời hiện đại. Nhiều người muốn Nhà nước tặng cho ông giải thưởng xứng đáng. Tổ chức Guimet (một tổ chức nghiên cứu văn hóa Phương Đông của Pháp) đánh giá rất cao thơ Hoàng Cầm. Họ đã từng tổ chức hội thảo về thơ Nguyễn Du và thơ Hoàng Cầm tại Paris và tại đây đã có nhiều bài phát biểu khẳng định ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thi ca Việt Nam và Đông Nam Á.
Nhưng tất cả những thành tựu sáng tác lớn lao đó lại vẫn chưa đủ mạnh để mang lại hạnh phúc thực sự cho ông. Ông luôn là một người cô đơn trong cuộc sống gia đình cũng như trong sáng tạo nghệ thuật.
Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã phải trọ học xa nhà từ lúc 6 tuổi với đồng tiền còi cọc do người mẹ, một “cô hàng xén răng đen” tần tảo bán buôn dành dụm được. Ông bố là một nhà Nho yêu nước, bị các nhà chức trách thời thực dân Pháp cai trị o ép, sống bất đắc chí, đã bỏ nhà tha phương... Ông ít khi được sống gần cha gần mẹ. Ông có hai em đều chết sớm. Vì sống quá thiếu thốn tình cảm nên đã có không ít buổi, ông trốn học chạy về ngôi chợ làng mà mẹ ông thường buôn bán ở đấy, ngồi bên mẹ dù chỉ một chốc lát. Tuổi thơ của ông đơn điệu, chỉ sống ép mình trong đèn sách với hoàn cảnh nghèo túng nên tính ông nhút nhát, dè dặt, hay bị trẻ cùng lứa bắt nạt.
Ông đã trải qua ba đời vợ nhưng không được sống nhiều với một người nào. Người vợ thứ nhất mất sớm (năm 1949). Ngay thời gian vợ còn sống, ông cũng không được sống với vợ bao ngày. Làm trưởng một đoàn văn nghệ kháng chiến, nay đây mai đó, công việc luôn luôn bị thôi thúc, mấy khi dám nghĩ đến chuyện nghỉ phép dài ngày để về thăm nhà. Người vợ thứ hai vì điều kiện kháng chiến nên phải chia tay. Đến người vợ thứ ba, được sống trong hòa bình, gắn bó chia ngọt sẻ bùi với ông nhưng cũng lại ra đi sớm. Bà mất năm 1985. Ông lại sống một mình trong cô đơn tuổi già. Ông đã từng làm nhiều bài thương nhớ vợ, khóc vợ da diết, thiết tha như những tiếng thiêng liêng gửi về cõi âm:
Em đi rồi bỏ lại ngày đêm
Anh vỗ Niết bàn ran đất lạnh...
Em đi rồi để lại hư vô
Chiếc lá tre khô bềnh mặt sóng...
Em đi vỡ vụn bao nhiêu nắng
Về cõi nào đây chắp kiếp người.
(Xa - 99 tình khúc)
Những người phụ nữ mà ông đã từng chung sống (như bà mẹ, ba người vợ) trong kí ức ông, đều rất đẹp, đoan trang, đức hạnh. Ông luôn nghĩ về họ và chính họ cũng luôn hiện hình trong thơ ông, góp phần tạo nên hồn thơ lai láng, phong phú và thiêng liêng trong ông. Càng sống cô đơn, ông càng nhớ thương, càng nghĩ nhiều đến họ. Những người con trai của ông đang sống ở Hà Nội rất thương ông, quý ông nhưng cũng chẳng thể nào bù đắp lại được những gì đang thiếu trong ông.
Điều đáng nói nhất trong cuộc đời của ông là trong những thập kỉ 60, 70, 80, ông đã gặp những sự cố quan trọng làm cho nỗi buồn của ông thêm tê tái. Ông đã phê bình hơi quá những điểm yếu trong thơ của một nhà thơ có chức vị cao, ông đã viết bài bảo vệ những hiện tượng đang bị phê phán mà ông cho là phải. Tôi đã đọc lại những bài viết đó của ông; rõ ràng là ông có phần cực đoan trong suy nghĩ về thơ và về thế cuộc nhưng đó cũng chỉ là thiếu sót (hoặc ý tưởng khác nhau) trong sinh hoạt học thuật và tư tưởng chứ đâu có chuyện phản bội, có chuyện “địch ta” ở đây để phải nhận lấy một sự trừng phạt nặng nề, nghiệt ngã như vậy. Lương bị giảm mạnh. Suốt 34 năm (từ 1957 đến 1991) tác phẩm không được báo nào đăng, nhà xuất bản nào in. Bạn bè thân thiết cũng không dám đến với ông. Ông sống cô đơn trong cảnh bần hàn, trong sự xa lánh của phần lớn bạn hữu.
Tập thơ Về Kinh Bắc mà Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào năm 1994 và được bạn đọc rất hoan nghênh thì hồi bấy giờ bị coi là thơ đen; hình ảnh và câu chữ trong các bài của tập bản thảo ấy bị hiểu theo kiểu suy diễn một cách kỳ lạ. Ông phải sống những năm tháng lao đao vì tập bản thảo Về Kinh Bắc này, sống khổ về tinh thần và sống khổ cả về vật chất. Ông ngồi suy ngẫm nhiều giờ trong căn phòng nhỏ bên ấm nước chè và cái điếu thuốc lào, thỉnh thoảng ông đi lang thang ra ngoài, không phải đi nhậu nhẹt mà đi giải khuây.
Có lần tôi gặp ông tại một quán bia hơi ở một ngõ thuộc phố Trần Hưng Đạo. Ông uống xong một cốc rồi cứ cầm mãi chiếc cốc không, nhìn những trẻ đang chơi bi ngoài hè. Tôi liền đứng dậy mua thêm một cốc mời ông uống tiếp. Ông giơ tay từ chối lịch sự. Hình như ông không muốn say sưa đỏ mặt trước một người bạn trẻ mới quen hay có thể ông không muốn chấm dứt sớm những phút trầm ngâm trăn trở.
Một lúc sau, tôi đứng dậy xin tạm biệt thì ông nói một câu rất tình cảm: “Tôi muốn tâm sự với anh lâu lâu một tí. Lúc nào rảnh mời anh đến phòng tôi, ở bên trong số nhà 43 Lý Quốc Sư”. Tôi “vâng” một cách vui vẻ vì đó cũng là điều tôi mong muốn.
Nhưng từ sau đó, hết việc này đến việc khác lôi tôi đi, tôi đã không thực hiện được lời hứa với ông. Hôm nay, mồng 3 Tết Quý Mùi, tức đúng bốn năm sau, tôi mới đến được với ông. Ngày Tết đối với ông nhẹ nhàng như không; chỉ có tứ thơ hay đến với ông mới là niềm vui thực sự. Ông thuộc thế hệ bề trên nhưng vẫn bình đẳng coi tôi như bạn. Ông trả lời những câu hỏi của tôi một cách chân thành tự nhiên:
- Tôi vẫn coi Tố Hữu là nhà thơ số 1 của thi ca cách mạng, vẫn là nhà lãnh đạo am hiểu tâm lí văn nghệ sĩ nhất. Nhưng ông có bài chưa hay, điều chưa hay thì tôi vẫn phê phán. Tôi coi những sự cố trong những năm qua là những cái hạn lớn. Và cuối cùng tôi cũng đã được giải hạn. Đảng đã đổi mới cách nhìn đối với văn học nghệ thuật, đối với nghệ sĩ và trí thức. Chung quanh tôi ở, quần chúng và chính quyền địa phương đối xử với tôi rất tốt. Tôi đã được tăng lương, được in hàng chục tác phẩm. Báo chí đã đến với tôi đầy thiện chí. Tôi cảm thấy đỡ cô đơn nhiều lắm. Biết rằng có sự truy chù của người này người kia nhưng tôi chẳng trách ai mà luôn luôn biết ơn cuộc đời đã cho tôi nếm trải đủ mùi vị cay, đắng, ngọt, bùi, chua chát, éo le của cuộc sống. Anh cứ nói lại với bạn bè, Hoàng Cầm vẫn yêu và vẫn làm thơ dù hai năm gần đây tôi đã yếu lắm rồi.
Tôi đứng dậy chào ông ra về và không khỏi xúc động lúc bắt tay thấy bàn tay ông gần như chỉ toàn xương, nhìn kĩ lại khuôn mặt ông, thấy gò cao, má lõm, mắt hốc hác hẳn. Thời gian còn lại của ông chẳng còn bao nhiêu mà dự định viết của ông thì lớn lắm. Ông định viết một hồi kí dài về cuộc đời với một yêu cầu không châm chước là phải có chất lượng cao. Ông đang chuẩn bị cho ra đời một “Tổng tập Hoàng Cầm” gồm khoảng 2000 trang.
Tôi cầu mong cho ông thực hiện được điều dự định và trong những năm tháng còn lại sẽ không có điều gì rủi ro xảy ra nữa.
(*) Trường Giang: Nguyên Tổng biên tập báo Giáo dục và Thời đại.
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại, số 36, 6 - 9 – 1993.