Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, anh Phan Đăng Minh - cán bộ văn hóa xã nói ngắn gọn: “Dân Hưng Tân chúng tôi văn nghệ cũng ham mà thể thao cũng “nghiện”. Các chị cứ về các xóm tìm hiểu trước đã”. Hưng Tân chỉ có 9 xóm, đường đi lối lại đều đã được trải bê tông phẳng lỳ nên chúng tôi đi khá thuận lợi nhanh chóng. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về đời sống văn hóa của xã nhà, chị Diệu (người dân xóm 9) vồn vã: Cái khác tui chưa nói nhưng văn nghệ, thể thao xã này không nhất cũng nhì huyện. Mỗi năm, xã tổ chức 6-8 hội diễn văn nghệ, 5-7 giải thi đấu thể thao không xóm nào vắng mặt. Dân tham gia hào hứng, nhiệt tình lắm! Ngay như tôi đây, không chỉ văn nghệ mà bóng đá, bóng chuyền tui chơi tuốt. Trò chuyện thân tình, cởi mở, tôi mới biết, chị là một “cây” dân ca của xóm, xã. Niềm ham mê hoạt động văn nghệ, thể thao của chị truyền sang cả anh Trường (chồng chị) và các con. Rất nhiều hội diễn văn nghệ của xã, cả nhà chị cùng lên sân khấu. Con gái đầu của chị (cháu Hồ Thị Hồng) đạt giải nhất Hát dân ca trong trường học và hiện nay cháu cũng là “cây” văn nghệ của Trường CĐ Y Thanh Hóa. Hai vợ chồng chị, hơn một mẫu ruộng còn tranh thủ đóng táp lô để bán, làm cật lực suốt ngày nhưng xóm, xã có hội thi, hội diễn cả nhà không bao giờ vắng mặt. Đến xóm 6, chúng tôi còn được biết có nhiều gia đình mê văn nghệ không kém gia đình chị Diệu, như các gia đình chị Lý - anh Long, chị Viên - anh Hùng... Phong trào khá đồng đều trong toàn xã, nhưng nhất văn nghệ phải là xóm 9, bóng chuyền nữ thì nhất xóm 7 còn bóng đá nữ thì xóm 8 đầu bảng... Nghe người dân bình luận như vậy, tôi cũng thấy vui lây.
Trở lại trụ sở UBND xã, anh Minh cho biết thêm, hội diễn ở xã thì khỏi nói, nhưng ở các xóm, khả năng văn nghệ quần chúng cũng rất dồi dào, diễn cả đêm không hết. Hôm mồng 8 tháng 5 vừa rồi, xóm 6 khánh thành nhà văn hóa mới, tổ chức biểu diễn văn nghệ 2 buổi liền, dân phấn khởi lắm. Chị Nguyễn Thị Thu (cán bộ Trung tâm VHTT - TT huyện) đi cùng tôi cũng góp chuyện: “Mấy lần em về làm giám khảo hội diễn văn nghệ của xã thấy người dân nơi đây thật nhiệt tình, ngày làm ruộng, tối lên sân khấu, nhiều diễn viên chân chưa sạch vết bùn nhưng hát múa thật say sưa và người xem thì luôn chật ních sân vận động”. Không chỉ văn nghệ, bóng đá, bóng chuyền nữ, bóng đá thiếu nhi Hưng Tân cứ vào giải là thật tưng bừng. Mỗi giải, xã chỉ hỗ trợ vài trăm ngàn, còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa. Chỉ cần thông báo trên loa truyền thanh là dân đến NVH xóm nộp tiền ngay, nhà ít cũng dăm bảy chục ngàn, nhà nhiều thì dăm bảy trăm, có nhà ủng hộ tiền triệu. Mỗi xóm cũng huy động được 6-7 triệu đồng cho mỗi giải, nhiều xóm huy động được trên 10 triệu đồng như: xóm 2, 3, 6... Phụ nữ Hưng Tân, bóng đá, bóng chuyền đều giỏi, bóng chuyền nữ Hưng Tân bao giờ cũng nhất, nhì huyện. Tiếc là huyện không tổ chức giải bóng đá nữ. Từ phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng, Hưng Tân đóng góp nhiều hạt nhân cho huyện, cho tỉnh. Em Nguyễn Thị Duyên (xóm 9) từng đạt giải nhất Tiếng hát sinh viên Trường ĐH Vinh, anh Ngô Đức Chiến (xóm 3) nhiều lần đạt giải cao tại Hội diễn nghệ thuật QK4, em Nguyễn Thị Thanh - HCV môn đá cầu tại Segames 23, là 1 trong 10 gương mặt đoàn viên tiêu biểu xuất sắc của xứ Nghệ dự Hội nghị Thanh niên tiên tiến toàn quốc...
Ngoài văn nghệ, thể thao, hoạt động thư viện, công tác khuyến học của Hưng Tân cũng rất nổi bật. Thư viện Cây Tùng (xóm 7) là điểm sáng của tỉnh về hoạt động thư viện nông thôn. Ngoài thư viện Cây Tùng, 6 xóm khác cũng xây dựng và phát huy hiệu quả tủ sách tại nhà văn hóa xóm. Sự học của con em được toàn dân chăm lo, dòng họ nào cũng có quỹ khuyến học để động viên con cháu học tập. Chi hội khuyến học 9 xóm và hội khuyến học xã hoạt động rất hiệu quả. Cả 3 trường học của Hưng Tân (Mầm non, TH & THCS) đều đạt trường tiên tiến xuất sắc. Số học sinh giỏi các cấp, học sinh đậu ĐH, CĐ tăng hàng năm. Hưng Tân tự hào có em Hồ Thị Trang là thủ khoa ĐH năm 2010, em Võ Hoàng Biên (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) là thành viên đội tuyển vật lý quốc gia tham dự thi ở Châu Á Thái Bình Dương, em Trần Quốc Bảo (học ở Trường THCS Đặng Thai Mai, Vinh) đạt học sinh giỏi quốc gia.
Có lẽ, phong trào thi đua học tập, sự tham gia tích cực các hoạt động văn nghệ, thể thao đã làm cho người dân Hưng Tân năng động, nhanh nhạy hơn trong mọi việc, nhất là trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Sự năng động này đã giúp Hưng Tân trở thành điểm sản xuất giống lúa siêu nguyên chủng cho Công ty giống TƯ, là nơi sản xuất rau màu hàng hóa cung cấp cho địa bàn TP Vinh. Mô hình cánh đồng cho thu nhập cao (từ 100-150 triệu động/ha) được nhân rộng ở nhiều xóm. Trên 140 hộ dân Hưng Tân làm kinh tế trang trại chăn nuôi cá, lợn, vịt thu lãi mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng. Gạo thơm, nếp thơm Hưng Tân đã thành thương hiệu. Bí xanh, rau củ, quả sạch của Hưng Tân tỏa khắp các chợ ở TP Vinh và các vùng lân cận. Ông Nguyễn Hữu Thống - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Dân Hưng Tân rất tích cực, tự giác trong mọi phong trào. Ví như chuyện bê tông hóa đường giao thông nông thôn, chỉ trong 2 năm 2001-2002, 9/9 xóm đều hoàn thành với tổng chiều dài trên 20 km. Rồi chuyện xây dựng gia đình văn hóa, xóm văn hóa, dân cũng đồng tình cao. Trong 10 năm 2000-2009, 9/9 xóm đều được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Các xóm đều giữ vững và phát huy tốt danh hiệu, trong đó, xóm 2 được tôn vinh, khen thưởng tại Hội nghị tổng kết 10 năm cuộc vận động TDĐKXD ĐSVH của tỉnh. Tỷ lệ GĐVH của xã hàng năm đạt từ 83-85%, gia đình thể thao chiếm trên 30%. Chỉ còn cái NVH đa chức năng nữa là Hưng Tân có thiết chế VHTT - TT đạt chuẩn quốc gia. Công trình này sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm nay với kinh phí đầu tư trên 3 tỷ đồng. Cũng bởi vì có sự điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã nên mới có sự chậm trễ này.
Những gì được nghe, được thấy ở Hưng Tân cho tôi cảm nhận được vùng quê này đang rất nỗ lực gìn giữ và phát huy các nét đẹp của một xã đạt chuẩn văn hóa và đang vững vàng, tự tin trên con đường xây dựng xã nông thôn mới.