Đất Nghệ

Sắc thái Ngàn Hống trong phong cách đại đồng xứ Nghệ

Xứ Nghệ là một vùng đất đã được khẳng định từ lâu, là một vùng (chữ xưa là một xứ), có tính cách riêng có thể phân biệt với xứ Đông, xứ Đoài, xứ Bắc, vv… Nét riêng của xứ Nghệ có phần thiên về mặt văn hoá (ta sẽ nói sau), cho nên nói như Nguyễn Trãi, nước ta “vốn xưng văn hiến” đã lâu, thì xứ Nghệ cũng có thể tự hào về mặt văn hiến này.

Xứ Nghệ là tiếng gọi thông thường dân dã, Nói cho có tính cách “văn hiến” thì phải gọi là đất Hồng Lam, vì nó có núi Hồng sông Lam nổi danh trong cả nước. Nhắc đến non nước Việt Nam, thì phải nói đến những sông Nhị; Núi Nùng; núi Tản sông Lô; Công Hương núi Ngự; núi Ấn sông Trà, vv..., mà hình như "núi Hồng sông Lam" là gây ấn tượng đậm đà hơn cả.

Sông Lam chảy suốt cả tỉnh Nghệ An từ tây nam đến đông bắc, thường được gọi là sông Cả, nhưng thường được chỉ vào khúc hợp với sông La ở chợ Tràng ra đến cửa Hội (nghĩa là chung cho cả Nghệ Tĩnh), còn núi Hồng thì chỉ nằm trên địa phận hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc (đối diện là Đức Thọ và Hưng Nguyên), tức là chỉ trong phạm vi tỉnh Hà Tĩnh mà thôi. Dân gian thường gọi là núi Hống (hoặc Ngàn Hống). Riêng cho Hà Tĩnh, nhưng tất cả người xứ Nghệ vẫn nhận mình là chủ nhân của núi Hồng. Phan Bội Châu ở Nam Đàn (không gần Hồng Lĩnh) nhưng vẫn tự hào về “Lam thảy, Hồng Sơn thiên cổ tại”. Nguyễn Xuân Ôn ở mãi ngoài Diễn Châu vẫn là “Người sơn nhạc giáng thần, xa xa Hồng Lĩnh, gần gần Di Sơn” (tức là Lèn Hai Vai). Và nhiều tỉnh khác trong nước ta cũng vậy. Gia phả của Thám hoá Đặng Bá Tĩnh (Chương Đức, Hà Tây) không quên: “Hồng Lĩnh triệu cơ, Lâm giang khải vũ”. Con cháu của Đặng Minh Khiêm (Mỹ Lộc, Nam Định) luôn luôn phải nhớ “Tại Hồng Sơn hiến tạo tinh anh”. Và đặc biệt tại nhà thờ của Tam nguyên Yên Đổ ở Hà Nam, vẫn còn câu đối:

            Hồng Sơn chi ngoại uất giai khí
            Vị thuỷ chí kim thành Đại giang
Vì vậy, phải thấy rằng núi Hồng sông Lam là cả Nghệ Tĩnh và là cả Việt Nam. Nếu có văn hiến Đại Việt (như cách nói của Nguyễn Trãi), thì văn hiến sông Lam nằm trong đó.
Người xứ Nghệ cũng đã được khẳng định về đặc điểm tính cách, cũng như giọng nói xứ Nghệ là riêng, không giống nơi nào, mà lại có cái nết người ta hay gọi đùa là giọng trọ trẹ. Cái trọ trẹ này cũng rất là văn hoá (ta sẽ nói sau). Còn con người thì đã có sự khái quát: có ba nhân vật và bốn đặc điểm trong một con người xứ Nghệ. Ba nhân vật là Một anh chàng khố chạc, một người chữ nghĩa văn chương và một chiến sĩ tiên phong cách mạng. Cả ba nhân vật ấy hoà hợp vào một con người xứ Nghệ, có đến 4 tính cách riêng: Chất lý tưởng trong tâm hồn, sự trung kiên trong bản chất, sự khắc khổ trong sinh hoạt, sự cứng cỏi trong giao lưu. Tìm đến những Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu và cả Hồ Chí Minh nữa, vẫn thấy trong các ông có ba con người và 4 đặc điểm ấy.
Tìm hiểu văn hiến Hồng Lam, trước nhất phải nhận rõ được những đặc điểm trên đây, để tránh những điều ngộ nhận hoặc thiên lệch, thí dụ khi đi vào từng miền, từng tỉnh, ta dễ có khuynh hướng phân biệt khác nhau. Thực ra, chia riêng Nghệ An và Hà Tĩnh là sau này thôi, chứ trước đây đều là Nghệ An cả. Ranh giới hành chính không phải là ranh giới nhân văn. Đặc biệt xứ Nghệ là chung cho cả Nghệ Tĩnh. Cả hai vùng này là một, giọng nói là một, tính cách con người là một, lịch sử của nó cũng là một. Dân sinh sống từ Bến Thuỷ ra giáp Thanh Hoá và vào đến giáp Quảng Bình vẫn là dân xứ Nghệ. Người Quỳnh Lưu hay người Kỳ Anh đều là người Nghệ Tĩnh.
*
*      *
Nhưng tất nhiên là vẫn có thể nhận ra đôi khía cạnh khác nhau giữa hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, và chỉ là sắc thái khác nhau trong một phong cách đại đồng. Nghệ An và Hà Tĩnh đều chăm học và học giỏi như nhau, đều có tinh thần cách mạng và lịch sử cách mạng như nhau và cũng đều “… cá gỗ như nhau cả”! Cái giống nhau trước nhất trên bình diện chung thì dân hai tỉnh đều là dân “kẻ”. Kẻ ở đây là kẻ quê, kẻ biển, kẻ rừng. Nhiều tỉnh cũng có “kẻ” nhưng không có đủ ba thứ này, là ba lớp người đã toạ nên cái văn hiến dân dã của đất Hồng Lam. Đều là hiền lành, chân chất thậm chí đến cục mịch, không biết lụa là, chải chuốt như nhiều nơi khác. Nhưng khi lao vào làm cách mạng thì làm “cách mạng đến nơi”, và khi được đi học thì đến mức kinh khủng! Cao Bá Quát ngoài Bắc, đã nói đến những người ngày xưa có đến hàng bồ chữ! Người xứ Nghệ lại là cả một rú chữ! Cái rú chữ ấy ngày xưa Nghệ An có những Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Đức Đạt, thì Hà Tĩnh có Phan Huy Chú, Bùi Dương Lịch, vv… Và cho đến ngày nay thì những Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy (bên Nghệ), Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn (bên Tĩnh) vẫn làm cho mọi người phải kính nể.
Nét văn hiến còn cho ta thấy một hiện tượng rất đáng chú ý trong sự phát triển văn hoá của đất Hồng Lam, là tỉnh nào cũng có nhiều dòng họ mà cha con, anh em đều là tác gia. Diễn Châu có họ Cao, họ Đặng, Quỳnh Lưu có họ Hồ, Can Lộc có họ Nguyễn Trường Lưu, Nguyễn Chi, Thạch Hà có họ Phan Huy, Đức Thọ có họ Lê, họ Phan, Hương Sơn có họ Nguyễn Khắc, Đinh Nho, Lê Khánh, vv.. Tất nhiên, nhiều tỉnh cũng có hiện tượng này, nhưng độ tập trung như ở Nghệ An là hiếm thấy. Cái nét văn hiến Hồng Lam này có nguyên nhân tại đâu? Giải thích rằng “văn chương nết đất” nghe cũng xuôi xuôi, nhưng thật ra vẫn là chưa giảng được gì cả.
Từ những dòng họ như thế đã xuất hiện những con người mà cả nước không nơi nào theo được. Vinh dự cho Nghệ An là có những tên tuổi như Hồ Quý Ly, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, vv.. Hà Tĩnh vẫn tự đắc xem các vĩ nhân này là người đồng hương mà không thấy ngượng. Một nhà thơ sinh quán, chính quán, trú quán đều không ở Nam Đàn, đã được vợ khoe hộ:
            Vợ nhà đi họp thường khoe khéo
            Bố cháu cùng quê với cụ Hồ!
Một vài khía cạnh khác nhau giữa Hà Tĩnh và Nghệ An, cho người ta thấy, hình như mặc nhiên có sự phân công của hai anh em đồng bào này. Cùng một phong cách như nhau, nhưng anh thường cứ nhường để người ta biết đến em mình nhiều hơn, anh thường tỏ ra cứng cáp, mạnh mẽ, để cho em có phần dịu dàng, nhẹ nhàng hơn. Cũng đều thiên về trí thức, về nghệ thuật, nhưng Nghệ An chỉ giữ lấy một Hồ Xuân Hương (cái chân chất và ỡm ờ của bà đã đủ nói lên chất Nghệ) còn thì giành cái vinh dự nhà thơ vĩ đại cho Nguyễn Du, rồi cho Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ. Trước đó, Hà Tĩnh cũng có bài thơ hay nhất trong văn học sử nước nhà, hay nhất mà cũng gần như trước nhất - hình như không có người Việt Nam nào không thuộc, nó nói đúng tâm sự và lý tưởng người Hồng Lam: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch. Kỷ độ Long toàn đái nguyệt mạ!”. Đặng Dung quê ở Can Lộc, sống cuối đời Hồ. Rồi còn bản Chinh phụ ngâm, dù dư luận truyền văn có quyền uy bao nhiêu, thì chứng cớ vững vàng vẫn chỉ rõ tác phẩm là của người Hà Tĩnh. Có điều lạ, là cho đến gần đây cũng vậy. Hà Tĩnh vẫn giữ được truyền thống thơ ca tiêu biểu của thời đại mới: Xuân Diệu, Huy Cận đã là tên tuổi lẫy lừng. Kết cả việc mở đầu cho văn chương lãng mạn đầu thế kỷ 20, Nghệ An cũng giành cho Hà Tĩnh: đó là trường hợp Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Dân Việt Nam vốn ngang tàng nghịch ngợm và thường có nụ cười vô uý (không sợ gì). Nhưng cái vinh dự bậc thầy của làng thơ trào phúng đã phải giành cho Nam Định (Tú Xương), Hà Nam (Yên Đổ). Vậy cái cười bướng bỉnh của người Nghệ thì tìm ở đâu? Lại vẫn giành cho người Hà Tĩnh. Chửi từ vua lớn đến quan to như cách chửi của Phan Điện thì rõ ràng là vô uý.
Còn có một vài hiện tượng nữa, cho thấy dù cũng là một phong cách xứ Nghệ, nhưng Nghệ An vẫn cứ đẩy Hà Tĩnh ra nhận lấy phần tiêu biểu cho cả quê hương mình. Ta hay nói “quan xứ Nghệ” là chỉ vào các quan họ Nguyễn, họ Cao, họ Đặng, vv… ở cả hai tỉnh. Các quan đi đâu, cũng khiến cho người ta chú ý phân biệt được với các quan Nam, Bắc vì cái giọng của mình. Nhưng “mần răng lại gặp cái bầy choa” lại gắn hẳn vào với hành trạng của viên quan người làng Tả Ao (Nghi Xuân)! Quan xứ Nghệ nổi tiếng vì thanh liêm, kiên quyết ngang tàng, thường thấy rõ là ở các ông ngự sử. Mà Ngự sử có truyền thống hẳn hoi, thì chỉ thấy ở Hà Tĩnh mà thôi. Đời Lê sơ có Bùi Cầm Hổ, đời Lê Trung hưng có Nguyễn Văn Giai, đến đời Nguyễn lại có Phan Đình Phùng, cả nước đều thấy đây mới đúng là “quan xứ Nghệ”. Tất nhiên loại tham quan trong nước ta, đời nào chẳng có, nhưng tiếng tiêu biểu, để đời thì không thấy ở Nghệ An.
Rồi còn có một số tên tuổi đặc biệt nữa, chỉ thấy ở Hà Tĩnh thôi, mặc dầu phong cách Nghệ An vẫn đậm. Một nhà đạo học như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, một ông tổ nghề thuốc như Hải Thượng Lãn Ông, cho đến một thánh địa lý như Tả Ao cũng có nguyên quán từ Hà Tĩnh. Sang thời hiện đại, để đi vào từng thể loại, Nghệ An chỉ giữ lại có một nhà phê bình văn học rất “thể tất nhân tình” như Hoài Thanh, còn những ngọn cờ khác lại giao cho Hà Tĩnh cầm: cờ trên sân khấu với Đào Mộng Long, cờ trên tranh lụa với Nguyễn Phan Chánh.
Ngay trong sinh hoạt văn hoá dân gian, điệu hò ví dặm, bài ca hát dặm là hoàn toàn riêng cho xứ Nghệ. Cái riêng ở đây không chỉ về thanh điệu, về cấu trúc hoàn toàn khác với mọi nơi, mà cái riêng ở tính chất trí thức rất đậm đà. Nghệ An, Hà Tĩnh đều cử các nhà văn, nhà thơ, sung vào đội ngũ các nghệ nhân dân dã. Nguyễn Du lưu tên ở phường vải Tràng Lưu, thì Phan Bội Châu có mặt ở Xuân Liễu, Xuân Hồ. Những phái nữ thì O Nhẫn Kẻ Dua (Kỳ Anh) mới là cái tên nổi bật. Người bình dân xứ Nghệ có hai hình ảnh văn hoá dân gian độc đáo, không nơi nào có là hình ảnh các Cố và các O. Cố thì nhiều nhất là ở Hà Tĩnh. Có Cố huyền thoại như Cố Bợ, có Cố dân dã như Cố Lơn (nhất vui là đám Cố Lơn), và còn có “cố làm quan to như Cố Lớn”, Làm quan thì không ai dám gọi là cố nữa nhưng cụ Thượng Trứ được người dân gọi là Cố Lớn như thường. Còn O ở Nghệ Tĩnh thì nhiều, mà hình như các O ở Hà Tĩnh có phần nhiều nữ tính hơn thì phải. “Thiếu nữ Hồng Sơn tỉnh vạn cổ” đã có một câu thơ quen thuộc từ xưa mà các cô ở thượng, Hạ, Choi, Vôi thì dẫu không thiên hướng cũng là quốc sắc! Vậy mà các O đều là những cô hoạt động cứu nước rất ngàn tàng (như O Tời, vợ lẽ Đội Quyên). Có O đã thành bà, duy nhất được công nhận là liệt nữ trong văn chương, ấy là Phan Thị Viên, vợ của tiến sĩ Đinh Nho Hoàn, được Đoàn Thị Điểm tôn là An ấp liệt nữ (Hương Sơn).
Tôi còn nghĩ rằng hình như cả trong lĩnh vực ngôn ngữ, cái chất văn hiến của Hồng Lam, cũng là một nét riêng, vì nó bộc lộ cái cứng cỏi, cái trung kiên của người xứ Nghệ. Ai cũng biết trong cuộc sống thông thường, nhất là trong văn nghệ, con người ở vùng này hay vùng khác phải tìm cách lựa lời nói năng cho dịu dàng hơn một chút. Trong lời hát, tiếng ca thì nên chọn từ, những điệu cho phổ thông, nhất là cho êm ái để dễ dàng thông cảm với nhau trong giao lưu. Người xứ Huế hay xứ Quảng khi nói năng, có âm thanh, có thổ ngữ riêng, nhưng khi hát hay khi làm thơ, dân trong cả nước đều nghe và dễ hiểu. Người xứ Nghệ thì khác và hình như bất chấp…! Mà lại hình như cũng có vẻ tự hào về sự bất chấp này. Mà nhất là ở Hà Tĩnh! Tôi đã thấy một bạn nhà văn phải loay hoay hỏi tôi, khi bạn được nghe một câu ca dao ở Can Lộc:
            Hò rí tắc cái cho mau
            Năm ni lút rú, năm sau lút trời!
Và cả những bạn ca sĩ, quả tình thật không làm sao hát đúng và hiểu được đoạn hát sau đây (nếu bạn không phải là dân Hà Tĩnh):
            Tui với mự chung lưng
            Tui trục quan tờn đồng
            Mự trục quan tờn đồng
            Ai chung nữa cũng đừng
            Vô đằng trong ta chạm gạo
            Ra đằng ngoài ta chạm gạo!
Vậy mà lại dấu ấn địa phương này lại rất là đậm đặc ở tất cả các thể loại ca dao dân ca xứ Nghệ, nhất là ở Nghệ Tĩnh. Hay thì cố nhiên phải công nhận là có cái hay, nhưng có phải đây cũng là một sự biểu hiện của tính cách “cứng cỏi trong giao lưu”, “khắc khổ trong sinh hoạt”, thường khi đi quá mức. Có lẽ người xứ Nghệ nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng phải suy nghĩ đến vấn đề này, trong thời kỳ chúng ta đang mở rộng cửa để đón gió mới ngàn phương chăng?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511353

Hôm nay

216

Hôm qua

2336

Tuần này

21727

Tháng này

218226

Tháng qua

121356

Tất cả

114511353