1. Điều nhức nhối của xã hội ta hiện nay là việc xẩy ra tai nạn quá nhiều. Nguyên nhân tai nạn là: do điều kiện làm việc của ta còn lạc hậu, trách nhiệm xã hội chưa cao, phần lớn không thực hiện đúng quy trình về an toàn lao động trong tổ chức sản xuất, khai thác, đi lại. Điều đáng nói là khi đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ Trung ương đến địa phương đều theo nhau gọi người bị tai nạn là “người xấu số”. Cụ T, cùng khối phố với tôi là cán bộ về hưu, năm nay 78 tuổi, ông bà song toàn, con cháu đề huề. Buổi chiều Cụđi bộ trên vỉa hè mà vẫn bị tai nạn. Ngày hôm sau, trên Chương trình an toàn giao thông ti vi đưa tin: “Phải mất một giờ sau, thi thể người xấu số bị kẹt ở xe ô tô mới được đưa ra!”. Nghe câu nói ấy, lòng tôi lại nhói lên nỗi đau! Nếu an ninh trật tự, an toàn lao động trong sản xuất, giao thông tốt hơn thì chắc chắn đời sống, tuổi thọ của người dân càng được nâng cao. Tại sao lại gọi người bị tai nạn là “người xấu số?”. Tôi cứ nghĩđây là một lối nói mang màu sắc mê tín, thiếu nhân văn, trách nhiệm và đạo lí, cần phải bỏ.
2. Trong giáo dục của ta còn nhiều bất cập, việc chạy trường, chạy lớp khá phổ biến. Sắp đặt cho trẻ con ngồi học ởđâu là công việc, trách nhiệm của người lớn. Vậy mà không biết từđâu, từ bao giờ sinh ra câu nói rất phổ biến từ cửa miệng của những người có trách nhiệm: “Học sinh ngồi nhầm lớp”. Thế là tội của người lớn, thành ra tội của trẻ con, mà cứ hùa nhau nói liên tục! Rồi chuyện: “Nói không với tiêu cực trong thi cử”. Theo tôi câu nói này cũng không rõ nghĩa. Nghe có vẻ vòng vo. Tại sao lại nói không? Trường học là nơi dạy Người, dạy Chữ, sao ta không nói: chống tiêu cực trong thi cử? Đến chuyện tuổi tác cũng thi nhau “Âu hóa”. Ngày nay, thường xuyên người ta nhắc đến tuổi teen, U20, U30, U70… mà chẳng cần xét đến ngữ cảnh khi nói. Trong quá trình phát triển của ngôn ngữ, việc “Việt hóa” hợp lý một số từ nước ngoài làm cho tiếng Việt đầy đủ, phong phú hơn, nhưng không nên vì thế mà quá lạm dụng. Hai tiếng Lễ Hội vừa mang tính truyền thống, hay mà đủ nghĩa, đang dần dần bị từ Festival lấn lướt. Đến một lúc nào đó có người hứng lên, biết đâu lại gọi là Festival Đền Hùng.
3.Đọc những văn bản về chế độ tài chính của Nhà nước, hay việc giải trình thuế của các cơ quan, doanh nghiệp, ta gặp rất phổ biến hai chữ “khấu trừ” để chỉ việc trừ nợ, hoặc được trừ lại thuế giá trị gia tăng. Tại sao không nói được trừ lại, hoặc trích lại có chính xác hơn không? Hiện nay trên các phương tiện thông tin như báo chí, truyền hình, phát thanh… nhiều lúc, nhiều nơi chất lượng quảng cáo quá kém, thời lượng lại quá nhiều đến mức gây phản cảm cho người đọc, người xem…
Nhắc đến một số trường hợp để ta thấy hiện tại trong đời sống văn hóa của xã hội còn rất nhiều điều bất ổn. Thiết nghĩ để nói và viết ngày càng trong sáng, đậm đà bản sắc dân tộc, đã đến lúc cần có những chủ trương cụ thể, những chương trình, giải pháp thiết thực để loại bỏ việc phát ngôn không đúng, lối viết sai, nói năng lai tạp theo kiểu nói “vo” như hiện nay./.