Đất Nghệ

Những dòng họ nổi tiếng ở Hưng Nguyên

Hưng Nguyên có trên 100 dòng họ sống hoà thuận với nhau. Mỗi họ có lịch sử phát triển riêng, có thế mạnh riêng, khó có thể nói họ nào hơn họ nào. Trong bài viết này chúng tôi chỉ nêu lên một số dòng họ nổi tiếng có công khai hoang lập làng, đánh giặc giữ nước, học hành khoa bảng, phát triển văn hoá đã được sử sách ghi công.

Có hai dòng họ Nguyễn ở xã ước Lễ (Hưng Đạo) làm thông gia với nhau, ra đời bà Nguyễn Thị Kép, bà ngoại Bác Hồ.
Họ ngoại: Thân mẫu bà Kép là con gái ông Nguyễn Công Hanh (cố Thủ Sắc - hiện còn nhà thờ ở xóm 5 xã Hưng Đạo). Đây là họ Nguyễn đến khai phá vùng đất này từ xa xưa. Đất ở của họ chiếm diện tích trên 1ha cao ráo nhất làng. Có ngôi mộ tổ "trong quan ngoài quách" hiếm gặp trong vùng. Rất có thể họ Nguyễn trọng ở làng Trung Cần (Nam Đàn) mà bia đá có ghi "Tổ tiên vốn người làng Ước Lễ" có gốc ở đây. Họ Nguyễn Trọng có 3 thế hệ liên tiếp đậu Tiến sĩ.
Họ nội: Thân sinh bà Kép là ông Nguyễn Văn Giáp, con trai con ông Nguyễn Xuân Thử. Ông Giáp đậu 4 khoa Tú tài. Họ Nguyễn này gốc từ làng Chi Nê xã Thái Lão. Ông Giáp có người ông Bác là Nguyễn Xuân Hích làm đến chức Tri phủ dưới triều vua Quang Trung.
Ông Nguyễn Văn Giáp người xã Ước Lễ gả con gái là bà Nguyễn Thị Kép cho ông Hoàng Xuân Đường làng Hoàng Trù, sinh ra bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ.
Họ Nguyễn làng Phúc Hậu xã Hưng Xuân có Thuỷ tổ là cụ Nguyễn Quốc Thưởng, làm đến chức Hiến sát sứ dưới triều vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786). Con cháu nối đời làm quan. Đời thứ 5 có ông Nguyễn Quốc Học (tức Bá Hộ Dơi). Bà Bá Hộ đã xuất kho thóc "hơn vạn thạch"(1) để cứu đói cho dân được vua Tự Đức truy tặng Biển ngạch "Lạc Quyên Nghĩa Phụ". Đời thứ 6 có ông Nguyễn Văn Nguyên, vợ là bà Lê Thị Cảnh, con trai là Lân, nên thường gọi là Mẹ Lân, được cụ Phan Bội Châu viết bài ca ngợi là "Nữ hào kiệt đất Hồng Lam". Mẹ đã "giao toàn bộ gia tài gồm 200 mẫu ruộng cùng 3.000 thỏi vàng cho con trai là Bang Lân và con rể là Lê Ninh đứng ra chiêu tập nghĩa quân, rèn vũ khí, sắm quân lương, chống Pháp"(2). Em gái ông Nguyên là bà Nguyễn Thị Chuyên có chồng là ông Võ Trọng ái làng Phù Xá có 9 người cháu chắt nội ngoại là cán bộ Lão thành cách mạng. Đời thứ 7 có bà Nguyễn Thị Huyến vợ cụ Đặng Nguyên Cẩn (lúc làm Giáo thụ Hưng Nguyên) là mẹ của nhà văn Đặng Thai Mai.
Họ Nguyễn Trọng ở thôn Phan xã Hưng Tân có Tổ là ông Xướng từ miền Bắc vào lánh nạn và khai phá vùng đất này, khoảng thế kỷ 16. Từ đời thứ 6 trở đi có nhiều người tham gia phong trào Văn thân Cần Vương. Cụ Nguyễn Trọng Khánh chiêu mộ nghĩa quân phối hợp chiến đấu với nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn và Phan Đình Phùng. Cụ Nguyễn Huy Chước (Nguyễn Hữu Xước) đậu 7 khoa Tú tài, làm quan trong triều đình Tự Đức, sau đó làm Tri huyện Yên Hoá. Cụ đã ủng hộ phong trào chống Pháp do Tống Duy Tân lãnh đạo, bị giặc Pháp bắt trói đem phơi nắng trên cầu đá cho đến chết. Trong họ còn có bà Nguyễn Thị Tích (Lý Phương Thuận), năm 1924 lên 9 tuổi đã được các thanh niên yêu nước dẫn ra nước ngoài để học làm cách mạng. Bà được Bác Hồ huấn luyện từng giúp việc cho Bác trong cơ quan thường trực Hội Thanh niên cách mạng, bị bát cùng với Bác tại Hồng Kông năm 1931, do mới 15 tuổi nên được tha. Năm 1945 tham gia phá vụ án Ôn Như Hầu ở Hà Nội.
Họ Nguyễn Dương ở xã Hưng Long có ông Nguyễn Dương Điềm làm đến chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Chú ruột ông Điềm là ông Nguyễn Dương Đôn, một trong những Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam, rất tiếc ông Đôn lại làm Bộ trưởng giáo dục cho chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Cùng họ này có ông Nguyễn Đình Lộc, tham gia Hội Duy Tân đã cùng với ông Võ Trọng Đài, Ngô Quảng thường xuyên đưa thanh niên yêu nước Xứ Nghệ sang Trại Cày Đặng Thúc Hứa ở Xiêm. Ông Lộc có 3 người con đều hoạt động cách mạng. Con gái là Nguyễn Thị Nhuận (1910 - 2006) hoạt động từ năm 1927. Em trai bà là Nguyễn Đình Hoàng (Nguyễn Nhật Tân) tức Siêu Hải (1915 - 1939) là một chiến sĩ cách mạng nổi tiếng tài ba và kiên cường, làm đến chức Uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ Vinh. Người nổi tiếng trong họ này còn sống là ông Nguyễn Đình Hương làm đến chức Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Họ Nguyễn Ngọc ở Hưng Long, có hai anh em Nguyễn Ngọc Các, Nguyễn Ngọc Ngoạn đều là đảng viên 1930 - 1931. Ông Ngoạn được nhân dân gọi Tổng Ngoạn là Tổng chỉ huy cuộc biểu tình lịch sử ngày 12/9/1930. Ông xuất tiền nhà xây cầu cho dân đi lại làm ăn. Cây cầu về sau được gọi là cầu Tổng Ngoạn.
Họ Hồ có Thuỷ tổ là Hồ Hưng Dật định cư ở Bào Đột (Quỳnh Lưu) cách nay hơn nghìn năm. Họ Hồ vào Hưng Nguyên khá sớm. Chi nhánh họ Hồ ở làng Phú Điền xã Hưng Phú có Tổ là Tiến sĩ Hồ Doãn Hài, triều Trần đã làm đến chức Thượng thư Bộ Lại.
Một chi nhánh khác của họ Hồ vào định cư ở làng Thái Xá xã Thái Lão, dưới chân núi Thai, đây là Tổ tiên của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.Từ Thái Lão, khoảng năm 1655 - 1660 ông Tổ 4 đời của họ Hồ đã vào ấp Tây Sơn đời sau đổi sang họ Nguyễn. Ngôi làng cũ nay là cánh đồng Khuông Ràn thuộc xóm 4B xã Hưng Đạo.
Họ Phan ở làng Hạ Khê xã Hưng Tây có Thuỷ tổ là cụ Phan Nhân Thọ (Phan Tiến Thọ) đậu Tiến sĩ triều Lê Trang Tông, năm 1546. Đây cũng là Tổ tiên của cụ Phan Bội Châu(hậu duệ đời thứ 7) và dòng họ Phan ở làng Đan Nhiễm (Nam Đàn). Cụ Phan từng đến đây dự lễ Tế tổ và làm câu đối tặng nhà thờ họ.
Họ Bạch ở Hưng Phú có Thuỷ tổ là Trạng nguyên Bạch Liêu người huyện Yên Thành. Cụ là ngời Nghệ An đầu tiên đậu Đại khoa (1266). Cụ vào Phú Điền làm môn khách cho Thượng tướng Trần Quang Khải, rồi sinh ra dòng họ Bạch ở đây. Họ Bạch có nhiều người tài giỏi như Tiến sĩ Bạch Hưng Khang - Viện trưởng Viện công nghệ thông tin. Ông Bạch Hưng Đào nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ.
Họ Thái đến xã Do Lễ tổng Thông Lãng từ thế kỷ 14 đến đời thứ 3 có ông Thái Tất Tiên đậu Tiến sĩ năm 1466, đây là người Hưng Nguyên đầu tiên ghi danh ở bia Tiến sĩ trong Văn miếu Quốc Tự Giám. Họ Thái hiện có nhiều chi nhánh ở Xứ Nghệ, trong đó có nhà thờ ở làng Yên Nậu xã Hưng Thông, làng Rào xã Hưng Đạo, Kim Mã xã Hưng Chính.
Họ Lê ở Phù Xá xã Hưng Xá theo gia phả thì Thuỷ tổ là cụ Lê Khuyến, một người anh em của Lê Lợi. Khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa (1418) họ Lê cho cụ Khuyến vào lánh ở đây để đề phòng bất trắc và nuôi con ăn học. Con của cụ Khuyến là Lê Giám đậu Tiến sĩ năm 1478. Nay có Tiến sĩ Thiếu tướng Lê Văn Cương làm đến chức Viện trưởng Viện khoa học và chiến lược Bộ Công an.
Họ Lê Văn ở làng Đông xã Hưng Thông có cội nguồn từ miền Bắc vào đây lâu đời. Trong họ có nhiều người tham gia Văn hội, hưởng ứng phong trào Văn thân, Cần Vương. Hai người con ưu tú của họ này là Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Uỷ viên Ban chấp hành Quốc tế cộng sản và Thiếu tướng Lê Thiết Hùng - vị Tướng được phong đầu tiên của nước ta.
Họ Lê Sĩ có Thuỷ tổ là Tiến sĩ Lê Sĩ Triệt thuộc dòng họ nhiều đời khoa bảng ở xã Cổ Đôi (Nông Cống - Thanh Hoá). Cụ Triệt là tướng của triều đình Lê Trịnh lập được nhiều công lao, thăng đến chức Hữu Thị Lang (Phó của Thượng thư) tước Hầu làm Đốc Đồng Nghệ An (1660 - 1672) và định cư ở đây. Khi ông mất được lập đền thờ ở làng Đông. Nhiều triều đại ban sắc phong Thần. Nhà thờ họ Lê Sĩ đã được Tỉnh cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hoá. Dòng họ này có nhiều người hoạt động cách mạng trong các phong trào Văn thân, Cần Vương. Ngày nay họ Lê Sĩ có nhiều người là Giáo sư, Tiến sĩ.
Họ Hoàng Nghĩa ở xã Hưng Lĩnh có Thuỷ tổ là Hoàng Nghĩa Lãng (Hoàng Nghĩa Lương) vào Hưng Nguyên đầu thế kỷ 17. Cha cụ Lãng là Thái phó Hoàng Nghĩa Kiều người xã Hoàng Vân (Kim Động - Hưng Yên). Hoàng Nghĩa Lãng có mẹ là người xã Dương Xá, nay thuộc xã Hưng Lĩnh. Thời Lê Trung Hưng ông làm quan đến Đô đốc Binh sứ, cai quản vùng Nghệ An được phong Phú quận công. Năm 1829 Triều đình cấp 100 mẫu đất bãi lập làng Hoàng Nghĩa. Nay con cháu họ này sinh sống nhiều vùng trong nước và rất nhiều người thành đạt. Một chi ở Nam Đàn có hậu duệ là bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ.
Họ Hoàng Đăng ở làng Châu Sơn, tổ tiên là người Đàng Trong, đến lập nghiệp ở đây từ cuối thế kỷ 15. Họ có nhiều đời làm quan dưới triều Lê Trung Hưng. Trong thời kỳ Đảng ta hoạt động động bí mật, nhà thờ họ Hoàng và nhà ông Hoàng Viện là nơi hội họp và nương náu của các chiến sĩ cộng sản ở Hưng Nguyên và của Xứ uỷ Trung Kỳ. Ông Hoàng Viện và 4 người khác trong họ được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng. Nhà ông Hoàng Viện được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Họ Đinh đến lập nghiệp ở làng Bùi Ngoã xã Hưng Trung vào thế kỷ 14, là dòng họ có truyền thống khoa bảng. Năm 1543 ông Định Bạt Tuỵ đỗ đầu khoa thi đặc biệt do vua Lê Trung Tông tổ chức. Ông được nhân dân gọi là quan Trạng. Ông là người văn võ song toàn, được thăng đến chức Thượng thư Bộ Binh, tước Khê Quận công. Đền thờ Đinh Bạt Tuỵ là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Thời Lê họ Đinh có 4 người đậu Hương Cống (cử nhân).
Họ Võ ở Phù Xá có Thuỷ tổ là cụ Võ Trọng Kỷ, gốc là họ Võ làng Mộ Trạch (Hải Dương) lừng danh về khoa bảng, vào Hưng Nguyên từ thế kỷ 17. Từ đời thứ 4 (cụ Võ Trọng Thưởng) về sau có nhiều người giàu có và tài năng. Nhiều người có công với nước, cũng không ít kẻ làm tay sai cho giặc. Về khoa bảng, có 2 người đậu cử nhân: Cụ Võ Trọng Hoán (1903) và cụ Võ Trọng Lạc (1912). Đặc biệt chi họ võ cụ Tú Lang (Võ Trọng Cẩn) có ông Võ Trọng Việng (Tác Việng) chiến đấu dưới ngọn cờ nghĩa quân Phan Đình Phùng, bị giặc Pháp bắt, chém đầu ở chợ Vực. Nhà thờ họ Võ cụ Tú Lang là nơi liên lạc của các chiến sĩ cách mạng trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Xuất Dương và thời kỳ Đảng hoạt động bí mật. Chi họ này có 10 người là cán bộ Lão thành cách mạng. Tiêu biểu có các cụ Võ Trọng Đài, Võ Trọng Nhỏ, Võ Trọng Ân, Võ Trọng Cánh, Võ Trọng Cư,… Cụ Võ Trọng Ân làm đến chức Phó chủ tịch UBND tỉnh. Con cháu họ Võ hiện nay có nhiều người thành đạt.
Họ Ngô ở làng Cự xã Hưng Lợi không rõ có thuộc dòng họ nói trên hay không, chỉ biết có ông Ngô Trạch đậu Phó bảng năm 1879 làm quan Đốc học. Vợ ông là bà Trịnh Thị Kính(3) người làng Xuân Nha xã Hưng Nhân. Gia đình và Kính ở làng Cự là nơi tụ họp của các sĩ phu yêu nước trong phong trào Văn thân, Đông Du. Bà Nguyễn Thị Thanh (chị Bác Hồ) thường qua lại nơi đây. Khi vụ trộm súng trong thành Vinh do bà Thanh tổ chức bị lộ, bà Kính bị giặc bắt tra tấn dã man và sớm qua đời. Con trai là Ngô Thuần sinh năm 1885 bị xử chém. Anh trai cùng cha khác mẹ là Ngô Trạm sinh năm 1879 bị kết án 9 năm tù khổ sai. Hai người con trai khác của ông Trạch và bà Kính là Ngô Thúc Tuân và Ngô Thúc Thiêm xuất dương cùng với Lê Hồng Phong năm 1924 và trở thành những cán bộ tiền bối của Đảng.
Họ Trần ở xã Hưng Tiến có Thuỷ tổ là cụ Trần Dĩnh Xuyên quê ở Hà Tĩnh, đến dạy học ở Hưng Nguyên từ thế kỷ 17. Họ có truyền thống hiếu học và thông minh. Cụ Trần Văn Song đậu Cử nhân năm 1888. Con trai cụ là Giáo sư Trần Hạo, Tiến sĩ toán học nổi tiếng của Việt Nam. Cụ Trần Đệ là cán bộ Lão thành cách mạng làm đến chức Phó Bí thư Tỉnh uỷ Bình Thuận.
Họ Phạm ở làng Xuân Nha xã Hưng Nhân là dòng họ có truyền thống yêu nước và hiếu học. Trước năm 1922 làng Xuân Nha thuộc xã Tam Xuân huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Thời Lê Trung Hưng có 10 người đậu Tú tài trở lên. Nhà thờ họ Phạm là nơi tụ họp của các chiến sĩ cách mạng tròng thời kỳ hoạt động bí mật, được công nhận là Di tịch lịch sử cấp Quốc gia. Họ Phạm đã sinh ra người chiến sĩ cách mạng ưu tú Liệt sĩ Phạm Hồng Thái.
            Trên đây chúng tôi mới tìm hiểu trên địa bàn huyện Hưng Nguyên ngày nay, nếu mở rộng ra địa bàn huyện Hưng Nguyên cũ thì phải kể đến họ Chu ở xã Hưng Hoà, có hậu duệ là Đại tướng Chu Huy Mân, làm đến chức Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước; Họ Nguyễn ở xã Hưng Dũng có hậu duệ là ông Nguyễn Mạnh Cầm nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; và nhiều dòng họ khác đã sinh ra các bậc hiền tài cho đất nước. Hiện nay chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu được đầy đủ./.
                       
(1)&(2) Hưng Nguyên những trang lịch sử - 1995 - Tr 51.
(3) Hồ sơ của Pháp trong vụ án lấy trộm súng năm 1918 ghi là Trần Thị Hai
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511014

Hôm nay

213

Hôm qua

2359

Tuần này

21388

Tháng này

217887

Tháng qua

121356

Tất cả

114511014