Người Bồ Lô sống bằng nghề đánh cá biển. Hai công cụ đánh bắt chính của họ là câu và lưới rút. Có thể nói trong truyền thống, họ là nhóm cư dân giàu kinh nghiệm đi biển và đánh bắt cá vào loại bậc nhất ở Việt Nam.
2. Cơ cấu xã hội cổ truyền của người Bồ Lô ở cửa Sót Hà Tĩnh: vạn Kỳ Xuyên
Trước 1964, người Bồ Lô còn quần tụ thành một cộng đồng thủy cư ở một gò lớn, ngay cửa Sót, thuộc xã Thạch Kim. Sau đó khi mà đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại, ném bom ác liệt ở miền Bắc, Việt Nạm, thì vì lý do để tránh bom đạn, người Bồ Lô đã di dời vạn thủy cư của họ sang phía nam cửa Sót. Vạn thủy cư của họ quần tụ ngay sát chân núi Nam giới, tại khu vực có suối nước ngọt trên núi Nam giới đổ xuống, dân địa phương gọi là khe Máng. Thủa đó các hộ nhà thuyền tương đối ổn định, do địa phương quản lý hộ khẩu có 84 hộ, kèm theo đó còn có những hộ vãng lai khác, về lượng thường không ổn định và khác nhau theo các thời điểm. Sau thời kỳ chiến tranh phá hoại, người Bồ Lô ở cửa Sót lại chuyển về nơi định cư của họ ở phía Thạch Kim. Đây là thời kỳ có nhiều hộ lên bờ định cư và một số hộ di dân đi các vùng kinh tế mới ở miền nam, nên năm 1984, khi chúng tôi đến cửa Sót, thì ở xã Thạch Kim, còn lại một hợp tác xã ngư nghiệp mà các ngư hộ đều là người Bồ Lô với 24 gia đình. Và cho tới nay thì chỉ còn vài hộ do mới lập gia đình chưa có nhà ở trên bờ nên vẫn sinh sống trên nhà/thuyền, bởi vậy về cơ bản, cộng đồng người Bồ Lô không còn tồn tại nữa. Về cộng đồng người Bồ Lô từ cách mạng tháng Tám 1945 về trước, cả ở cửa Sót và cửa Nhượng, hiện tại chúng tôi chưa tìm ra được bất kỳ nguồn tài liệu nào ghi chép rõ ràng, nhưng có thể nói được rằng cộng đồng người Bồ Lô ở cửa Sót luôn chọn chọn một gò lớn ở ngay cửa cửa sông Rào Cái (gọi là cử Sót) để quần tụ.
Lùi sâu vào khoảng 4km ở trong một gò lớn của con sống Rào cái, là “quê hương” của một nhúm thủy cư khác. Vào những năm 60 của thế kỷ XX nhóm này có khoảng 40 hộ, họ cư trú trong các nhà/thuyền. Người địa phương gọi họ là dân Nốc đáy (Nốc là thuyền, đáy chỉ nghề đóng đáy). Bộ phận này làm nghề đóng đăng và đáy trên sông. Họ đã sống khá lâu đời ở đây. Về gốc gác, họ không liên quan gì với nhóm Bồ Lô.
Trước Cách mạng Tháng Tám, hai nhóm này được chính quyền nhà Nguyễn gộp lại, cơ cấu thành một vạn - vạn Kỳ Xuyên. Vạn Kỳ Xuyên có hai giáp: giáp Đông là giáp của nhóm thủy cư trên sông và giáp Đoài là giáp của nhúm thủy cư ở cửa biển. Về cơ bản, sau cách mạng tháng Tám năm 1945, vạn Kỳ Xuyên tự giải thể, bộ phận dân cư trong sông thuộc về một xã nông nghiệp gần đó-xã Thạch Đỉnh, còn người Bồ Lô thì do Thạch Kim, một xã ngư dân quản lý. Bởi vậy, về cơ cấu xã hội cổ truyền của người Bồ Lô mà chúng tôi giới thiệu trong bài viết này là cơ cấu xã hội của họ tồn tại trước năm 1945.
Về không gian sinh tồn
Ngư dân thủy cư chỉ được quyền sống trên mặt nước. Phần đất xung quanh họ đều thuộc vào địa phận các làng trên đất liền. Họ là những người “vô hữu điền địa”. Cũng là cư dân của vạn Kỳ Xuyên, nhưng hai bộ phận thủy cư được qui định về địa vực khác nhau. Chính quyền phong kiến ở địa phương công nhận lĩnh vực của bộ phận trong sông như sau: “Bạ cư, Bạ nhập, Phù cư thủy thượng. Vô hữu điền địa. Thượng đò Nài, Hạ tấn Sót. Chí đò Điệm Giang. Tử lự táng ở Giang biên” (tạm chuyển nghĩa: lúc ở lúc đi, ở trên mặt nước, không có ruộng đất, ở phía thượng nguồn đến bến đò sông Nài, phía hạ nguồn đến cửa Sót, tới tận sông Đò Điệm. Lúc chết chôn ở bên mép sông). Lĩnh vực này bao gồm toàn bộ hai đoạn cuối của hai con sông đổ vào cửa Sót, mỗi đoạn khoảng 10km.
Đối với bộ phận thủy cư ở biển (người Bồ Lô) được công nhận một thủy vực cũng như vậy. Nhưng có điều khác là: nếu những người thủy cư trên sông khi chết được chôn ở mép sông thì người Bồ Lô lại không được quyền ấy: “Bạ cư, Bạ nhập. Phù cư thủy thượng. Vô hựu điền địa. Thượng đò Nài, Hạ Tấn Sót, Chí đò Điệm Giang.”
Có lẽ trước đây, phần đất mép sông và ngay cả dòng sông cũng đều thuộc quyền sở hữu của các làng trên đất liền. Và chắc chắn đã xảy ra những cuộc tranh chấp. Quy định về địa vực cho những người thủy cư như trên có thể là kết quả của những cuộc hòa giải. Cả khi đất ở mép sông đó thuộc về dân thủy cư, chắc là vẫn còn nổ ra những vụ xung đột. Có một câu chuyện còn lưu truyền trong dân thủy cư về việc hòa giải đất đai như sau: trước sự chứng giám của chính quyền phong kiến cấp trên, đợi lúc nước thủy triều lên cao nhất, dân thủy cư cho thuyền sát vào bờ, rồi cầm con dao hoặc hòn đá và cứ đứng trên thuyền mà ném vào bờ. Con dao hoặc hòn đá rơi tới đâu thì dân thủy cư được sử dụng đất đến đấy.
Trên danh nghĩa là vậy, còn thực tế thì dân thủy cư chỉ sử dụng phần đất ấy vào hai việc chính: chôn cất người chết và xây đình thờ của vạn. Họ không biết trồng cây mà đất sét chua mặn ven sông cũng chẳng thích nghi với cây trồng.
Phần dòng sông thuộc thủy vực của người thủy cư như quy định trên không có nghĩa là nó chỉ thuộc quyền sở hữu của riêng nhóm cư dân này. Họ được quyền cư trú, đánh cá trong thủy vực ấy mà không bị dân các làng trên bờ gây khó khăn, còn dòng sông vẫn là của chung, ai cũng có quyền đi lại và đánh cá. Những đoạn sông sâu là luồng nước chính, có nhiều cá tôm qua lại thì đã được những chủ có “máu mặt” trong dân thủy cư đó mua hẳn và căng ra đấy hàng cọc đáy của mình để chiếm hữu và đánh bắt riêng.
Bộ phận thủy cư ở cửa biển, trên danh nghĩa cũng được chính quyền phong kiến địa phương thừa nhận quyền thủy vực tương tự như dân thủy cư trên sông. Nhưng ngoài bãi đậu thuyền ở cửa sông, họ không được vào sông. Tại vùng cửa Sót chưa có dấu hiệu gì về quyền sở hữu vùng biển của các làng. “Chim trời cá nước” câu cửa miệng của mọi người cũng có một hàm ý trời biển là của chung, chim trời cá biển ai muốn đánh, bắt cũng được. Dân chài hoàn toàn tự do ngoài biển khơi, có khi họ theo đàn cá, vượt địa phận nhiều tỉnh để đánh bắt chứ không chỉ bó buộc trong địa phận của vạn mình. Ngoài biển, người Bồ Lô được tự do, nhưng vào đất liền thì họ bị coi là “thần ở đợ”, là dân “sống vô gia cư, chết vô địa táng”, cho nên họ phải mua đất của các làng trên bờ để xây đình, nhà thờ và chôn cất người chết với những điều kiện khắt khe. Thí dụ: lễ khai hạ mở đầu cho một năm rất quan trọng trong quan niệm của người dân chài. Thông thường ngư dân địa phương tổ chức lễ này vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm và sau đó 7 ngày thì người Bồ Lô mới được tổ chức.
Sống giữa tinh thần của xã hội nông nghiệp, trong tình trạng “không một tấc đất cắm dùi” những người thủy cư bị xã hội xưa xem thường. Điều này ghi dấu ấn lên mọi mặt của đời sống cư dân sông nước.
Về thiết chế xã hội tự quản của ngư dân
Như đã nói ở trên, vạn Kỳ Xuyên gồm có hai giáp: giáp Đông và giáp Đoài. Về không gian hai giáp cách biệt nhau khoảng 4 - 5 km. Về nghề nghiệp và gốc tích, hai bộ phận này hoàn toàn tách biệt. Trừ tầng lớp lý dịch ra, người dân chỉ biết có giáp mình, ít khi biết đến giáp khác của vạn mình. Sinh hoạt truyền thống, vì vậy chỉ nằm trong phạm vi của từng giáp. Còn vạn chỉ là cái khung do chính quyền áp đặt để quản dân mà thôi.
Có lễ do bối cảnh như vừa nói mà trong trường hợp cụ thể này, giáp hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc địa vực, nó là một đơn vị hành chính do Nhà nước quản lý. Ngoài ra tổ chức lớp tuổi vẫn vận hành theo quy luật riêng của nó. Cụ thể, ở đây, giáp đương với một xóm của làng nông nghiệp. Trong mỗi giáp có nhiều dòng họ. Mỗi họ bao gồm nhiều con thuyền. Mỗi con thuyền là một “nóc nhà”. Ở cộng đồng Bồ Lô (giáp Đoài) sống trong một con thuyền là những người của một gia đình nhỏ phụ hệ. Nói như vậy không có nghĩa là không có những trường hợp là một gia đình lớn hơn. Những gia đình lớn này không bị ràng buộc vì truyền thống, mà phần nhiều các trường hợp ấy đều vì lý do kinh tế: Con cái đã trưởng thành mà bố mẹ không đủ khả năng sắm thêm thuyền để tách hộ cho con.
Mỗi con thuyền là một đơn vị sản xuất. Người bố là chỉ huy trưởng, trụ cột của gia đình. Sự phân công lao động trong mỗi con thuyền rất mơ hồ, chỉ chung chung dưới dạng những việc nặng nhọc do đàn ông làm, những việc nhẹ thì do đàn bà và trẻ con đảm nhiệm. Vai trò người đàn ông trong cư dân đánh cá rất quan trọng. Lúc trời yên bể lặng thì họ câu cá, nhưng lúc sóng to gió lớn thì họ phải chèo lái, điều khiển con thuyền, bảo vệ tính mạng cho cả gia đình, đồng thời người đàn ông cũng đóng vai trò chính trong việc trao đổi. Thuyền về bến, họ bán cá cho thương nhân chờ sẵn ở đấy và mua sắm những thứ cần thiết. Trên mọi phương diện của đời sống, người đàn bà chỉ đóng vai trò phụ việc mà thôi. Đương nhiên, mọi thành viên trong con thuyền luôn giúp đỡ nhau trong mọi công việc.
Khi có gia đình gặp tai nạn hay khâu sản xuất nào đấy cần đến nhiều người thì có sự tương trợ giữa các gia đình. Còn thường thì mỗi gia đình tự kiếm sống trên con thuyền của mình. Vậy cái gì đã ràng buộc họ lại với nhau? Cái ràng buộc giữa các gia đình chính là dòng họ. Khoảng gần 100 con thuyền/gia đình của người Bồ Lô bao gồm nhiều dòng họ. Họ Đậu, họ Phạm, họ Hà... Mỗi dòng họ có tên dưới chục gia đình, thường nhóm họp để bàn bạc các việc trong họ và thờ cúng tổ tiên ở thuyền tộc trưởng. Vai trò vị tộc biểu tồn tại trong các dòng họ của người Bồ Lô cũng rất quan trọng. Tộc biểu có khi là trưởng họ, nhưng cũng có khi không phải là trưởng họ. Với chức năng đứng đầu một dòng họ, tộc biểu ở đây vừa là người thay mặt cho dòng họ trước chính quyền, cấp trên, vừa đại diện cho chính quyền trong dòng họ.
Bên trên dòng họ là giáp. Trước hết giáp là một đơn vị hành chính tương đương với một xóm ở nông thôn. Người đứng đầu giáp - cơ cấu của xó hội truyền thống, cũng đồng thời là người đứng đầu tổ chức hành chính của đơn vị xã hội này. Trong chính quyền phong kiến, ông ta là thủ khoản, dưới là tộc biểu. Một bé trai khi mới lọt lòng là “ti ấu” cho đến khi trở thành lão làng, là một chặng đường dài, phải qua nhiều bước tiến thân: mỗi bước tiến thân ấy là những kỳ lễ lạt, phải gánh vác việc làng.
Một cậu bé mới sinh ra, bố mẹ phải sắm một lễ nhỏ để trình giáp. Sau lễ này, cậu bé trở thành dân làng xã. Từ đó anh ta lớn lên trong không khí của giáp. Đến tuổi 18, bố mẹ lại sắm một lễ lớn hơn để khao vọng các quan viên hàng xã - lễ vọng quan viên. Sau lễ này anh ta được thừa nhận là người trưởng thành, cựng các bạn đồng niên và cha anh gánh vác việc làng, việc nước. Từ 18 đến 48 tuổi là tiếp một chặng đường dài, người đàn ông phải gánh vác nhiều nhiệm vụ nặng nề đối với giáp. Đến tuổi 49 thì được vinh dự lên lão, rồi vào bàn quan lão, lần lượt từ bàn tứ, bàn tam, bàn nhị đến bàn nhất. Và nếu như ai “thượng thọ” thì lại còn được vinh dự “lên chức” cố cả của giáp.
Với các quan viên hàng xã, giáp là cương lĩnh tinh thần trong vô thức. Giữa một xã hội đã thiết lập tôn ti, đầy rẫy sự bất bình đẳng trong cuộc sống hàng ngày, thì giáp đem lại cho người đàn ông một niềm an ủi về quyền bình đẳng giữa cộng đồng. Anh ta có quyền như bất cứ một ai trải qua các bước tiến thân để vươn tới những bậc thang cao nhất trong quan niệm: lão làng.
Tinh thần về sự tiến thân của từng con người được sinh ra, được kích thích và luôn được củng cố trong không khí chung của giáp, nhất là những kỳ lễ lạt ở đình. Người Bồ Lô mặc dù phải qua nhiều thủ tục phiền toái, vẫn quyết tâm mua đất của một làng trên bờ để dựng đình. Đình tượng trưng cho tinh thần của một cộng đồng, không thể để mãi trên một con thuyền nào đó.
Chúng ta không trở lại giáp Đông, giáp của những người đăng đáy trong sông, bởi mặc dầu có một số dị biệt, trên những nội dung chính không có gì khác biệt với giáp Đoài.
Về tổ chức hành chính
Trước Cách mạng tháng Tám, cơ cấu xã hội vùng cửa Sót cũng bắt đầu từ làng và trên nó là xã, tổng, huyện...
Bao quanh vạn Kỳ Xuyên của người Bồ Lô là hai tổng của cư dân nông nghiệp. Phía Bắc sông Rào cái là tổng Hà Nhất, phía Nam là tổng Hà Nhị (thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Các nhóm nằm kẹp ở giữa không thuộc vào tổng nào gần đấy mà họ cùng với những nhúm thủy cư khác ở nhiều nơi trong cả huyện họp thành một tổng riêng, gọi là tổng Trung. Tổng này có một số vạn, trong đó có vạn Kỳ Xuyên.
Như đã nói, sinh hoạt truyền thống ở đây chỉ đóng khung trong lòng giáp. Mỗi giáp có đình riêng, thờ cúng và lễ lạt riêng.
Bộ máy hành chính của vạn na ná như bộ máy làng nông nghiệp ở miền Trung... Đứng đầu là lý trưởng, giúp việc có phó lý trưởng và tri bộ.
Ba chức dịch này là những người cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm sản xuất, có uy tín với dân, do dân bầu ra và được Nhà nước quân chủ chấp nhận. Bộ ba này, chỉ định bộ máy giúp việc cho mình. Bộ máy này gọi là ngũ hương. Từng chức dịch có trách nhiệm cụ thể. Ngoài ngũ hương ra, còn có một chức dịch giúp việc là chánh xã đoàn. Cuối cùng vạn còn có một anh Seo. Seo là người để lý trưởng sai phái mọi công việc.
Dưới vạn là giáp, đứng đầu là thủ khoản. Ngoài những trách nhiệm theo truyền thống ra, thủ khoản còn có chức năng đứng đầu giáp về mặt hành chính.
Dưới thủ khoản là các tộc biểu. Tộc biểu là người có uy tín trong mỗi dòng họ, được họ bầu ra để đại diện cho cả họ về mặt hành chính trước giáp. Tộc biểu ở đây thường được gọi là câu đương. Khi có sức của quan trên về vạn, ví dụ như việc điều đi phu chẳng hạn, lý trưởng được sự cộng tác của Hội đồng ngữ hương, phân bổ số nhân công cho các giáp rồi thông báo cho các thủ khoản biết để thi hành. Nhận được thông báo, thủ khoản họp các tộc biểu lại để cùng với các vị này cử người cụ thể. Sau đó, trưởng giáp thủ khoản nộp danh sách cho lý trưởng, đồng thời động viên những người lên đường vui vẻ làm nghĩa vụ.
Mặc dù bộ máy Vạn (tương đương làng) được cơ cấu như bộ máy của một làng nông nghiệp, nhưng trong thực tế các công việc mà bộ máy này phải thực hiện là không nhiều. Ngoài việc hỗ trợ cho chính quyền nhà nước ở địa phương trong việc quản dân (quản lý hộ khẩu) và thu thuế, các việc còn lại khác như: trật tự an ninh, tang ma, cưới xin, lễ hội… đều là các công việc tự quản của cộng đồng. Có thể nói thiết chế xã hội tự quản là một sản phẩm xã hội mang tính chất tự nhiên, nó được hình thành trong thực tế cuộc sống, còn thiết chế hành chính cấp cơ sở của người Bồ Lô là một thiết chế xã hội do chính quyền nhà nước áp đặt. Tính áp đặt càng tăng lên sau năm 1954, khi mà hệ thống xã hội cũ bị giải thể, phong trào hợp tác xã đã giải tán cơ cấu vạn Kỳ Xuyên, đưa bộ phận cư dân thủy cư trong sông gộp vào xã nông nghiệp , và đưa cộng đồng người Bồ Lô sáp nhập và xã Thạch Kim, một xã chuyên ngư ở cửa Sót. Quá trình vận hành xã hội tiếp sau đó đã thúc đẩy các cư dân thủy cư lên bờ định cư, và cho tới nay cộng đồng người Bồ Lô trên thực tế đã không còn tồn tại.
3. Thay cho lời kết
- Quá trình vận động của việc phân bố dân cư tại khu vực ven biển miền trung có một lịch sử lâu dài và phức tạp. Sự hiện diện lâu dài của cộng đồng người Bồ Lô ở vùng biển Hà Tĩnh như là một hiện tượng nhắc nhở chúng ta, trong quá khứ tại địa bàn này đã từng tồn tại các cộng đồng cư dân nói các ngôn ngữ nam đảo sinh sống ở đây. Họ có gốc gác bản địa hay mới từ ngoài hải đảo trôi dạt vào? Chưa ai quan tâm nghiên cứu để giải thích điều này.
- Quá trình Việt hóa, nông nghiệp hóa các nhóm ngư dân thủy cư này để lại những dấu ấn văn hóa, xã hội hết sức lý thú. Ví dụ một thiết chế xã hội tự quản mà các đại diện trong cơ cấu hành chính là các tộc biểu (đại diện cho các dòng họ) nắm các vị trí điều hành; ví dụ khác: tổ chức xã hội truyền thống của người Việt, tập hợp theo nguyên tắc lớp tuổi-tổ chức GIÁP, trong trường hợp mà chúng ta đang thảo luận, tổ chức giáp đã tuân thủ nguyên tắc địa vực, nghĩa là ngoài chức năng lớp tuổi, Giáp cũng đồng thời tồn tại như một tổ chức hành chính trên một địa vực hoặc thủy vực rất rõ ràng... Điều này rất có ý nghĩa về học thuật.
- Thật đáng tiếc, trong bối cảnh của “xã hội thị trường” ngày nay, những vấn đề lý thú như vấn đề người Bồ Lô chẳng được mấy ai quan tâm, để tìm hiểu cho đến nơi đến chốn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bình Nguyên Lộc. 1971. Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Bách bộ xuất bản. Sài Gòn,.
2. Nguyễn Từ Chi. , 1996 Góp phần nghiên cứu văn hoá và tộc ngời. Nxb. Văn hoá và thông tin. Hà Nội.
3. Đại Nam Nhất thống chí. , 1970. T. II. Nxb. KHXH, Hà Nội.
4. Trần Quốc Vượng. Việt Nam và biển Đông. /2000. Tạp chí Văn hoá dân gian. Số 3(71). Tr. 20-27.
5. Nguyễn Đăng Vũ. 2002. Văn hoá dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi. Luận án tiến sĩ. Hà Nội.
6. Heine - Geldern. Quê hương và những cuộc thiên di sớm nhất của người Nam Đảo. Bản dịch từ tiếng Đức. Viện Khảo cổ học.
7. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. 1998. Biển và người Việt cổ. Nxb. Văn hóa, Hà Nội,.
8. Chu Xuân Giao. 2007. Mấy vấn đề về làng chài và nghiên cứu làng chài ở Nhật Bản từ góc nhìn văn hóa dân gian. Tạp chí VHDG, số 4, Tr.: 65-79.
9. Nguyễn Duy Thiệu. 2005. Các cộng đồng ngư dân thủy cư tại vùng biển Việt Nam, tạp chí Dân tộc học số 1.
10. Nguyễn Duy Thiệu. 1984. Người Bồ Lô và Vạn Kỳ Xuyên // Dân tộc học. - H., - Số 3. - Tr. 44 - 49 11.
11.Nguyễn Duy Thiệu.2003. Nhật trình đi biển của người Bồ Lô tại vùng biển Bắc Trung Bộ. Tạp chí Văn hoá dân gian. Số 6
12. Nguyễn Duy Thiệu. 1983. Cửa sót – Thiên nhiên và con người trong “Tìm hiểu cảnh quan đồng bằng” do Trần Từ chủ biên. – H; Viện Đông Nam á, – Tr. 158 – 211.
13. Nguyễn Duy Thiệu. Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam. Nxb. KHXH. Hà Nội. 2002. 420 trang.
14. Nguyễn Duy Thiệu. 2011. Tín ngưỡng cá Ông-Từ tập tục đến biểu trưng. Tạp chí Di sản văn hóa, số 1(34) Tr. 61-66.