Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhân dân Hà Tĩnh đã có những đóng góp quan trọng, cùng cả nước làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đưa dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ mới.
1. Phong trào hưởng ứng Dụ Cần vương
1.1. Hà Tĩnh - Căn cứ của Vua Hàm Nghi
Ngay sau khi được tin quân Pháp nổ súng ở cửa biển Đà Nẵng ngày 1 tháng 9 năm 1858, mở đầu cho quá trình xâm lược nước ta, nhân dân Hà Tĩnh mà tiêu biểu là các sĩ phu đã biểu lộ tinh thần yêu nước, chủ động, tích cực đem sức lực và tài chí của mình đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nguyễn Công Trứ[1], nhà quân sự, nhà kinh tế và là nhà thơ lớn trong lịch sử Việt Nam cận đại, lúc này đã hơn 80 tuổi khi nghe tin giặc Pháp xâm lược đã xin vua Tự Đức cho cầm quân đánh giặc. Cùng với hành động của Nguyễn Công Trứ là Phan Huân[2], ông đã chỉ trích vua Tự Đức “Thiên hạ là của thiên hạ, không phải là của bệ hạ mà chuyên giữ lấy một mình” và dâng Sớ : “phải giết Phan Thanh Giản để nghiêm quân lệnh, đuổi Trương Đăng Quế về nhà để ngăn chặn mưu gian”. Vì thế ông bị khép vào tội kháng chỉ và bị cách chức, đuổi về quê. Trở về quê nhà, Phan Huân bí mật liên hệ với các sỹ phu yêu nước, tập hợp lực lượng chuẩn bị kháng Pháp. Việc chưa thành thì ông lâm bệnh và mất lúc 48 tuổi.
Tuy vậy, những việc làm của Nguyễn Công Trứ và Phan Huân đã có tác động thúc đẩy sự ra đời của các “nghĩa đoàn sĩ” trên đất Hà Tĩnh, sẵn sàng lên đường đánh giặc cứu nước.
Như vậy, từ rất sớm ở Hà Tĩnh đã dấy lên phong trào chống triều đình Huế nhu nhược và sẵn sàng chiến đấu chống lại quân xâm lược Pháp.
Sau hiệp ước Harmand (25-8-1883), trong lúc thực dân Pháp nôn nóng muốn sớm hoàn thành việc đánh chiếm Việt Nam thì trong nội bộ triều đình Huế có nhiều biến động. Tháng 12 năm 1883, Vua Hiệp Hoà thân Pháp bị phế bỏ, Kiến Phúc lên thay. Ngày 31- 7 -1884, vua Kiến Phúc mất, em ruột là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, còn có tên là Nguyễn Phúc Minhđược đưa lên ngôi vua ngày 2-8-1884, đặt niên hiệu là Hàm Nghi.
Lúc này, trong triều đình Huế, Tôn Thất Thuyết là người đứng đầu phe chủ chiến, kiên quyết chống Pháp. Đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5 tháng 7 năm 1885, phe chủ chiến đã tổ chức tấn công các căn cứ Pháp tại Huế, nhưng không thành.
Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, để bảo toàn lực lượng và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng đoàn tuỳ tùng ra khỏi hoàng thành, rút ra Tân Sở thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Ngày 13-7-1885, tại Tân Sở, vua Hàm Nghi ra Dụ Cần Vương[3], kêu gọi toàn dân ứng nghĩa, phò vua cứu nước.
Nhận thấy rõ điểm yếu của Tân Sở, để bảo toàn lực lượng, tránh sự truy lùng gắt gao của quân Pháp, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi đi theo đường phía tây Trường Sơn trên đất nước Lào rồi ra sơn phòng Ấu Sơn[4] trên đất Hà Tĩnh. Trong lúc này trên đất Hà Tĩnh có quân của Tôn Thất Đạm là con Tôn Thất Thuyết đóng ở Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Tại đây vua Hàm Nghi lại ra Dụ Cần Vương thứ hai (20-9-1885)[5] tố cáo giặc Pháp và cổ vũ, động viên nhân dân chiến đấu đến cùng vì sự nghiệp giúp vua, cứu nước. Đất Hà Tĩnh đã trở thành căn cứ địa của vua Hàm Nghi trong phong trào Cần vương chống Pháp [6].
Hưởng ứng Dụ Cần Vương, phong trào chống Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX đã lan rộng khắp các địa phương trong cả nước mà mạnh nhất là ở Bắc kỳ và Trung kỳ. Hà Tĩnh là một trong những địa phương có phong trào mạnh ở khu vực Bắc Trung kỳ. Đó là các cuộc khởi nghĩa của Lê Ninh ở Đức Thọ, khởi nghĩa của Cao Thắng, Cao Nữu ở Hương Sơn; Nguyễn Trạch và Nguyễn Chanh ở Can Lộc; Ngô Quảng và Hà Văn Mỹ ở Nghi Xuân; Nguyễn Huy Thuận (Bá hộ Thuận) ở Thạch Hà; Nguyễn Thoại ở Hương Khê; Phan Đình Phùng ở Đức Thọ, vv... Trong đó tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa do Lê Ninh và Phan Đình Phùng lãnh đạo.
1.2. Khởi nghĩa Lê Ninh
Lê Ninh[7] sinh tại làng Trung Lễ, xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, huyện La Sơn (nay là xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ) tỉnh Hà Tĩnh. Lê Ninh là người đầu tiênhưởng ứng Dụ Cần Vương ở Hà Tĩnh.
Ngày 15 tháng 03 năm 1874, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất thuận giao Nam Kỳ cho Pháp. Sẵn lòng căm thù quân xâm lược, Lê Ninh tham gia phong trào đấu tranh của Trần Tấn và Đặng Như Mai ở Nghệ An chống lại sự nhượng bộ này của nhà Nguyễn.
Cuộc đấu tranh thất bại, Lê Ninh bị bắt giam gần một năm. Sau khi được thả, ông về quê tôn Lê Năng làm thầy, rồi cùng với 4 người em trai nghiên cứu binh thư, tập rèn võ nghệ, mộ trai tráng ở làng Trung Lễ và làng Phù Long[8] (quê vợ ông), lập đồn Trung Lễ, mở xưởng rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực và luyện tập binh sĩ để sẵn sàng chiến đấu.
Sau khi nghe tin vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương, Lê Ninh cùng với các em kêu gọi nhân dân trong vùng ứng nghĩa.
Ngày 2 tháng 10 năm Ất Dậu (ngày 5 tháng 11 năm 1885), nhận được mật lệnh của nhà vua, Lê Ninh đã phối hợp với lực lượng của Nguyễn Duy Chanh, Nguyễn Duy Trạch ở Can Lộc, Nguyễn Cao Đôn ở Thạch Hà, bất ngờ đột nhập đánh thành Hà Tĩnh, giết chết Bố chánh Lê Đại, bắt sống Án sát Trịnh Vân Bưu, giải phóng tù nhân (trong đó có Cao Thắng) và thu toàn bộ khí giới, vàng bạc, lương thực và một số voi cùng ngựa chiến.
Hạ xong thành Hà Tĩnh, Lê Ninh được phong làm Bang biện quân vụ, giao coi giữ đồn Trung Lễ. Đây là chiến công đầu tiên và cũng là chiến công vang dội nhất của ông.
Cuối năm 1885, quân Pháp cùng với quân triều đình từ Nghệ An kéo đến tấn công đồn Trung Lễ và phóng hỏa đốt làng. Trước lực lượng mạnh của quân địch, Lê Ninh đã cho quân rút về vùng rừng núi ở giữa hai huyện Hương Sơn và Thanh Chương. Năm 1886, Lê Ninh cầm quân đánh đồn Dương Liễu (một địa điểm ở Nam Đàn bên hữu ngạn sông Lam), bắt sống và trừng trị viên chỉ huy tên là Binh Duật.
Thấy lực lượng của Lê Ninh ngày càng lớn mạnh, quân Pháp cùng quân triều đìnhđóng ở Vinh tổ chứctấn công đồn Trung Lễ. Lê Ninh chỉ huy nghĩa quân chống trả quyết liệt, nhưng do lực lượng địch mạnh, nghĩa quân phải rút quân lên đóng ở vùng rừng núi Bạch Sơn (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) phối hợp chiến đấu với nghĩa quân Hương khê do Phan Đình Phùng Lãnh đạo.
Ở nơi rừng sâu , núi thẳm, Lê Ninh bị ốm nặng và qua đời ngày 15 tháng 12 năm 1887. Lê Ninh mất, các con trai ông là Lê Khai, Lê Phác, Lê Trực tiếp tục chỉ huy nghĩa quân chiến đấu và sau đó gia nhập cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng.
1.3. Khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896)
Khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất và kéo dài nhất trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Cuộc khởi nghĩa kéo dài từ 1885 đến 1896, do Phan Đình Phùng lãnh đạo.
Phan Đình Phùng (1847-1895) quê làng Đông Thái, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Khi triều đình kháng chiến chạy ra Hà Tĩnh, ông đã lên yết kiến vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết (10-1885), rồi được giao trọng trách tổ chức phong trào kháng chiến ở Hà Tĩnh. Cùng tham gia xây dựng và có công rất lớn trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê là tướng Cao Thắng.
Cao Thắng sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở Hàm Lại thuộc xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Suốt mười năm cuối thế kỷ XIX (1885-1895), dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở, Phan Đình Phùng đã tổ chức, xây dựng lực lượng nghĩa quân và chỉ huy cuộc chiến đấu, trở thành người chỉ huy tối cao của phong trào kháng Pháp ở đây. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân bao gồm bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, trong đó địa bàn chính là Nghệ An - Hà Tĩnh. Sang đầu năm 1889, nghĩa quân bắt đầu đẩy mạnh hoạt động trên khắp địa bàn Nghệ - Tĩnh, liên tục tổ chức tập kích địch, diệt viện và chống càn quét.
Trước sự lớn mạnh của phong trào, quân Pháp một mặt tăng cường càn quét, thu hẹp dần phạm vi hoạt động của nghĩa quân, mặt khác tìm cách cắt đứt mối liên hệ giữa các quân thứ và nghĩa quân với nhân dân. Trước tình hình đó, nghĩa quân phải rút lên núi Quạt, rồi núi Vụ Quang (Hương Khê)[9].
Ngày 17-10-1894, nghĩa quân Phan Đình Phùng đánh thắng một trận lớn ở Vụ Quang. Thắng trận lớn, nhưng nghĩa quân ngày càng suy yếu, quân số giảm sút. Trong một trận ác chiến, chủ tướng Phan Đình Phùng bị thương và hy sinh ngày 28-12-1895[10].
Mặc dù cuối cùng các cuộc khởi nghĩa hưởng ứng Dụ Cần Vương chống Pháp đều bị thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa của Lê Ninh và nhất là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo trên đất Hà Tĩnh là một trong những phong trào tiêu biểu nhất của phong trào Cần Vương chống xâm lược Pháp cuối thế kỷ XIX ở Hà Tĩnh và cả nước.
2. Các phong trào đấu tranh trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập
2.1. Hưởng ứng phong trào Duy tân, phong trào Đông Du
Vào những năm đầu thế kỷ XX, ở nước ta nổi lên phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh phát động tại miền Trung và phong trào Đông Du (1905-1909) do Phan Bội Châu đề xướng.
Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, hai nhân vật nhiệt thành với công cuộc cải cách là Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Đức Kế [11]. Hai ông cùng góp vốn lập Triều Dương thương quán (tháng 6-1906). Được sự hưởng ứng đông đảo của giới sĩ phu và dân chúng, phong trào ngày càng phát triển mạnh, nhất là trong các trường học nổi tiếng ở vùng Nghệ - Tĩnh như trường Võ Liệt ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) và trường Phong Phú ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Bởi vậy, chính quyền thực dân và phong kiến tìm mọi cách ngăn cấm. Đặng Nguyên Cẩn đang là đốc học Hà Tĩnh bị đổi vào Bình Thuận (đầu năm 1907), Ngô Đức Kế bị bắt vì tội "mưu loạn".
Trong phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, cùng với nhiều thanh niên ở Trung Kỳ, tỉnh Hà Tĩnh cũng có nhiều người xuất dương, trong đó huyện Can Lộc có 2 người là Nguyễn Giám ở xã Hồng Lộc, Mai Đình Hòe ở Tân Lộc.
Cùng với việc hưởng ứng phong trào Duy Tân và Đông Du, trong thời gian này các cuộc vũ trang chống Pháp vẫn tồn tại ở Nghệ Tĩnh. Lê Quyên người Đức Thọ[12] và Ngô Quảng người Nghi Lộc vẫn duy trì căn cứ ở Bố Lư (huyện Nghi Lộc) và Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân) tổ chức các hoạt động vũ trang chống Pháp.
2.2. Hưởng ứng phong trào chống thuế
Phong trào chống sưu thuế ở miền Trung năm 1908 nổi lên như một sự kiện tiêu biểu của phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Đây là một cuộc đấu tranh chính trị bất bạo động có quy mô lớn. Phong trào chống sưu thuế nổ ra vào đầu tháng 3 năm 1908 ở Quảng Nam, lan rộng ra các tỉnh Nam Trung Kỳ, rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và đến tận các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An.
Về phong trào này ở Hà Tĩnh, Huỳnh Thúc Kháng đã viết: "Nghệ Tĩnh với Nam Ngãi, từ phái văn học đến phái cần vương nghĩa hội, thường một mạch câu thông với nhau. Đến phong triều tân học cải cách cùng Đông học thì dùi trống rập nhau, dân Nghệ Tĩnh hò reo như gió đưa diều. Hà Tĩnh thì huyện Can Lộc cùng miền làng Hạ Lỗi, Kỳ Trúc, dân chúng tụ tập vây huyện, Nghệ An dân cũng xôn xao tụ tập và truyền đơn dán yết thị kể tội quan lại rất kịch liệt…".[13].
Người khởi xướng phong trào này ở Hà Tĩnh là Lê Văn Quyên (tức Đội Quyên)[14]. Người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh là Nguyễn Hàng Chi[15]. Khi phong trào chống thuế ở Quãng Ngãi diễn ra, Nguyễn Hàng Chi đã liên lạc với các sĩ phu trong vùng bàn kế hoạch vận động nhân dân đứng lên đấu tranh.
Cùng với Lê Văn Quyên, Nguyễn Hàng Chi, ở Hà Tĩnh còn có những nhân vật xuất sắc như Lê Huân, Ngô Đức Kế[16], Đặng Văn Bá[17], Trịnh Khắc Lập[18], Nguyễn Danh Phương[19]… là những nhân vật xuất sắc, đi đầu trong cuộc vận động phong trào chống thuế ở địa phương mình. Các ông còn tích cực vận động Duy Tân, mở rộng Triêu Dương thương quán ra huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Thanh Chương.Những yếu nhân này đã tìm cách liên lạc với các sĩ phu trong và ngoài tỉnh để mở rộng, liên kết phong trào nhằm chống chính sách thống trị của thực dân Pháp và sự bóc lột của chính quyền phong kiến, đòi quyền lợi cho quần chúng nhân dân.
Mục tiêu của phong trào đã đáp ứng đúng nguyên vọng của người nông dân, vì thế lực lượng tham gia phong trào xin xâu, giảm thuế chủ yếu là nông dân. Mở đầu phong trào trên đất Hà Tĩnh là cuộc đấu tranh của nông dân huyện Can Lộc, sau đó lan khắp các phủ, huyện trong tỉnh. Phong trào diễn ra mạnh mẽ nhất là ở huyện Nghi Xuân, Thạch Hà (Hà Tĩnh), huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Yên Thành (Nghệ An).
Cáccuộc vận động đấu tranh chống thuế, xin xâu diễn ra dưới hình thức biểu tình là chủ yếu. Ban đầu họ cùng nhau dán tờ hiệu triệu lên các cây to ngoài đường để hô hào, kêu gọi nhân dân cùng tham gia. Tại Hà Tĩnh, từng đoàn người không có vũ khí từ các tổng, xã kéo đến phủ, huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ...để đấu tranh. Tuy vậy,một số cuộc biểu tình được chuẩn bị các loại vũ khí thô sơ, sẵn sàng chống lại sự đàn áp của chính quyền đã tạo nên được sức mạnh đáng kể trong các cuộc biểu tình đấu tranh chống thuế.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa các cuộc biểu tình chống thuế ôn hoà với hình thức khởi nghĩa vũ trang là nét đặc sắc nhất của phong trào yêu nước ở Hà Tĩnh trong năm 1908, là biểu hiện sự kết hợp lực lượng của hai phái bạo động và cải lương. Tuy các cuộc biểu tình ở nơi đây không lớn như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và diễn ra muộn, nhưng mang tính quyết liệt, đặc biệt, do có sự chuẩn bị từ trước nên các cuộc đấu tranh ở Hà Tĩnh có tổ chức chặt chẽ và thống nhất.
3. Các phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng
3.1. Sự ra đời các tổ chức tiền thân của Đảng
Sau phong trào chống thuế năm 1908, thực dân Pháp ra sức đàn áp các hoạt động yêu nước của nhân dân ta, do vậy, phong trào của nông dân ở các tỉnh Trung Trung Kỳ và Nam Trung Kỳ hầu như lắng xuống. Tuy vậy, tại Bắc Trung Kỳ, đặc biệt là ở Nghệ - Tĩnh, các phong trào đấu tranh của nông dân ở các vùng nông thôn và công nhân ở các nhà máy, xưởng thợ vẫn tiếp tục nổ ra, trở thành những nhân tố quan trọng quyết định để những tư tưởng cách mạng mới đâm chồi nẩy lộc trên quê hương Nghệ Tĩnh. Đó là sự ra đời của các tổ chức tiền thân của Đảng.
Ngày 14 tháng 7 năm 1925, tại núi Con Mèo (Bến Thuỷ, tỉnh Nghệ An) một số tù chính trị cũ ở Trung kỳ như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên,...một số giáo viên như Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Hà Huy Tập... và một số nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai... đã lập ra Hội Phục Việt (còn được gọi là Đảng Phục Việt) sau đổi tên thành Hội Hưng Nam. Đến năm 1926, tổ chức này đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng, đến tháng 7 năm 1927 lại đổi thành Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội. Hội đã nhiều lần họp bàn với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhưng không thành. Ngày 14 tháng 7 năm 1928, Hội họp đại hội tại Huế quyết định lấy tên là Tân Việt Cách mạng Đảng.
Sau ngày thành lập, Tân Việt Cách mạng Đảngphát triển rất mạnh ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Vào khoảng tháng 10 năm 1925, Hà Huy Tập - một tri thức cách mạng, sau này là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương về dạy học ở thành phố Vinh Nghệ An. Qua quá trình tìm hiểu thực tế, Hà Huy Tập đã tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết, truyền bá những tư tưởng yêu nước cho tầng lớp thanh niên Hà Tình.
Tháng 2 năm 1927, tổ chức Tân Việt huyện Thạch Hà ra đời.
Tháng 7 năm 1927,các đồng chí Hồ Văn Ninh, Hồ Hữu Yên người xã Cổ Đạm được kết nạp vào Đảng Tân Việt tại Thị xã Hà Tĩnh, sau đó được tổ chức phân công về Nghị Xuân vừa tiếp tục dạy học vừa tìm cách gây dựng phong trào.Cuối năm 1927, Tân Việt huyện Nghi Xuân được thành lâp do đồng chíHồ Hữu Yên làm tổ trưởng.
Tháng 6-1925 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) gọi tắt là Thanh niên. Tiểu tổ đầu tiên được ra đời ở thành phố Vinh, Nghệ An dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách quê ở làng Tú Viên (Thanh Chương) với trọng trách Bí thư Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ.
Do hoạt động của Đảng Thanh niên, chủ nghĩa Mác-Lênin đã xâm nhập sâu vào các tầng lớp nhân dân lao động Nghệ - Tĩnh nhất là công nhân, nông dân. Hiệu buôn Yên Xuân ở làng Dương Xuân (phủ Anh Sơn) là một điển hình về hoạt động của Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở các phủ huyện trong tỉnh. Bên ngoài cơ sở này mang danh nghĩa là hiệu buôn nhưng bên trong là cơ sở kinh tài và nơi liên lạc của Hội.
Cùng với tổ chức Tân Việt, tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hà Tĩnh cũng sớm được thành lập. Đồng chí Trần Hữu Thiều, người huyện Anh Sơn hoạt động trong tổ chức trên đã trở thành Bí thư lâm thời đầu tiên của Tỉnh bộ Hà Tĩnh.
Tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin vào các tầng lớp nhân dân, tạo một bước chuyển biến nhảy vọt trong phong trào yêu nước ở Hà Tĩnh. Được chủ nghĩa Mác- Lênin soi sáng, nhiều Đảng viên Tân Việt của Hà Tĩnh sau này đã trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản.
Giữa năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ được thành lập. Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào Nghệ - Tĩnh để xây dựng cơ sở. Các đồng chí này đã bắt liên lạc với đồng chí Võ Mai lập ra Đông Dương Cộng sản Đảng, đặt trụ sở đặt tại làng Vang (nay là Đông Vĩnh, thành phố Vinh). Từ đây, nhiều cơ sở của Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã bắt liên lạc và chuyển thành các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.
Năm 1929, do ảnh hưởng của Đông Dương cộng sản Đảng, phái cấp tiến trong Đảng Tân Việt ra thông đạt giải tán Đảng này để thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 1-1-1930, tại bến đò Trai ( Đức Thọ, Hà Tĩnh), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn là phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam, đáp ứng đúng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và của cả dân tộc[20].
Như vậy là đến tháng 1 năm 1930, ở Hà Tĩnh đã có 3 tổ chức cộng sản cùng hoạt động: Đông Dương Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn và các nhóm cộng sản do Nguyễn Sỹ Sách sáng lập. Trong 3 tổ chức trên thì Đông Dương Cộng sản Đảng đóng vai trò tích cực nhất, có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng Nghệ - Tĩnh giai đoạn này.
3.2. Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam tĩnh Hà Tĩnh được thành lập
Ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chính thức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện trọng đại này có ý nghĩa và tác dụng to lớn đến tiến trình thành lập tổ chức Đảng Cộng sản ở Hà Tĩnh.
Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, đồng chí Nguyễn Phong Sắc với trách nhiệm Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời triệu tập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ và các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Nghệ An, Hà Tĩnh họp tại thị xã Vinh để thành lập Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ. Ban chấp hành Phân cục Trung ương gồm có 3 đồng chí: Nguyễn Phong Sắc tức Thịnh, Lê Mao tức Cát, Lê Viết Thuật tức Luyện do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư.
Tháng 9-1930, tại nhà ông Mai Kính, xã Thạch Việt, Thạch Hà, dưới sự chủ trì của Bí thư lâm thời Trần Hữu Thiều, Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Tỉnh ủy Hà Tĩnh gồm Nguyễn Châu, Trần Hưng, Võ Quê, Bùi Thi, Nguyễn Trọng Hào do Nguyễn Châu làm Bí thư[21].
Hà Tĩnh là một trong những địa phương có Đảng bộ ra đời sớm ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.
Nhờ sự nỗ lực của các đồng chí trong Xứ ủy và các Tỉnh ủy, chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống tổ chức Đảng từ Xứ ủy đến cơ sở đã hình thành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm 1930 - 1931, nhân dân Hà Tĩnh đã cùng với nhân dân tỉnh Nghệ An vùng dậy làm nên cao trào cách mạng rộng lớn, quyết liệt và giành được những thành quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh các phong trào đấu tranh mà điển hình là phong trào Xô Viết.
3.3. Phong trào Xô Viết Nghệ -Tĩnh (1930-1931)
Xô - Viết Nghệ Tĩnh là tên gọi cho phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh, được coi là đỉnh cao của phong trào Cách mạng trong những năm 1930 - 1931 và là phong trào Cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi Đảng được thành lập.
Phong trào đấu tranh ở Nghệ An và Hà Tĩnh mở đầu bằng cuộc biểu tình lớn nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 tại ngã ba thành phố Vinh- Bến Thủy và nông dân 5 xã ven thành phố Vinh, dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ đó đến tháng 8/1930, tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã có 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân, nổi bật là cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Diêm đã dẫn đến cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Bến Thuỷ.
Cuối tháng 8/1930, hàng chục vạn nông dân các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... nổi dậy với quy mô lớn, quyết liệt.
Ngày 12/9/1930, thực dân Pháp cho máy bay ném bom xuống các đoàn biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên (cách Bến Thủy mười cây số), làm chết 217 người và 120 người bị thương.
Sự hy sinh của hàng trăm người khiến cho lòng căm thù thực dân Pháp của các tầng lớp nhân dân lên cao độ. Các cuộc biểu tình biến thành các cuộc đấu tranh vũ trang, nhân dân đốt huyện đường, phá nhà lao. Hệ thống chính quyền cơ sở của thực dân, phong kiến bị tê liệt, một số nơi tan rã. Xô Viết - một hình thức mới về chính quyền của người lao động được thành lập làm chức năng của chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Từ đầu tháng 9, phong trào biểu tình quần chúng lan mạnh sang Hà Tĩnh. Ngày 7 tháng 9, hơn 1.000 nông dân Can Lộc mang theo gậy gộc, giáo mác, trống, mừ, tù và biểu tình và tấn công chiếm huyện đường, đốt giấy tờ, sổ sỏch, giải thoát tù chính trị. Ngày hôm sau, biểu tình quần chúng nổ ra ở khắp các huyện ở Hà Tĩnh. Tuy phong trào ở đây bùng phát muộn hơn, nhưng ngay từ đầu đã diễn ra rất quyết liệt. Khắp nơi dân chúng biểu tình chiếm huyện lỵ, trừng trị hào lý, đánh đuổi binh lính. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, chính quyền thực dân, phong kiến ở nông thôn Hà Tĩnh dường như tan vỡ hoàn toàn.
Chính quyền Xô Viết được hình thành hàng loạt tại nhiều xã thuộc các huyện, thị trong tỉnh. Ở Nghệ An là Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Nghi Lộc, Vinh - Bến Thuỷ. Ở Hà Tĩnh là Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hưng Nguyên... Các chính quyền Xô Viết một mặt thi hành các chính sách mới, mặt khác phá bỏ hệ thống chính quyền cũ, trưng thu đất, thóc gạo, tiền bạc của các địa chủ, đồng thời đòi yêu sách với các chủ xưởng, chủ tàu.
Lo sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đến giữa năm 1931, thực dân Pháp tiến hành khủng bố dã man. Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh lắng xuống. Hàng trăm người bị bắt, bị kết án tù giam trong các nhà tù ở Nghệ An, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo.
Để chống lại sự đàn áp của thực dân Pháp, trong tháng 4 và tháng 5 năm 1931, đảng bộ các địa phương ở Hà Tĩnh đã lãnh đạo nhân dân và tự vệ đỏ các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Hương Khê tổ chức nhiều cuộc vây đồn địch, phản đối khủng bố trắng. Ngày Quốc tế lao động 1- 5 năm 1931 vẫn được tổ chức kỷ niệm sôi nổi ở nhiều nơi, với nhiều hình thức phong phú như mittinh, treo cờ, rải truyền đơn, khua trống, mõ v.v...
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử to lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong biển máu, nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng tháng Tám thắng lợi sau này”[22].
3.3. Phong trào đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939)
Từ năm 1936, phong trào đấu tranh của nhân dân ta chuyển sang những hình thức mới với nội dung chống phát xít, chống chiến tranh, đòi các quyền dân sinh, dân chủ và cải thiện đời sống.
Đầu năm 1937, từ Nam tới Bắc, nhân dân lao động tổ chức mít tinh, biểu dương lực lượng nhân dịp Justin Godart, phái viên của Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp sang Việt Nam điều tra tình hình.
Tại Hà Tĩnh, quê hương của phong trào Xôviết quật khởi, cuộc đón tiếp Godart đã được cơ sở Đảng và quần chúng địa phương chuẩn bị khá chu đáo. Khoảng một tháng trước đó, Xứ uỷ và Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cán bộ mở cuộc tuyên truyền, vận động rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân và nông dân về chủ trương mới của Đảng và về việc thu thập Dân nguyện. Các chính trị phạm vừa được tha về cũng nhanh chóng nhập cuộc, hoạt động rất tích cực. Hơn 8.000 người, chủ yếu là công nhân và nông dân đã tập hợp, hàng ngũ chỉnh tề, cùng hô vang các khẩu hiệu "Ủng hộ Mặt trận Bình dân!" "Tự do, cơm áo, việc làm!". Sau khi diễu hành qua một số đoạn phố chính, đoàn biểu tình giải tán trong trật tự. Godart còn dừng lại ở Vinh, đi thăm một số nhà máy, tiếp xúc với khoảng 30 đoàn đại biểu dân chúng đến đưa bản Dân nguyện[23].
Trong thời gian này, ở Hà Tĩnh còn nổ ra các cuộc đấu tranh của nông dân chống lại các thói hà lạm, áp bức, bóc lột của hào lý, chức dịch dưới danh nghĩa "phe hộ" chống lại "phe hào". Ở các huyện Hương Sơn, Can Lộc, Nghi Xuân và một số nơi khác, "phe hộ" của nông dân thậm chí đã đủ mạnh trấn áp và vây bắt hào lý giữa ban ngày, một số hủ tục và các thói hà lạm của tầng lớp thống trị ở nông thôn đã bị dân chúng tuyên bố xoá bỏ[24].
Cuộc vận động tranh cử ở Trung Kỳ đã thực sự trở thành một cuộc đấu tranh công khai của nhân dân chống lại chính quyền thực dân, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Các tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh đã rất tích cực tham gia bỏ phiếu cho “Phe Bình dân”. Kết quả là "phe Bình dân" đã giành thắng lợi áp đảo: toàn bộ 18 ứng cử viên của "phe Bình dân", trong đó có ba chiến sĩ cộng sản, đều đắc cử, trở thành nghị viên của Viện Dân biểu Trung Kỳ.
Thắng lợi của "phe Bình dân" trong và sau cuộc vận động tranh cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ năm 1937 là đóng góp rất có ý nghĩa vào cuộc vận động chung vì các quyền dân sinh, dân chủ của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có một phần đóng góp của nhân dân Hà Tĩnh.
3.4. Cùng cả nước Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Hà Tĩnh cũng như Nghệ An là nơi giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, cho nên ngay từ những ngày đầu chiến tranh, thực dân Pháp đã tăng cường đàn áp, khủng bố. Vì vậy đến cuối năm 1939, hầu hết các cán bộ chủ chốt của Hà Tĩnh đều bị địch bắt. Cùng với việc bắt giam các cán bộ cách mạng, thực dân Pháp còn tăng cường bắt lính, bắt phu, thu thuế…khiến đời sống nhân dân ngày càng cơ cực, lòng căm thù thực dân Pháp càng tăng gấp bội.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp và sau khi Ban vận động thành lập Việt Minh liên tỉnh Nghệ -Tĩnh được thành lập thì cao trào chống Nhật cứu nước ở Nghệ -Tĩnh dấy lên rất mạnh mẽ. Tháng 6 năm 1945, Đại hội đại biểu Việt Minh hai tỉnh họp bầu Ban chấp hành Việt Minh và bàn kế hoạch lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Được tin Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, ngày 16 tháng 8, Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh được thành lập và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền[25].
Ở Hà Tĩnh, ngay chiều 16 tháng 8 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã thắng lợi ở huyện Can Lộc. Tiếp sau Can Lộc là Thạch Hà, Cẩm Xuyên (ngày 17-8), Kỳ Anh, Đức Thọ, Thị xã Hà Tĩnh ngày 18-8) và Hương Sơn, Hương Khê (ngày 21-8). Như vậy chỉ trong vòng có 6 ngày từ ngày 16 đến ngày 21 tháng 8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh đã thắng lợi.
Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Hà Tĩnh đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, phát xít Nhật và triều đình phong kiến giành độc lập dân tộc, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội./.
Hà Nội, tháng 7 năm 2011
[1] Nguyễn Công Trứ, quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
[2] . Phan Huân, người thôn Kim Lũ, Phù Lưu Thượng (nay là xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà).
[3] .Trước đây thường gọi là Chiếu Cần Vương. Nhưng Dụ là văn bản theo thể loại ban hành mệnh lệnh, bắt người nhận phải thi hành, nếu không sẽ bị pháp luật (nhà vua) trừng trị. Còn chiếu là văn bản thường có tính chất thông báo, tuyên cáo cho mọi người biết. Trong nguyên bản Dụ Cần vương chụp trong Trung Pháp chiến tranh tư liệu, Tập VII, toàn bộ văn bản này mở đầu bằng chữ Dụ. Vì vậy nên gọi là Dụ Cần vương mới sát nghĩa.
[4] . Ấu Sơn thuộc làng Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
[5] .Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Việt Nam -Những sự kiện quân sự thế kỷ XIX. Nxb. QĐND, Hà Nội 1999, tr 288.
[6] . Sau ngày 22-9-1885, căn cứ ở Hà Tĩnh bị giặc pháp tấn công, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi lui vào Quảng Bình và đến tháng 11 năm 1888 thì bị giặc Pháp bắt.
[7] .Lê Ninh là con cả của nguyên Bố Chánh Bình Định Lê Khanh, được tập ấm, nên thường gọi là Ấm Ninh.
[8] . Nay là Yên Trường, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
[9]. Nay thuộc huyện Vụ Quang mới được thành lập. Huyện này mới được thành lập theo Nghị định 27/NĐ-CP ngày 4-8-2000 của Chính phủ..
[10]. Trước đây thực dân Pháp tung tin Phan Đình Phùng chết vì bệnh kiết lỵ. Nhưng các chi tiết về sự hy sinh anh dũng của ông đã được ghi cụ thể trong bức công điện của Khâm sứ Trung Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương. Theo Lịch sử Nghệ-Tĩnh, NXB Nghệ Tĩnh, Vinh 1984, T.1, tr.276
[11]. Đặng Nguyên Cẩn đậu Phó bảng năm 1895, được bổ làm học quan, Giáo thụ rồi Đốc học. Ngô Đức Kế đậu Tiến sĩ cùng khoa thi Hội với Phan Châu Trinh, nhưng không làm quan.
[12] . Lê Quyên có tên khác là Lê Đắc Quyên còn gọi là Đội Quyên, tên hiệu Đại Đẩu (sao Đẩu lớn) sinh năm 1859 tại làng Yên Phúc, tổng Yên Hồ nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
[13] . Vương Đình Quang. Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng. Nxb. Văn học.Hà Nội, 1965. tr.170
[14] . Lê Văn Quyên người làng Yên Phúc, tổng Yên Hồ, phủ Đức Thọ (nay thuộc xã Đức Phúc - Đức Thọ - Hà Tĩnh).
[15] . Nguyễn Hàng Chi sinh năm 1884, ở thôn Đông Thượng, xã Ích Hậu, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc (nay thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh)
[16] . Ngô Đức Kế người tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Danh Phương (Hương Khê, Hà Tĩnh), Chu Trạc (Yên Thành, Nghệ An)
[17].Đặng Văn Bá quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
[18] .Trịnh Khắc Lập quê ở thôn Đông Hội, tổng Phan Xá (nay là thôn Minh Khai, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
[19] . Nguyễn Danh Phương quê ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
[20] . Viện KHXH Việt Nam. Lịch sử Việt Nam, tập 2 (1858-1945), Nxb. KHXH, Hà Nội, 2004 , tr 311
[21] .
Đồng chí Nguyễn Châu (1894-1932) quê ở làng Phù Việt (huyện Thạch Hà). Là giáo viên dạy học ở quê, lại sớm tham gia cách mạng, đồng chí nhanh chóng trở thành cán bộ nòng cốt. Tháng 5-1931 đồng chí được cơ quan tỉnh uỷ điều ra để bổ sung Ban chấp hành Xứ ủy sau khi Nguyễn Phong Sắc và Lê Mao hy sinh. Tháng 6-1931 Nguyễn Châu bị bắt ở phố Đệ Thập- Vinh, thực dân Pháp giam đồng chí ở nhà lao Vinh. Sau đó chúng chuyển đồng chí vào Ban Ma Thuột, Nguyễn Châu hy sinh tại đây vào ngày 16-12-1932.
[22] . Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 9.
[23] Trần Văn Giàu. Giai cấp công nhân Việt Nam. T.2. Sđd, tr.181-182. Xem thêm: Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An: Lịch sử đảng bộ Nghệ An. T.1, Sđd, tr.116-118.
[24] Ban Chấp hành đảng bộ ĐCSVN tỉnh Hà Tĩnh. Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh. T.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.136-141.
[25] . Nghệ Tĩnh hôm qua và hôm nay. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr 142.