Đất Nghệ

Giáo dục và khoa cử Hà Tĩnh dưới thời phong kiến

Giáo dục và khoa cử Hà Tĩnh dưới thời phong kiến vốn là một chuyên đề lớn, cần viết cả một cuốn sách mới trình bày rõ ràng và cụ thể được. Vì vậy, trong khuôn khổ một tham luận khoa học, chúng tôi chỉ xin luận bàn một cách khái quát những gì là đặc sắc của nền giáo dục, khoa cử Hà Tĩnh dưới thời phong kiến, mà so với các miền đất khác thì hoặc không có, hoặc có nhưng không đậm nét bằng.

Trước hết, chúng ta đều biết tỉnh Hà Tĩnh mới thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) bằng cách tách 2 phủ: Đức Thọ và Hà Hoa của Nghệ An. Do vậy, khi nói Hà Tĩnh dưới thời phong kiến, cũng là nói cả vùng Nghệ Tĩnh mà nhiều tác giả trước đó, thường gọi chung là đất Hồng Lam, hay Hoan Châu như trường hợp: Bùi Dương Lịch, tác giả Nghệ An ký, hoặc Phan Huy Chú, tác giả Lịch triều hiến chương loại chí… chẳng hạn.

Chúng tôi thiết tưởng một khi bàn về vấn đề giáo dục của một vùng đất nào đó, việc trước tiên, ta cần tìm hiểu về: Kiến thức, nhân cách và bản lĩnh của người thầy giáo và cách học, cách lập thân của người học trò.
Một câu hỏi được đặt ra: Ông thầy tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và Ông thầy xứ Nghệ nói chung có gì đặc biệt so với các ông thầy khác trên đất nước ta. Xưa kia dưới thời phong kiến ở Việt Nam, để gọi các ông thầy dạy chữ Nho, người ta thường dùng một từ là: Ông Đồ. Từ này, thật ra không chính xác, vì có nhiều ông thầy dạy trường Đại tập, phần lớn là bậc Tiến sĩ, Hoàng giáp, Thám hoa, Bảng nhãn, thậm chí là Trạng nguyên như Tuyết Giang Phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm… chẳng hạn. Nhưng ở đây, xin bỏ qua sự phân biệt rạch ròi ấy, mà gọi tất cả các bậc thầy Hà Tĩnh nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung là “Ông Đồ Nghệ”, như người ta thường gọi để phân biệt với “Ông Đồ Quảng” (Quảng Nam – Quảng Ngãi), “Ông Đồ Thanh” (Thanh Hóa), “Ông Đồ Bắc” (Kinh Bắc – Bắc Ninh), “Ông Đồ Nam” (Nam Định – Hà Nam).
Nói tới “Ông Đồ Nghệ”, người ta thường nhận xét có tính chất đùa bỡn và hơi chế giễu bằng các từ: “Đồ gàn”, hoặc hình ảnh về câu chuyện con “Cá gỗ”… Ấy thế mà cái chất “gàn” của các ông Đồ Nghệ, vẫn được biết bao lớp học trò xưa nay mến chuộng và hâm mộ, vì sao thế? Tôi đồng tình với nhận định chí lý dưới đây của Giáo sư Ninh Viết Giao – Nhà Nghệ Tĩnh học: “Đâu phải cứ ai là thầy đồ và thầy đồ ở mọi nơi đều được nhân dân ưa chuộng đón về. Trong số các thầy đồ: thầy đồ Bắc, thầy đồ Nam, thầy đồ Thanh, thầy đồ Quảng…, thì hình như thầy đồ Nghệ được bà con các nơi hâm mộ hơn cả. Thời Pháp thuộc đã thế, trước kia, khi mà chế độ khoa cử đang thịnh hành, càng thế. Bởi cần cù, hay chữ, có tiết tháo, mang nhiều tính nghĩa cảm? Bởi đào tạo được nhiều người thành danh?...”[1].
Cái chất đồ Nghệ ấy đã trở thành một đức tính quý báu có tính cách truyền thống, dường như là một thứ “gia truyền”, mà cho tới ngày nay, tôi nhận thấy ở phần lớn các nhà giáo, các giáo sư người Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh vẫn còn kế thừa, lưu giữ được. Trong khi giảng dạy, truyền đạt kiến thức khoa học, kiến thức văn hóa… cho học trò, các vị đều tỏ rõ một trình độ hiểu biết uyên bác, vững chắc, rất ít khi bàn chuyện ngoài lề, mang tính chất tài tử…
Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký cũng từng nhận xét về tính cách và khí chất của con người Nghệ An (trong đó có Hà Tĩnh) nói chung và nhà Nho Hà Tĩnh nói riêng như sau: “Người Nghệ An khí chất chất phác đôn hậu, tính tình từ tốn chậm chạp, không sắc sảo, cho nên làm việc gì cũng giữ cẩn thận, bền vững, ít khi bị xao động bởi những lợi hại trước mắt…”[2]. Xưa kia các cụ cho rằng “văn là người”, xem văn chương, cơ bản biết rõ được tính cách của người viết ra nó. Văn chương của các bậc thầy đất Nghệ Tĩnh, được Bùi Dương Lịch nhận xét bằng những dòng khá tinh tế như sau: “Văn chương người Nghệ An phần nhiều mạnh mẽ mà cứng cỏi, ít bay bổng hoa lệ. Vì văn chương là tiếng của lòng, khí chất con người như thế nên phát ra lời văn cũng thế. Bởi vì khí chất như thế nên không chuộng những sự hoa sức bề ngoài và ít lấy văn chương để tự phụ… Trong số 28 ngôi sao của Hội Tao đàn thời Hồng Đức, Nghệ An không có một người nào. Thời bấy giờ có Tham chính Phạm Phúc Cẩn, người huyện La Sơn, Thượng thư Đặng Minh Bích, người huyện Nam Đường đều có tiếng thơ hay và không được dự, là bởi thế. Gần đây, các ông người Nghệ An, sinh ra và lớn lên ở Kinh đô mới có những thi tập lưu truyền ở đời, đó cũng là do khí vị đã có sự thay đổi…”[3].
Trong lịch sử giáo dục Việt Nam thời phong kiến, có nhiều vị đỗ đại khoa, từ Phó bảng, Tiến sĩ trở lên đến Bảng nhãn, Trạng nguyên người Hà Tĩnh từng được cử giữ chức Tế tửu Quốc tử giám, tức tương đương với chức Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia ngày nay, đó là các vị: Phan Ứng Toản (đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất – 1442); Hà Công Trình (đỗ Hoàng giáp khoa Bính Tuất – 1466), Nguyễn Nghiễm (đỗ Hoàng giáp khoa Tân Hợi – 1731), Phan Nhật Tỉnh (đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Dần – 1842), Nguyễn Quán (đỗ Phó bảng khoa Mậu Thìn – 1868), Trần Khánh Tiến (đỗ Phó bảng khoa Tân Mão – 1871)… Ngoài ra, còn có nhiều vị nắm giữ các chức học quan khác như: Phó Đốc học, Tư nghiệp, Kiểm giáo, Giảng quan ở Quốc Tử giám, Đốc học ở tỉnh, Giáo thụ ở phủ và Huấn đạo ở huyện hoặc làm giám khảo các trường thi Hương, thi Hội như: Phan Kính (đỗ Thám hoa khoa Quý Hợi – 1743), Nguyễn Huy Oánh (đỗ Thám hoa khoa Mậu Thìn – 1748), Phan Huy Cận (đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất – 1754), Ngô Phúc Lâm (đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất – 1766), Bùi Dương Lịch (đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi – 1787), Phan Bảo Định (đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi – 1787), Phan Bá Đạt (đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Ngọ - 1822), Trương Quốc Dụng (đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu – 1829), Bùi Thức Kiên (đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn – 1848), Trần Nguyên Hy (đỗ Phó bảng khoa Mậu Thìn – 1848), Bùi Thố (đỗ Phó bảng khoa Kỷ Dậu – 1849), Ngụy Khắc Đản (đỗ Thám hoa khoa Bính Thìn – 1856), Nguyễn Khắc Niêm (đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi – 1907), Phan Huy Tùng (đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu – 1913), Nguyễn Xuân Đàn (đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn – 1916)…
Trong số các bậc thầy danh tiếng người Hà Tĩnh trên đây, tôi chỉ xin nói kỹ hơn về hai vị, đó là: Thám hoa Nguyễn Huy Oánh và La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), tên tự là Kính Hoa, hiệu là Lựu Trai và Thạc Đình, quê làng Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ Đình nguyên Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Thìn (1748) đời vua Lê Hiển Tông. Trong sách Nghệ An ký, danh sĩ Bùi Dương Lịch (1758-1827) đã ca ngợi sự nghiệp giáo dục của ông như sau: “Nguyễn Huy Oánh, người xã Lai Thạch, huyện La Sơn. Theo Đăng khoa lục, năm 36 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ Cập đệ thứ ba (Thám hoa – TG), khoa Mậu Thìn, đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748), có vâng mệnh đi sứ, làm quan đến Tả thị lang bộ Lại, về hưu, rồi lại được khởi phục, thăng chức Thượng thư bộ Công… Ông lập một thư viện chứa đến mấy vạn quyển sách. Từ đầu đến cuối học trò của ông có đến mấy vạn người, trong đó có hơn 30 người đỗ Tiến sĩ, cùng làm quan đồng triều. Còn đỗ Hương cống được trao chức vụ trách nhiệm thì không biết bao nhiêu mà kể…”[4].
Trong cuộc đời làm thầy mà giáo dục, đào luyện và tác thành cho 30 học trò đỗ được Tiến sĩ – học vị cao nhất dưới thời phong kiến như thầy Nguyễn Huy Oánh rõ ràng là rất hiếm có, không chỉ với thời xưa, mà cả với ngày nay. Giống như Tuyết Giang Phu tử Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, thầy Nguyễn Huy Oánh cũng được học trò tôn xưng là Phu tử – tức bậc thầy Minh triết - Đạo cao đức trọng – một danh hiệu cao quý bậc nhất đối với người thầy xuất thân “Cửa Khổng – Sân Trình”. Sách Nguyễn thị gia tàng cho biết các sĩ tử thời bấy giờ hết mực ca ngợi ông: “Phu tử là bậc kiệt xuất của đất Hoan Sơn… Tài hoa nổi tiếng giữa nước văn hiến…”.
Nguyễn Thiếp (1723-1804), tên tự là Khải Xuyên và Hạnh Am, hiệu là Lạp Phong cư sĩ, La Sơn Phu tử…, quê làng Mật Thôn, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ Nguyễn Thiếp là Nguyễn Quang Nhuận là người có học vấn, nhưng không có gì đặc sắc, còn chú ruột là Nguyễn Hành, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733). Chính ông là người đỡ đầu, nuôi dậy Nguyễn Thiếp thời kỳ còn thơ ấu. Trái lại, thân mẫu Nguyễn Thiếp là con gái họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lưu (tức họ Thám hoa Nguyễn Huy Oánh) là một họ rất lớn, nổi tiếng về văn học đương thời. Nguyễn Thiếp đỗ Hương giải (tức Hương cống, tương đương với Cử nhân sau này) khoa Quý Hợi (1743). Năm 1756, Nguyễn Thiếp từng giữ chức Huấn đạo phủ Anh Đô (tức phủ Anh Sơn thuộc Nghệ An). Đầu năm 1804, Nguyễn Thiếp không bệnh mà mất. Tiến sĩ Trần Bá Lãm đã làm bài Văn tế thay cho hàng huyện La Sơn, để tế La Sơn Phu tử. Trong đó, có những câu: “Ô hô! Tiên sinh có học hơn đời, có khí trùm mọi người. Đương khi nhà nước đạo thịnh, người ta vui ra làm quan; chỉ một mình Tiên sinh từ nhật nguyệt mà vui với yên hà. Dựng nhà ở chốn danh sơn; gác công danh ngoài bụng nghĩ…”. Trong sách Le Vieux An – Tĩnh (An Tĩnh cổ lục), tác giả người Pháp Hippolyte Le Breton cũng viết khá kỹ về ngôi Trường Lục niên của Nguyễn Thiếp. Tác giả đã dành những dòng chữ đầy cảm phục để viết về một người thầy giáo thuở xưa của Việt Nam như sau: “Sau khi tự nguyện rút lui khỏi mọi chức vụ của Nhà nước, ông đến ẩn cư trên đỉnh ngọn núi thanh vắng của làng quê (tức dãy núi Thiên Nhận – TG) và mở trường dạy học ở đấy. Vong linh thầy được tôn thờ trong một ngôi đền do tất cả học trò dựng lên ngay ở trường. Học trò của ông cũng lo luôn việc xây lăng cho thầy…”[5].
            Trên đây, chúng tôi vừa trình bày về kiến thức, nhân cách của người thầy đất Hà Tĩnh, qua đó, cho thấy không phải ngẫu nhiên hình ảnh “Ông Đồ Nghệ” vẫn được khắc sâu trong ký ức của nhiều người cho đến tận ngày nay. Tôi tâm đắc với nhận xét của Giáo sư Ninh Viết Giao dưới đây: “Thầy Đồ Nghệ với áo vắt vai, quần lá tọa, khăn gói đỏ, tráp sơn đen, móng tay dài… đã đi vào lịch sử, nhưng đó đây hình ảnh Ông Đồ xứ Nghệ vẫn còn. Nhà thơ Huy Cận đã viết trong bài thơ Gửi bạn người xứ Nghệ:
Dân thời đại Bác Hồ
Sống xã hội chủ nghĩa
Vẫn dáng dấp ông đồ
Hay chữ lại hay nghĩa[6].
Bây giờ, chúng ta thử tìm hiểu xem học trò Hà Tĩnh ăn học ra sao? Nói cách khác là xem cách học, cách lập thân của họ như thế nào?
Điều cần ghi nhận đầu tiên là học trò Hà Tĩnh nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung là những người hiếu học và khổ học. Về khổ học thì so với học trò các địa phương khác trong toàn quốc, họ đứng vào hàng đầu. Phần lớn, học trò Hà Tĩnh trước đây xuất thân ở tầng lớp nghèo khổ, tầng lớp lao động. Theo đuổi công việc thập niên đăng hỏa đối với họ khá vất vả về cả miếng cơm, lẫn manh áo hằng ngày. Người xưa từng dạy: “Có thực mới vực được đạo”, có nghĩa trước hết phải có cái ăn, cái mặc tương đối đủ no, đủ ấm, sau mới nói đến chuyện học hành. Nhưng đối với học trò Hà Tĩnh, nhiều khi trong bụng chưa thật no mà họ vẫn kiên nhẫn, khổ công theo đuổi việc học.
Người ta thường nói đất Nghệ Tĩnh là nơi: “Cơm thì chia nhau, rau thì tháo khoán” và các nhà nho thường truyền đôi câu đối:
Ông Nghè, ông Cống sống bởi ngọn khoai
Anh học, anh nho nhai hoài lộc đỗ.
Nói đến học trò Hà Tĩnh là người ta nghĩ ngay tới hai chữ “Học gạo”. Trong hai chữ đó phần chê thì ít, còn phần khen, phần khâm phục thì nhiều. Ai là người đã từng theo nghiệp đèn sách 10 năm, 20 năm… ước mong mình đạt được một điều gì đó, thì liệu có thể theo lối học “tài tử”, được chăng hay chớ không?
Khổng Tử (551-479 tr. Cn), nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà giáo dục vĩ đại của Trung Hoa có rất nhiều câu nói dạy về việc học, bàn về thực học, tôi nhận thấy người học trò Hà Tĩnh phần lớn đã thực hiện theo được những câu châm ngôn ấy.
- Tử viết: “Sĩ chí ư Đạo, nhi sỉ ác y, ác thực giả, vị túc dữ nghị dã” (Luận ngữ - Lý nhân). Nghĩa là: Khổng Tử nói rằng: Kẻ sĩ đã dốc chí vào việc học, thế mà còn xấu hổ về việc mặc đồ xấu, ăn không ngon, thì loại người ấy không đáng cùng luận bàn chuyện học vậy.
- Tử viết: “Cổ nhi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân” (Luận ngữ - Hiến vấn). Nghĩa là: Khổng Tử nói rằng: “Người đi học thời xưa học cho mình, người đi học thời nay học cho người”.
Học cho mình” là thực học, học nhằm hoàn thiện nhân cách, tăng cường thêm kiến thức cho mình để sau này bước vào đời, thực hành điều sở học. “Học cho người” là lối học khoe mẽ, chạy theo hư danh, vừa có ý chiều người, vừa có ý lòe đời.
Đại môn đồ của Khổng Tử là Tăng Tử cũng có một câu nói rất hay về vấn đề nghị lực lớn của người đi học, tôi thấy học trò Hà Tĩnh phần lớn có được phẩm chất ấy. Tăng Tử viết: “Sĩ bất khả dĩ bất hoằng nghị. Nhậm trong nhi đạo viễn. Nhân dĩ vi kỷ nhậm, bất diệc trọng hồ? Tử nhi hậu dĩ, bất diệc viễn hồ?” (Luận ngữ - Thái bá). Nghĩa là: Tăng Tử nói: “Kẻ sĩ không thể không có chí khí và nghị lực lớn, gánh thì nặng mà đường thì xa. Cả đời tự nguyện lấy chữ “Nhân” làm “cái gánh” của mình, há chẳng nặng lắm sao? Đến chết mới thôi, há chẳng xa lắm sao?”.
Người ta quan niệm rằng: Kẻ sĩ đất Nghệ Tĩnh nay, xứ Hồng Lĩnh xưa có được chí khí ấy, nghị lực ấy là do phong thủy nơi đây quyết định.
Lời xưa nói:
Hồng Lĩnh sơn cao
Song Ngư hải khoát.
Nhược ngộ minh thời
Nhân tài tú phát.
(Hồng Lĩnh chon von
 Song Ngư bát ngát.
 Nếu gặp thời minh
 Nhân tài đua phát)
Hạnh phúc thay, cho những người đi học, trong cuộc đời sôi kinh nấu sử của mình gặp được những bậc thầy, có phẩm chất như các “Ông Đồ Nghệ” nói trên. Và cũng vui sướng xiết bao, cho những ông thầy gặp được những học trò giầu nghị lực, có chí khí và khổ học như những người học trò Hà Tĩnh. Đấy chính là một niềm vui lớn trong cuộc đời làm thầy! Mạnh Tử từng nói: “Đắc thiên hạ chi anh tài nhi giáo chi” (Mong sao có được những bậc anh tài trong thiên hạ để dạy bảo họ thành tài). Có niềm vui nào cao hơn của một ông thầy là dạy dỗ, đào tạo được nhiều hiền tài cho đất nước?
Về khoa cử thì tỉnh Hà Tĩnh (trước đó là 2 phủ: Đức Quang[7] và Hà Hoa thuộc trấn Nghệ An) cũng có nhiều người đỗ đạt. Sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí nhận xét: “Phong tục trong cả phủ (tức phủ Đức Quang – TG) đều thuần hòa, chỗ nào cũng có văn học, khoa giáp đỗ đạt thì huyện Thiện Lộc[8], huyện Nghi Xuân và huyện La Sơn là thịnh hơn cả. Những người làm tôi có tiếng tốt, giúp nước có đức hiền, hơn cả một châu”[9]. Hoặc, ông nhận xét về khoa cử của phủ Hà Hoa như sau: “Phủ Hà Hoa có 2 huyện: Thạch Hà và Kỳ Hoa[10]. Về văn học thi cử thì huyện Thạch Hà nhiều hơn, mà huyện Kỳ Hoa chỉ có một phần”. Sau đó, Phan Huy Chú cho biết tính đến cuối đời Lê Trung hưng (1533-1788): huyện Thạch Hà có 18 người đỗ đại khoa (Tiến sĩ trở lên), huyện Kỳ Hoa có 6 người[11].
Tính từ khoa thi Hán học đầu tiên trong lịch sử nền khoa cử phong kiến là khoa “Minh kinh bác học và Nho học tam trường” vào năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075) đời Lý Nhân Tông đến khoa thi cuối cùng là khoa Kỷ Mùi niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919) triều Nguyễn, cả nước tổ chức được 183 khoa thi Hội, thi Đình lấy đỗ 2.898 vị đại khoa (từ Phó bảng, Tiến sĩ trở lên)[12]. Theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, thì Hà Tĩnh có 142 vị đỗ đại khoa. Có thể nói số lượng người Hà Tĩnh đỗ đại khoa theo sách này chắc chắn còn thiếu nhiều so với thực tế. Vì chính các tác giả cũng thừa nhận: “… Cùng với sự mất mát, hủy hoại các hồ sơ văn kiện của triều đình, các tài liệu ghi chép về những người đỗ đạt qua các khoa thi, thuật ngữ xưa thường gọi là Đăng khoa lục, cũng không ngoài số phận đó. Đến đầu thời Lê, các nhà sử học đã không có trong tay danh sách các vị đỗ đạt từ nhiều Hồ về trước, kể cả thời nhà Trần là triều đại mà Lê Quý Đôn đã từng nói là “Điển chương hết sức đầy đủ[13].
Trong số 142 vị đỗ đại khoa của Hà Tĩnh, thì vị Trạng nguyên khai khoa của tỉnh là Đào Tiêu, người Yên Hồ, huyện Đức Thọ, đỗ khoa thi Thái học sinh năm Ất Hợi, niên hiệu Bào Phù thứ 3 (1275) đời Trần Thánh Tông, người đỗ cuối cùng là Hà Văn Đại, người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, đỗ Phó bảng khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ 4 (1919) triều Nguyễn[14].
Số người Hà Tĩnh thi đỗ các khoa phân theo các triều như sau:
- Triều Trần: 1 người
- Triều Lê sơ: 40 người
- Triều Mạc: 3 người
- Triều Lê Trung hưng: 46 người
- Triều Nguyễn: 52 người
Trong số các khoa thi dưới triều Lê Trung hưng, có khoa người đỗ hầu hết là người Hà Tĩnh như khoa thi tại địa phận huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577) đời Lê Thế Tông lấy đỗ 5 Tiến sĩ, thì có 4 vị người Hà Tĩnh là: Nguyễn Bật Lượng, Lê Phúc Nhạc, Hồ Bỉnh Quốc và Nguyễn Hoành Từ. Hay khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Hưng thứ 6 (1583) đời Lê Thế Tông lấy đỗ 4 Tiến sĩ, thì có 3 vị người Hà Tĩnh là: Nguyễn Nhân Thiệm, Nguyễn Phong, Trần Phúc Hựu.
Có những dòng họ anh, em, bác, cháu nối tiếp thi đỗ như họ Nguyễn xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân: Nguyễn Huệ, em ông là Nguyễn Nghiễm và cháu ông là Nguyễn Khản cùng đỗ Tiến sĩ. Hay dòng họ Phan xã Châu Phong, huyện Đức Thọ từ Phan Văn Nhã, Phan Đình Vận, Phan Đình Phùng… đến Phan Đình Tuyển, Phan Văn Phong, liên tiếp 8 người đều thi đỗ đại khoa… Còn biết bao dòng họ khác ở Hà Tĩnh cũng có niềm tự hào tương tự như hai dòng họ nói trên.
Theo sách Đăng khoa lục – Liệt truyện đăng khoa bị lục, và Quốc triều đăng khoa lục, trên đất Hà Tĩnh có nhiều làng nổi tiếng vì có nhiều người đỗ đạt như: Việt Yên, Ngu Lâm, Trung Lễ… (Đức Thọ); Thịnh Văn… (Hương Sơn); Thu Hoạch… (Thạch Hà); Trảo Nha, Trường Lưu… (Can Lộc); Tiên Điền, Xuân Viên… (Nghi Xuân).
Một tác giả vô danh đã tự hào về mảnh đất Hồng Lam văn hiến của mình:
Làn văn Lam thủy dồn ba bực
Núi chữ Hồng sơn chất một rừng.
Nhân dân Hà Tĩnh hoàn toàn có quyền tự hào về những bậc thầy uyên bác, đầy khí phách đã có công lao tác thành cho biết bao lớp người hậu tiến, không phải chỉ trên quê hương mình mà cho nhiều vùng đất khác trong cả nước. Và, người Hà Tĩnh càng có quyền tự hào về những người con học giỏi, đỗ cao, làm nên những sự nghiệp lớn lao của mình.
Đáng tự hào lắm bởi trong số 142 vị đỗ đại khoa của Hà Tĩnh, trên lĩnh vực chính trị, không ít vị là những bậc kinh bang tế thế, những lương đống của triều đình, còn trên lĩnh vực văn hóa, những trước tác của họ cũng góp phần to lớn tạo dựng nên lâu đài văn hóa truyền thống Việt Nam. Thành tựu của nền giáo dục và khoa cử mà Hà Tĩnh đạt được trong quá khứ mãi mãi không chỉ là một tài sản vô giá, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta hôm nay và mai sau./.
                                                                                                 Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2011

 
[1]. Ninh Viết Giao: Thơ văn nhà Nho xứ Nghệ. Nxb Văn hóa – Thông tin, H. 1995, tr. 18.
[2]. Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký. Nxb Khoa học Xã hội, H. 2004, tr. 235.
[3]. Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký. Sđd, tr. 239.
[4]. Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký. Sđd, tr. 308-309.
[5]. Hippolyte Le Breton: Le vieux An – Tĩnh (An Tĩnh cổ lục). Nxb Nghệ An, Vinh 2005, tr. 201.
[6]. Ninh Viết Giao: Thơ văn nhà Nho xứ Nghệ. Sđd, tr. 17.
[7]. Phủ Đức Quang: sau đổi là Đức Thọ.
[8]. Huyện Thiên Lộc: sau đổi là Can Lộc.
[9]. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Sử học, H. 1960, tập I, tr. 55.
[10]. Sau đổi là Kỳ Anh, và cắt một phần đất đặt làm huyện Cẩm Xuyên.
[11]. Phan Huy Chú. Sđd, tập I, tr. 65, 66.
[12]. Ngô Đức Thọ (chủ biên): Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919. Nxb Văn học, H. 1993, tr. 972.
[13]. Ngô Đức Thọ (chủ biên). Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919. Sđd, tr. 23.
[14]. Xem Danh sách 142 vị đỗ đại khoa của Hà Tĩnh ở phần Phụ lục cuối bài viết này.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511349

Hôm nay

212

Hôm qua

2336

Tuần này

21723

Tháng này

218222

Tháng qua

121356

Tất cả

114511349