Xứ Nghệ ngày nay

Hà Tĩnh tại điểm giao thoa của thách thức và niềm tin

1. Sau nhiều năm vật lộn với khó khăn và phấn đấu cho mục tiêu đổi mới, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, trong môi trường mở cửa và hội nhập quốc tế, Hà Tĩnh đã có những chuyển động mạnh mẽ hướng về phía trước. Đó là sự chuyển động không theo cách tiệm tiến, tuần tự và dàn đều. Hà Tĩnh đang đi theo logic bùng nổ phát triển.

Tuy nhiên, xét toàn cục, theo chiều dọc lịch sử (lịch đại) cũng như đặt trong cục diện phát triển vùng (không gian – đồng đại), Hà Tĩnh đang trong giai đoạn cất cánh, gia nhập vào quỹ đạo phát triển hiện đại. Bước đầu tiên cho quá trình tiến vượt lên của một tỉnh nghèo, đi sau – với tọa độ đột phá mạnh là Khu Kinh tế Vũng Áng - đã được xác lập.
Như kinh nghiệm phát triển của thế giới và của chính Việt Nam chỉ ra, cất cánh chính là bước chuyển mình khó khăn nhất trong toàn bộ lịch sử phát triển. Xác lập được bước đầu tiên đó, tương lai của Hà Tĩnh đã được mở ra.
Bức tranh tương lai – không quá xa vời, chỉ thiết kế cho 5-10 năm tới - của Hà Tĩnh, với tất cả những con số dự tính đang được ráo riết thúc đẩy, tạo cảm giác về một bước nhảy vọt khó tưởng tượng. Chỉ cần xem qua những nét phác thảo lớn cho Khu Kinh tế Vũng Áng trong sự so sánh với trình độ xuất phát hiện tại là đã có thể in đậm cảm giác đó.
2. Trước hết, nói về điểm xuất phát. Xin được lấy một số chỉ số phát triển chính mà Hà Tĩnh đạt được năm 2010 làm minh chứng.
-                      Cơ cấu kinh tế của tỉnh: Công nghiêp- xây dựng từ 25,56% tăng lên 32,4%; thương mại – dịch vụ tăng từ 31,29% lên 32,6%; nông – lâm – ngư nghiệp từ 43,15% giảm xuống còn 35%;
-                      GDP bình quân đầu người đạt trên 11 triệu đồng (tương đương 550 USD).
-                      Xuất khẩu: 56 triệu USD
-                      Doanh nghiệp: (tháng 9/2010), 2.172doanh nghiệp tư nhân, gấp 20 lần so với năm 2005 (209 DN), chiếm 97,9% số DN của tỉnh. Tổng vốn đăng kí của các DN tư nhân đạt 14.500 tỷ đồng, bình quân 6,7 tỷ đồng/DN.
-                      Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Tĩnh liên tục được cải thiện: năm 2007, xếp thứ 56; năm 2008: thứ 49; năm 2009: thứ 47 và năm 2010: thứ 43.
Bức tranh sơ bộ nói trên chỉ ra hai đặc điểm xuất phát kinh tế của Hà Tĩnh: tốc độ tăng trưởng khá nhanh nhưng mặt bằng xuất phát – kể cả thực lực và trình độ - hãy còn rất thấp. GDP đầu người của Hà Tĩnh cho đến nay chỉ mới bằng ½ mức trung bình cả nước; cơ cấu ngành của Hà Tĩnh vẫn còn nghiêng lệch đáng kể về nông nghiệp (chiếm tỷ trọng 35% trong GDP so với mức 20% của cả nước). Lực lượng doanh nghiệp – chủ lực quân của công cuộc phát triển kinh tế - của Hà Tĩnh vẫn còn rất mỏng và yếu.
Vượt qua điểm xuất phát này để cất cánh là công việc mà Hà Tĩnh, cũng như cả nước Việt Nam, giải quyết trong suốt chiều dài lịch sử của mình mà vẫn chưa xong. Thực sự là không dễ dàng và không thể có ảo tưởng về bất kỳ một sự dễ dàng nào trước một thách thức lịch sử như vậy.
 
3. Nhưng Hà Tĩnh không có lý do để bi quan tại thời điểm hiện nay. Bởi lẽ bên cạnh thực trạng xuất phát chung mang tính lịch sử đó, Hà Tĩnh còn có một thực trạng xuất phát khác, đặc thù, mới tinh khôi, mở ra một triển vọng đầy khích lệ. Đó là thực trạng cất cánh gia nhập vào quỹ đạo phát triển hiện đại với Khu Kinh tế Vũng Áng.
Khu Kinh tế Vũng Áng, dù chỉ mới được tạo dựng cách đây hơn 5 năm, đến nay, đã thu hút được nhiều dự án khổng lồ, bao gồm cả những “siêu dự án”. Với hơn 100 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh (trong đó có 24 doanh nghiệp nước ngoài), số vốn đăng ký đầu tư vào Vũng Áng đã đạt hơn 12 tỷ USD. Đây sẽ là trung tâm luyện cán thép lớn nhất Việt Nam với công suất dự kiến lên tới 22 triệu tấn/năm. Ngoài ra, Vũng Áng còn có Tổng kho xăng dầu lớn, và dự định sẽ trở thành Trung tâm lọc hóa dầu lên tới 16 triệu tấn/năm sau khi dự án đầu tư 12,5 tỷ USD được thực hiện.
Cảng Vũng Áng gắn với cảng nước sâu Sơn Dương (62 cầu cảng), với năng lực thông quan 100 triệu tấn/năm, trở thành một cửa mở khổng lồ của nền kinh tế, mà trước tiên là cho vùng Bắc Trung bộ, nối thông với Lào - Thái lan trong tuyến hành lang phát triển Đông – Tây của ASEAN.
Còn phải kể đến các nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Vũng Áng 2 đi kèm, rồi Khu Du lịch Dịch vụ hồ Tàu Voi.
Kéo theo những dự án lớn, khi nguồn lực vật chất và con người được tập trung lại với quy mô lớn, đương nhiên, phải có một đô thị lớn, hiện đại, và có lẽ cả một chuỗi đô thị.
Một bức tranh Hà Tĩnh hiện đại, hoành tráng, thật sự khó tưởng tượng, nhất là khi đặt trong tương quan so sánh với điểm xuất phát thực tế còn nghèo và trình độ phát triển chưa cao của tỉnh.
Đó là một bức tranh đầy màu sắc lãng mạn, nhưng là lãng mạn cách mạng, với tính hiện thực cao.
 
4. Nhưng thuyền to thì sóng lớn. Cơ hội lớn luôn đi liền với thách thức lớn, nhất là khi các năng lực biến cơ hội thành lợi ích phát triển hiện thực còn yếu và thiếu. Đây chính là tình huống khách quan, “có vấn đề” mà công cuộc phát triển hiện đang đặt ra cho Hà Tĩnh. Hãy thử hình dung một lượng vốn khổng lồ, hàng mấy chục tỷ đô la, kéo theo những nguồn lực vật chất và con người khổng lồ, “ném” vào một vùng đất nhỏ hẹp (chỉ 22.800 ha, hay 228 km2), chiều ngang, kẹp giữa núi và biển, chỉ là một dải đất mỏng, còn hoang sơ và kém phát triển, diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Đó là điều chưa từng thấy trong lịch sử phát triển của Việt Nam. Không khó hình dung áp lực nặng nề của “tăng trưởng nóng” hay “over-invest” (quá tải đầu tư) mà nền kinh tế nói chung, Hà Tĩnh nói riêng phải chịu để đạt được mục tiêu phát triển[1].
Câu hỏi nghiêm túc, nhưng rất nghiệt ngã, là: Bằng cách nào để Hà Tĩnh chịu tải được “sức nén” ghê gớm đó để tiến vượt lên?
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên, có lẽ cần nhìn lại lịch sử với một câu hỏi khác: tại sao cũng như nhiều nước khác, nhiều vùng đất khác, ở Việt Nam, nơi nào "rừng vàng, biển bạc" thì dân lại nghèo lâu, lại khó thoát nghèo đến vậy?
 
Rõ ràng là tiềm năng lớn chỉ mới là điều kiện cần cho một sự bay lên. Giữa tiềm năng và sự giàu có đích thực, tức là giàu có dựa trên nền tảng phát triển, không có mối quan hệ đương nhiên, tất yếu và trực tiếp. Giữa chúng là một khoảng cách lịch sử mà muốn vượt qua nó, phải có nhiều điều kiện khác, do con người tạo ra và rất không dễ tạo ra. Chính điều này giải thích tạo sao qua nhiều thế kỷ, trong hàng trăm quốc gia cùng nỗ lực hết mình cho công cuộc bứt phá phát triển, chỉ có mấy chục nước tiến vượt lên được.
Và kinh nghiệm phát triển của thế giới cũng chỉ ra với những cái giá rất đắt rằng không phải một sự xuất phát tốt ban đầu là đủ bảo đảm cho một cuộc cất cánh vào quỹ đạo phát triển thành công. Có quá nhiều nền kinh tế rơi vào cái gọi là "bẫy thu nhập trung bình" mà sau nhiều chục năm vật lộn, vẫn không thoát ra được.
Vấn đề đó cũng đang đặt ra cho Hà Tĩnh hôm nay.
 
5. Cách tiếp cận vấn đề đúng sẽ định hướng cách giải quyết vấn đề đúng. Có cơ sở để đặt niềm tin như vậy vào những lựa chọn của Hà Tĩnh hôm nay.
Ở đây, chỉ xin góp một vài ý kiến mang tính gợi ý, vào nỗ lực của Hà Tĩnh, để tạo ra cho đất nước, cho miền Trung một vùng động lực phát triển mạnh.
Trước hết, cần có một cái nhìn bình tĩnh, với tầm nhìn xa, về mối quan hệ giữa quy hoạch phát triển tổng thể và tốc độ. Hà Tĩnh đang phát triển với nhịp độ làm nhớ lại hình ảnh Thâm Quyến (Trung Quốc) cách đây 20 năm - "một ngày có thêm một cao ốc, ba ngày có thêm một đại lộ". Đó thực sự là thần tốc. Và điều quan trọng là phải tính đến các điều kiện cần thiết để duy trì tốc độ - nhịp nhàng và liên tục, để bảo đảm sự vận hành trôi chảy, hiệu quả của kết quả được tạo ra.
Chúng ta phải tự hỏi nguồn vốn khổng lồ mà Hà Tĩnh mong đợi sẽ đến từ đâu? Đi kèm trình độ công nghệ nào? Với số vốn đó, liệu các điều kiện hiện có và sẽ có trong giai đoạn ngắn trước mắt - nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng doanh nghiệp "nội địa" và của Hà Tĩnh, cơ sở hạ tầng, vv.. có bảo đảm cho Hà Tĩnh không bị rơi vào tình trạng "quá tải đầu tư" hay "bội thực vốn"?
 
Lại nữa - việc tập trung phát triển công nghiệp nặng, kéo theo nó là hình thành đô thị lớn và cả một chùm đô thị - thì vốn phát triển đô thị huy động từ đâu? Nguồn nước sạch bảo đảm thế nào? Rồi các dịch vụ đô thị hiện đại - nhà trẻ, trường học, bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe, thương mại, truyền thông, - sẽ được xử lý theo logic nào để bảo đảm nhịp độ tương ứng với tốc độ công nghiệp hóa? Cần lưu ý rằng Hà Tĩnh không thể không hướng tới đô thị hiện đại ngay từ điểm xuất phát của mình, rằng một sự "lệch pha" giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa, như kinh nghiệm cho thấy, luôn gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
Việc vươn nhanh tới hiện đại đòi hỏi phải dựa trên một cấu trúc thể chế mới, hiện đại. Hà Tĩnh muốn đi nhanh thì ngay từ đầu, phải áp dụng ngay những khuôn mẫu thể chế hiện đại. Ít nhất, điều đó cũng đang đặt ra cho Khu Kinh tế Vũng Áng. Với khuôn mẫu thể chế hiện có không cao hơn bao nhiêu về trình độ, không có sự khác biệt thật sự về đẳng cấp so với thể chế Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế Vũng Áng sẽ dễ dàng vấp phải những cản trở phát triển to lớn. Để bứt phá và tiến vượt lên, Khu Kinh tế Vũng Áng phải là một hình mẫu thể chế phát triển hiện đại. Đó chỉ có thể là Khu Kinh tế tự do. Đây là điều quan trọng phải tính đến.
 
6. Còn rất nhiều vấn đề lớn, mang đầy tính thách thức đặt ra cho Hà Tĩnh. Thậm chí, đó còn là những thách thức mà nếu theo tư duy phát triển thông thường, sẽ là nan giải. Cần có một sự kiểm điểm nghiêm túc những thách thức này để có cách nhìn tổng thể cho cuộc cất cánh, một cuộc cất cánh phải được hiểu là rất khó khăn, khó đến mức mà sau những nỗ lực kéo dài trong hàng trăm năm lịch sử vẫn chưa thực hiện xong.
Nhưng có lẽ thách thức lớn phù hợp với bản tính của người Hà Tĩnh. Và đó chính là điểm mấu chốt để chúng ta tin rằng Hà Tĩnh, với sự yểm trợ của cả nước, trong sự hội nhập quốc tế và kết nối vùng, từ nền tảng của 180 năm lịch sử, sẽ vượt qua bước chuyển mang tính "lột xác" lịch sử này để thực sự bay lên, nhập vào quỹ đạo phát triển hiện đại. 

 
[1] Xin lưu ý rằng năm 2008, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, sự tăng vọt số lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam (vốn đăng ký từ 20 tỷ USD năm 2007 tăng lên hơn 70 tỷ; còn vốn thực hiện tăng từ hơn 7 tỷ lên 11,5 tỷ) đã làm cho nền kinh tế lâm vào tình trạng mà Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc gọi là “bội thực” đầu tư. Một phần quan trọng vì sự bội thực đó mà nền kinh tế rơi vào bất ổn, lạm phát cao kéo dài cho tới ngày nay.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445771

Hôm nay

2271

Hôm qua

2237

Tuần này

21380

Tháng này

212030

Tháng qua

120141

Tất cả

114445771