Thế giới đó đây
Thăm Thư viện Quốc hội Nhật tại Kansai
Cả ngày hôm nay đi Kyoto thăm Thư viện Quốc hội Nhật Bản tại Kansai (国立国会図書館関西館), thư viện lớn nhất mà tôi từng đến. Lớn, và rất đẹp! Rất tiếc là bên trong thư viện cấm chụp ảnh, nên những ảnh bên trong thư viện chủ yếu được hạ tải từ Internet, hoặc chụp lại từ các tài liệu giới thiệu.
Lúc đến, do có kế hoạch của Viện Nhật ngữ Kansai, nên nhân viên thư viện đã chuẩn bị mọi thứ để đón tiếp: thẻ quẹt, biển tên từng người, một tập các loại tài liệu giới thiệu và hướng dẫn sử dụng... Họ cử 3 cô hướng dẫn rất chi là nhiệt tình và chuyên nghiệp. Đầu tiên là xem video giới thiệu khoảng 15 phút, rồi chia thành các nhóm để họ dẫn đi giới thiệu về Phòng đọc, đi ăn trưa; rồi thì tài liệu đấy, tự tra, tự đọc... Tổng quỹ thời gian chỉ có 4 giờ đồng hồ. Vậy nên xác định trước là đọc sách thì chẳng được mấy, nên tranh thủ quan sát xem cách tổ chức thư viện của họ thế nào thôi.
日本国際交流基金関西国際センター平成23年度文化学術専門家クラスの国会図書館関西館訪問 |
Hệ thống Thư viện Quốc hội Nhật Bản (http://www.ndl.go.jp) có 3 nhánh: một nhánh (trung tâm) ở Tokyo (東京本館), một nhánh ở Kyoto (関西館, Quan Tây Quán, là nhánh Kansai mà tôi vừa đến), một nhánh dành riêng cho trẻ em, gọi là "Thư viện Trẻ em Quốc tế" (国際子ども図書館) ở Tokyo.
Thư viện Quốc hội Nhật Bản tại Kansai có tổng diện tích sử dụng khoảng 150.000 m2, trong đó diện tích mặt bằng khu chứa sách là khoảng 80.000 m2, gồm 4 tầng chìm dưới mặt đất. Khu còn lại cũng 4 tầng nhưng ở trên mặt đất, là khu sự vụ, tổ chức sự kiện, phòng họp, nhà ăn (tầng 4). Đây cũng là một công trình kiến trúc được đánh giá cao tại Nhật Bản.
Ở khu chứa sách, 3 tầng sách bên dưới thì độc giả không được vào. Ở 3 tầng dưới ấy có hệ thống lấy sách tự động, tức là ở khoảng giữa các giá sách cao ngất có một đường ray để cho một cái máy chạy đến, "gắp" đúng quyển sách có kí hiệu theo yêu cầu. Kiểu này nghe nói cũng có ở một số nơi, nhưng tôi chưa từng gặp. Tầng sát mặt đất có Phòng đọc (閱覽室), riêng phòng này rộng 4.500 m2. Trong phòng, tôi đếm được cả thảy 83 dãy giá để tài liệu sách. Sách trong phòng này là đọc tự do, còn những tài liệu quý hoặc cũ lưu ở 3 tầng bên dưới thì đăng kí sẽ được mượn. Số ghế chỗ ngồi đọc thì thú thật là tôi không có thời gian để đếm, hix, chỉ biết là rất nhiều và rất... xịn. Hệ thống máy đọc microfilm, máy phóng to (trong trường hợp chữ quá nhỏ)... được trang bị rất hoành tráng. Giá photo một trang tài liệu là 15 yen (~ 4.000 VND) nếu mình tự sử dụng được máy photo ở đó, thêm 5 yen nữa nếu nhờ nhân viên thư viện photo giúp.
Về số lượng tài liệu, sách tiếng Nhật có 1.127.000 cuốn, sách tiếng nước ngoài có 63.000 cuốn; tạp chí và báo tiếng Nhật có 46.200 tít, tiếng nước ngoài có 45.000 tít; luận án TS tại Nhật có 532.000 cuốn, luận án TS nước ngoài có 470.000 cuốn. Riêng tư liệu bằng các thứ tiếng châu Á thì có 335.000 cuốn sách, 8.400 tên tạp chí và báo. Ấn tượng nhất với tôi ở đây là kho báo cũ, cực kì hoành tráng, đẹp và đều tăm tắp, đóng thành từng tập chắc chắn. Nghĩ đến kho báo cũ Saigon thiếu nham thiếu nhở ở thư viện Quốc gia và thư viện Quân đội tại Hà Nội mà thấy buồn...
Vì không có nhiều thời gian, nên sau khi đi xem quanh một lượt, tôi dừng lại ở chỗ tài liệu về Việt Nam, chủ yếu bằng tiếng Việt, Nhật, Anh, Pháp. Đập ngay vào mắt là cuốn Sự thành lập và biến đổi của quốc gia Đại Việt thời trung thế 『中世大越国家の成立と変容 』 của Momoki Shiro 桃木至朗 vừa được Hội xuất bản Đại học Osaka 大阪大学出版会 in tháng 2/2011, 470 trang khổ lớn trông rất cường tráng. Ngoài ra cũng có một cuốn rất đáng nể là Tóm lược các tài liệu nhân học văn hóa Việt Nam: Điểm nhìn từ Nhật Bản 『ベトナム文化人類学文献解題―日本からの視点』 do Suenari Michio 末成道男 chủ biên (trong nhóm làm việc có cả Chu Xuân Giao), in năm 2009. Khá nhiều tài liệu về pháp luật và thể chế chính trị VN (có vẻ người Nhật quan tâm đến vấn đề này để dễ đầu tư vào VN). Về Vietnam War thì có 5 bộ từ điển khác nhau về Vietnam War bằng tiếng Anh, 2 bộ tiếng Nhật, đấy là chỉ tính từ điển thôi.
Ở đây, tôi tìm được 3 bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du ra tiếng Nhật. Một bản nhan đề Kim Vân Kiều Tân Truyện 『金雲翹新伝』 do Takeuchi Yonosuke 竹内与之助 dịch in năm Chiêu Hòa 60 (1984), 186 trang, là bản dịch gọn lại của bản dịch đã in năm 1975 của cùng dịch giả. Bản thứ hai nhan đề Kim Vân Kiều 『金雲翹』 , do Akiyama Tokio 秋山時夫 dịch, NXB Kodansha 講談社 in năm 1996, 228 trang. Bản thứ ba nhan đề Truyện Thúy Kiều 『トゥイ・キォウの物語』 , do Sato Seiji 佐藤清二 và Kuroda Yoshiko 黒田佳子 dịch, NXB Kibito 吉備人 in năm 2005, 252 trang, dịch từ bản tiếng Anh của Lê Xuân Thủy. Thông tin này cũng bổ sung cho bài viết trước đây của Đoàn Lê Giang về việc dịch Truyện Kiều tại Nhật thời kì "hậu Takeuchi". Vậy là còn bản dịch của Komatsu Kiyoshi 小松 清 năm 1942 (dịch từ tiếng Pháp) là tôi chưa được sờ vào :-)
Một chuyến đi hữu ích trong 1 ngày toàn số "1" (2011/11/11)! Tiếc là thời gian hơi ít nên chưa quan sát được nhiều.
Một chuyến đi hữu ích trong 1 ngày toàn số "1" (2011/11/11)! Tiếc là thời gian hơi ít nên chưa quan sát được nhiều.
Nguồn:nguyentuancuonghn blogspost
tin tức liên quan
Videos
“Ông tơ” mối Trung Hoa đỏ với “chú Sam”
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114510959
Hôm nay
2317
Hôm qua
2347
Tuần này
21333
Tháng này
217832
Tháng qua
121356
Tất cả
114510959