Đất Nghệ
Nghệ Tĩnh với dấu ấn mở đường Hồ Chí Minh trên biển
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến chi viện quân sự trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một kì tích của dân tộc Việt Nam. Cùng với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã nối thông hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam; vận chuyển kịp thời, hiệu quả vũ khí và lương thực cho những khu vực chiến trường mà tuyến vận tải Hồ Chí Minh trên bộ chưa vươn tới được;
trực tiếp góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Để hình thành nên con đường huyền thoại ấy, mảnh đất Nghệ An, Hà Tĩnh ẩn chứa nhiều dấu ấn quan trọng.
Vốn là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hoá, văn hiến và đấu tranh cách mạng, nên ngay từ những năm đầu chống đế quốc Mỹ xâm lược (1959), làng Trung Kiên[1], xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã được Trung ương chọn làm nơi đóng những con tầu đầu tiên phục vụ cho việc mở đường vận tải chiến lược trên biển Đông. Đây là một niềm vinh dự to lớn đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề đối với một làng nghề trong tỉnh.
Người được Uỷ ban Thống nhất Trung ương cử về giúp nhân dân Trung Kiên thực hiện công việc này là đồng chí Trần Tấn Mới - một người con của mảnh đất Nam Bộ, có nhiều kinh nghiệm trong việc đóng tàu thuyền đi biển. Việc làm đầu tiên của đồng chí Trần Tấn Mới khi đặt chân tới Trung Kiên là tuyển chọn những người thợ giỏi nhất trong làng phục vụ cho việc đóng tàu. Khi được giao nhiệm vụ, với bản chất cần cù, thông minh sẵn có, người dân Trung Kiên đã nô nức, hồ hởi thực hiện. Những người trong làng phân công đi tìm nguyên liệu tốt nhất ở các đầu mối cung cấp gỗ, tre cho làng Trung Kiên. Sau khi gom về xưởng, số gỗ này được xử lý, cắt gọt theo thiết kế của con tàu. Số tre, nứa được cắt cẩn thận, chỉ lấy phần cật tre ngâm lâu năm để đóng vỏ tàu, phần còn lại hầu như không thể sử dụng. Sau nhiều ngày miệt mài làm việc, nhóm thợ đóng vỏ đã hoàn thiện một con tàu 4 khoang, chia làm 2 lớp. Nhìn bề ngoài, trông như những tàu đánh cá bình thường, nhưng phía dưới là khoang để vũ khí, thuốc men, lương thực. Những con tàu này có thể chịu được sức sóng, sức gió lớn hơn bình thường.
Hoàn thành phần thân, vỏ tàu, phần việc còn lại, khó khăn nhất là lắp ráp máy tàu. Máy của những con tàu này được lựa chọn và thử đi thử lại rất nhiều lần, có công suất gấp hai, ba những con tàu người dân Trung Kiên thường đóng phục vụ cho việc đánh bắt cá. Tuy nhiên, mọi việc lắp, vận hành máy đều được tiến hành cẩn thận, chu đáo. Nhờ đó, chỉ hơn một tháng, 2 con tàu đặc biệt do người dân Trung Kiên đóng đã được hạ thủy. Đây là thành công đầu tiên và là cũng sự khởi đầu thuận lợi, bởi sau hai chiếc này, những chiếc tiếp theo do Trung Kiên đóng đều được hạ thuỷ an toàn và bàn giao cho Tập đoàn đánh cá Sông Gianh (tiểu đoàn 603 ngụy trang)- đơn vị được giao nhiệm vụ mở đường vận tải trên biển Đông.
Từ thành công trong việc đóng những con tầu ở Trung Kiên, việc vượt biển thực sự được bắt đầu. Chuyến tàu đầu tiên vượt biển do đồng chí Nguyễn Bất chỉ huy, xuất phát vào đêm 30 Tết năm 1960. Thời gian đầu hoạt động thuận lợi, khi tàu đến Quảng Nam thì bị địch phát hiện. Trong cuộc giao tranh sinh tử với kẻ thù, 5 trong số 6 thuỷ thủ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tàu, bảo vệ lương thực, vũ khí. Sau khi con tàu thứ nhất vượt biển không trọn vẹn, đến ngày 18-4-1962, con tàu thứ hai xuất bến từ lạch biển Trung Kiên, cập bến Vạm Lũng (Cà Mau) an toàn, đã khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển Đông- đường Hồ Chí Minh trên biển. Với thành công đó, làng đóng tàu Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã đi vào lịch sử của những đoàn tàu không số, lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển- con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam.
Cùng với Nghệ An, trong những năm đầu chống Mỹ, Hà Tĩnh cũng có sự kiện quan trọng gắn với sự ra đời của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19-5-1959, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập. Ngày 1-6-1959, Tiểu đoàn 301 trực thuộc “Đoàn 559” ra đời, có nhiệm vụ mở tuyến vận tải xuyên Trường Sơn để chi viện vũ khí, trang bị, lực lượng cho chiến trường miền Nam. Đến tháng 7-1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn đóng quân tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Phương tiện vận tải ban đầu của đơn vị là 4 chiếc thuyền gỗ.
Cuối năm 1959, Đại đội 1, Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên. Nhiệm vụ của chuyến vận tải này là chở 5 tấn vũ khí và thuốc chữa bệnh cho chiến trường Khu V, địa điểm cập bến là chân đèo Hải Vân. Tuy nhiên, chuyến đi này không thành công.
Nhận thấy việc dùng thuyền gỗ, chạy bằng buồm, chở vũ khí vào chiến trường bằng đường biển có rất nhiều khó khăn và không an toàn, Tổng Quân uỷ quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động. Trong khi chờ đợi trên tìm phương án mới, Tiểu đoàn giải thể, các đại đội chuyển về Tiểu đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn.
Đầu năm 1960, cùng với phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre, cách mạng các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào Đồng Khởi rộng khắp. Trước tình hình đó, yêu cầu về vũ khí trang bị, đạn và thuốc chữa bệnh trở thành vấn đề sống còn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và phát triển lực lượng của các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ, một thực tế đặt ra là phải nhanh chóng vận chuyển vũ khí, hàng hóa để chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Lúc này, tuyến đường bộ trên dãy Trường Sơn đã mở và hoạt động có hiệu quả, nhưng chưa vươn tới các địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Do đó, Tổng Quân ủy tiếp tục chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu V.
Trong khi chưa có lực lượng để làm nhiệm vụ vận chuyển trên biển chi viện cho miền Nam, Bộ Chính trị chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển ở miền Trung và Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến, bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra miền Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam đang phát triển.
Thực hiện chủ trương này, ở Bến Tre, năm 1960, đồng chí Nguyễn Thị Định, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo thành lập những con thuyền vượt biển ra Bắc. Những người được chọn đi mở đường đều đã trải qua phong trào Đồng Khởi, kiên trung với cách mạng, quen địa bàn vùng Đông Nam bộ. Ngày 1-6-1961, thuyền Bến Tre 1- con thuyền đầu tiên của Nam Bộ xuất bến Thạnh Phú (Bến Tre) vượt biển ra Bắc. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, thuyền cặp vào bờ biển tỉnh Hà Tĩnh an toàn.
Nhớ lại sự kiện này, ông Nguyễn Văn Đức, nguyên Hải đoàn phó Hải đoàn Tàu vận tải quân sự (nay là Lữ đoàn 125), thủy thủ tàu Bến Tre 1 kể lại: “Đến 5 giờ chiều 1-6-1961, chúng tôi rời bến Cồn Tra (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) ra đi. Trên tàu có 450m lưới, một la bàn nhỏ, một bản đồ tỷ lệ 1/1.000.000, hai phuy dầu, một phi nước ngọt, vài chục ki-lô-gam gạo, ít cá và một chú chó được ướp sả làm thức ăn. Chạy được khoảng 2 giờ, trời bỗng vần vũ mây đen, giông, gió xoáy ập tới, rồi mưa xối xả. Con tàu lắc lư, nhào lộn đánh vật cùng sóng dữ, hầu hết mọi người đều say sóng. Lương thực, thực phẩm mang theo đều sũng nước. Suốt ngày hôm sau gió lớn nên không thể nấu cơm, cả đoàn phải nhai gạo sống qua bữa. Những ngày sau, do không có hải đồ, các thủy thủ ban ngày nhìn hướng mặt trời, đêm nhìn sao Bắc Đầu thẳng tiến. Những khi gặp tàu tuần tiễu của kẻ thù, họ thả lưới ngụy trang.
Sau 9 ngày tàu tới vùng biển Cửa Tùng, Quảng Trị. Đêm đó như dài hơn. Cả đoàn hồi hộp vượt qua vùng biển nguy hiểm này. May mắn không bị kẻ địch phát hiện, đến sáng ngày ngày 10.6.1961, tàu đến được vùng biển Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh an toàn...” Ông Đức nhấn mạnh: “Lúc cặp bờ, nhìn thấy núi Ròn, chúng tôi ai cũng mừng rỡ. Thả neo xong, chúng tôi vào gặp dân hỏi thăm đường đi tiếp. Họ chỉ đường, đồng thời báo cho lực lượng công an vũ trang. Cả đoàn không ai khai gì, chỉ xin gặp ông Phạm Hùng lúc đó là Phó Thủ tướng. Sau đó, chúng tôi được đưa ra Hà Nội và gặp Bác Hồ... Khi Bác hỏi, miền Nam cần hỗ trợ gì, chúng tôi đồng thanh nói mong có nhiều vũ khí để đánh lô cốt giặc. Bác nhìn chúng tôi đôn hậu và nói, các chú cần chuẩn bị tinh thần đánh giặc lâu dài và... Trung ương sẽ hỗ trợ tối đa để miền Nam đánh giặc và thắng giặc”.
Những thuyền từ Nam vượt biển ra Bắc thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam. Theo đó, ngày 23-10-1961, Bộ Tổng tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do Thứ trưởng Hoàng Văn Thái ký thành lập Đoàn 759 vận tải thuỷ, đồng chí Đoàn Hồng Phước làm đoàn trưởng. Đoàn có nhiệm vụ mua sắm phương tiện, vận chuyển tiếp tế cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Đoàn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh, lấy nhà số 83 Lý Nam Đế (Hà Nội) làm trụ sở.
Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh. Sự ra đời của Đoàn 759 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển. Ngày 23-10 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày truyền thồng mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Như vậy, với những dấu ấn trên, nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh tự hào vì đã góp phần vào quá trình hình thành, phát triển của đường Hồ Chí Minh trên biển. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, việc tôn vinh, ghi nhận những dấu tích gắn liền với sự ra đời của đường Hồ Chí Minh trên biển ở hai tỉnh trên vẫn còn bỏ ngỏ. Tháng 9-2005, được tin Ban liên lạc cựu chiến binh đoàn tàu Không số Hải quân nhân dân Việt Nam quê Nghệ An và Hà Tĩnh đang có mặt ở Hà Nội để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Đoàn tàu không số Anh hùng (23.10.1961- 23.10.2006), nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã đến thăm. Trong bồi hồi xúc động khi gặp lại những người bạn chiến đấu đã hai lần cùng mình vượt biển khơi, vượt đạn bom của kẻ thù từ miền Bắc vào Khu 9 đánh giặc, Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhờ Ban liên lạc Cựu chiến binh đoàn tầu không số quê Nghệ An, Hà Tĩnh chuyển đến Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh bức thư: “… Đề nghị lãnh đạo và chính quyền tỉnh nhà cùng phối hợp với Bộ tư lệnh Hải quân nghiên cứu xây dựng một tượng đài chiến thắng tại bờ biển của Nghệ An hoặc Hà Tĩnh, đồng thời là khu di tích lịch sử văn hóa để các tầng lớp nhân dân cả nước tới tham quan tôn vinh, ghi nhớ sự hy sinh to lớn và chiến công vẻ vang của các đoàn tầu không số Anh hùng của chúng ta”.
Hy vọng, bài viết này sẽ cung cấp những cứ liệu cần thiết để chính quyền hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sớm xây dựng những di tích về đường Hồ Chí Minh trên biển- để tôn vinh những chiến công của hai tỉnh trong những thời đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc./.
[1]Làng Trung Kiên, xưa gọi là Hoàng Lao, cuối triều Nguyễn gọi là xã Trung Kiên thuộc tổng La Vân, huyện Hưng Nguyên; năm 1946 thuộc xã Đông Hải; 1954 cho đến nay thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Làng Trung Kiên nằm trong vùng “Địa linh nhân kiệt”: bên hữu có núi Hổ; bên tả là núi Rồng vươn dài ra tới biển. Núi Bảng sừng sững sau lưng; sông Cấm chảy ngang trước mặt đổ nước ra biển ở Cửa Xá (Cửa Lò).
tin tức liên quan
Videos
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Thống kê truy cập
114511420
Hôm nay
283
Hôm qua
2336
Tuần này
21794
Tháng này
218293
Tháng qua
121356
Tất cả
114511420