Bức họa « Hình thể bà Tưởng Bích Vi » của danh họa Từ Bi Hồng (tranh thật)
Để chứng minh, công ty còn công bố bức ảnh ông Từ Bá Dương, con trai cố họa sĩ Từ Bi Hồng, chụp chung với bức họa nói trên và mấy dòng chữ củachính ông Từ Bá Dương viết : “Bức tranh sơn dầu này đúng là tác phẩm thời kỳ đầu của cha tôi, là di tác được mẹ tôi giữ lại— Từ Bá Dương, ngày 29/9/2007 ».
Bức tranh đã bán tháng 6/2010 cùng ảnh Từ Bá Dương chụp với bức tranh, ảnh mấy dòng chữ của Dương xác nhận là tranh của cha mình
Không ngờ mới đây các báo Trung Quốc lại đăng Thư ngỏ viết ngày 15/9/2011 của một số sinh viên khóa Một (1982-1984) lớp Chuyên tu Khoa Hội họa sơn dầu của Học viện Mỹ thuật Trung ương, với nội dung tố cáo bức tranh này thực ra là tranh vẽ-bài tập của một trong số các sinh viên đó. Các tác giả Thư ngỏ có đăng kèm 5 bức tranh-bài tập của họ, rất gần với bức họa « Hình thể bà Tưởng Bích Vi » giá ngót 12 triệu USD nói trên. Rõ ràng 5 bức tranh này là tranh vẽ cùng một người, vẽ trong cùng một khung cảnh, chỉ khác nhau ở góc độ vẽ mà thôi.
Ký tên dưới Thư ngỏ này là 10 cựu sinh viên khóa học nói trên, gồm 7 người hiện ở Trung Quốc và 3 người Trung Quốc hiện có quốc tịch nước ngoài. Người ta thấy trong đó có tên của giáo sư Lâm Như Băng; GS Dương Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Hội họa Sơn dầu tỉnh Sơn Đông; GS Khu Sở Kiên; họa sĩ Tôn Lê Minh, Phó CT Hội tranh sơn dầu Tân Cương, Phó Giám đốc Viện Hội họa Tân Cương; họa sĩ Trần Thừa Tề, Phó CT Hội Mỹ thuật tỉnh Hà Bắc, Giám đốc Viện Hội họa Thạch Gia Trang v.v… và các họa sĩ Lý Bân (ở Mỹ), Tần Minh (ở Canada), Thẩm Gia Úy (ở Australia).
5 bức tranh vẽ tập đăng kèm Thư Ngỏ
Các cựu sinh viên này viết :
Bức họa đã bán với giá 72,8 triệu Nhân dân tệ nói trên là một trong số các bài tập vẽ tranh sơn dầu do sinh viên lớp chúng tôi thực hiện vào tháng 5/1983. Người mẫu để vẽ là một cô gái nông thôn đến từ tỉnh Giang Tây, họ L. Lớp chúng tôi chia làm hai tốp vẽ ở hai phòng, phòng có cô L. làm người mẫu thu hút nhiều sinh viên hơn, có khoảng 20 sinh viên vẽ ở phòng này. Tổng thời gian vẽ tập là 3 tuần, mỗi ngày vẽ một buổi sáng. Vì đầu tóc và thân hình cô L. rất độc đáo nên chúng tôi nhớ mãi hình ảnh cô.
Tuy chúng tôi chưa khẳng định được ai trong số bạn mình đã vẽ bức tranh đó, nhưng không ít người trong số chúng tôi vẫn còn giữ được tranh mình đã vẽ cùng một người mẫu ấy.
Hai thầy hướng dẫn là thầy Vi Khởi Mỹ và Đới Trạch. Các tranh của chúng tôi vẽ đều rất giống nhau, vì mọi người đều muốn tả thực. Bởi vậy khi xem bức họa công bố trên mạng, chúng tôi lập tức nhận ra đây là tác phẩm của bạn mình.
Thông tin bán tranh có giới thiệu bức họa này là do « một nhà sưu tập hội họa ở nước ngoài » cung cấp và từng trưng bày tại Khách sạn Bắc Kinh và « Hội chợ quốc tế di vật Trung Quốc » trong Nhà Bảo tàng Thủ đô hồi tháng 11-12/2007.
Những người ký tên trong Thư ngỏ khẳng định Không thể có chuyện danh họa Từ Bi Hồng từng vẽ một bức họa giống hệt tranh chúng tôi đã vẽ về màu sắc nền tranh, tư thế đứng của người mẫu, đặc điểm thân hình, đầu tóc và khuôn mặt người mẫu. Họ cũng khẳng định chưa bao giờ từng thấy họa sĩ Từ Bi Hồng có một bức họa như vậy.
Bức Thư ngỏ này đang làm xôn xao dư luận Trung Quốc. 72, 8 triệu Nhân dân tệ tương đương với giá của 34 chiếc xe hơi thể thao Maserati do Italia sản xuất hoặc tương đương 2400 mét vuông căn hộ cấp cao ở Bắc Kinh.
Họa sĩ nổi tiếng Trần Đan Thanh nói : Bức họa này thậm chí cũng không phải là tranh nhái vẽ lại tranh của Từ Bi Hồng rồi mạo nhận là của tác giả, như thế còn khá một chút vì là lừa đảo một cách nghiêm chỉnh. Đây hoàn toàn là lấy một bức tranh không hề liên quan chút nào rồi nói là tranh của Từ Bi Hồng, thật là đổi trắng thay đen.
Một báo mạng kết luận: “Bức tranh này chỉ là tờ giấy lộn, thậm chí chưa đáng gọi là tranh nhái nữa kia”.
Dĩ nhiên người bị thiệt nhất trong vụ bán đấu giá hàng giả này là vị nhà giàu đã bỏ tiền ra mua bức tranh ấy.□