Đền Cờn được xây dựng vào năm 1312, ngay sau năm Hoàng đế Trần Anh Tông, thân làm tướng đem quân Nam chinh đánh thắng Chiêm Thành.
Trong chuyến Nam chinh ấy, trên đường đi nhà vua đã dừng đoàn chiến thuyền tại cửa Càn mà nay là cửa Cờn vào một đêm mùa đông năm Tân Hợi (1311). Nửa đêm vua chiêm bao thấy có thần nữ khóc và nói: “Thiếp là cung phi của nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng gió chết đuối trôi dạt đến đây, thượng đế phong cho làm thần biển ở đây đã lâu, nay thấy bệ hạ đem quân đi thiếp xin giúp đỡ lập công. Khi thức dậy vua cho gọi các cố lão ở đấy hỏi sự thực, ban tế một tuần rồi đi, thì biển không nổi sóng, tiến thẳng đến thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm đem về. Đến nay (tức hạ bán niên 1312 - NVG) sai hữu ty lập đền, tuế thờ cúng tế”(1).
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ nói vậy. Trong mấy câu ngắn gọn đó chúng ta ghi nhận:
1. Có sự kiện cung phi nhà Triệu Tống bị giặc bức bách phải chạy ra biển gặp sóng gió, chết đuối trôi dạt đến đây, tức cửa Cờn.
2. Có hiện tượng về tâm linh là cung phi ấy được Ngọc Hoàng Thượng đế ban cho làm thần Biển ở đây đã lâu, tức vùng Cửa Cờn và có lẽ cả hải phận Quỳnh Lưu.
3. Có sự kiện là nhà vua cũng tin vào hiện tượng tâm linh ấy, hiện tượng một cung phi được Trời ban cho làm thần biển, mới có oai phong và sức mạnh âm phù mình và cả ba quân đánh thắng giặc, nên mới dừng đoàn chiến thuyền lại, ban tế một tuần rồi mới kéo quân đi.
4. Có sự kiện nữa là nhà vua cho rằng cung phi ấy, thần Biển ấy đã âm phù mình đánh thắng Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Chí, nên khi kéo đoàn quân chiến thắng về Kinh đô Thăng Long, luận công ban thưởng, vua đã sai hữu ty lập đền, tuế thì cúng tế. Đền Cờn được xây dựng từ đó và với lý do đó.
Đúng là đền Cờn nổi tiếng từ đó và tồn tại mãi nay. Nhưng từ một đoạn văn ngắn ngủi ấy mà biết bao dị bản:
1. Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống đến Đại Càn Tứ Vị Thánh Nương được thờ ở đền Cờn và được các triều vua phong là Thượng Thượng đẳng thần có nhiều dấu hỏi:
a) Cung phi ấy là phi nào, chánh phi, thứ phi, quý phi hay hoàng phi,... Nhưng rồi có sách lại nói là hoàng hậu, có sách nói là thái hậu mà chính xác là thái hậu Dương Nguyệt Quả, vợ vua Tống Độ Tông, mẹ Tống Đế Bính;
b) Lại nữa, Đại Việt sử ký toàn thư chép là cung phi nhà Triệu Tống tức năm 1279, năm đó Trương Hoằng Phạm đem binh đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Nhưng“Ô Châu cận lục” của Dương Văn An và “Thanh Chương huyện chí” của Đặng Công Luận lại đẩy sự kiện ấy vào đời vua Hùng thứ XII và không chỉ là chuyện ngoại xâm mà chuyện ngôi báu cần người kế vị;
c) Chưa hết, các thần được thờ ở đền Cờn không phải là người Trung Quốc vào đời Nam Tống mà chính là người làng Càn Hải, tức Hương Cần hay Phương Cần. Càn Nương là con ông Triệu Công Bính và bà Dương Thị Nhũ đã kết duyên cùng Đế Bính trong lần Đế Bính nam du đến Càn Hải. Kết duyên sao được! Tống sứ cho biết, bị Trương Hoằng Phạm đuổi riết, Trương Thế Kiệt cùng Lục Tú Phu đưa binh quyền chạy ra đảo Nhai Sơn. Nhưng quân Mông Cổ vẫn đuổi, Lục Tú Phu cõng vua nhảy xuống biển tự tử. Đế Bính qua đời lúc 8 tuổi.
Tất cả đều là huyền thoại. Cùng một sự kiện, một huyền thoại (gọi là truyền thuyết cũng được), cùng là các thần được thờ ở đền Cờn, sách thì nói vào đời Nam Tống, sách thì nói vào đời vua Hùng thứ XII, sách thì nói những nhân vật ấy chính là người Phương Cần. Đó là những vấn đề chúng ta cần tìm hiểu, cần tiếp cận trong Hội thảo này.
Lại nữa, cây gỗ từ ngoài biển trôi vào, trôi gần đến đá Ông Cộc, gặp triều nước rặc, cây gỗ phải luẩn quẩn ở đấy. Khi nước cường, cây gỗ mới trôi vào cửa Cờn rồi qua cửa Cờn vào sông Mai Giang đến giếng Giá, trước cửa đền làng Hữu Lập bây giờ. Vào đến đây, gặp tuần nước sinh, cũng phải loanh quanh ở vùng giếng Giá mấy ngày rồi mới trôi đến vùng Hói Vua mà nay là xóm Trại của làng Phương Cần. Và cũng như ở đá Ông Cộc ở giếng Giá, cây gỗ lại gặp tuần nước rặc, bị mắc cạn, phải chờ đến ngày nước cường, cây gỗ mới trôi đến trước cửa đền Cờn.
Trước cửa đền Cờn phong cảnh đẹp đẽ hữu tình. Những con người ở Kẻ Cờn đang say với biển cả, bận bịu với cảnh kiếm sống hàng ngày, hờ hững với cây gỗ nằm ở đó. Đã thế lại có kẻ xúc phạm đến cây gỗ. Thấy dân Phương Cần thờ ơ, gặp tuần triều cường, cây gỗ lại tiếp tục trôi đi, trôi đến đập Chiêm thuộc đất xã Quỳnh Dị bây giờ, cây gỗ nằm lại. Cũng chẳng ai đoái hoài. Nào ngờ trong làng Phương Cần xẩy ra nhiều chuyện chẳng lành, nào gia súc gia cầm chết hàng loạt, nhiều người ốm đau, giương thuyền ra biển không đánh được cá,... Đi bói, thầy bói nói là do cây gỗ. Đang tuần nước cường, hào lý sai tuần phu dùng cây sào đẩy cây gỗ ra sông Mai Giang. Cây gỗ trôi xuống Hói Vua, qua giếng Giá, qua cửa Cờn, qua đá Ông Cộc, trôi xuống hòn Ói, tức núi Quang Lĩnh ở Phú Lương rồi nằm lại đó.
Một người dân Phú Lương thấy cây gỗ, cầm cái xiên xọc vào, vô tình thôi, bỗng mùi thơm tỏa ra. Cho là gỗ thần, anh cầu xin ra khơi đánh được nhiều cá. Quả như vậy, cả làng Phú Lương làm như vậy. Đời sống dân Phú Lương khá hẳn lên. Hay tin đó, dân Phương Cần ân hận lắm.Vào một đêm tối trời, hào lý đưa trai tráng trong làng xuống cướp lại. Dân Phúc Lương thế yếu, họ kiện lên quan trên, kiện lên mãi triều đình. Nhà vua phải dùng một phép tâm linh để xử kiện, song Phú Lương vẫn thua.
Được gỗ, dân Phương Cần xẻ ra, một phần tạc tượng Tứ Vị Thánh Nương, phần còn lại để làm đồ tế khí, làm đền. Gỗ thần vừa xẻ, một mùi thơm của hoa lan hoa quế thoang thoảng toát ra, dân làng cho đó là thiên hương. Cần nhớ thêm rằng, xác Tứ Vị Thánh Nương chết đuối ngoài biển cả, sóng đánh trôi dạt vào vụng Ngâm ở Phương Cần, bao ngày không rõ, dân làng biết vẫn thấy như mới qua đời và cũng toát ra một mùi thơm kỳ lạ, họ cũng cho đó là thiên hương và đã là thiên hương thì bất diệt.
Đó là nguồn gốc của tục thờ Tứ Vị Thánh Nương, nguồn gốc của lễ hội đền Cờn và tại sao đền Cờn đứng đầu trong 4 đền thiêng nhất ở xứ Nghệ. Nguồn gốc này cũng là một huyền thoại và cũng là một vấn đề chúng ta cần tiếp cận, cần trao đổi trong hội thảo này.
*
* *
Theo chúng tôi, Tứ Vị Thánh Nương ban đầu vốn là thần Nước, thần Biển, một dạng nhiên thần, đằng sau có ẩn dấu thần Cá, lâu ngày được nhân thế hóa bằng cung phi, hoàng hậu, thái hậu nhà Nam Tống hay vợ con của một ông vua đời thượng cổ (vua Hùng thứ XII) thì đó là sự phong kiến hóa, lịch sử hóa và hơn nữa còn dân tộc hóa, địa phương hóa khi đã nhân thế hóa hiện tượng thờ thần Nước. Nếu là nhân thần thì tại sao có đến 4 dị bản về thần tích Tứ Vị Thánh Nương, nó như là một hiện tượng của phôn-cờ-lo.
Hệ thống thần Nước vừa gắn với xã hội nông nghiệp - cầu mưa khi nắng hạn, cầu được mùa, cầu không gió bão, không lụt lội, cầu biển lặng gió im - vừa gắn với ước vọng được che chở, được bảo vệ của những người làm ăn trên sông nước - ngư dân - khi ra khơi, lúc vào lộng; của những người làm ruộng đang còn phụ thuộc vào thiên nhiên; của cả những người buôn bán bằng đường sông, đường biển như xã Quỳnh Phương, nơi chúng ta đang ngồi Hội thảo và nhiều làng ở xã khác tại Quỳnh Lưu, tại xứ Nghệ và khắp nơi trên đất nước.
Tín ngưỡng thần Nước thường gắn với thần Đá, thần Cây. Tục thờ cây thiêng, cây thơm không xa rời tục thờ thần Đá, thần Nước. Trong quan niệm siêu hình của nhân dân thờ đá, cây và nước đều có hồn. Đá, Cây, Nước là một tập hợp đan xen gắn bó với nhau. Cây mọc trên đất, trên núi đá phải có nước mới sống được. Các nhà Phôn - cờ - lo học thường cho rằng, tục thờ Cây, Đá và Nước gắn liền với tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp. Cho nên trong huyền thoại về cây gỗ thơm, gỗ trầm hay gỗ thiêng mới có hiện tượng gỗ trôi, gỗ dạt, gỗ luẩn quẩn ở nơi nọ nơi kia, gỗ cũng biết tức giận, biết tha thứ và cuối cùng gỗ về đúng nơi mà hình như có thiên định. Nếu Núi/ Nước là nơi điều hòa âm dương để sinh ngũ hành thì Mộc là một trong ngũ hành.
*
* *
Có thiêng, có kinh, có sợ, có tin mới thờ cúng và có lễ hội. Tứ Vị Thánh Nương chết rồi mà như còn sống dạt vào vụng Ngâm ở Phương Cần có thiên hương. Cây gỗ trôi rồi dạt vào làng Phương Cần cũng có thiên hương. Làng Phương Cần thờ cúng hai linh dị trên, nên đền Cờn mới hấp dẫn, mới thu hút sự ngưỡng mộ, sự sùng kính, sự tin tưởng của nhân dân trong làng, trong vùng và cả các bậc Hoàng đế như Trần Anh Tông, Lê Thánh Tông,... đến nguyện cầu.
Lễ hội đền Cờn được tổ chức hàng năm, bắt đầu từ bao giờ chưa rõ, còn lễ tục thờ Tứ Vị Thánh Nương thì chắc đã được tổ chức từ lâu.
Đó là 1 trong 2 lễ hội dài nhất ở xứ Nghệ, kéo dài từ 21 tháng chạp năm trước cho đến 21 tháng giêng năm sau.
Đó là lễ hội có 3 công đoạn rõ rệt:
- Công đoạn thứ nhất là bơi thuyền. Năm ngày bơi thuyền liên tục, ngày 21 bơi Trai, ngày 22 bơi Cọc, ngày 23 bơi Giải Vàng, ngày 24 bơi Giếng Giá và ngày 25 bơi Ông Cộc.
- Công đoạn thứ 2 vào những ngày đầu xuân, ngày 1 tháng giêng đưa các đức thánh đi du xuân trên sông Mai trong giang phận làng Phương Cần, ngày mồng 4 tế trầu, mồng 5 nghiệm trâu, mồng 6 tế trâu, mồng 7 tế bánh, tế bánh dày không tế bánh chưng.
- Công đoạn thứ 3 vào những ngày từ 15 đến 21 tháng giêng, ngày 15 nghiệm trâu và tiến hành các lễ rước nước, tế mộc dục, tế gia quan; ngày 16 rước các thánh ở 2 đền Trong và Ngoài lên chùa Càn Long để làm lễ trả ơn ông sư cứu mạng; ngày 17 rước các thánh các thần ở Phương Cần đến đình Chợ để hội tế; ngày 18 đại tế tại đình Chợ; ngày 19, buổi sáng đại tế của các nữ quan, buổi chiều rước các thánh các thần ở đền nào về đền ấy; ngày 20 đưa 2 voi và 2 ngựa đá ra đình Tháng Ba và làm lễ lòn voi ngựa để những ai dù vô sinh hay muộn sinh đến cúi lòn đặng mong có con nối dõi và chuẩn bị làm lễ phát tích; ngày 21, lễ hội phát tích hay còn gọi là trò Ói, lễ hội quan trọng nhất và cũng là lễ hội cuối cùng trong lễ hội kéo dài một tháng trời ở làng Phương Cần.
Tôi phải kể ra những nét chủ yếu trong 3 công đoạn của thời gian lễ hội đền Cờn mà chưa đề cập đến trò chơi, trò diễn.
Nhìn chung lễ hội đền Cờn mang đậm đà sắc thái sông nuớc. Sắc thái sông nước không chỉ thể hiện ở tục bơi thuyền trong 5 ngày liền mà mỗi ngày bơi mang một ý nghĩa. Tất cả những nơi bơi đến, tất cả những ý nghĩa ấy đều xoay quanh cây gỗ thơm, cây gỗ thần mà sau là Mộc thần, hiện thờ tại đền Cờn, ngoài ý nghĩa thượng võ, ý nghĩa cầu mong Đức Ông Sông Nước ban cho nhiều thuận lợi những khi vào lộng ra khơi kiếm sống.
Công đoạn 2 có ý gửi gắm nhiều ý nghĩa với chúng ta. Đó là:
- Đâu phải bây giờ mà cụ thể là hôm nay chúng ta mới thảo luận, mới trao đổi về vấn đề văn hóa biển, vấn đề du lịch trên sông nước, mà từ xa xưa Tứ Vị Thánh Nương đã du lịch trên sông nước, du lịch biển rồi. Đó là ngày mồng 1 tết, các đức thánh ngự kiệu trên sông rồi được thuyền rồng chở đi chu du trên sông Mơ từ trước cửa đền Cờn lên Vụng Chiêm rồi lùi xuống qua cửa Cờn đến chỗ đá Ông Cộc.
- Tục tế trầu và tế bánh dày thì hẳn nhiên là tế nữ thần rồi. Việt Nam ta đâu phải chỉ phụ nữ ăn trầu, nam giới cũng ăn trầu, nhưng phụ nữ thì trước đây ai cũng ăn trầu. Đền Cờn thờ Tứ Vị Thánh Nương thì lễ hội có tế trầu là đúng, là cần thiết. Tế trầu gắn với “Sự tích trầu cau và vôi” từ đời vua Hùng. Sự tích này thể hiện tình nghĩa sắt son gắn bó giữa vợ và chồng, anh và em. Miếng trầu mang nặng triết lý nhân sinh huyền diệu, vừa mang nặng bản sắc xã hội (phương tiện giao tiếp) vừa mang nặng bản sắc cá nhân (tình nghĩa con người), vừa nói lên âm dương hòa hợp sinh sôi. Còn tế bánh, tại sao không tế cả bánh chưng mà chỉ tế bánh dày? Sống hơn 50 năm ở xứ Nghệ, tôi thấy người Nghệ Tĩnh gói bánh chưng tròn nhiều hơn bánh chưng vuông. Người Nam Bộ gọi bánh tét là bánh chưng. Tiễn chồng tòng quân trong dịp đầu xuân, các cô gái xứ Nghệ thường gánh lủng lẳng mấy chiếc bánh tét và bánh nổ đi theo chồng. Cái triết lý gọi bánh chưng vuông tượng đất, bánh dày tròn tượng trời, theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng là một sự “Ngộ nhận văn hóa. Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập và triết lý Việt Nam”. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam.
Bánh chưng tròn dài tượng Dương vật, như cái chày cái nõ. Bánh dày tròn vẹt tựa Âm vật, như cái cối, cái nường.
Đó là tín ngưỡng và triết lý nõ - nường, chày - cối của tín ngưỡng phồn thực dân gian.
Thờ Tứ Vị Thánh Nương mà tôn theo triết lý nõ nường của tín ngưỡng dân gian qua cúng bánh dày như đã trình bày trên thì hoàn toàn chính xác.
Đó là hai phong tục mà ở công đoạn 2 của lễ hội đền Cờn đã tuyên bố hay nói cách khác đã gửi gắm với chúng ta.
Tại công đoạn 3, tục lòn voi lòn ngựa tại đình Tháng Ba trước ngày làm lễ phát tích cũng là sự tiếp tục của tín ngưỡng phồn thực dân gian. Các việc khác ở công đoạn như lễ rước nước, tế mộc dục, tế gia quan hay lễ trả ơn ông sư cứu mạng ở chùa Càn Long và cả sự hội tế ở đình Chợ thì nhiều lễ hội tại Nghệ An có những tục ấy. Cái khác là tục lòn voi lòn ngựa thì chúng tôi đã nói trên. Cái khác nữa là trò Ói, là lễ phát tích vào ngày 21.
Trong ngày này từ sáng tinh mơ với hàng ngũ trật tự như đã diễn tả, với dân làng và khách thập phương hành hương đến để cầu nguyện các đức thánh và để xem trò Ói, 5 chiếc kiệu từ đền Cờn trong tiến ra, cứ đi và chạy độ vài chục mét lại vê kiệu. Vê kiệu là không khiêng kiệu trên vai, mà lấy tay nắm chặt các đòn khiêng kiệu rồi tung kiệu lên hạ kiệu xuống, vừa tung hạ vừa reo hò, vừa hát xô mấy tiếng theo điệu hát vê kiệu của người cầm chịch.
Đứng trên cao nhìn xuống đám rước, với hàng ngàn người đến xem lần theo từng bước nhìn những chiếc kiệu đang vê lúc cao lúc thấp trên hàng ngàn cái đầu của khách thập phương, ta có cảm tưởng đó là những chiếc thuyền đang nhô lên hạ xuống chập chờn theo sóng xao ngoài biển cả. Thả trí tưởng tượng một chút, ta sẽ mường tượng Tứ Vị Thánh Nương với xiêm y lộng lẫy có các cung nữ theo hầu cũng ẩn hiện, cũng chập chờn trên những con thuyền đang lướt sóng như lướt trên những chiếc kiệu đang vê ấy.
Trò Ói được trình diễn tại vụng Ngâm nơi chồng đám sau khi đám rước đã đến gần rú Ói, lồng 4 cái ngai vào kiệu rồi rước kiệu về. “Tháng giêng trò Ói vui thay”, trò Ói có nhiều trò, nhưng bài viết của tôi về lễ hội đền Cờn trong phạm vi một báo cáo đề dẫn đã khá dài. Xin dành cho các nhà khoa học tiếp cận, nghiên cứu để có những phát hiện về lễ hội đền Cờn, nhất là trò Ói mang đầy màu sắc dân gian và nội dung phong phú.
*
* *
Việc thờ Mẫu ở đền Cờn là một sự hỗn dung tín ngưỡng. Sự sùng bái các lực lượng tự nhiên được trưng bằng thần Hổ (lực lượng núi rừng) và bằng thần Rắn (viễn ảnh của Giao Long), đó là từ xa xưa. Thần Mẫu như Tứ Vị mới được tăng cường vào đời Lý Trần, song Mẫu Tứ Vị mang ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, đến thế kỷ XV mới có việc thờ Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh mới là văn hóa nội sinh. Mẫu Tứ Vị tuy có ảnh hưởng ngoại lai nhưng đã được dân tộc hóa, dân gian hóa. Nên trong điện thờ Tứ Vị Thánh Nương ở Quỳnh Phương có thờ cả Tam tòa Tứ phủ. Đi theo Mẫu có thập vị tôn ông, thập nhị chầu bà, là thể hiện thần thời gian gắn với thiên can, 12 địa chi.
Tạm hoãn vấn đề này lại để trở về với mục đích yêu cầu của Hội thảo.
Với bản đề dẫn báo cáo khoa học này, chúng tôi đã tiếp cận một số vấn đề về các thần được thờ ở đền Cờn và Lễ hội đền Cờn.
Chúng tôi đã cho rằng, Tứ Vị Thánh Nương vốn là thần Nước, thần Biển, một dạng nhiên thần. Theo Hầu Ngoại Lư, “nước thuộc hành thủy, mang chức năng là thần Huyền Minh (huyền diệu, sáng sủa), hành thủy thuộc nước, nước là nguồn gốc của sự sống nên huyền diệu sáng sủa”(1). Ông còn cho rằng: “Hành thủy ở về phương Bắc màu đen, màu đen là sự tổng hòa của tất cả mọi màu trong nó, cũng như nước chứa đựng mọi thứ trong đó”.
Đền Cờn thờ thần Nước, thần Biển đã được nhân hóa là 4 mẹ con nhà Nam Tống trong lúc bị quân Nguyên đuổi gấp, phải theo quan quân chạy ra biển, bị gió to sóng cả, chết đuối ngoài cửa biển Nhai Sơn (ở Quảng Đông) tức từ phương Bắc trôi dạt về phương Nam đến cửa Cờn thì đúng là hành thủy rồi.
Vậy thì từ trước đến nay người Phương Cần nói riêng, người Quỳnh Lưu nói chung đã ứng xử với biển như thế nào?
Không nói những ứng xử thông thường như nước đã ban cho cây lúa cây màu tốt tươi, cây trồng trong vườn trĩu quả, cho muôn vật sạch lông đẹp da, cho người 2 phương và tất cả chúng ta mọi sinh hoạt trong đời sống hàng ngày như ăn, uống, tắm rửa,... tóm lại là cho sự sống. Không có nước thì không có cuộc sống của con người, không có nhân loại.
Nhưng đối với người Quỳnh Phương, ở một xã mà 90% dân số là ngư dân thì nước và biển đã:
1. Đưa những thuyền chài, thuyền giã, những bè mảng vào lộng ra khơi để đánh bắt nguồn hải sản, to là cá ngừ, cá măng, cá bẹ,... ngon là cá chim, cá thu, cá lụ, cá đé,... nhỏ là con khuyết (con moi), con tôm,... Có thể nói biển giàu có, rất giàu có và tốt bụng vô cùng, biển đã nuôi sống người dân Quỳnh Phương và mọi làng biển Việt Nam hàng nghìn, hàng vạn năm qua, tức là từ khi có con người cư trú ở bờ biển.
2. Là đường đi lối lại, nên biển sẽ đưa những con người Quỳnh Phương và cả Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long,... ra Bắc vào Nam với những con thuyền mành đầy ắp chum, vại, thùng đựng nước mắm và mắm cá, mắm tôm, để buôn bán, để giao lưu, để làm giàu. Hàng trăm năm nay đã có người Quỳnh Phương cư trú tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng,... ở Đồng Hới, Huế và Đà Nẵng. Nói văn hóa làng xã Việt Nam có tính khép kín nhưng với Quỳnh Phương và một số làng xã khác ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc,... tôi thấy chẳng khép kín tý nào. Từ xa xưa, tổ tiên Quỳnh Phương đã tiếp cận văn hóa các đô thị trong nước, để không chỉ làm giàu mà còn làm văn minh cho làng xã mình. Nên tác giả Quỳnh Lưu phong thổ ký mới có nhận xét: “Riêng xã Phương Cần, người ở đây không có nghề gì khác, tranh nhau kiếm lời về cá.Vẫn có tục lập đàn kỳ đảo để thuyền mành vượt biển được thần giúp sức, sóng gió không ngăn trở khi đi buôn bán. Tập quán ở đây xa hoa. Ngày đêm thể chế không thể bó buộc, bốn mùa đều là mùa xuân, vì sống phong lưu”(1).
3. Là một làng ven biển, lại có cửa biển - cửa Cờn có những hòn đảo xa xa, có đảo gần bờ mà nay là rú Ói, tức Quy Lĩnh sơn, có sông Mai Giang uốn lượn, có vụng Ngâm nối liền với vụng Sao Sa, có núi Hùng Vương (núi Thằn Lằn), núi Quạ và bên sông Mai Giang là dãy núi Xước với những ngọn điệp trùng đã từng là một quân cảng hiểm trở vào đời Lý, Trần, Lê. Đất trời đã ban cho Quỳnh Phương một mảnh non sông có biển, có sông, có cảng biển, có núi đồi, vũng nước,... và đã được điểm xuyết bằng những đền, đình miếu, chùa,... mà đáng kể là đền Cờn, song cái quý là những dấu vết lịch sử.
- Còn đó năm 1311, vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành đã dừng thuyền ở Cửa Cờn, cảng Xước, ban tế các thánh thờ ở đền Cờn một tuần, sau khi được cung phi nhà Triệu Tống báo mộng.
- Còn đó làng Đông Hồi vào năm 1470, vua Lê Thánh Tông cũng thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Lúc đi, vua vào đền làm lễ cầu nguyện, được Tứ Vị Thánh Nương phù hộ nhưng khi chiến thắng trở về, vua không vào lễ tạ ơn, nên đoàn thuyền đã về đến gần Cửa Biện gặp phải gió đông, đưa trở lại dưới chân núi Xước gần đền Cờn, nên từ đó làng Bát Lại (vốn thuộc xã Hương Cần đời Lê) đổi là Đông Hồi.
- Còn đó thời gian Lê Lợi kéo quân Lam Sơn vào Nghệ An (1424) và Ninh quận công Trịnh Toàn (trong những năm Trịnh - Nguyễn phân tranh) khi đã làm Tiết chế kéo quân vào Nghệ An để chống chọi với chúa Hiền cũng đã vào đền Cờn cầu nguyện.
Ấy là chưa kể trước đó năm Giáp Thân (1044) vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành cũng dừng thuyền ở cửa Cờn để tuyển thêm tráng sĩ, nên mới có Đặng Tế ra phò, đánh giặc có công được thờ ở đền Xuân Úc (Quỳnh Liên).
Biển, thần Biển, Tứ Vị Thánh Nương và các vị Thủy thần, Long thần, Hà Bá đại vương,... như trên đã nói, tốt bụng vô cùng. Đành rằng có lúc gây bão tố, sóng thần dâng cao, song đã bao đời rồi, Biển cho chúng ta nước để cày cấy và sinh hoạt hàng ngày, cho không khí trong lành để con người hít thở thoải mái, cho cá mắm tôm cua và muối để con người có thức ăn và làm nghề kiếm sống; cho đường đi lối lại xa gần để nhân loại thông thương tiếp cận văn hóa, để chinh chiến thắng giặc ở phương Nam và phương Bắc; cho bãi cát làn làn với màu nước trong xanh và phong cảnh xinh đẹp để con người làm bãi tắm mát, nghỉ ngơi, dưỡng sức, v.v... Nhiều nhà văn, nhà thơ đã ca ngợi biển cả, nào là biển nên thơ, trữ tình; biển vĩ đại, bao la, thần bí, dữ dội,... Nhưng chúng ta đã ứng xử với biển như thế nào?
Thờ cúng Biển, cầu xin Biển đó, nhưng toàn khai thác, lợi dụng biển, nhất là những làng xã cận duyên. Bao người đã vô tình hay hữu ý vứt ghét rác xuống biển, làm ô nhiễm môi trường sinh thái của biển; thả mìn xuống biển để làm chết cá lớn cá nhỏ của biển, phá hoại cảnh quan ven biển và ngoài hải đảo, phá hoại cả những đền đài, chùa miếu ở ven biển, cửa biển, v.v...
Trước sức mạnh vĩ đại và bao la của hóa công, con người mới chỉ biết sợ hãi, sùng kính và khai thác biển, lợi dụng biển, chưa có gì gọi là bồi dưỡng biển, bảo vệ môi trường biển và nuôi dưỡng những sinh vật của biển; Đúng là trong lĩnh vực văn hóa biển, chúng ta còn có nhiều thiếu sót. Có lẽ vì thế mà có lúc biển đã nổi giận, gây bão tố làm chết người, đắm chìm thuyền bè, đổ sập nhà cửa,... để cảnh báo, để hỏi tội, để trừng trị con người đã có những ứng xử thiếu văn hóa với biển.
Tóm lại với những điều đã trình bày trên, chúng ta đã phần nào thấy vai trò của đền Cờn với tục thờ Tứ Vị Thánh Nương và Lễ hội đền Cờn. Riêng chúng tôi đã tiếp cận, tìm hiểu và đã có suy nghĩ đôi nét về thần Nước, thần Biển, thần Cây, về Mẫu, về văn hóa biển,... Vấn đề chúng ta cần tiếp cận thêm là từ những nghi thức cúng lễ ở đền Cờn, một đền được Triều đình ban cho một “lệ” đặc biệt, nghĩa là dân Phương Cần không phải đi phu đi lính, không phải đóng thuế đinh thuế điền, thuế thu nhập qua đánh cá mà dùng công sức ấy, tiền thuế ấy vào việc phụng sự các lễ tục, lễ hội và tu tạo đền Cờn. Từ đó, làm rõ ý nghĩa văn hóa của những nghi lễ ấy trong lịch sử và phát huy những giá trị lành mạnh về văn hóa biển như du lịch biển, xây dựng môi trường sinh thái biển, khai thác các tiềm năng khác của biển (ngoài đánh cá),... trong chiến lược về biển của Việt Nam ở thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngoài ra với tín ngưỡng và lễ tục lễ hội Tứ Vị ở các địa phương khác, chúng ta xây dựng ý niệm tâm linh lành mạnh trong tâm thức nhân dân về tục thờ Tứ Vị, về nghi thức tổ chức nghi thức lễ hội đền Cờn cũng như tục thờ các thần khác, nghi thức tổ chức lễ hội ở các đền khác ở Quỳnh Lưu và nhiều nơi sao cho các lễ hội đó được tổ chức giản dị, trang nghiêm, vui vẻ; vừa đảm bảo tính cổ truyền, vừa đảm bảo được sắc thái của thời kỳ đổi mới, thời kỳ hội nhập với các quốc gia, với các nền văn hóa trên thế giới trong đời sống hôm nay.
Tháng 6 năm 2009
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II (bản dịch), NXB KHXH, Hà Nội, 1967, trang 101-102.
- Hầu Ngoại Lư, Bàn về tư tưởng cổ đại Trung Quốc, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, trang 209.
- Hồ Tất Tố, Quỳnh Lưu phong thổ ký, nguyên văn chữ Hán, bản dịch, hiện lưu giữ tại Thư viện Nghệ An.
- Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Văn hóa sông nước miền Trung, NXB KHXH, Hà Nội, 2006.
- Ninh Viết Giao, Đền Cờn, Tục thờ thần Tứ Vị Thánh Nương và quần thể di tích văn hóa ở xã Quỳnh Phương, NXB Nghệ An, 2009.
- Hồ Đức Thọ, Đền Cờn với địa danh lịch sử - văn hóa trong tâm thức dân gian, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
- Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, Sở VHTT Nghệ An, Vinh 2000.