Đất Nghệ

Phù Thạch trong thơ văn xưa

Bến đò Phù Thạch xưa thuộc địa phận xã Vĩnh Đại, tổng Thịnh Quả, huyện La Sơn, nay là xã Đức Vịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây có một hòn đá trắng lớn, lúc thuỷ triều lên xuống thì nổi lên trên mặt nước nên có tên Phù Thạch (đá nổi).

Gần ghành đá là vực - một trong ba vực sâu nhất sông Lam thời trước: Nhất đái trường giang thâm thuỷ tam/ Lao Tuyền, Phù Thạch, Long Vương đàm. (Một dải sông dài có 3 nơi nước sâu nhất/ Long Tuyền, Phù Thạch, đầm Long Vương) (Phù Thạch phùng lão ngư - Nguyễn Thiếp)(1)

Theo khảo sát của PGS Sử học Trần Bá Chí (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì giữa thế kỷ XVII, xã Vĩnh Đại cắt ra phần đất sát bờ sông Lam, trên từ bến Trùm, dưới đến chùa Ân Quang (tức chùa Gành) bán cho kiều dân người Hoa gốc Quảng Đông, Phúc Kiến. Bộ phận cư dân này không chịu sống dưới triều Mãn Thanh, chạy sang đây lập nghiệp, tậu đất dựng nên làng Minh Hương (tên gọi khác của phố Phù Thạch). Người Minh Hương lập phố buôn bán và sản xuất miến, bánh, đồ gia vị… cung cấp cho dân trong vùng. Năm 1686, họ dựng đền Nhà Ông thờ Quan Thánh, tức Quan Vân Trường. Lại dựng đền Nhà Bà ít lâu sau đó, thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu Hải thần họ Lâm, người Phúc Kiến được phong thần từ thời Tống và thờ bà Quý phi nhà Tống họ Dương. Người Minh Hương còn đóng góp tiền trùng tu chùa cổ Ân Quang.

Bờ Bắc bến đò Phù Thạch là núi Lam Thành (rú Thành), xưa gọi là núi Tuyên Nghĩa. Núi còn có các tên khác: rú Rum, Hùng Sơn, Đồng Trụ, Nghĩa Liệt. Tương truyền xưa Mã Viện từng dựng cột đồng ở núi này. Trương Phụ nhà

Minh đã từng cho đắp thành phủ Nghệ An trên núi, đỉnh núi có lỗ cắm cờ. Lỵ sở trấn Nghệ An đời Lê cũng đóng ở đây. Phía trên bến đò là ngã ba sông: sông Ngàn Cả, sông La giao nhau.

Theo một tài liệu tiếng Nhật thì từ năm 1608 ở Hoa Viên, Phục Lễ (đều thuộc làng Triều Khẩu, đất làng này phần lớn đã bị lở xuống sông, phần còn lại nay thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên) có phố người Nhật, có chợ Tràng buôn bán đủ mặt hàng của xứ Nghệ, của cả Đàng Ngoài, Đàng Trong và của nước ngoài như thuốc Bắc, lụa gấm Tàu, bút mực sách Tàu, cúc mã não, sâm Cao Ly, đồ gốm và các món ăn Tàu… Ca dao xưa có câu: Chợ Tràng tháng hăm bảy phiên/ Ai đi bộ cứ bước, ai đi thuyền cứ đi.

Sở dĩ có tên chợ Tràng vì chợ nằm cạnh trường (tràng) thi Hương của trấn Nghệ An xưa (Đáng tiếc là từ lâu, cả làng Triều Khẩu cùng với trường thi Hương đã bị lở xuống dòng sông. Còn chợ Tràng thì cho đến trước Cách mạng tháng Tám vẫn được coi là một chợ lớn, mỗi tháng có 3 phiên chính vào các ngày 10, 20 và 30 âm lịch)(2).

Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch chép: “Phía trước núi Lam Thành, sông Lam chảy qua rất rộng, là nơi sông La ở Thiên Lộc chảy vào. Chỗ ngã ba sông Minh Lương chảy vào sông Lam có ghềnh đá nổi ở giữa sông. Phía Đông có bến đò gọi là bến Phù Thạch. Ở đầu bến có người Tàu cư trú buôn bán, nhà ngói san sát, thuyền bè tụ tập, gọi là phố Phù Thạch. Bờ sông phía Tây phố Phù Thạch, giữa khoảng cách sông La và sông Minh, xưa là hành tại của vua Trùng Quang nhà Trần. Ngày nay dân cư bờ Nam trồng dâu mía rất trù mật. Lên núi trông ra thì thấy phía Tây có núi

Hùng Lĩnh và núi Đại Huệ, phía Bắc có núi Đại Hải và núi La Nham, phía Nam có núi Thiên Nhẫn và núi Hùng Lĩnh.

Phía Đông có núi Kim Nguyên và núi Dũng Quyết, tất cả đều chầu về núi này. Cây xanh nước biếc, phố gần thôn xa phong cảnh như vẽ. Thật là một nơi địa danh thắng của Nghệ An(3).

Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Ở đây nước sông trong mát, cây cỏ tươi xanh, gần có phố, xa có thôn, phong cảnh như tranh vẽ, thật là một nơi danh thắng của châu Hoan”(4).

Thật ra thì cảnh đẹp Phù Thạch đã nổi tiếng từ xưa. Thời Trần, Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) giữ chức An phủ sứ (5) Nghệ An (từ 1337-1341) khi đi qua đò Phù Thạch từng có thơ rằng:

Hải quốc càn khôn nhập vọng khoan,
Trần trung đối thử khoát sầu nhan.
Triều sinh triều lạc đông tây thuỷ,
Vân hợp vân khai thượng hạ san.
Ngư đĩnh phù trầm yên cảnh ngoại,
Tăng gia ẩn ước họa đồ gian.
Lam tuyền mãn mục không tàm quý,
Lão ngã năng tiêu kỷ nhật nhàn.
Đỗ Ngọc Toại dịch:
Trông vời trời biển rộng miên man!
Tới đó người trần cũng hỉ hoan.
Triều dưới lòng sông lên lại xuống,
Mây trên đỉnh núi hợp rồi tan.
Chùa sư thấp thoáng đường tranh vẽ,
Thuyền cá lênh đênh tít dặm ngàn.
Ngắm cảnh suối rừng thêm hổ thẹn,
Thân già nào được mấy khi nhàn!
Thời Lê mạt, Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744-1802) từng giữ chức Đốc đồng(6) trấn Nghệ An năm 1777 qua bến Phù Thạch lại viết:
Tích nhân thử địa cộng bồi du,
Kim cổ thao thao kỷ bạch đầu.
Viễn thuỷ hàm hư thông đại hải,
Dao sơn hoành thuỷ trạm thanh thu.
Sam si khách phố tân trà lạt,
Ẩn ước thiền gia lõa trúc u.
Thạch tọa phù giang thành vị trí,
Hữu thuỳ nhàn cứ phủ lâm lưu.
Đỗ Ngọc Toại dịch:
Nơi đây, người trước vẫn cùng nhau,
Nối tiếp chừng bao khách bạc đầu.
Sông dẫn dòng trong về biển cả,
Núi phơi màu biếc dưới trời thu.
Lô nhô phố khách hàng chè chát,
Thấp thoáng nhà thiền bóng trúc sâu.
Bàn đá giữa dòng coi chễm chệ,
Có ai ngồi đó vịnh vài câu?
Nguyễn Trung Ngạn và Bùi Huy Bích đều là các nhà thơ nổi tiếng, tả cảnh Phù Thạch thật sinh động, nhưng có lẽ vẫn chưa hấp dẫn bằng đoạn miêu tả của thi sĩ Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) trong truyện thơ Nôm Mai Đình mộng ký(7). Đó là cảnh đêm Nguyên tiêu năm Kỷ Tỵ 1809 trên bến Phù Thạch. Bức tranh bắt đầu vào lúc sắp sửa hoàng hôn:
Trời hôm xuân nhuốm màu da,
Cơn mưa rã tuyết, trận hà cuốn mây.
Chim về xao xác lá cây,
Rừng đông đã thấy tròn xoay bóng thiềm.
Tiếp đó phố xá lên đèn và đêm rằm tháng Giêng năm đó thật lung linh kỳ ảo với hội hoa đăng:
Lửa đâu thấp thoáng trong rèm,
Khi đưa hương xạ, khi đem khói tùng.
Đá đâu lấp ló giữa dòng,
Như bay hoa sóng, như lồng gương nga.
Thành đâu xây đắp yên hà,
Đỉnh non nền cũ, cán cờ bụi sương.
Đền đâu lắng dấu khói hương,
Bể Liêu cổng trước, vàng tương mái tầu.
Ở đây, con thuyền thơ đi trong thoang thoảng hương xạ và mờ ảo khói tùng (mùi thơm và khói của các chất đốt thơm làm bằng xạ hương và nhựa thông).
Cảnh gần thì đá nổi nhấp nhô, từng đợt sóng
lấp loáng dưới ánh trăng; cảnh xa thì thành quách, kỳ đài, ngôi đền tĩnh mịch… Tất cả lung linh ẩn hiện trong khói sương. Và ngước lên trời, thi nhân ngỡ như có người cắm một nhành mai lên gương trăng và rắc lên bầu trời những vì tinh tú. Vẻ diễm lệ của đất trời quê hương thật đáng tự hào:
Trong gương ai cắm cành mai,
Dưới mây ai ném một vài lưu tinh.
Phồn hoa nổi áng thị thành,
Này Phù Thạch phố là danh lịch triều.
Phố Phù Thạch là tên gọi qua các triều đại nổi tiếng là thành thị phồn hoa. Thế kỷ XVII - XVIII, Phù Thạch chắc không thua kém Phố Hiến Đàng Ngoài và Hội An Đàng Trong bao xa. Bởi thế, tháng 6, năm Thái Đức thứ 11 (1788), khi quyết định thiên đô ra Nghệ An, vị trí đầu tiên Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ nghĩ đến chính là Phù Thạch. Năm 1804 đời Gia Long, trấn lỵ Nghệ An dời ra Vĩnh Yên (Vinh). Tiếp đó, đời Minh Mệnh (1829-1840), Hoa kiều ở Phù Thạch được lệnh chuyển đi. Trải qua thăng trầm dâu bể, sông Lam đoạn chảy qua Phù Thạch dần dần chỉ còn là một nhánh nhỏ, dòng chính nằm xa về tả ngạn cách một bãi phù sa rộng. Phù Thạch dần dần trở thành nơi hoang vắng, ít người lại qua, nhưng địa danh Phù Thạch thì vẫn sống mãi trong tâm thức những người xứ Nghệ tha thiết yêu mến quê hương./.
 Chú thích
(1) Thơ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (Nguyễn Sĩ Cẩn biên soạn), Nxb Nghệ An, 1998, tr.116.
(2) Xem thêm: Thái Kim Đỉnh (Chủ biên): Làng Minh Hương hay phố Phù Thạch trong sách Làng cổ Hà Tĩnh, Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh xuất bản, 1995, T.1, tr.91-96; Trần Viết Thụ (Chủ biên): Địa danh lịch sử - văn hoá Nghệ An, Nxb Nghệ An, 2006, tr.40.
(3) Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Nxb Khoa học xã hội, H.1993, tr 119, 120.
(4) Qsq triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hoá, T.2, tr.193.
(5) An phủ sứ là chức quan đứng đầu phủ lộ, tương đương chức trấn thủ thời Lê, tổng đốc thời Nguyễn. Bài thơ của Nguyễn Trung Ngạn chép theo Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.166, 167.
(6) Đốc đồng là chức quan trấn bậc phó thời Lê trung hưng, phụ trách khám xét việc kiện cáo, tương đương chức An phủ phó sứ thời Trần, Án sát sứ thời Nguyễn. Bài thơ của Bùi Huy Bích chép theo Bùi Dương Lịch: Nghệ An ký, Sđd, tr.16, 168.
(7) Xin xem Thái Kim Đỉnh: Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ, Nxb Nghệ An, 1994, tr.425, 426. 
Theo ngheandost.gov.vn 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511415

Hôm nay

278

Hôm qua

2336

Tuần này

21789

Tháng này

218288

Tháng qua

121356

Tất cả

114511415