Xứ Nghệ ngày nay

Nghệ An và những con số

VHNA: Chúng tôi chủ trương đăng bài này để chúng ta tự biết về mình nhiều hơn nhằm nỗ lực hơn và chọn lựa những hướng đi, bước đi thích hợp, phù hợp hơn với điều kiện thực tế của mình. Tuy nhiên, đây là số liệu thống kê năm 2009, có thể nói là đã lạc hậu. Năm 2010, chúng ta đã có sự chuyển biến tích cực hơn trên nhiều lĩnh vực. Dẫu sao, đây cũng là một số liệu tổng hợp đáng tham khảo.

Mỗi năm trôi qua, các địa phương có dịp nhìn lại sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình với niềm tự hào và những trăn trở. Nghệ An đang ở tọa độ nào trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (BTB - DHMT)? Những thành công nào và những điều gì cần suy ngẫm, những con số sẽ nói lên điều đó.            
1. Khái quát:
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất trong cả nước, chiếm gần 5% diện tích cả nước, gấp gần 1,5 lần diện tích tỉnh Thanh Hóa và hơn 2,7 lần diện tích tỉnh Hà Tĩnh, với quy mô diện tích như vậy Nghệ An có sức chứa lãnh thổ lớn, đặc biệt so với hai tỉnh kề cận.
Dân số Nghệ An đứng thứ 4 trong cả nước (năm 2009: trên 2,919 triệu người), sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, gấp gần 2,4 lần dân số tỉnh Hà Tĩnh. Tỉ lệ dân thành thị Nghệ An chiếm 12,6%, thấp hơn trung bình chung cả nước (26,9%) và tỉnh Hà Tĩnh (14,9%), cao hơn tỉnh Thanh Hóa (10,4%), nhưng đặc biệt Nghệ An có thành phố Vinh là 1/9 đô thị loại 1 và 1/48 thành phố trực thuộc tỉnh của cả nước. (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009)
2. Những con số đáng tự hào
Năm 2009 đã để lại những con số ấn tượng, đáng tự hào, thể hiện sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thiên tai bão lụt, hạn hán, giá rét...
2.1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng GDP: Đây là con số ấn tượng nhất trong năm 2009, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP cả nước chỉ đạt 5,32% thì tỉnh đạt 7,13%, cao hơn cả nước 1,81%.
- Tốc độ tăng trưởng một số ngành:                         
Bảng 1: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất một số ngành năm 2009
(Đơn vị tính: %)

            Ngành
   Nghệ An
BTB - DHMT
 Việt Nam
Sản xuất nông nghiệp
2,4
2,5
2,16
Sản xuất thủy sản
10,5
10,5
5,4
Sản xuất công nghiệp
chung
8,7
10,1
7,6
Sản xuất công nghiệp
ngoài nhà nước
20,5
16,5
10,1

                                    (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009)
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp Nghệ An đều cao hơn trung bình chung của cả nước. Nghệ An có 20,6 ngàn ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đứng đầuBTB - DHMT và thứ 8/63 tỉnh thành cả nước là cơ sở cho sản xuất thủy sản. Tốc độ tăng trưởnggiá trị sản xuất thủy sản và công nghiệp ngoài nhà nước cao hơn cả nước gấp 2 lần, chứng tỏ hoạt động sản xuất thủy sản và công nghiệp ngoài nhà nước có hiệu quả. Đó là những con số đáng trân trọng.
2.2. Doanh nghiệp và trang trại
Doanh nghiệp là đơn vị kinh tế thực hiện hoạch toán kinh tế độc lập, có đầy đủ tư cách pháp nhân, được thành lập theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước,
Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trực tiếp của nước ngoài hoặc theo Hiệp định ký kết của chính phủ Việt Nam với chính phủ nước ngoài.
Trang trại là hình thức tổ chức sản xuất nông lâm ngư cao hơn hộ gia đình, thể hiện sự phát triển tất yếu của ngành nông lâm ngư trong quá trình công nghiệp hóa, là hình thức tiến bộ của nền sản xuất nông nghiệp thế giới. Trang trại có nguồn gốc từ hộ gia đình; một hộ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản được xác định là trang trại phải đạt một trong hai tiêu chí: hoặc giá tri sản lượng hàng hóa, dịch vụ bình quân 1 năm (các tỉnh phía Bắc và BTB – DHMT từ 40 triệu đồng trở lên, các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên từ 50 triệu đồng trở lên), hoặc quy mô sản xuất của trang trại (theo quy định của thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNN-TCTK).
Bảng 2. Các doanh nghiệp*và trang trại** Nghệ An

                   Các tiêu chí
Nghệ An
Xếp hạng
so với
BTB – DHMT
Xếp hạng
so với
cả nước
Số doanh nghiệp đang hoạt động sản
xuất kinh doanh (doanh nghiệp)
3910
2/14 (sau Đà Nẵng)
7/63
Số doanh nghiệp đang hoạt động theo quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên
(doanh nghiệp)
8
3/14 (sau Đà Nẵng, Khánh
Hòa)
16/63
Số doanh nghiệp đang hoạt động theo quy mô lao động từ 1000 người trở
lên (doanh nghiệp)
6
6/14 (ngang
TT – Huế )
29/63
Vốn sản xuất kinh doanh bình quân
hàng năm của các doanh nghiệp
(tỉ đồng)
38725
2/14 (sau Đà Nẵng)
10/63
Tài sản cố định và đầu tư tài chính
dài hạn của các doanh nghiệp
(tỉ đồng)
18452
3/14 (sau Đà
Nẵng - Khánh
Hòa)
11/63
Doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (tỉ đồng)
40815
3/14 (sau Đà
Nẵng - Khánh
Hòa)
17/63
Số trang trại
1723
5/14
29/63

           * năm 2008, ** năm 2009
                                          (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009)
Doanh nghiệp và trang trại là động lực của nền kinh tế, trong khi cả nước có những doanh nghiệp bị phá sản thì số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh của Nghệ An còn rất lớn, chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai. Số doanh nghiệp đang hoạt động theo quy mô vốn từ 500 tỉ đồng trở lên, vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm, tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp của Nghệ An đều đứng ở vị trí tương đối cao trong xếp hạng, một số doanh nghiệp có vốn lớn tạo điều kiện cho đầu tư và kinh doanh. Doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là tổng thu nhập của doanh nghiệp do tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, cung cấp các dịch vụ cho bên ngoài sau khi trừ các khoản thuế và trừ các khoản giảm trừ (chiết khấu, giảm giá hàng bán, hàng bị trả lại); doanh thu thuần không bao gồm doanh thu các hoạt động tài chính và hoạt động bất thường. Doanh thu thuần của các doanh nghiệp Nghệ An thuộc vào loại cao trong vùng BTB – DHMT và loại khá cả nước, chứng tỏ kinh doanh tốt.
Số trang trại Nghệ An khá nhiều so với các tỉnh vùng BTB – DHMT, chỉ đứng sau Thanh Hóa, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận.
2.3. Sản xuất nông nghiệp
Là tỉnh gặp nhiều thiên tai, bệnh dịch, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, nhưng Nghệ An vẫn đạt được những thành tựu đáng nể, trong đó ấn tượng nhất là năng suất lúa đông xuân đạt 62,3 tạ/ha cao hơn trung bình chung cả nước (61,1 tạ/ha) và BTB – DHMT (57,3 tạ/ha) và một số loại cây trồng, vật nuôi khác.
                    Bảng 3. Một số sản lượng trồng trọt và chăn nuôi năm 2009       

      Các tiêu chí
Nghệ An
Xếp hạng so với
BTB – DHMT
Xếp hạng so
với cả nước
Sản lượng ngô (ngàn tấn)
 183,3
2/14 (sau Thanh
hóa)
8/63
Sản lượng sắn   (nt)    
 375,0
2/14 (sau Bình
Thuận)
8/63
Sản lượng mía (nt)
 1565,0
2/14 (sau Thanh
hóa)
2/63
Sản lượng lạc (nt)
    53,0
1/14
1/63
Đàn trâu (ngàn con)
 306,1
1/14
1/63
Đàn bò       (nt)    
 411,6
1/14
1/63
Đàn lợn      (nt)    
 1218,3
1/14
3/63
Đàn gia cầm (nt)    
14013,0
2/14
4/63

                                    (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009)
Ngô, sắn, mía Nghệ An đều đạt sản lượng cao và xếp hạng thứ hạng cao của vùng BTB – DHMT và trong cả nước. Đặc biệt sản lượng lạc, chăn nuôi trâu bò đứng đầu cả nước; đàn lợn đứng sau Hà Nội, Đồng Nai; đàn gia cầm đứng sau Hà Nội, Thanh hóa, Bắc Giang, hơn hẳn một số tỉnh ở hai vùng đồng bằng lớn.
2.4. Giáo dục và y tế
Giáo dục, y tế là những tiêu chí để đánh giá chất lượng cuộc sống và sự phát triển toàn diện của một xã hội. Mặc dù Nghệ An là một tỉnh nghèo nhưng giáo dục, y tế vẫn được chú trọng phát triển. Vấn đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) là vấn đề được xã hội quan tâm, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT được xem là thước đo giáo dục phổ thông giữa các tỉnh, thành. Năm học 2008 – 2009 tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của Nghệ An đạt 87,35%, cao hơn trung bình chung vùngBTB – DHMT (82,45%) và cả nước (83,82%), xứng đáng là đất hiếu học.                      
                               Bảng 4. Một số tiêu chí về y tế năm 2009

     Các tiêu chí
Nghệ An
Xếp hạng so với
BTB – DHMT
Xếp hạng so
với cả nước
Số cơ sở khám chữa bệnh
trực thuộc sở y tế
527
2/14 (sau Thanh
Hóa)
3/63(sau Thanh
Hóa, Hà Nội)
Số bệnh viện
25
2/14 (sau Thanh
Hóa)
4/63
Số bác sĩ
1234
2/14 (sau Thanh
Hóa)
6/63
Số dược sĩ cao cấp
70
2/14 (sau Bình
Định)
13/63

                                             (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009)
Nghệ An có nhiều cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc sở y tế, hơn thành phố Hồ Chí Minh 125 cơ sở, trong đó số bệnh viện xếp thứ 4, sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa; số bác sĩ xếp thứ 6, sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình.
3. Những con số cần suy ngẫm
3.1. Giá trị GDP và cơ cấu ngành kinh tế.
Là một tỉnh dân số đông, chiếm 3,4% dân số cả nước nhưng giá trị GDP chỉ đạt 2,1% giá trị GDP cả nước (năm 2009 GDP Nghệ An đạt 35118 tỉ đồng, cả nước đạt 1658389 tỉ đồng).
Bảng 5. So sánh cơ cấu ngành kinh tế Nghệ An và Việt Nam năm 2009
(Đơn vị tính: %)

Địa phương
Khu vực I
Khu vực II
Khu vực III
Nghệ An
30,47
32,07
37,46
Việt Nam
20,91
40,24
38,85

                        (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009
                         Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Nghệ An 2009)
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Nghệ An chậm hơn so với cả nước, khu vực I vẫn chiếm tỉ trọng quá cao, hơn gần 10%, khu vực II chiếm tỉ trọng thấp hơn gần 8% so với cả nước, trong khi đó Nghệ An có các điều kiện tài nguyên cho phát triển công nghiệp như khoáng sản, thủy điện, rừng..., điều cơ bản là huy động lực lượng biến các tài nguyên thành sức mạnh kinh tế.
3.2. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bằng bất kỳ tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư từ nước ngoài tại Việt Nam.
Bảng 6. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép
                                             thời kỳ 1988 - 2009

Địa phương
Số dự án
Tổng vốn đăng ký
Dự án
Tỉ lệ (%)
Vốn (triệu đô 
la Mỹ)
Tỉ lệ (%)
Việt Nam
12575
100,0
194429,5
100,0
BTB - DHMT
    820
    6,5
 51735,6
     2,7
Nghệ An
      32
    0,25
      371,1
     0,2
Xếp hạng Nghệ An so
 với BTB - DHMT
   8/14
 
    10/14
 
Xếp hạng Nghệ An so
 với cả nước
   30/63
 
     29/63
 

                                 (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009)
Hơn 20 năm qua, đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép ở Nghệ An chiếm tỉ lệ quá nhỏ so với cả nước; Nghệ An chỉ chiếm 3,9% số dự án và 0,7 tổng vốn đăng ký so với vùng BTB – DHMT, nên đều xếp thứ hạng thấp trong vùng và cả nước. Riêng năm 2009 Nghệ An chỉ thu hút 2 dự án, xếp hạng 11/14 (chỉ đứng trước Quảng Trị, Phú Yên, Thanh Hóa), tổng vốn đăng ký 5 triệu đô la Mỹ, thấp nhất vùng BTB – DHMT; trong khi đó Hà Tĩnh thu hút 5 dự án với tổng vốn đăng ký 127,7 triệu đô la Mỹ, Quảng Bình 2 dự án với tổng vốn đăng ký 7,5 triệu đô la Mỹ, Quảng Trị 1 dự án với tổng vốn đăng ký 15 triệu đô la Mỹ, Phú Yên 1 dự án với tổng vốn đăng ký 1689 triệu đô la Mỹ, Thanh Hóa 1 dự án với tổng vốn đăng ký 7,4 triệu đô la Mỹ. Từ đó dẫn đến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2009 của Nghệ An là -12,7%, trong khi đó vùng BTB – DHMT là 11,5%, cả nước là 9,2% (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009). Nghệ An cần xem xét lại phương thức thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chính sách mở cửa, để ngang bằng và vượt một số tỉnh trong vùng BTB – DHMT.
3.3. Thu nhập bình quân theo đầu người và tỉ tệ hộ nghèo.
Thu nhập bình quân theo đầu người và tỉ tệ hộ nghèo là các chỉ số đánh giá mức sống dân cư. Thu nhập bình quân theo đầu người được xác định ở đây là GDP/ người theo giá thực tế và thu nhập bình quân theo đầu người tháng theo giá thực tế.
  Bảng 7. Thu nhập bình quân theo đầu người, tỉ tệ hộ nghèo năm 2008  

Các tiêu chí
Nghệ An
Vùng BTB – DHMT
Việt Nam
GDP/ người theo giá thực tế*
 (triệu đồng/ người)
12,1
 
19,3
Thu nhập bình quân theo đầu
người tháng (ngàn đồng/ người)
640
728
995
Tỉ lệ hộ nghèo (%)
22,5
19,2
13,4

*năm 2009
                          (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009)
GDP/ người theo giá thực tế Nghệ An chỉ bằng 66,2% của cả nước. Nhóm thu nhập bình quân theo đầu người tháng cao nhất của Nghệ An là 1418 ngàn đồng/ người thấp hơn vùng BTB – DHMT (1647 ngàn đồng/người) và cả nước (2458 ngàn đồng/người). Nhóm thu nhập bình quân theo đầu người tháng thấp nhất của Nghệ An là 203 ngàn đồng/người thấp hơn vùng BTB – DHMT (237 ngàn đồng/người) và cả nước (275 ngàn đồng/người). Tỉ lệ hộ nghèo Nghệ An thuộc vào loại cao trong vùng và cả nước, riêng trong vùng BTB – DHMT, Nghệ An cao thứ 4, sau Thanh Hóa (24,9%), Quảng Trị (25,9%), Hà Tĩnh(26,5%). Đây là điều cần trăn trở, Nghệ An vẫn là tỉnh nghèo của cả nước.
3.4. Những con số khác
- Cơ cấu sử dụng đất:
                         Bảng 8. So sánh cơ cấu sử dụng đất năm 2009
(Đơn vị tính: %)

Các loại đất
Nghệ An
Vùng BTB – DHMT
Việt Nam
Đất sử dụng
75,1
78,8
80,4
Đất chưa sử dụng
24,9
21,2
19,6

                           (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009)
Đất Nghệ An được sử dụng như sau: đất nông nghiệp 15,2%, đất lâm nghiệp 55,5%, đất chuyên dùng 3,2%, đất ở 1,2%. Đất chưa sử dụng của Nghệ An chiếm tỉ trọng cao, gần ¼ diện tích của tỉnh. Đây quả là một sự lãng phí tài nguyên đất.
- Thông tin liên lạc:
Theo tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009, số thuê bao điện thoại/1000 dân của Nghệ An là 177 máy/1000 dân, thấp hơn vùng BTB – DHMT (209 máy/1000 dân), chỉ bằng 1/8,5 số thuê bao điện thoại/1000 dân của cả nước (1515 máy/1000 dân). Thông tin liên lạc là một trong những tiêu chí của công cuộc đổi mới và của cuộc sống hiện đại, vì thế cần xem xét cải thiện, phát triển mạng lưới thông tin liên lạc, đặc biệt là vùng trung du miền núi.
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp:
Năm 2009 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp Nghệ An là -2,6%, trong khi đó trong khi đó vùng BTB – DHMT là 3,2%, cả nước là 3,8% (Tính toán từ nguồn Niên giám thống kê Việt Nam 2009). Nghệ An có diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỉ lệ lớn 55, 5%; diện tích rừng 854,2 ngàn ha, đứng đầu cả nước, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 717,9 ngàn ha, nhưng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trưởng âm là điều khó chấp nhận.
Đây là những con số được xử lý từ các nguồn tư liệu chính thống, công khai, đáng tin cậy, minh chứng cho phần nào sự phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An trong tổng thể bức tranh chung của sự phát triển kinh tế - xã hội vùng BTB – DHMT và cả nước, trong đó có những con số đáng tự hào, trân trọng, nhưng cũng có những con số cần suy ngẫm, trăn trở, để chúng ta cùng nỗ lực vươn lên, vượt qua sự yếu kém.
 
 
                                         Tài liệu tham khảo
1.             Cục Thống kê Nghệ An. Niên giám thống kê Nghệ An 2009. NXB TK HN 2010
2.             Tổng cục Thống kê Việt Nam. Niên giám thống kê Việt Nam 2009. NXB TK HN 2010
3.             Nguyễn Minh Tuệ ( chủ biên). Địa lý kinh tế xã hội đại cương. NXB ĐHSP HN 2004.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511347

Hôm nay

210

Hôm qua

2336

Tuần này

21721

Tháng này

218220

Tháng qua

121356

Tất cả

114511347