Những góc nhìn Văn hoá

Người Thổ ở Nghệ An [kỳ 1]

Một buổi sinh hoạt tập hát làn điệu mới của CLB dân ca Thổ xã Nghĩa Xuân huyện Quỳ Hợp. Ảnh Thu Hường

Lời Tòa soạn: Thổ là một trong 53 tộc người thiểu số ở nước ta, cư trú tập trung tại hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tộc người Thổ ở Nghệ An, từ số này, Văn hóa Nghệ An giới thiệu công trình nghiên cứu của Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, với sự cộng tác của Thạc sĩ Bùi Minh Thuận và Thạc sĩ Tạ Thị Tâm), được hoàn thành năm 2013 và đã được đăng trong sách “Các dân tộc ở Việt Nam”, tập 1 (Nhóm Ngôn ngữ Việt Mường), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2015, tái bản năm 2020. Bài viết đã được sửa chữa, cô gọn.

 

Kỳ 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CÁC NHÓM THỔ

1. Địa bàn cư trú

  Người Thổ gồm nhiều nhóm địa phương, song về cơ bản có sáu nhóm:

- Nhóm Tày Poọng tập trung ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

 - Nhóm Đan Lai sinh sống ở các xã thuộc huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

 - Bốn nhóm Thổ khác (Mọn, Lâm La, Kẻo, Cuối) sinh sống ở các huyện, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An), huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa).

Trừ nhóm Tày Poọng ở huyện Tương Dương, nhóm Đan Lai ở huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An sinh sống ở các dải núi cao, các nhóm Thổ còn lại cư trú trên vùng đồi núi tương đối thấp[i] và thoải, địa bàn trung chuyển giữa vùng cao với vùng đồng bằng (các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương) của tỉnh Nghệ An và một phần tỉnh Thanh Hóa. Bề mặt địa hình ở đây thường nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Xen giữa các sườn đồi thoải là những khoảng mặt bằng tương đối rộng lớn, có nhiều nét tương đồng với địa hình cao nguyên ở Tây Nguyên. Đất đai ở vùng này theo phân loại dân gian, cũng như của các nhà khoa học, gồm các loại phù sa của các sông, suối; đất đen (sản phẩm bồi tụ của bazan); đất đỏ vàng và đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ, rất thích hợp với các loại cây công nghiệp như mía, cà phê, caosu.

Địa bàn sinh sống của người Thổ có nhiều sông chảy qua, như sông Giăng, sông Dinh, sông Hiếu, sông Đan Lai. Nhìn chung, các sông đều chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Các đoạn sông phía thượng nguồn dốc hẹp, song các đoạn ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp có lòng rộng, mang tính chất như sông vùng đồng bằng, hiền hòa trong mùa cạn, nhưng đến mùa mưa, nhất là trong các tháng Bảy, Tám, tạo ra lũ lớn. Tuy gây một số bất lợi cho sản xuất và sinh hoạt, các con sông đem đến cho con người nguồn tôm cá phong phú về chủng loại và lớn về sản lượng.

Khí hậu vùng cư trú của người Thổ bên cạnh những đặc điểm chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, còn mang những nét riêng do chịu tác động của các dải núi cao phía Tây, tiếp giáp với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Từ đầu tháng Ba đến hết tháng Sáu, cả vùng chịu ảnh hưởng gay gắt của các đợt gió Lào (hay gió Phơn). Được hình thành từ vịnh Thái Lan, gió di chuyển theo hướng tây nam - đông bắc qua Campuchia và Lào. Khi tiếp cận dãy núi Trường Sơn, gió tăng tốc, vượt qua các dải núi cao và tràn xuống vùng Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Gió thường bắt đầu thổi từ 8-9 giờ sáng cho đến chiều tối, thổi mạnh nhất từ khoảng gần giữa trưa đến xế chiều. Do bị trút gần hết hơi nước khi vượt qua các dải núi cao, gió trở nên khô và nóng, độ ẩm có khi xuống 30%, trong khi nhiệt độ thường xuyên đạt 39 - 40, có khi lên tới 43 độC. Nhiều ngày liền trời nắng chói chang, gió thổi đều đều như quạt lửa nên cây cỏ héo khô, rất dễ sinh hỏa hoạn; nước ở các sông hồ bốc hơi lớn; người và gia súc, gia cầm bị háo nước, khó chịu, mệt mỏi.

Về giao thông, vùng cư trú của người Thổ có nhiều đường giao thông lớn:

- Quốc lộ 7 từ Vinh lên huyện Thanh Chương, đi tiếp các huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn rồi sang Lào ở cửa khẩu Nậm Cắn.

- Quốc lộ 48 từ huyện Quỳnh Lưu qua các huyện Nghĩa Đàn (gồm cả thị xã Thái Hòa ngày nay), Quỳ Châu, lên cửa khẩu Thông Thụ (huyện Quế Phong). Ngoài nhánh chính này còn có các nhánh phụ chạy qua các huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Thanh Chương.

- Quốc lộ 15 từ điểm giao với Quốc lộ 6 ở xã Tòng Đậu (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) qua 7 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, trong đó có huyện Như Xuân, chạy qua các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) là các huyện có đông người Thổ sinh sống, đi tiếp qua nhiều huyện của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đến điểm cuối là huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).

- Quốc lộ 45 có chiều dài 195 km, điểm đầu là điểm giao cắt với quốc lộ 12B tại phố Rịa (xã Phú Lộc, Nho Quan, Ninh Bình), điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh tại ngã ba Như Xuân (thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

- Từ tháng 4 năm 2008, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 được thông tuyến, trong đó có hơn 100 km chạy dọc các huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa), Nghĩa Đàn, Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) là vùng cư trú của người Thổ; nhiều đoạn trùng hoặc thông nối với các Quốc lộ 48, 15, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu văn hóa.

Ngoài ra còn có một số tỉnh lộ.

Với các đặc điểm về địa hình, hệ thống sông ngòi, đường giao thông trên đây, địa bàn cư trú của người Thổ nằm ở ngã ba đường của giao lưu giữa miền núi và đồng bằng, ven biển; giữa miền Bắc và miền Trung. Điều này giải thích cho sự có mặt từ rất sớm của người Việt Cổ, cho những đợt chuyển cư của các lớp cư dân người Mường từ tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi (tỉnh Thanh Hóa), cả một bộ phận người Việt từ Bắc Bộ chuyển vào, từ các huyện đồng bằng Nghệ - Tĩnh chuyển lên vùng đất này trước những biến động của lịch sử.

 

2. Lịch sử tộc người

Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, người Thổ có 74.458 người (37.488 nam, 36.970 nữ), đứng thứ 21 trong 54 tộc người ở nước ta. Đồng bào cư trú tập trung ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, một số xã thuộc các huyện Con Cuông, Tương Dương, thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An, với 59.579 người (30.066 nam, 29.513 nữ); một số xã thuộc huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa với 9.652 người (4.953 nam, 4.699 nữ).Đến năm 2019, dân số người Thổ trong cả nước tăng lên 91.430 người (47.019 nam, 44.411 nữ), không có số liệu cho từng tỉnh.

Trước đây, mỗi nhóm Thổ có ý thức riêng về nguồn gốc, đặc điểm văn hóa của mình, thường tự nhận là một “dân tộc”. Đến nay, có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc lịch sử của mỗi nhóm. Dựa vào kết quả nghiên cứu đã công bố, kết hợp khảo sát thực địa, chúng tôi đưa ra một phác họa tổng thể về các nhóm Thổ như sau.

 

2. 1. Bộ phận có nguồn gốc Mường

Hợp thành bộ phận này có các nhóm Mọn, Lâm La và Như Xuân.

- Nhóm Mọn

Tác giả Trần Bình cho rằng, nhóm này có nguồn gốc từ huyện Tân Kỳ và một số nơi khác chuyển cư đến xã Nghĩa Tiến cách ngày nay vài thế hệ, rồi chuyển về xã Nghĩa An (Trần Bình, 2002, tr. 12).

           Phụ nữ Thổ ở huyện Nghĩa Đàn (ảnh Bùi Xuân Đính)

Tuy nhiên, nhóm Mọn mà Trần Bình đề cập đến trong bài viết chỉ là một bộ phận nhỏ của khối Mọn. Trên thực tế, nhóm này cư trú trên một địa bàn khá rộng (hiện nay, tập trung đông đúc ở các xã Nghĩa Đức, Nghĩa An, Nghĩa Tiến... thuộc huyện Nghĩa Đàn; một số xã thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An). Nhiều khả năng, đây là những người Mường từ Hòa Bình, hoặc huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) chuyển cư vào từ xa xưa (từ Mọn có nguồn gốc của tiếng Mường là Mol, nghĩa là người, tên tự gọi của người Mường). Môi trường sống khác biệt so với quê hương cũ, cùng với việc sống gần người Thái tạo ra cho nhóm này những thay đổi về văn hóa, làm cho họ trở thành một nhóm riêng, tách biệt với người Mường, song vẫn giữ được những nét cơ bản của văn hóa Mường có thể chỉ ra là ít làng có chùa (nếu có chùa thì không có sư sãi, không cầu kinh niệm Phật, việc cúng bái đều do người coi chùa đảm nhiệm), chỉ có đền thờ thần long mạch, tổ chức lễ Khai hạ vào mồng 7 tháng Giêng, đặc biệt là giỏi sử dụng cồng, chiêng. Nhóm Mọn còn được gọi là Nhà Làng, vốn là một từ của người Việt gọi các cư dân miền núi, chủ yếu là người Mường ở vùng Tây Thanh Nghệ. Có nhà nghiên cứu giải thích, “Nhà Làng” gốc từ “Nhà lang” - chế độ xã hội mang tính điển hình của người Mường trước Cách mạng Tháng Tám 1945.

Các nhà ngôn ngữ học cho rằng, yếu tố Mường thể hiện rất rõ trong nhóm Thổ Mọnvà nhómHọ mà trung tâm là huyện Quỳ Hợp; phương ngữ Thổ Mọn có đầy đủ các đặc điểm của tiếng Mường về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; các phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật của người Thổ ở huyện Quỳ Hợp cho thấy văn hóa Mường từ phía đông bắc (các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình) như một dòng chảy ngược về đây và đọng lại thành một vùng riêng biệt. Nguyễn Văn Tài cho rằng, có khoảng 80% vốn từ tiếng Thổ ở Giai Xuân (huyện Tân Kỳ), Tam Hợp (huyện Quỳ Hợp) giống với tiếng của người Mường ở Mường Bi (nay là huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình). Trong đợt điền dã tháng 4 năm 2013, chúng tôi (BXĐ) nghe, hiểu được các bậc cao niên nhóm Mọn ở xã Nghĩa Đức; chúng tôi cũng dùng tiếng Mường Bi để trao đổi với nhóm thảo luận và các cụ cũng nghe, hiểu được. Điều này chứng minh luận điểm của Nguyễn Văn Tài là đúng.

Phụ nữ dân tộc Thổ ở huyện Nghĩa Đàn (ảnh Bùi Xuân Đính)

- Nhóm Lâm La tập trung ở các xã thuộc tổng Lâm La cũ, nay là các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Lâm, Nghĩa Lợi, Nghĩa Mai, Nghĩa Minh, Nghĩa Thọ, Nghĩa Yên (huyện Nghĩa Đàn) và một số xã thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Các bậc cao niên ở xã Nghĩa Thọ cho rằng, tổ tiên họ là người Mường từ huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) chuyển cư vào, có nhóm chuyển xuống huyện Quỳnh Lưu rồi mới trở ngược lên các xã thuộc tổng Lâm La, huyện Nghĩa Đàn.

- Nhóm Thổ Như Xuân, theo các bậc cao niên nhóm Lâm La ở huyện Nghĩa Đàn, tên “Thổ Như Xuân” thực chất là người Thổ hoặc người Lâm La ở huyện Như Xuân (tnhr Thanh Hóa); cũng có nguồn gốc Mường. Tác giả Lê Mai Oanh trong cuốn “Văn hóa vật chất người Thổ” cho rằng, nhóm này cư trú ở năm xã thuộc huyện Như Xuân (Yên Lễ, Hóa Quý, Cát Vân, Xuân Bình và Bình Lương), chia làm hai nhóm: Yên Cát (Yên Lễ, Hóa Quý, Cát Vân) và Quảng Đại (chủ yếu ở xã Xuân Bình). Tuy có đôi nét khác biệt, về cơ bản, hai nhóm vẫn thống nhất trên nhiều phương diện (Lê Mai Oanh, 2010, tr. 10 - 11).

 

2. 2. Bộ phận có nguồn gốc Việt

Bộ phận này gồm nhiều nhóm.

- Nhóm Đan Lai gồm hai tiểu nhóm (Đan Lai và Ly Hà); trong quá trình dần dần đã hòa làm một, nên danh xưng hiện nay là Đan Lai.

Lưu truyền dân gian của người Đan Lai ở các làng, bản huyện Con Cuông kể lại rằng, quê hương xa xưa của nhóm này ở các xã Hoa Quân, Thanh La (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), nằm ven bờ sông Đan Lai (sông Trai) và sông Giăng, đều là các nhánh đổ vào sông Lam. Khổng Diễn cho rằng, có một nhóm người Việt khác ở vùng Cửa Nhai (tức Cửa Hội) ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (Khổng Diễn, 2004, tr. 2). Các nhóm cư dân theo dòng sông Giăng, đến nơi sơn cùng thủy tận - vùng thượng nguồn Khe Khặng (vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát) gồm 3 bản Cò Phạt, Khe Cồn, bản Búng (huyện Con Cuông) được coi là vùng “đất tổ” của người Đan Lai ngày nay. Các sách “Nghệ An kí”, “Thanh Chương huyện chí” của Bùi Dương Lịch và “Thanh Chương huyện chí” của Nguyễn Điển là những tư liệu có ghi chép và miêu tả về người Đan Lai. Bùi Văn Chất (người dịch “Thanh Chương huyện chí” của Bùi Dương Lịch) cho rằng, người Đan Lai - Ly Hà từ huyện Thanh Chương chuyển cư lên, tụ lại ở ven sông Đan Lai, theo sườn núi lên đầu nguồn sông Giăng, cư ngụ tại bản Đan Lai (huyện Con Cuông). Các địa danh Thanh La, Hoa Quân, sông Trai, sông Đan Lai… trong các truyền thuyết kể về nguồn gốc người Đan Lai được nhắc đến trong sách của Bùi Dương Lịch và Nguyễn Điển… Tên “Đan Lai” được lấy từ tên con sông nơi đồng bào cư trú trước khi chuyển khỏi quê. Hiện tượng lấy địa danh cư trú cũ làm tộc danh khá phổ biến ở nhiều tộc người đã được Đặng Nghiêm Vạn (1975) chỉ ra. Hơn thế nữa, hiện nay, hầu hết người Đan Lai đều mang họ La, phải chăng những tên họ đó có nguồn gốc từ vùng đất cư trú khi xưa là Thanh La; vẫn lưu giữ nhiều đặc điểm giống như trong miêu tả về người Đan Lai - Ly Hà ở Thanh Chương của Bùi Dương Lịch.

Về thời điểm người Đan Lai chuyển cư từ Thanh Chương lên vùng Con Cuông, truyền thuyết của người Đan Lai và theo các tác giả Mạc Đường, Bùi Minh Đạo cho rằng, vào thời Minh thuộc, tức đầu thế kỷ XV. Vương Hoàng Tuyên khẳng định ít ra phải trên 400 năm (giữa thế kỷ XVI). Trong khi đó, Trần Bình lại cho rằng, việc chuyển cư này chỉ cách ngày nay khoảng 5 - 6 đời, tức vào khoảng cuối thế kỷ XVII, hoặc đầu XVIII (?).

Căn cứ vào “Thanh Chương huyện chí” - cuốn sách được viết vào khoảng đầu thế kỷ XIX, có đoạn viết về người Đan Lai ở huyện này thì có thể cho rằng, thời điểm họ rời quê hương lên Con Cuông diễn ra muộn hơn, khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, hoặc đầu XIX. Đây là thời kỳ vùng miền Tây Nghệ An xảy ra nhiều biến động lịch sử, xã hội làm xáo trộn thành phần dân cư trong vùng. Gia phả của nhiều dòng họ người Thổ ở Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông ghi chép khá rõ về phạm vi hoạt động và ảnh hưởng trực tiếp của nghĩa quân Lê Duy Mật trong hơn 30 năm (1738 - 1770). Nguồn sử liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng phản ánh khá rõ tình hình loạn lạc ở Nghệ An lúc bấy giờ (Nguyễn Đình Lộc, 1993, tr.38).

Trong quá trình chuyển cư, người Đan Lai đã di chuyển sang Lào nhiều lần. Những người già còn nhớ các đợt di cư sang Lào trong những năm 1930 -1935, có người còn cho rằng người Đan Lai có mặt ở Lào trước thế kỷ XX. Cuộc sống du canh du cư không có đường biên giới đã theo cộng đồng này qua nhiều thế hệ. Họ đến, đi, rồi trở lại cùng với bao địa danh mà tên của nó đều gắn liền với những con suối, con khe.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tinh Nghệ An, đến năm 2009, người Đan Lai có 3.201 người (1.642 nam, 1.559 nữ) sinh sống ở6 xã của huyện Con Cuông (Môn Sơn, Lục Dạ, Châu Khê, Yên Khê, Lạng Khê, Thạch Ngàn); trong đó, tập trung đông nhất ở xã Châu Khê với375 hộ với 1.569 nhân khẩu.

Cũng xin lưu ý, trong các nhóm được xác định là có nguồn gốc Mường nêu trên, đều có một bộ phận đông đảo là những người Việt chuyển cư từ các vùng quê đồng bằng Nghệ An (các huyện Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Diễn Châu) lên, vì những lý do khác nhau và vào các thời điểm các nhau.

- Nhóm Kẻo sống tập trung ở các xã Nghĩa Long, Nghĩa Lợi, Nghĩa Quang, Nghĩa Tiến (trừ làng Cát Mộng), Nghĩa Thắng, Nghĩa Thịnh, thuộc huyện Nghĩa Đàn; các xã Hạ Sơn, Tam Hợp, Văn Lợi thuộc huyện Quỳ Hợp. Từ “Kẻo” hay “Kẹo” bắt nguồn từ “Keo”, là từ của người Thái chỉ những người Việt lên buôn bán. Nhiều bậc cao niên chúng tôi tiếp xúc cho rằng, “Kẻo” là người Mường ở tổng Lâm La cũ bị Việt hóa (sống chung với khối người Việt từ đồng bằng lên cách đây khoảng 200 năm).

- Nhóm Cuối sống tập trung ở xã Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn (xã này từ năm 2007 trở thành hai phường Quang Tiến và Quang Phong thuộc thị xã Thái Hòa); xã Tân Hợp (huyện Tân Kỳ) Các bậc cao niên ở làng Rạch (nay thuộc phường Quang Tiến) giải thích, “Cuối” có nghĩa là người.

Dựa vào lưu truyền dân gian, gia phả của nhiều dòng họ, một số nhà nghiên cứu cho rằng, hai nhóm Kẻo và Cuối (cũng như nhóm Đan Lai, Tày Poọng) đều có nguồn gốc là Việt từ các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương… chuyển lên vào các thời điểm khác nhau,  vì nhiều lý do khác nhau, song nguyên nhân sâu xa là do đói kém, hủ tục làng xã, ách bóc lột tàn bạo của bộ máy cai trị và vì chiến tranh, loạn lạc. Các nguyên nhân này về sau được phủ lên bằng những truyền thuyết ly kỳ, như làm chết voi của vua không đền; hoặc vua bắt làm cái thuyền bằng vàng thật, dân làng không làm được nên phải bỏ làng đi nơi khác…

Tuy nhiên, nhận định của các tác giả trên đây mới chỉ căn cứ vào gia phả một số dòng họ và lưu truyền dân gian. Trên thực tế, lớp cư dân mà tư liệu truyền thuyết và gia phả phản ánh chỉ là lớp cư dân chuyển lên muộn, được các bâc cao niên trong khoảng vài chục năm nay nhớ lại theo truyền khẩu. Vì vậy, cần tìm nguồn gốc của hai nhóm Cuối và Kẻo từ các nguồn tư liệu khác. Nguyễn Đình Lộc cho rằng, nhóm Cuối được coi là cư dân bản địa, sống ở hai khu vực, có tiếng nói nặng nhẹ khác nhau, nên phân thành Cuối Chăm (hay Cuối Tẻ) ở xã Tân Hợp (huyện Tân Kỳ) và Cuối Niêu (hay Cuối Nếp) ở xã Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn (Nguyễn Đình Lộc, 2010, tr. 45). Lê Mai Oanh cho rằng, các nhóm Kẻo, Cuối … là di duệ của những người Việt cổ cư trú ở miền Tây Nghệ An từ rất xa xưa, có thể là từ văn hóa đồ đồng. Họ là chủ nhân của các di vật thuộc Văn hóa Làng Vạc (với các địa điểm Làng Vạc, Cồn Kho, Xóm Đình thuộc huyện Nghĩa Đàn; Đồi Dùng, Đồi Rạng thuộc huyện Thanh Chương), rất gần gũi với Văn hóa Sơn Vi và có tính liên tục đến Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay từ 1 vạn đến trên 2 ngàn năm. Dấu vết của Văn hóa Sơn Vi phát hiện ở Nghệ An chủ yếu ở các huyện Nghĩa Đàn [ii] và Thanh Chương. Như vậy, người Việt Cổ có mặt ở vùng đất này từ xa xưa (Lê Mai Oanh, 2011, tr. 22). Chúng tôi đồng ý với quan điểm này và cho rằng, ít nhất từ thời đại đồ đá, người Việt Cổ có địa bàn cư trú rất rộng, từ tỉnh Hòa Bình và vùng trung du các tỉnh Phú Thọ, Sơn Tây cũ vào tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình (cả miền núi và đồng bằng). Tài liệu ngôn ngữ học chứng minh cho giả thiết này: cho đến hiện nay, âm, tiếng và nhiều từ của người Việt ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu có nhiều nét tương đồng với âm, tiếng, từ của người Việt ở vùng Sơn Tây cũ (nhất là các huyện Quốc Oai, Thạch Thất).

Bước vào thời đại đồ đồng cách đây khoảng trên dưới 4000 năm, người Việt Cổ có các cuộc chuyển cư lớn, dẫn đến sự phân hóa về thành phần tộc người, dần dần hình thành ba khối:

+ Khối chuyển xuống vùng châu thổ Sông Hồng sau đợt biển lùi, bộ phận ở đồng bằng Thanh Nghệ tiến gần ra biển. Do môi trường sống thay đổi, sau đó chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, khối này dần dần trở thành người Việt (Kinh) ngày nay.

+ Khối ở lại vùng núi, tập trung tại các thung lũng chân núi của tỉnh Hòa Bình và một phần tỉnh Thanh Hóa, không chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, tức người Mường hiện nay.

+ Khối ở khu vực đồi núi tỉnh Nghệ An và một phần Thanh Hóa, do địa bàn cư trú có nhiều khác biệt nên không còn giữ được yếu tố Mường và Việt gốc, mà hình thành những yếu tố văn hóa riêng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nhóm Cuối là “ốc đảo“ còn sót lại của người Việt Cổ trong quá trình bước vào thời kỳ phân hóa Việt Mường (Nguyễn Đình Lộc, 2000, tr. 48) mà bằng chứng là tiếng Cuối được một số nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học coi là một ngôn ngữ độc lập, song song với tiếng Mường, tiếng Việt và tiếng Chứt, không thể là phương ngôn của tiếng Mường (Nguyễn Văn Tài, 1976, tr. 70).

Về sau, do những biến động của lịch sử, có nhiều nhóm cư dân Việt ở các huyện đồng bằng Nghệ - Tĩnh chuyển cư lên. Quá trình giao lưu, tiếp xúc giữa các nhóm Việt bản địa - Mường - Việt chuyển cư từ đồng bằng lên tạo ra các nhóm Thổ ngày nay.

 

2. 3. Bộ phận có nguồn gốc hỗn hợp

Bộ phận này có nhóm Tày Poọng. Khổng Diễn cho rằng, nhóm này có nguồn gốc từ người Lào, người Thái từ Lào về. Tuy nhiên, nghiên cứu của Nguyễn Đình Lộc, Đặng Văn Hường cho thấy, nhóm này có nguồn gốc hỗn hợp: là người Mường, người Việt và cả một bộ phận người Thái bị “biệt lập hóa” và “lạc hậu hóa”, do điều kiện sống nên bị mất dần bản sắc, trở thành một nhóm riêng, tự nhận mình là Poọng. Nguyễn Đình Lộc giả thiết, Tày Poọng (và Đan Lai - Ly Hà) có thể là hậu duệ của cư dân Việt cổ từ Thanh Chương lên (Nguyễn Đình Lộc, 2010, tr. 45). Do điều kiện sống khó khăn, có thời kỳ đồng bào phải chuyển cư sang Lào, những rồi lại trở về Việt Nam. Đến năm 2009, người Tày Poọng có 148 hộ gia đình với 656 nhân khẩu, cư trú ở hai xã Tam Hợp (135 hộ, 606 khẩu, tập trung ở Bản Phồng) và Tam Quang (13 hộ, 50 khẩu, phân bố rải rác trên địa bàn của 3 bản: Tùng Hương, Liên Hương và Tân Hương) thuộc huyện Tương Dương (Số liệu của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An).  

Tóm lại, với những dẫn giải trên đây, có thể đưa ra một nhận định chung là, người Thổ có nguồn gốc xa xưa là Việt Cổ, cư trú trên một địa bàn rộng lớn là vùng miền núi và trung du các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn Tây; vùng miền núi và đồng bằng các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Cách đây trên dưới 4.000 năm, khối Việt Cổ này từng bước phân tách thành ba nhóm: Việt (vùng trung du, châu thổ Bắc Bộ và vùng đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình); Mường (vùng thung lũng chân núi hai tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa) và Thổ (vùng miền núi thấp tỉnh Nghệ An). Nói một cách khác, Thổ chính là một trong ba bộ phận của người Việt Cổ(Việt, Mường, Thổ, có ý kiến cho rằng có cả người Chứt ở Quảng Bình, Quảng Trị), cùng tham gia vào quá trình lập nước từ thuở các Vua Hùng mà dấu ấn thể hiện rõ nhất ở các di chỉ khảo cổ học theo địa bàn cư trú chủ yếu của từng tộc người (xem bảng).

Các tộc người thuộc ngôn ngữ Việt-Mường gắn với Văn hóa Đông Sơn .

Vùng

Tộc người

Địa bàn cư trú và dấu tích khảo cổ học

Sông Hồng

Việt

Đồng bằng, trung du (Di chỉ Đồng Đậu)

Vùng đệm : trung du Phú Thọ - Sơn Tây, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa (Di chỉ Gò Mun, Phùng Nguyên, Làng Cả )

Mường

Thung lũng chân núi Phú Thọ - Hòa Bình- Thanh Hóa

Sông Mã-

 sông Chu

Việt

Các huyện đồng bằng (Di chỉ Đông Sơn)

Mường

Các huyện miền núi

Thổ

Các huyện miền núi, trung du (Di chỉ làng Vạc)

Sông Cả

Việt

Đồng bằng, trung du

 

Thổ

Trung du, miền núi

?

Chứt

Miền núi Quảng Bình, Hà Tĩnh

 

Do sinh sống tại một môi trường khác biệt, hình thành những nét văn hóa riêng, vừa có những nét tương đồng, vừa có nhiều nét khác biệt với hai bộ phận còn lại (Việt, Mường), nhóm ở trung du - miền núi Nghệ An, Thanh Hóa gọi là Thổ, hình thành một nền văn hóa Thổ, một tộc người Thổ. Về sau, quá trình cộng cư giữa ba khối Việt - Mường - Thổ trước những biến động của lịch sử và các điều kiện sống ở các “tiểu vùng” đã làm hình thành các nhóm địa phương (Mọn, Lâm La, Kẻo. Cuối, Đan Lai, Tày Poọng), với các sắc thái văn hóa, ngôn ngữ khác nhau và với ý thức về sự tồn tại của nhóm rất rõ nét. Mặc dầu vậy, ý thức chung về cộng đồng Thổ vẫn được bảo lưu. Đây là nhân tố quan trọng để mối liên kết của cộng đồng tộc người Thổ được củng cố nhờ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Tại Hội nghị xác định thành phần dân tộc tháng 9 năm 1973, đại diện của các nhóm Mọn, Kẻo, Lâm La, Cuối (Họ, Nhà Làng) đều thống nhất thành một dân tộc, mang tên Thổ. Đến Hội nghị xác định thành phần dân tộc tổ chức tại huyện Tương Dương (tháng 11 cùng năm), nhóm Con Kha (Tày Poọng hay Poọng) ở xã Tam Hợp cùng thuộc huyện này và nhóm Đan Lai - Ly Hà ở huyện Con Cuông cũng thống nhất nhận là một bộ phận của dân tộc Thổ. Một thời gian sau, nhóm Thổ ở huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa cũng gia nhập vào thành phần cộng đồng Thổ, gọi là Thổ Như Xuân (Khổng Diễn, 2004, tr. 1).

 

3. Ngôn ngữ Thổ

Từ trước đến nay có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định vị trí và quan hệ của tiếng Thổ với tiếng Mường và tiếng Việt. Phạm Đức Dương và Đặng Nghiêm Vạn cho rằng,tiếng Thổ cùng với tiếng Chứt là hai nhóm nhỏ thuộc ngôn ngữ Việt - Mường, đã tách khỏi tiếng Việt cổ sớm hơn quá trình chia tách hai tộc người này. Phần đông các tác giả khác đều cho rằng, tiếng Thổ và tiếng Chứt là những thổ ngữ của tiếng Mường.

 Nguyễn Văn Tài trong bài viết “Thử bàn về tiếng Chứt, tiếng Cuối trong nhóm Việt Mường” trên Tạp chí Dân tộc học số 2 năm 1976, dùng khái niệm “Tiếng Cuối” để chỉ chung tiếng nói của các nhóm Cuối Chăm (Cuổi Tẻ), Đan Lai - Ly Hà, Con Kha, Poọng ở Nghệ An. Ở một đoạn khác, tác giả đồng khái niệm “Tiếng Cuối” “Tiếng Thổ” và chia tiếng này thành hai nhóm ngôn ngữ:

- Nhóm một: gồm Thổ Mọn, Thổ Lâm La, Thổ Sông Con, Cuối Niêu (làng Lở).

- Nhóm hai: Cuối Chăm (ở xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ), Đan Lai, Ly Hà, Con Kha (Poọng).

Hai nhóm này tiếng nói khá khác nhau, không thể dùng tiếng của mỗi nhóm để giao tiếp chung với nhau, phải dùng tiếng Việt. Thông qua ngôn ngữ, tác giả cũng cho rằng, nhóm một là người Mường ở phía Bắc di cư xuống, nên tiếng nói của nhóm này là tiếng Mường; còn nhóm hai là thổ dân của vùng này; hoặc cũng có thể là dân của các vùng khác di cư đến, nhưng đã cư trú ở đây sớm hơn nhóm một. Các nhóm nhỏ trong tiếng Cuối có khác nhau về mặt ngữ âm và từ vựng, song những khác biệt đó chưa đủ để chúng tách thành những ngôn ngữ riêng, mà chỉ là những phương ngôn của một ngôn ngữ. Từ đó, tác giả chia tiếng Cuối thành hai phương ngôn : Phương ngôn  Cuối ChămPhương ngôn Đan Lai, gồm Đan Lai, Ly Hà, Con Kha trong đó Đan Lai là tiêu biểu (Nguyễn Văn Tài, 1976, tr. 68).

Về đặc điểm của tiếng Thổ, Nguyễn Văn Tài cho rằng, tiếng này còn tồn tại của âm tiết mờ trong cấu trúc âm tiết, biểu hiện rõ rệt nhất là sự tồn tại khá đa dạng của tổ hợp phụ âm làm chức năng âm đầu, như pl. bl, kl…; trong phương ngôn Đan Lai còn có tổ hợp phụ âm ml, đối lập rất rõ với tổ hợp phụ âm cùng vị trí nhưng khác phương thức cấu âm (chẳng hạn, ml/ bl, như mlông “quên”/ blông ”trồng”); trong khi tiếng Mường chỉ có thổ ngữ Mường Thải (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Sự đối ứng về thanh điệu giữa tiếng Thổ với tiếng Việt cũng khác với tiếng Mường. Thanh ba của tiếng Thổ đối ứng với cả thanh sắc và thanh hỏi, thanh ngã của tiếng Việt; còn ở tiếng Mường chỉ đối ứng với thanh sắc; thanh năm của tiếng Thổ còn đối ứng với thanh hỏi của tiếng Việt, trong khi ở tiếng Mường đối ứng với cả thanh sắc, thanh nặng, thanh ngã của tiếng Việt.

Vốn từ vị cơ bản của tiếng Thổ  ở nhóm một và nhóm hai có nhiều điểm khác nhau, đó cũng chính là sự khác nhau giữa từ vựng giữa tiếng Thổ và tiếng Mường. Trong từ vựng tiếng Thổ, các từ giống tiếng Mường và tiếng Việt chưa chiếm đến quá nửa.

Căn cứ vào ba đặc điểm trên, Nguyễn Văn Tài cho rằng, tiếng Thổ ngang hàng với tiếng Mường, chứ không phải là một “thổ ngữ” của tiếng Mường  (Nguyễn Văn Tài, 1976, tr. 70).

(còn nữa)

 

CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Trần Bình (2004), “Xã hội truyền thống của các nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ”, trong Kỷ yếu hội thảo xác định thành phần dân tộc Thổ ở Nghệ An, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
  2. Trần Bình (2004), “Nguồn gốc lịch sử và quá trình di cư của các nhóm Kẹo, Mọn, Cuối, Lâm La”, trong Kỷ yếu hội thảo xác định thành phần dân tộc Thổ ở Nghệ An, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
  3. Trần Bình (2004), “Một số vấn đề về nguồn gốc nhóm Đan Lai và Tày Poọng ở miền Tây Nghệ An”,Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3, tr. 51-57.
  4. Khổng Diễn (1995), Dân số và dân số tộc người ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  5. Khổng Diễn (2006), “Về thành phần tộc người của dân tộc Thổ”, trong Kỷ yếu hội thảo xác định thành phần dân tộc Thổ ở Nghệ An, bản đánh máy, lưu tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.
  6. Phạm Đức Dương (1973), “Về mối quan hệ thân thuộc giữa các ngôn ngữ thuộc nhóm Ngôn ngữ Việt - Mường miền Tây Quảng Bình”, trong Xác định thành phần dân tộc …….
  7. Bùi Minh Đạo (1978), Bước đầu khảo sát phong tục tập quán thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 của người Đan Lai, Ly Hà ở huyện Con Cuông, Nghệ Tĩnh. Luận văn tốt nghiệp đại học, khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
  8. Mạc Đường (1964), Các dân tộc miền núi Bắc Trung Bộ. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  9. Ninh Viết Giao (Chủ biên, 2003), Địa chí huyện Quỳ Hợp, Nxb. Nghệ An.
  10. Đặng Văn Hường (1978), Người Tày Poọng ở huyện Tương Dương, Luận văn tốt nghiệp đại học khóa 19 (1974-1978), Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
  11. Nguyễn Đình Lộc (1991), “Ảnh hưởng của việc di chuyển dân cư từ miền xuôi lên miền núi đối với quan hệ dân tộc ở Nghệ Tĩnh”. Tạp chí Dân tộc học, số 2.
  12.  Nguyễn Đình Lộc (2010), Các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, Nxb. Nghệ An (tái bản từ bản in năm 1993).
  13. Bùi Dương Lịch (1993), Nghệ An kí, bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Quyển 1, 2.
  14. Thi Nhị (1978), “Người Thổ” trong Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  15. Thi Nhị, Trần Mạnh Cát (1975), “Vài nét về người Thổ ở Nghệ An”, trong Về vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  16. Lê Mai Oanh (2010), Văn hóa vật chất người Thổ, Nxb.Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  17. Lê Mai Oanh (2011), Văn hóa dân gian người Thổ, Nxb.Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  18. Nguyễn Văn Tài (1976), “Thử bàn về vị trí tiếng Chứt, tiếng Cuối trong nhóm Việt - Mường”, Tạp chí Dân tộc học, số 2, tr.63-73.
  19. Vương Hoàng Tuyên (1963), Các dân tộc nguồn gốc Nam Á ở miền Bắc Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  20.  Hà Văn Thụ (1996), “Tư liệu Dân tộc học: Vài nét về người Thổ ở Như Xuân - Thanh Hóa”, Tạp chí Dân tộc học, số 3, tr. 77-78.
  21. Đặng Nghiêm Vạn (1974), “Bước đầu tìm hiểu lịch sử phân bố dân cư ở miền núi Nghệ An”, Tạp chí Dân tộc học, số 2.
  22.  Đặng Nghiêm Vạn, Nguyễn Anh Ngọc (1975), “Vài nét về ba nhóm Đan Lai, Ly Hà, Tày Poọng”, trong Về vấn đề xác định thành phần các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

 


[i]  Để đỡ trùng lặp khi nhắc tên các nhóm, từ đây, chúng tôi dùng khái niệm “Các nhóm vùng cao” để chỉ hai nhóm Đan Lai và Tày Poọng; “Các nhóm vùng thấp” để chỉ bốn nhóm Mọn, Lâm La, Kẻo, Cuối.

[ii] Di tích Khảo cổ học Làng Vạc ở xã Nghĩa Hòa, trước đây thuộc huyện Nghĩa Đàn, nay thuộc thị xã Thái Hòa.

               

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513567

Hôm nay

240

Hôm qua

2313

Tuần này

21504

Tháng này

220440

Tháng qua

121356

Tất cả

114513567