Những góc nhìn Văn hoá

Sự biến động của chỉ số phát triển con người Việt Nam(Qua số liệu trong các báo cáo phát triển con người của UNDP)1

1.Giới thiệu

Phát triển con người từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả và tổ chức trên thế giới. Từ cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, quan điểm về phát triển con người, với tư cách là một lý thuyết phát triển kinh tế xã hội, đã được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đề xuất và được thể hiện trong các báo cáo thường niên về phát triển con người (báo cáo đầu tiên bắt đầu từ năm 1990). Lý thuyết phát triển con ng­ười trong hệ báo cáo phát triển con người của UNDP được khởi điểm bởi hai nhà nghiên cứu là Mahboub El Haq và Amartya Sen. Theo đó, phát triển con người là một quá trình mở rộng cơ hội lựa chọn và năng lực cho con người, trong đó, có những sự lựa chọn mang tính thiết yếu như có một cuộc sống mạnh khỏe và lâu dài; có kiến thức; được tiếp cận với những nguồn lực để có một cuộc sống tươm tất trong đó thu nhập là một trong những phương tiện để đạt được điều này. Ngoài ra còn có những sự lựa chọn khác như các cơ hội tự do về chính trị - kinh tế - xã hội để con người được sáng tạo và sản xuất, được đảm bảo quyền con người và được kính trọng.

Đối với Mahboub El Haq, con người vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Phát triển con người theo ông bao gồm hai mặt: đó là hình thành năng lực cho con người và sử dụng các năng lực đó vào các hoạt động như sản xuất kinh tế, chính trị, vui chơi giải trí,... Theo Mahboub El Haq, phát triển con người có bốn thành tố cấu thành đó là tính công bằng, tính bền vững, năng suất cao và sự trao quyền. Trong khi đó, Amartya Sen nhấn mạnh đến việc tăng cường năng lực cho con người mà ở đây, năng lực của con người được hiểu là sự tự do của con người trong việc thực hiện các chức năng. Tự do theo Amartya Sen bao gồm có hai khía cạnh - khía cạnh cơ hội (chú ý đến khả năng con người đạt được cái mà họ thấy có ý nghĩa) và khía cạnh quá trình (chú ý đến tự do trong quá trình đạt được cái có ý nghĩa đó). Amartya Sen cũng đã đưa ra cách tiếp cận dựa trên năng lực. Cách tiếp cận này dựa trên quan điểm coi cuộc sống là sự kết hợp của các hoạt động và sự tồn tại cùng với chất lượng cuộc sống được đánh giá dưới góc độ khả năng đạt được những chức năng có giá trị. Trong cách tiếp cận này, phát triển con người được xác định không chỉ bao gồm việc tăng thu nhập bình quân, tăng tiêu dùng hay nâng cao sức khỏe, học vấn mà nó còn là mở rộng năng lực của con người. Năng lực ở đây đề cập tới sự tự do của nhóm hay của cá nhân để thúc đẩy hoặc đạt được những chức năng có giá trị. Nó bao gồm những chức năng cơ bản liên quan mật thiết với những đòi hỏi về vật chất cần cho sự sinh tồn (như được nuôi dưỡng, có nơi ăn, chốn ở, có sức khỏe tốt, được chăm sóc đầy đủ, tránh bệnh tật hay nguy cơ tử vong sớm,...) và cũng bao gồm những chức năng ít trọng tâm nhưng phức tạp hơn và có ý nghĩa rộng hơn (như đạt được sự tự coi trọng hoặc được hòa nhập về mặt xã hội). Bên cạnh đó, nó còn bao gồm các cơ hội để nâng cao năng lực như được đến trường học, được tự do đưa ra các lựa chọn kinh tế, tự do di chuyển và lựa chọn chỗ ở cho mình. Sự tự do về xã hội cũng rất quan trọng, bao gồm khả năng tham gia vào đời sống cộng đồng, vào sự thảo luận chung của công chúng, vào quá trình ra quyết định (Nussbaum và Sen, 1993).

Cùng với việc đưa ra quan điểm và cách tiếp cận về phát triển con người, UNDP (1990) cũng đưa ra chỉ số để đo lường sự phát triển con người - chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI). Cần phải khẳng định rõ rằng khái niệm về phát triển con người rộng hơn nhiều so với việc đo lường về phát triển con người. Mặc dù chỉ số HDI là một hằng số đo lường nhưng nó không bao giờ có thể đưa ra một bức tranh toàn vẹn về phát triển con người bởi nội hàm của khái niệm phát triển con người rộng hơn nhiều so với những gì mà chỉ số HDI có thể đo lường. Chỉ số HDI lượng hóa một hay một số khả năng mà người ta có thể nắm bắt được. Có ba chiều cạnh được đưa vào tính toán trong chỉ số HDI bao gồm sức khỏe, học vấn và mức sống. Các chiều cạnh này được lượng hóa qua một số chỉ báo như: Tuổi thọ thể hiện khả năng có một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh; Đạt được giáo dục thể hiện khả năng có được kiến thức, giao tiếp và tham gia vào đời sống cộng đồng; Tiếp cận các nguồn lực cần thiết cho việc có được mức sống tốt thể hiện khả năng đạt được cuộc sống mạnh khỏe, đảm bảo tính năng động về thể chất và xã hội, giao tiếp và tham gia vào đời sống cộng đồng. Các chiều cạnh trên được đo lường qua các chỉ số về sức khỏe (được đo bằng Tuổi thọ trung bình, đơn vị tính là năm); Học vấn - được đo bằng Tỉ lệ biết chữ của người lớn Tỉ  lệ nhập học các cấp giáo dục tiểu học, trung học, đại học (từ trước năm 1995, chỉ số nhập học chung các cấp chưa được đo lường trong HDI); Mức sống - được đo bằng GDP bình quân đầu người (đơn vị tính: đô la theo phương pháp sức mua tương đương - PPP USD). Giá trị của chỉ số HDI được thể hiện từ giá trị 0 - 1 (trong đó giá trị 1 là giá trị cao nhất). Nhờ vào việc lượng hóa, người ta có thể xếp hạng sự phát triển con người giữa các quốc gia và khu vực thể hiện ở vị trí quốc gia đang đứng ở điểm nào trong thang điểm từ 0 - 1. Tuy nhiên, đây chỉ là một chỉ số đo lường tối thiểu. Chỉ số này phản ánh khả năng con người được sống một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh, được giao tiếp và tham gia vào cuộc sống của cộng đồng và có đầy đủ nguồn lực để có được một cuộc sống tốt. Chỉ số này thường chỉ có ý nghĩa khi đo lường, đánh giá phát triển con người ở những nước đang phát triển. Đối với các quốc gia phát triển, khi mà giá trị của HDI đã gần đạt đến mức tuyệt đối (tiến gần tới giá trị 1) thì việc đo lường những chỉ báo thành phần của HDI không phản ánh rõ được phát triển con người của quốc gia đó nữa bởi họ sẽ quan tâm đến những chiều cạnh khác có ảnh hưởng tới sự phát triển con người, ví dụ như tự do, dân chủ, quyền con người,... là những chiều cạnh mà HDI chưa thể đo lường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, chỉ số HDI vẫn là một chỉ số hữu ích đối với việc đo lường, đánh giá sự phát triển con người ở những chiều cạnh cơ bản nhất đối với đời sống con người bao gồm kinh tế, giáo dục và y tế. Việc đưa chỉ số thu nhập vào HDI khiến HDI đã kết hợp một phần các chỉ báo kinh tế và chỉ báo xã hội vào đo lường phát triển trong khi trước đây, các chỉ báo xã hội thường bị bỏ qua trong quá trình phát triển kinh tế.

Do xã hội ngày càng phát triển và khả năng thu thập số liệu ngày càng tốt hơn, người ta thấy rằng các chỉ số cũ không đo lường hết được sự phát triển con người nên đến năm 2010, UNDP đã có một số điều chỉnh trong cách tính toán chỉ số HDI. Mặc dù vẫn đo lường ba chiều cạnh là kinh tế, giáo dục và y tế nhưng chỉ số HDI từ năm 2010 có sự thay đổi về chỉ báo đo lường, giá trị tính các chỉ số thành phần và công thức tính toán HDI. Về chỉ báo đo lường, trong lĩnh vực giáo dục, chỉ số mù chữ được thay thế bằng số năm học trung bình của người lớn. Chỉ số nhập học chung các cấp được tính toán lại bằng số năm đi học được kỳ vọng (UNDP, 2010). Sự thay đổi trong cách tính chỉ số giáo dục giúp phản ánh tốt hơn sự phát triển của giáo dục trong khi chỉ số cũ quá tập trung vào tỉ lệ mù chữ sẽ không phản ánh được vốn con người, nhất là ở những quốc gia phát triển (Herrero, Martínez và Villar, 2012). Trong lĩnh vực kinh tế, chỉ số GNI (tổng thu nhập quốc dân) được sử dụng thay cho GDP (tổng sản phẩm quốc dân nội địa) bởi chỉ số này phán ánh đúng hơn mức thu nhập thực tế của quốc gia. Về sự thay đổi giá trị trong cách tính các chỉ số thành phần của HDI, đối với chỉ số tuổi thọ, theo cách tính cũ thì giá trị quan sát tối đa là 85 và giá trị quan sát tối thiểu là 25 (năm) thì trong cách tính mới, giá trị quan sát tối thiểu được điều chỉnh là 20 (năm). Số năm đi học kỳ vọng có giá trị quan sát tối đa và tối thiểu lần lượt là 18 và 0 (năm); số năm học trung bình của người lớn có giá trị quan sát tối đa và tối thiểu lần lượt là 15 và 0 (năm). Chỉ số thu nhập GNI có giá trị quan sát tối đa là 75000 và giá trị quan sát tối thiểu là 100 (USD PPP). Về sự thay đổi trong công thức tính, chỉ số HDI từ năm 2010 không còn được đo bằng trung bình cộng của các chỉ số thành phần giáo dục, thu nhập và y tế như trong cách tính cũ mà thay vào đó, giá trị HDI theo công thức mới sẽ tính bằng trung bình nhân của ba chỉ số thành phần này. Cách tính mới này được cho rằng phản ánh tốt hơn sự phát triển con người, theo đó, nếu không có sự phát triển đồng đều trên ba lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế (tức là độ chênh lệch giữa các chỉ số thành phần cao) thì sẽ làm giảm giá trị của chỉ số HDI.

Trong bài viết này, khi phân tích biến động của chỉ số HDI Việt Nam, dựa trên các số liệu trong các báo cáo toàn cầu và báo cáo quốc gia về phát triển con người của UNDP, chúng tôi sử dụng chỉ số HDI theo cách tính cũ khi phân tích chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn từ năm 1990 - 2009, và sử dụng số liệu theo cách tính mới khi phân tích chỉ số HDI Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014 và sự biến động chung trong suốt giai đoạntừ năm1980 - 2014. Đồng thời, chúng tôi cũng phân tích đóng góp của các chỉ số thu nhập (lĩnh vực kinh tế) và các chỉ số phi thu nhập (lĩnh vực y tế và giáo dục) vào chỉ số HDI của Việt Nam.

  1. Chỉ số phát triển con người Việt Nam từ sau Đổi mới đến nay

Số liệu về phát triển con người của Việt Nam trong những báo cáo phát triển con người đầu tiên của UNDP cho thấy chỉ số HDI của Việt Nam năm 1990 là 0.472 (UNDP, 1993, tr.136). Với giá trị này, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có chỉ số HDI thấp. Tuy nhiên, chỉ số phát triển con người năm 1992 của Việt Nam đã được cải thiện lên mức 0.514 và được xếp vào nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển con người ở mức trung bình (UNDP, 1994). Mặc dù vậy, trong suốt những năm từ 1993 đến 1997, giá trị tuyệt đối của chỉ số HDI Việt Nam luôn thấp hơn so với giá trị trung bình của các nước trong nhóm. Mười năm sau khi thực hiện chính sách đổi mới, tới năm 1997, Việt Nam có sự cải thiện đáng kể về chỉ số HDI - đạt 0.664, và đây cũng là lần đầu tiên, giá trị của chỉ số HDI Việt Nam cao hơn so với mức trung bình của nhóm và tiếp tục có sự tăng trưởng nhẹ trong những năm cuối của thế kỷ XX (hình 1).

Hình 1: Chỉ số HDI của Việt Nam giai đoạn từ năm 1992 - 1999

Nguồn: Báo cáo phát triển con người (UNDP, 1994, 1996, 1997, 1998, 1999, 2000, 2001).

Khi phân tích sự biến động của các chỉ số thu nhập và phi thu nhập, chúng ta có thể thấy mức độ đóng góp khác nhau của chúng đối với chỉ số phát triển con người của Việt Nam. Trong giai đoạn đầu sau đổi mới, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, biểu hiện ở chỉ số GDP tương đối thấp so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, những chính sách xã hội đã góp phần đem đến những thành tựu trong y tế và giáo dục ở Việt Nam, nhờ đó góp phần cải thiện giá trị và vị trí xếp hạng của chỉ số HDI Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự biến động của các chỉ số thành phần, có thể thấy rằng chỉ số về thu nhập lại có đóng góp quan trọng đối với sự tăng trưởng đột biến củachỉ số HDI của Việt Nam. Trong suốt 5năm từ 1993 đến 1999, trong khi các chỉ số tuổi thọ và giáo dục có sự dao động tương đối ít (ví dụ, chỉ số tuổi thọ tăng từ 0.68 năm 1993 lên 0.71 năm 1999; chỉ số giáo dục tăng từ 0.79 năm 1993 lên 0.84 năm 1999) thì chỉ số GDP có sự gia tăng gấp hơn bốn lần, từ 0.11 năm 1993 lên 0.49 năm 1999 (hình 2).

Hình 2: Các chỉ số phát triển con người Việt Nam từ năm 1993 - 1999

Nguồn: Báo cáo phát triển con người (UNDP, 1994, 1996, 1997, 1998, 1999, 2000, 2001).

Các số liệu về sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này cũng cho thấy Việt Nam đã có những thành tựu lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Năm 1993, tỉ lệ dân cư thuộc diện nghèo ở Việt Nam chiếm 58,1%, trong đó, tỉ lệ nghèo ở đô thị là 25,1%; tỉ lệ nghèo ở nông thôn là 66,4% (Theo kết quả của điều tra mức sống dân cư năm 1992 - 1993). Đến năm 1998, tỉ lệ nghèo của Việt Nam chiếm 37,4% (Theo kết quả của điều tra mức sống dân cư năm 1997 - 1998). Như vậy, năm 1993 có hơn một nửa người dân Việt Nam thuộc diện nghèo (chiếm 58,1%) thì năm 1998, tỉ lệ này giảm xuống còn 37%. Chính những kết quả đạt được trong xóa đói giảm nghèo đã thúc đẩy sự gia tăng đáng kể chỉ số GDP của Việt Nam, qua đó đóng góp vào sự tăng trưởng của chỉ số HDI Việt Nam trong giai đoạn này.

Trong giai đoạn những năm đầu của thế kỷ XXI, chỉ số HDI của Việt Nam tiếp tục được gia tăng. Từ năm 2000 - 2005, chỉ số HDI của Việt Nam được cải thiện cả về mặt giá trị của chỉ số (tăng từ 0.686 năm 2000 lên 0.733 năm 2005) và về mặt thứ hạng (từ vị trí 109 lên vị trí 105) và có sự sụt giảm nhẹ vào năm 2007 do sự sụt giảm của chỉ số GDP (chỉ số thu nhập GDP giảm từ 0.572 năm 2005 xuống còn 0.544 năm 2007) (bảng 1).

1.Bảng 1: Sự biến động chỉ số HDI củaViệt Nam trong thập niên đầu thế kỷ XXI
Năm

Giá trị HDI của Việt Nam

Xếp hạng

2000

0.686

109/173

2001

0.688

109/175

2002

0.691

128/177

2003

0.704

101/177

2004

0.709

109/177

2005

0.733

105/177

2007

0.725

116/182

 

Nguồn: Báo cáo phát triển con người của UNDP trong các năm 2002, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007/2008, 2009. Số liệu về chỉ số phát triển con người theo cách tính cũ được cập nhật

 đến năm 2007 trong Báo cáo phát triển con người năm 2009 của UNDP.

Có thể thấy rằng sự tăng trưởng kinh tế trong những năm đầu thế kỷ XXI tiếp tục đóng góp vào việc cải thiện chỉ số HDI của Việt Nam. Kết quả khảo sát mức sống dân cư của Việt Nam năm 2002 cho thấy tỉ lệ nghèo đã giảm xuống còn 29%. Như vậy, trong gần 10 năm đã có gần 1/3 dân số (tương đương với trên 20 triệu người) đã thoát nghèo. Năm 2004, tỉ lệ nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm xuống còn 23%. Tỉ lệ hộ nghèo (tính theo chuẩn quốc giatừ năm2001 - 2005) giảm từ 17% (năm 2000) xuống còn 8,3% (năm 2004) và 7% (năm 2005). Việt Nam đã hoàn thành vượt mức Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trước 10 năm về giảm nghèo (từ 58,1% năm 1993 xuống còn 24,1% năm 2004) theo chuẩn nghèo quốc tế (Bộ Kế hoạch đầu tư, 2007). Chính những thành tựucủa sự tăng trưởng kinh tế đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của chỉ số HDI Việt Nam.

Hình 3: Sự biến động chỉ số tuổi thọ, giáo dục và GDP của Việt Nam

 trong thập niên đầu thế kỷ XXI

 

Nguồn: Báo cáo pháttriển con người trong các năm 2002, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007/2008, 2009 (theo cách tính HDI cũ).

Theo số liệu tổng hợp của UNDP (2011a) thì trong giai đoạntừ năm1992 - 2008, chỉ số HDI của Việt Nam tăng 19%. Tuy nhiên, mức độ đóng góp của các chỉ số thành phần vào sự tăng trưởng của HDI là rất khác nhau. Cụ thể, trong giai đoạn này, nhờ thành quả của tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo, chỉ số thu nhập trong HDI tăng 45%  trong khi các chỉ số phi thu nhập lại có sự gia tăng ít hơn (cụ thể, chỉ số tuổi thọ tăng 19% còn chỉ số giáo dục tăng 7%).

Đến năm 2010, theo cách tính chỉ số HDI mới của UNDP, giá trị chỉ số HDI của Việt Nam đạt 0.572, xếp thứ 113/169 nước trên thế giới (UNDP, 2010, tr.145). Theo báo cáo phát triển con người 2015 của UNDP, chỉ số HDI Việt Nam năm 2014 đạt 0.666, đứng thứ 116/187 quốc gia (UNDP, 2015, tr.213). Tương tự như các năm trước đó, trong suốt giai đoạn từ năm 2010 - 2014, các chỉ số thành phần của HDI bao gồm tuổi thọ và giáo dục không có sự thay đổi mạnh mẽ nhưng chỉ số thu nhập của Việt Nam có sự biến động theo xu hướng gia tăng (bảng 2). Đây cũng là điều dễ hiểu bởi tuổi thọ khi đạt tới một ngưỡng nhất định thì rất khó để có được những thay đổi đáng kể. Việt Nam không mất quá lâu để nâng tuổi thọ từ khoảng 60 lên 70 tuổi, tuy nhiên, khi đã đạt được mức tuổi thọ tương đối tốt như hiện nay (75.9) thì sẽ mất rất nhiều thời gian nữa để nâng chỉ số này lên bởi tuổi thọ của con người là có giới hạn (trong suốt bốn năm, từ năm 2010 - 2014, tuổi thọ của người Việt Nam được cải thiện thêm 1 năm). Tương tự như vậy, để đạt được những thành tựu đáng kể trong giáo dục đòi hỏi phải có thời gian tương đối dài. 

Bảng 2: Các chỉ số thành phần trong HDI của Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014

Năm

Tuổi thọ

 được kỳ vọng lúc sinh (năm)

Số năm trung bình đi học[1]

Số năm

kỳ vọng

 đi học

GNI bình quân đầu người (PPP$)

2010

74.9

5.5

10.4

2995

2011

75.2

5.5

10.4

2805

2012

75.4

5.5

11.9

2970

2014

75.9

5.5

11.9

4892

 

 

Nguồn: Báo cáo phát triển con người trong các năm 2010, 2011, 2013, 2014

(UNDP, 2010, 2011b, 2013, 2014).

Theo số liệu từ cách tính mới đối với chỉ số HDI thì trong suốt giai đoạn từ năm 1980 - 2014, giá trị chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0.463 vào năm 1980 lên 0.638 vào năm 2013 (UNDP, 2014, tr.165). Nhưvậy, giá trị chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng hơn 30% trong gần 35 năm (hình 4). Số liệu của UNDP (2014, 2015) về sự biến động của chỉ số HDI cho thấy, mặc dù giá trị của HDI Việt Nam vẫn tăng trưởng nhưng có xu hướng chậm lại (ta cũng có thể quan sát được điều này qua độ dốc trong hình 4 phản ánh sự tăng trưởng HDI). Theo số liệu trong các báo cáo phát triển con người của UNDP, sự gia tăng trung bình hằng năm của chỉ số HDI Việt Nam giai đoạntừ năm1980 - 1990 là 0,28% (UNDP, 2014, tr. 165). Trong giai đoạntừ năm1990 -2000, sự gia tăng trung bình hàng năm của chỉ số HDI Việt Nam tăng mạnh, đạt 1,92% nhưng đến giai đoạn 2000-2010, mức độ gia tăng trung bình của chỉ số này chỉ đạt 1,29% và giảm xuống còn 0,47% trong giai đoạntừ năm2010-2014 (UNDP, 2015, tr.213). 

Hình 4: Sự biến động HDI của Việt Nam giai đoạn từ năm 1980 - 2014

Nguồn: Báo cáo phát triển con người năm 2014 (UNDP, 2014, Tr.165) và Báo cáo phát triển con người năm 2015 (UNDP, 2015, Tr.209).

Lý giải cho điều này, có thể thấy trong khi chỉ số về tuổi thọ và giáo dục không có sự cải thiện, chỉ số thu nhập của Việt Nam không có sự gia tăng đột biến như những năm trước đây đã dẫn tới sự tăng trưởng chậm của chỉ số HDI trong giai đoạn này. Số liệu thống kê cho thấy tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại (Bộ Kế hoạch đầu tư, 2007). Giảm nghèo trong tương lai của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức do sự thay đổi phân bổ thu nhập/chi tiêu của dân cư. Tỉ lệ dân cư có mức chi tiêu đầu người ở trong khoảng trên/dưới 10% so với ngưỡng nghèo đã giảm từ 15% (năm 1993) xuống còn 7% (năm 2006). Bởi vậy trong bối cảnh hiện nay, để tỉ lệ nghèo thay đổi đi 1 điểm phần trăm thì cần tốc độ tăng trưởng cao hơn (Nguyễn Thắng, 2009). Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số thu nhập của Việt Nam gia tăng và đóng góp vào sự tăng trưởng chung của HDI nhưng bản thân các chỉ số về giáo dục và y tế gần đây lại không gia tăng. Điều đó đặt ra mối quan ngại về đóng góp của sự tăng trưởng kinh tế đối với việc gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục và y tế. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới được chỉ ra trong Báo cáo phát triển toàn cầu năm 2010 - đó là sự gia tăng của chỉ số thu nhập có tương quan với tiến bộ trong chỉ số HDI tổng thể nhưng lại ít có liên hệ với tiến bộ trong các chỉ số phi thu nhập là giáo dục và y tế (UNDP, 2011a).

Xem xét sự biến động của chỉ số HDI Việt Nam có thể thấy HDI tăng chủ yếu do thu nhập tăng và HDI tăng chậm lại khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm. Trong khi đó, ở quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, ví dụ như In-đô-nê-xi-a, nhờ việc đảm bảo sự cân bằng trong phát triển cả khía cạnh thu nhập và phi thu nhập của HDI nên nước này vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng của HDI (UNDP, 2011a). Xem xét số liệu qua các Báo cáo phát triển con người toàn cầu của UNDP cho thấy xếp hạng HDI của In-đô -nê-xi-a trước đây là thấp hơn Việt Nam. Theo Báo cáo phát triển con người năm 2005, xếp hạng HDI của Việt Nam là 108 còn xếp hạng HDI của In-đô-nê-xi-a là 110 (UNDP, 2005) nhưng đến năm 2014, xếp hạng của Việt Nam là 121 trong khi xếp hạng của In-đô-nê-xi-a đã được cải thiện đáng kể, vượt lên trên Việt Nam và vươn lên vị trí thứ 108 trên thế giới (UNDP, 2014).

Kết luận

Phân tích sự biến động của chỉ số HDI Việt Nam cho thấy trong quá trình 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, chỉ số HDI của Việt Nam có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Trong những năm đầu đổi mới (giai đoạn trướcnăm1990), chỉ số HDI của Việt Nam tương đối thấp và không có sự cải thiện đáng kể. Ở giai đoạn đầu những năm 1990, mặc dù kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế (phản ánh ở chỉ số về thu nhập của Việt Nam không cao), tuy nhiên, những thành tựu trong chỉ số tuổi thọ và giáo dục đã góp phần nâng cao chỉ số HDI của Việt Nam. Từ cuối những năm 1990 cho đến những năm đầu thế kỷ XXI, chỉ số HDI của Việt Nam có sự gia tăng đáng kể. Kết quả này đạt được là nhờ những thành tựu của các chính sách tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Trong đó, đáng kể đến là việc Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước nghèo và tiến vào nhóm các nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đã làm hạn chế sự gia tăng của chỉ số HDI Việt Nam. Như vậy, có thể thấy sự biến động chỉ số HDI của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào chỉ số thu nhập. Với bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, thách thức đối với sự tăng trưởng kinh tế cũng là một trở ngại đối với việc cải thiện chỉ số HDI của Việt Nam. UNDP (2011a) khẳng định rằng y tế và giáo dục sẽ là chìa khóa cho thành công trong tương lai của Việt Nam. Đây là giải pháp đúng cho mục tiêu gia tăng chỉ số HDI của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay bởi khi kinh tế toàn cầu khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại thì những yếu tố phi thu nhập như giáo dục và y tế sẽ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chỉ số HDI cho Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2007), Tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam: Thành tựu, thách thức và giải pháp.
  2. Nguyễn Thắng (2009), “Giảm nghèo trong bối cảnh mới ở Việt Nam. Bối cảnh kinh tế mới và giảm nghèo ở Việt Nam”, in trong Định hướng chính sách giảm nghèo tương lai của Việt Nam. Những vấn đề mới nổi và phương pháp tiếp cận mới trong giai đoạn 2010 - 2020, Dự án VIE 02/001 - Bộ LĐTBXH/UNDP.
  3. Tổng cục Thống kê, Điều tra mức sống dân cư 1992 -1993.
  4. Tổng cục Thống kê, Điều tra mức sống dân cư 1997 -1998.
  5. Herrero, C., Martínez, R., & Villar, A. (2012), “A Newer Human Development Index”, Journal of Human Development and Capabilities: A Multi-Disciplinary Journal for People-Centered Development, 13(2), 247-226.
  6. Nussbaum, M., Sen, A., (1993), The quality of life, Clarendon Press, Oxford.
  7. UNDP (1990), Human Development Report 1990: “Concept and Measurement of Human Development”.
  8. UNDP (1992), Human Development Report 1992: “Global Dimensions of HumanDevelopment”.
  9. UNDP (1993), Human Development Report 1993: “Human Development Report: People’s Participation”.
  10. UNDP (1995), Human Development Report 1995, : Oxford University Press, New York.
  11. UNDP (1996), Human Development Report 1996: “Economic Growth and Human Development”.
  12. UNDP (1997), Human Development Report 1997, : Oxford University Press New York.
  13. UNDP (1998), Human Development Report 1998: “Consumption for Human Development”.
  14. UNDP (1999), Human Development Report 1999, New York: Oxford University Press.
  15. UNDP (2000), Human development report 2000: “Human Rights and Human Development”.
  16. UNDP (2002), Human Development Report 2002: “Deepening Democracy in a Fragmented World”.
  17. UNDP (2003), Human Development Report 2003: “Millennium development goals: Acompact among nations to end human poverty”, Oxford University Press, New York.
  18. UNDP (2004), Human Development Report 2004: “Cultural liberty in today’s diverse world”.  
  19. UNDP (2005), Human Development Report 2005: “International cooperation at acrossroads. Aid, trde and security in an unequal world”.
  20. UNDP (2006), Human Development Report 2006: “Beyond scarcity: “Power, poverty and the global water crisis”, Palgrave Macmillan, New York.
  21. UNDP (2007), Human Development Report 2007/2008: “Fighting climate change:Human solidarity in a divided world”, Palgrave Macmillan, New York.
  22. UNDP (2009), Human Development Report 2009:“Overcoming barrier: Humanmobility and development”, UNDP, New York.
  23. UNDP (2010), Human Development Report 2010: “The real wealth of nations:Pathways to human development”, Palgrave Macmillan, New York.
  24. UNDP (2011a), Báo cáo quốc gia về phát triển con người năm 2011: “Dịch vụ xã hội phục vụ phát triển con người”, UNDP, Hà Nội.
  25. UNDP (2011b), Human Development Report: “Sustainability and Equity: A BetterFuture for All”, Palgrave Macmillan, New York.
  26. UNDP (2013), Human Development Report 2013: “The rise of the South: Humanprogress in a diverse world”.
  27. UNDP (2014), Human Development Report 2014: “Sustaining Human Progress:Reducing Vulnerabilities and Building Resilience”, UNDP,  New York.
  28. UNDP (2015), Human Development Report 2015: “Work for Human Development”, UNDP, New York.

....................................

1 Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài cấp Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): “Phát triển con người Việt Nam qua 30 năm Đổi mới” do PGS.TSKH. Lương Đình Hải làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là cơ quan chủ trì đề tài.

[1] Số năm đi học trung bình các năm 2013, 2014 vẫn sử dụng số liệu cũ của năm 2012 nên không có sự thay đổi.

......................

Nguồn:http://ihs.vass.gov.vn

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114560415

Hôm nay

288

Hôm qua

2347

Tuần này

21733

Tháng này

227958

Tháng qua

122920

Tất cả

114560415