Những góc nhìn Văn hoá

Về công trình"Tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức" của cố giáo sư Trần Đức Thảo

 


 

 Trường hợp GS Trần Đức Thảo khác hẳn đa số những người Mác-xít Việt Nam. Ông không phải con người giác ngộ chủ nghĩa Mác ngay từ đầu với ý nghĩa là biện pháp duy nhất để cứu nước và giải phóng dân tộc. Ông theo chủ nghĩa Mác vì chính giá trị triết học của nó, rồi mới thấy ở đấy biện pháp duy nhất để cứu nước. Là người được đào tạo chu đáo nhất Việt Nam về triết học phương Tây, năm 1943 ông đã đỗ đầu thạc sĩ triết học ở Pháp với luận văn: Hiện tượng luận và nội dung thực sự thực tế của nó. Trong công trình này, ông đứng về phía duy lý luận của tư tưởng duy tâm khách quan, một chi nhánh của học thuyết Hegel đối lập với tư tưởng duy tâm phản trí tuệ thịnh hành lúc bấy giờ qua các trào lưu triết học hiện sinh. Nhưng ngay trong công trình ấy, cho đến nay vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất thế giới về Hiện tượng luận, ông đã đưa ra một lời phê phán hiện tượng luận của Husserl mà không ai bác lại được. Trong khi thừa nhận đóng góp hết sức có hiệu lực của Husserl về cách lý giải bản chất: “Bản chất của một vật là cái yếu tố mà thiếu nó, người ta không thể nào hình dung sự tồn tại của vật ấy”, chẳng hạn “bản chất của màu đỏ là diện tích, vì không thể có một màu nào mà không có diện tích”. Trong khi tán thành lập luận này về bản chất, ông vạch trần nhược điểm không thể che đậy của Husserl là nếu như Husserl theo hiện tượng luận triệt để thì cái bản chất cuối cùng chỉ có thể là “vật chất” với tính cách một phạm trù triết học và khẳng định tự thân hiện tượng luận phải dẫn tới chủ nghĩa duy vật. Đóng góp này của ông đã được thế giới triết học chấp nhận. Như vậy là Trần Đức Thảo đến với chủ nghĩa duy vật sau khi trèo lên cái đỉnh cao nhất của chủ nghĩa duy tâm thời đại này là hiện tượng luận của Husserl, rồi lật ngược nó lại. Từ duy tâm sang duy vật chính là sự phát triển biện chứng của chủ nghĩa duy tâm, ông chuyển sang chủ nghĩa Mác do tình cảm yêu nước.

 Thái độ bênh vực chủ nghĩa duy vật này biểu lộ trong cuộc bút chiến giữa Trần Đức Thảo và Jean-Paul Sartre. Trong khi chấp nhận quan điểm lịch sử của chủ nghĩa Mác, Sartre công kích quan điểm chính trị và văn hoá của nó biểu hiện ở Liên Xô. Trần Đức Thảo trái lại bênh vực chủ nghĩa cộng sản. Cuộc tranh luận này giữa hai nhà triết học nổi tiếng châu Âu không kết thúc vì Trần Đức Thảo bị thu hút bởi các biến cố trong nước, nhưng theo lời của chính Simone de Beauvoir, nữ triết gia và vợ của Sartre trong “Hồi ký” thì phần đúng là thiên về ông Thảo. Năm 1950, Trần Đức Thảo xuất bản “Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng”, khẳng định chính chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác-xít là kế thừa triết học chân chính, vượt gộp hiện tượng luận. Trong công trình này, ông đã phác hoạ quá trình phát triển các loài cho đến con người, nhưng chưa có điều kiện vạch ra quá trình phát sinh của ngôn ngữ và ý thức.  Công trình này, như chính Đảng cộng sản Pháp thừa nhận, đã góp phần tạo nên nhiều thế hệ cộng sản ở Pháp…

Trong công trình tôi được phân công nhận xét, Những tìm hiểu về nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, ông muốn dùng chủ nghĩa Mác để trả lời chính vấn đề hóc búa nhất của triết học là nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, ở đấy các học thuyết duy tâm còn làm bá chủ. Tuy Mác và Lênin có đưa ra những nhận xét hết sức quan trọng về cách tiếp cận, nhưng đó chỉ mới là nhận xét chưa phải là một sự nghiên cứu xong xuôi như hai người đã làm đối với chính trị và kinh tế học. Cách làm của Trần Đức Thảo không phải là minh hoạ chủ nghĩa Mác bằng những luận điểm tuy là rất đúng của Mác mà chính là sử dụng phương pháp luận của Mác, cụ thể là trong bộ Tư bản để chứng minh giá trị của chủ nghĩa duy vật biện chứng ngay chính trên cơ sở những thành tựu khoa học của thế kỷ XX về khảo cổ học, nhân chủng học, tâm lý trẻ em, ngôn ngữ học, nhằm chứng minh chính quan điểm duy vật biện chứng cung cấp cách lý giải đúng đắn nhất cho phép ta tiếp cận vấn đề ngôn ngữ và ý thức con người một cách khoa học.

 Cũng như Mác khi nghiên cứu chủ nghĩa tư bản không bắt đầu ngay từ những biểu hiện riêng của chủ nghĩa tư bản mà xuất phát từ một hiện tượng có chung ở mọi xã hội, đó là “hàng hoá” rồi lấy hàng hoá ở giai đoạn điển hình nhất là giai đoạn chủ nghĩa tư bản, lấy nó làm tế bào của chủ nghĩa tư bản trong đó tuy có cả hai giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, nhưng đến lúc này “giá trị trao đổi là tất cả”, rồi từ đó nêu lên cái mặt khu biệt của chủ nghĩa tư bản. Cũng vậy, để nghiên cứu nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, Trần Đức Thảo không xuất phát từ những biểu hiện mà chỉ con người có được mà thôi như ngôn ngữ và cách chế tạo công cụ mà phải tìm cái tế bào của ý thức ở một biểu hiện có chung giữa con người và con vượn, tức là động tác chỉ trỏ rồi ngay ở cái động tác đơn sơ ấy vạch ra được cái nét chỉ có ở con người mà thôi, cái nét ấy là cử chỉ chỉ trỏ (le geste de I’index). Rồi từ chỗ đào sâu tận đáy cử chỉ chỉ trỏ chỉ riêng có của con người, ông sử dụng phương pháp duy vật biện chứng để vạch ra quá trình hình thành ngôn gnữ và ý thức, mà từng biểu hiện một đã được các nhà khoa học thế kỷ XX nêu lên nhưng vì thiếu cách lý giải triết học của chủ nghĩa duy vật biện chứng cho nên chưa làm thành hệ thống, thậm chí nhường chỗ cho những cách lý giải duy tâm.

 Trong một dộng tác chỉ trỏ dù là của con người hay dộng vật đều có 3 thành tố, một là của cái vật ở bên ngoài (C), hai là vận động của bàn tay (V), ba là hình thức của vận động này (H). Điều này nói lên tính chất chung của cử chỉ chỉ trỏ.

 Chỗ khác nhau giữa cách chỉ trỏ của con người so với con vật là con người chỉ thẳng vào vật mình cần chứ không phải chỉ theo lối vòng cung như con vật. Điều này khẳng định giữa con người chỉ và vật được chỉ có một khoảng cách, trong lúc đó con vượn người không có khái niệm về khoảng cách. Nó vồ ngay lấy vật. Khi hành động chỉ trỏ giả thiết nhất thiết phải có khoảng cách, vậy khoảng cách là bản chất của hành động chỉ trỏ và vì khoảng cách con người là ở ngoài con người cho nên nó là vật chất theo nghĩa triết học của từ này. Khi ngón tay trỏ vào cái vật bên ngoài ở xa mình thì cái khái niệm Vật là khách quan và là vật chất dù cho người ta có thể “dịch” khái niệm này theo nhiều nghĩa khác nhau tuỳ theo vật, nhưng cái không thay đổi là khái niệm “Vật” theo cái nghĩa hiện thực khách quan đem lại cho ta trong cảm giác, tức là chính cách Lênin định nghĩa về vật chất.

 Con vượn tuy tri giác cái vật là ở bên ngoài, nhưng đối tượng với nó là cái nó có thể đụng tới, trực tiếp hay qua một trung gian (chẳng hạn cái gậy). Theo Trần Đức Thảo, đó là giai đoạn tiền thành nhân (stade préhominien) tiêu biểu đối với Vượn Nam phương (Australopithèque) đã đi hai chân, đã sử dụng một số đối tượng tự nhiên như là công cụ (cành cây), nhưng các đối tượng này là tuỳ tiện có ngay bên cạnh, không hề có chức năng công cụ ở tự nó. Nó đã thốt lên được một số âm thanh, nhưng các âm thanh này chỉ có tính chất tình thế, không có ý nghĩa chỉ đối tượng, tức là chưa có cử chỉ chỉ trỏ theo nghĩa đen.

 Cử chỉ đồng thời có ý nghĩa là một sự hướng dẫn từ xa, do đó có chức năng kêu gọi và cũng thể hiện bằng tiếng cảm thán của con người hay của con vật rồi được cả tập thể đáp lại. Chủ thể hành động chỉ hay thốt lên tiếng kêu như vậy là có ý thức rằng các chủ thể khác cùng loài là đồng nhất với mình, hay như Mác nói: “Nhìn thấy mình ở người khác như nhìn trong một tấm gương”. Chỉ có như vậy mới có sự trao đổi bằng cử chỉ hay tiếng kêu được. Điều này là cơ sở cho hành động tập thể mà ta đã thấy và ở những con vượn người. Nhưng lúc này ý thức tập thể chỉ là ý thức tập thể của bầy đàn. Phải qua nhiều bước trung gian trong sự phát triển xã hội mới xuất hiện “cái tôi”. Giai đoạn này phải đến bước thứ ba của sự phát triển ý thức mới ra đời được. Bước thứ nhất là ý thức rời rạc của chủ thể, bước thứ hai là ý thức tập thể, cả hai bước này đều đã đạt được ở vượn người. Chỉ sang bước thứ ba ý thức về cái tôi mới xuất hiện, tức là qua vô số kinh nghiệm con vượn người ý thức được các hiện tượng đơn lẻ bên ngoài và tìm được cử chỉ hay cách diễn đạt bằng âm thanh để thể hiện cái vật mình muốn chỉ trỏ bằng một dấu hiệu riêng. Bằng cách này Trần Đức Thảo lật đổ cơ sở duy tâm của ngôn ngữ học hiện đại khi cho rằng “Nghĩa một ký hiệu là một ký hiệu khác qua đó cái nghĩa này được biểu hiện”, tức là “Vậy cái gì còn lại ở một liên hệ trực tiếp giữa từ và vật?” (Jakobson). Còn Trần Đức Thảo, cũng làm như khi ông phê phán Husserl rằng đằng sau mọi nghĩa của từ có sự vận động của tư tưởng mà theo Mác “Sự vận động của tư tưởng chỉ là sự khúc xạ của sự vận động hiện thực được chuyển tới và được chuyển vị trong đầu óc con người”. Như vậy là có hai sự khúc xạ. Sự khúc xạ thứ nhất là sự khúc xạ của thực tại vào đầu óc con người sang đầu óc con người với tính cách thành phần của một tộc người và đây là đối tượng của văn hoá học. Theo Trần Đức Thảo thì đứa trẻ chỉ đến nửa cuối năm thứ ba mới đạt đến giai đoạn này, trong khi cử chỉ đã phát triển dần dần từ tháng thứ 14.

 Đó là cách làm của Trần Đức Thảo theo đúng các thao tác của Mác để nêu lên cái tế bào của ý thức ở cử chỉ, rồi lý giải bằng cách nào cái tế bào của ý thức là cử chỉ chỉ trỏ này chuyển thành vật chất của tư tưởng là ngôn ngữ. Chỉ sau khi nêu lên được cái nét riêng biệt xuất phát từ cử chỉ tác giả mới chứng minh được sự khác nhau giữa cái không hữu thức còn có mặt ở vượn người sang cái hữu thức đã có mặt phôi thai ở người vượn mà tác giả dùng thuật ngữ “homo habilis” tức là con người khéo léo, và chuyển sang việc nghiên cứu cái cử chỉ âm thanh, mầm mống của ngôn ngữ.

Phần thứ hai của công trình này mang nhan đề “Ngôn ngữ hỗn hợp” dành cho việc theo dõi quá trình hình thành ngôn ngữ”.

 Như chúng ta thấy, có vô số công trình khoa học nghiên cứu sự ra đời của ngôn ngữ ở các ngành khảo cổ, tâm lý trẻ em, ngôn ngữ học…  Nhưng cho dù rất nổi tiếng, đặc biệt các công trình của Piaget, ta chỉ bắt gặp những khảo sát rời rạc mang tính hiện tượng, còn thiếu một cách lý giải triết học thống nhất.

 Trọng tâm của phần hai là khái niệm “hỗn hợp”. Trong công thức CVH mà tác giả nêu lên để công thức hoá cử chỉ, không có yếu tố nào là tách riêng độc lập hết. Khi đứa bé chỉ vật C, thì trong cách chỉ trỏ của nó có cả V và H. Câu chuyện tách ra như thế chỉ là để khẳng định thành tố nào được xem là trước mà thôi. Do đó CVH, có thể chuyển sang những biểu hiện khác nhau do tính hỗn hợp của C, V và H. Ta có thể có 6 công thức, CVH, CHV, HCV… Chỉ khi nào trong ý thức một vật, một vận động hay một hình thức có thể chuyển sang một cái khác nó, tức là chỉ khi nào cái đối tượng hữu quan mang tính hỗn đồng, vừa là cái này vừa là cái kia thì mới có bước chuyển hoá này được. Rồi từ chuyển hoá sang cái có mặt, nó có thể chuyển hoá sang cái vắng mặt, lúc đó cái từ mới thực sự ra đời. Đó là thao tác Trần Đức Thảo đã theo. Mặt khác, vì không cách nào khảo sát một hiện tượng đã mất đi hoàn toàn như quá trình hình thành ngôn ngữ, tác giả phối hợp sự khảo sát các chặng đường của sự hình thành công cụ với sự hình thành ngôn ngữ ở trẻ em để cung cấp cho lý luận mình những cơ sở cần thiết.

 Chính theo phương pháp này, tác giả chia phần này ra thành những mục:

 I. Sự tiến trỉển của dụng cụ. Gồm những mục “Từ Dự người đến người khéo léo”, xảy ra vào giai đoạn giáp ranh giữa Kỷ đệ tam và đệ tứ, khi vượn người chuyển sang Người vượn Nam phương khi bàn tay được giải phóng hoàn toàn và con người khéo léo ra đời có hình thức lao động sản xuất đầu tiên được chứng minh ở tầng I Oldovai bởi kỹ thuật đẽo đá. Các hòn đá đẽo này còn chưa có hình thù mang một vài nhát đẽo ở một mặt. Từ đó chuyển sang giai đoạn chuẩn bị dụng cụ và tu chỉnh dụng cụ, để sang giai đoạn vượn Kafou là giai đoạn phát sinh lao động làm đá. Theo tác giả ở giai đoạn Oldovai trong hòn đá đẽo không có hình thù rõ nét nói lên tiếng nói đã ra đời nhưng dưới hình thức sơ đẳng nhất. Xét về tâm lý con trẻ, nó tương ứng với tuổi lên 1 tức tuổi con vượn.

II. Sự ra đời của ngôn ngữ, có sự triển khai những từ trong trạng thái hỗ đồng trước đây là “từ câu”. Sự triển khai đi theo đối tượng trong sự vận động diễn ra trong một hình thức (H) nào đấy.

Tác giả theo dõi quá trình hình thành ngôn ngữ chủ yếu dựa vào những kết quả về sự ra đời của ngôn ngữ ở trẻ em. Tôi thấy trình bày đầy đủ sẽ không tiện vì vượt quá phạm vi một bài nhận xét.

  Nếu như phần nêu lên tế bào của nhận thức tức là ở động tác chỉ trỏ thực sự là thiên tài thì phần thứ hai về quá trình hình thành ngôn ngữ và ý thức tất yếu còn có thể bổ sung và thậm chí điều chỉnh qua những khảo sát thực tế. Mặc dầu vậy rõ ràng cái công cắm ngọn cờ duy vật biện chứng trong lĩnh vực này là của Trần Đức Thảo, của sự đóng góp của trí tuệ Việt Nam

 Trong khảo sát Học thuyết Mác và thuyết phân tâm, những nguồn gốc của khủng hoảng kiểu Ơđip, Trần Đức Thảo tiếp tục sử dụng duy vật biện chứng để đánh giá một học thuyết thịnh hành ở phương Tây sau đại chiến thế giới II, học thuyết Freud. Thái độ của ông hết sức nghiêm chỉnh. Ông không phủ nhận sạch trơn học thuyết Freud với lý do nó không phải là học thuyết Mác. Ông thừa nhận những đóng góp phải nói là quan trọng của Freud và muốn dùng duy vật biện chứng để chuyển nó theo con đường duy vật có hiệu lực hơn nhiều: “Chắc chắn sự nghiệp của Freud bị thiệt thòi bởi hệ tư tưởng thời đại ông: Tâm lý học sinh vật luận và xã hội học luận kiểu Durkheim. Do đó học thuyết này không có năng lực hiểu đời sống trong bản chất hiện thực của mình là bản chất xã hội, cơ sở thực sự của tâm thần cá nhân”.

 Rất tiếc bản thân tôi được đọc là dịch từ bản Pháp văn năm 1973. Ông Thảo đã trao đổi với tôi bản Pháp văn ngay sau khi xuất bản. Sau đó tôi còn nhận được một bản tiếng Việt của ông nói trong phần này có những sai sót về sự kiện là những gì, và hiện nay cũng không có bản nguyên tác nào xuất bản có những sửa chữa về các sai sót này. Chính vì vậy nhận xét của tôi không chắc có đúng với ý nghĩ của tác giả không.

  Phức cảm Ơđip là danh từ Freud đặt ra để chỉ hiện tượng thường thấy là con trai yêu mẹ hơn cha, còn con gái yêu cha hơn mẹ. Ông gọi là thế căn cứ vào huyền thoại Hy Lạp chàng Ơđip giết cha lấy mẹ. Khi nghiên cứu bệnh tâm thần, Freud nhận thấy con trai có ham muốn tình dục với mẹ và ghen tỵ với cha, ngược lại con gái có ham muốn tình dục với cha và ghen tỵ với mẹ, phức cảm này xuất hiện từ 3 tuổi đến 5 tuổi ở em gái. Theo Freud, từ thời vượn cổ ham muốn này bị dồn nén và gây nên rối loạn tinh thần ở những người bị bệnh tâm thần. Năm 1912, Freud cho nguyên nhân của phức cảm này là do chỗ vào thời Người Vượn, họ sống thành bầy hoặc thành dòng họ, trong đó con đực bằng sức mạnh chiếm độc quyền hưởng dụng các con cái và loại trừ những đứa con trai này lớn lên khoẻ mạnh giết con vượn bố để chiếm đoạt quyền này. Đó là cách giải thích xuất phát từ khoái cảm tình dục cá nhân.

Cách giải thích của Trần Đức Thảo xuất phát từ quan hệ xã hội như sau:

 Vào giai đoạn con người tạo tác (homo faber), tức là giai đoạn họ người (hominide) thực sự ra đời mới diễn ra tấn bi kịch sinh học của nữ giới. Trong khi đứng thẳng, xương chậu của con người chưa thoát khỏi cấu trúc khi xưa nên rất bé, gây nên hiện tượng sẩy thai và tỷ lệ nữ chết trong sinh con rất lớn. Chỉ có những thai đẻ non mới sống sót. Khi các bà mẹ thường chết sau khi sinh thì đứa con là do người khác nuôi nấng và thuộc vào nhóm người. Các di tích khảo cổ học cho thấy tỷ lệ đàn ông cao hơn đàn bà rất nhiều, trung bình một nhóm có 8 nam và 4 nữ và 20 trẻ em. Những người đàn ông lớn, khoẻ mạnh giữ các nữ đến thời kỳ sinh dục cho chính họ. Do chỗ quen sống và lao động tập thể, người ta có thể thắng lối ghen tuông thú vật, cho nên với số nữ đông hơn nam không xảy ra tình trạng một người độc quyền các nữ. Tất cả các đàn ông trong nhóm đều là cha, và tất cả những nữ đến tuổi sinh dục đều là mẹ của nhóm trẻ. Khi bọn trẻ lớn lên thì bọn con trai thấy lớp người 35 tuổi làm chủ các cô giái 15 tuổi và là mẹ của họ, còn họ bị tước quyền tham dự để đến khi họ khoẻ lên khoảng 30 tuổi họ sẽ chiếm lấy các bà mẹ trước đây làm vợ gạt các ông cha giờ đã yếu đuối. Đó là nguyên nhân của phức cảm Ơđip.

 Cách chứng minh của tác giả là dựa trên những tài liệu khảo cổ dân tộc học, nhưng trình bày ở đây có thể là không cần thiết. Tôi chỉ bó hẹp vào phương pháp làm việc mà thôi và những kết quả thực tế của phương pháp. Ông đã đưa ra những đóng góp có giá trị của phân tâm học (vai trò của vô thức, cách chữa bệnh thần kinh chỉ bằng ngôn ngữ) về quan hệ xã hội chứ không phải về sinh học, bác bỏ quan hệ nam nữ thuần tuý động vật dựa trên quan hệ xã hội bị chi phối bởi lao động tập thể, và sự cấm kỵ trong giao cấu và do kỷ luật lao động tập thể yêu cầu, giải thích được hiện tượng mất cân bằng dân số về giới tính cũng như hiện tượng tiết dục ở tầng lớp con trai thành niên.

 Cố gắng của tác giả là chứng minh ưu thế của phương pháp luận Mác-xít trong các lĩnh vực triết học, khảo cổ, phân tâm, ngôn ngữ học. Ông đã cố gắng một mình trong những hoàn cảnh không thuận lợi, cách xa tài liệu thế giới.

 Có lẽ không nên bàn đến chuyện Trần Đức Thảo xứng đáng với giải thưởng. Sự nghiệp của ông là khách quan, của cả thế giới. Trí thức Việt kiều nhìn vào cách đối xử của ông để đánh giá thái độ của Đảng đối với trí thức do phương Tây đào tạo. Một người như Trần Đức Thảo tất nhiên có những suy nghĩ riêng về học thuyết Xtalin, học thuyết Mao Trạch Đông… chỉ tiếc là ông đã thấy quá sớm. Cho nên tôi nhắc lại việc trao giải thưởng cho nhà triết học Trần Đức Thảo đã vượt ra ngoài phạm vi một giải thưởng, mà khẳng định một đường lối của Đảng ta đối với những lao động trí óc nói chung và đối với Việt kiều làm việc trí óc nói riêng.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511074

Hôm nay

273

Hôm qua

2359

Tuần này

21448

Tháng này

217947

Tháng qua

121356

Tất cả

114511074