Thế giới đó đây

Bang giao Trung – Mỹ giữa mùa đại dịch

Đại dịch Covid-19 làm quan hệ Trump - Tập tồi tệ hơn. Ảnh:REUTERS

Trong một thời gian dài trước đây, các chuyên gia cho rằng, mối quan hệ Mỹ - Trung đang ở ngã ba đường. Từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các chuyên gia lại cho rằng, mối bang giao ấy đã vượt qua giai đoạn đó, vì cả hai cường quốc đều đã đưa ra sự lựa chọn của mình và đang tiến vào một vòng xoáy nguy hiểm.

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra vào thời điểm quan hệ Mỹ - Trung đã đi xuống. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã không đủ hàn gắn các căng thẳng mậu dịch vốn đã tồn tại từ khá lâu giữa hai nước. Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều tái vũ trang, công khai chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm năng trong tương lai ở Ấn Thái Dương. Trung Quốc đã nổi lên, ít nhất là trong khu vực, với tư cách là một siêu cường quân sự theo đúng nghĩa. Và hiện đại lục đang yêu cầu địa vị rộng lớn hơn mà họ tin rằng tư thế quốc tế của mình đòi hỏi. Sars-CoV-2 đe dọa đẩy mối quan hệ Mỹ - Trung vào một giai đoạn thậm chí còn khó khăn hơn trước đây. Vào tâm điểm đại dịch, Covid-19 phơi bày rõ một loạt các rủi ro tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng, khoét sâu thêm những mâu thuẫn song phương, đẩy quan hệ đi vào giai đoạn đối đầu kiểu “chiến tranh lạnh”. Cuộc tranh cãi liên quan đến nguồn gốc con virus cũng như về các vấn đề đại chiến lược cho thấy bang giao Trung - Mỹ đang đi vào một vòng xoáy nguy hiểm.

Từ “quốc tịch” virus đến đại chiến lược

Đại dịch Covid-19 đang khiến các mối quan hệ Trump - Tập trở nên tồi tệ hơn. Rõ ràng đây không phải là thời gian thuận lợi cho mối bang giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump nhắc đi nhắc lại cụm từ “Virus Trung Quốc”, trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thì chọn cụm từ “Virus Vũ Hán”, khiến công luận Trung Quốc lẫn cộng đồng người Hoa dậy sóng. Cả Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đều chỉ trích Trung Quốc vì những thất bại trong xử lý dịch từ bước đầu. Nhưng người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ mọi ý kiến cho rằng Bắc Kinh không minh bạch về những gì đang diễn ra. Trong khi đó, mạng xã hội ở Trung Quốc lan truyền câu chuyện cho rằng, đại dịch được gây ra bởi chương trình chiến tranh virus của quân đội Mỹ. Tin đồn này đã đạt được sự chú ý đáng kể. Các nhà khoa học thì đang chứng minh rằng cấu trúc của virus này có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên. Đây không chỉ là cuộc chiến ngôn từ, một cái gì đó nghiêm trọng hơn đang diễn ra.

Trên trang web chính thức của Nhà Trắng đang có kiến nghị yêu cầu Tổng thống Trump xin lỗi vì cách dùng từ của mình. Kiến nghị cho biết: “Tổng thống Trump nợ tất cả người Trung Quốc một lời xin lỗi, vì đã gọi Covid-19 là “Virus Trung Quốc”, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn gốc của Covid-19 còn chưa được khoa học làm rõ. Những dòng tweet của ông ấy khiến người Trung Quốc bị kỳ thị và bị phân biệt chủng tộc”. Theo luật, Nhà Trắng sẽ phải hồi đáp khi kiến nghị trên thu thập được ít nhất được 100.000 chữ ký. Trong khi đó, theo một báo cáo mới được công bố, các vụ kiện toàn cầu về việc Trung Quốc vi phạm quy định của Tổ chức Y tế Thế giới về xử lý Covid-19 có thể lên tới ít nhất 3,2 nghìn tỷ bảng Anh (6 nghìn tỷ đô la) từ các quốc gia G7. Báo cáo tuyên bố rằng việc Chính phủ Trung Quốc chậm xử lý bệnh dịch lúc đầu và không báo cáo đầy đủ thông tin cho WHO là vi phạm các điều 6 và điều 7 của Quy định Y tế Quốc tế (IHRs), một điều ước mà Trung Quốc là một bên ký kết và có nghĩa vụ pháp lý phải duy trì. Những vi phạm khiến cho ổ dịch nhanh chóng lan ra ngoài Vũ Hán.

Bang giao Mỹ - Trung vốn đã rất gập ghềnh, nhưng từ mùa đại dịch này, sự thù địch giữa hai cường quốc lại chuyển từ các vấn đề thuộc về tiểu tiết trong đại dịch sang những lo ngại lớn hơn liên quan đến quá trình hoạch định chính sách liên vùng ở cấp đại chiến lược. Diễn đạt một cách khác, quá trình tìm cách thay thế “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) bằng “Chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS) dự kiến bao trùm toàn bộ không gian Á - Âu, được khởi động từ cuối năm ngoái sẽ được Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ hơn với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và châu Âu. Còn về phía BRI, sau 6 năm triển khai, sáng kiến này đang đi vào giai đoạn then chốt, nhưng cần tái điều chỉnh cơ cấu, do các áp lực của nền kinh tế nội địa Trung Quốc và những biến động của môi trường quốc tế. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh trong “Bộ tứ” (Quad) đang quyết tâm tập trung năng lực để hiện thực hóa mục tiêu của “Khu vực Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) nhằm đối trọng thích đáng với BRI.

Cuộc chiến sau hậu trường

Đầu tháng 3 vừa qua, khi Mỹ ra lệnh đóng cửa biên giới với khách du lịch từ nhiều quốc gia EU, bao gồm cả Italy, thì Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng, họ đang gửi các đội ngũ y tế và thiết bị đến Italy, quốc gia hiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Sars-CoV-2. Trung Quốc cũng đã gửi trợ giúp cho Iran và Serbia. Đây là một thời khắc mang tính biểu tượng. Và đây cũng là một dấu hiệu của cuộc chiến thông tin đang diễn ra ở hậu trường, với Trung Quốc háo hức nổi lên từ cuộc khủng hoảng này với tư cách là một lãnh đạo toàn cầu. Thật vậy, đó là một trận chiến mà Mỹ đang lâm vào thế “dưới cơ”. Việc Mỹ muộn màng gửi một trạm y tế di động nhỏ của Không quân Hoa Kỳ đến Italy hầu như không làm thay đổi được tình hình ở đấy. Đây cũng là thời điểm mà hệ thống hành chính và chính trị của tất cả các quốc gia đang bị thử thách căng thẳng hơn bao giờ hết. Các nhà lãnh đạo hiện nay sẽ được đánh giá theo cách họ nắm bắt thời điểm này và và việc họ sắp xếp hiệu quả các nguồn lực của đất nước để đối phó với đại dịch.

Điều trớ trêu là mặc dầu sự lây lan của đại dịch có thể tạo ra một cơ hội hiếm hoi để hai nước gác lại những khác biệt và bắt tay hợp tác, nhưng dường như là không bên nào hứng thú với việc chấp nhận cơ hội này. Một khi cơ hội này bị bỏ qua, quan hệ Mỹ - Trung lại tụt dốc hơn nữa do hậu quả của một chu kỳ không can dự nguy hiểm, khi các cuộc trao đổi chính thức bị đình chỉ trong bối cảnh tình trạng đối kháng trầm trọng và ngày càng mất niềm tin ở cả hai nước. Sự ngờ vực ngày càng trở nên rõ ràng hơn ngay sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng ở thành phố Vũ Hán vào ngày 23/01/2020, thì Mỹ là một trong những nước đầu tiên sơ tán hàng trăm công dân của mình ra khỏi thành phố này và Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng mức cảnh báo cao nhất đối với Trung Quốc. Ngay sau đó, hơn 60 quốc gia đã áp đặt một số hình thức hạn chế di chuyển đối với Trung Quốc và khoảng 20 nước đã sơ tán công dân của họ khỏi Vũ Hán. Lập tức Bắc Kinh nổi giận và cho rằng Mỹ đã đặt ra tiền lệ xấu cho các nước.

Trong thời gian trước đại dịch, các nhà ngoại giao Trung Quốc do Ngoại trưởng Vương Nghị và người tiền nhiệm Dương Khiết Trì dẫn dắt đã ngày càng trở nên quyết đoán. Đặc biệt là những lúc Trung Quốc rơi vào thế phòng thủ, như trong cuộc chiến thương mại với Washington, các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong và việc Bắc Kinh đàn áp những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Và lần này, Trung Quốc lại tiếp tục phản ứng thái quá. Theo nhà nghiên cứu George Magnus từ Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, ở phương Tây khi người ta gọi bệnh sưởi Đức hay cúm Tây Ban Nha, thì hoàn toàn không bị coi là họ xúc phạm các nước ấy. Tương tự, việc gọi sự vật đúng tên “Virus Vũ Hán” không bao hàm sụ xúc phạm nào cả, mà chỉ nhằm miêu tả nguồn gốc xuất phát của Sars-CoVi-2. Trung Quốc nhạy cảm với điều này, còn phương Tây thì phản đối luận điệu của Trung Quốc rằng, Virus có thể xuất phát từ bên ngoài Trung Quốc. Niềm tin từ các bên liên quan xuống thấp là vì vậy.

Nhân tố thay đổi cuộc chơi 

Một bỉnh bút có tên tuổi của Tạp chí “The New Yorker”, nhà báo Evan Osnos sống ở và đi lại thường xuyên giữa hai thủ đô Bắc Kinh và Washington nhiều năm, đã tiếp xúc cả với những người từng tạo nên mối quan hệ phức tạp Trung - Mỹ lẫn những người muốn khôi phục mối quan hệ ấy trên các lĩnh vực, từ chính trị đến an ninh, từ kinh doanh, giải trí đến công nghệ. Cảm tưởng chung là tất cả những người đối thoại đều hoảng hốt trước sự rạn nứt sâu sắc và tốc độ xuống dốc không phanh của mối bang giao từng là “niềm cảm hứng nồng nhiệt một thời”. Tám vị Tổng thống Mỹ, từ Richard Nixon đến Barack Obama đã đi theo một chiến lược can dự. Chiến lược này dựa trên niềm tin rằng, chấp nhận đường lối chính trị và kinh tế của Trung Quốc, cuối cùng sẽ giúp quốc gia này được hưởng lợi nhiều hơn và sẽ đi trên con đường tự do. Bất chấp việc Trung Quốc vi phạm trắng trợn quyền sở hữu trí tuệ và quyền con người, chiến lược này đã tạo dựng được một mối bang giao sống động nhất giữa bất cứ cặp quốc gia nào trên thế giới. Ước tính hiện nay có 70.000 công ty Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc.

Đến lượt mình, Donald Trump đảo lộn tất cả. Ngay khi còn là ứng cử viên Tổng thống, Trump tuyên bố: “Chúng ta không thể tiếp tục để Trung Quốc cưỡng đoạt nước Mỹ”. Hoàn toàn bác bỏ lý thuyết can dự, ông tuyên bố: “Tốt hơn hết, chúng ta nên bắt đầu thoát Trung. Họ sắp hạ gục chúng ta!” Ý tưởng thoát Trung của Trump là lập trường cực đoan, nhưng cách tiếp cận của ông đã thu hút được sự ủng hộ đầy bất ngờ từ cả hai đảng. Từ tháng 3/2018, Trump đánh thuế nhiều hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh trả đũa và những hành động thù địch tăng theo cấp số nhân. Tháng 10/2019, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich xuất bản cuốn sách mới mang tên “Trump và Trung Quốc”. Khi giới thiệu cuốn sách này tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, Gingrich nói: “Nếu bạn không muốn con cháu mình sẽ nói tiếng Trung và phục tùng Bắc Kinh thì chúng ta nên có cuộc thảo luận toàn quốc về chủ đề này”. Ông đánh giá: “Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với chúng ta từ thời Đế quốc Anh năm 1770, lớn hơn nhiều so với Đức Quốc Xã hay Liên Xô”.

Trong bối cảnh kể trên, đại dịch Covid-19 góp thêm một nhân tố mới làm thay đổi cuộc chơi quyền lực địa - chính trị (game changer), bằng cách phơi bày các yếu điểm của hệ thống chính trị và giá trị phương Tây. Khi Washington tiếp tục gây sức ép lên các đồng minh của mình trong nỗ lực gạt bỏ Huawei ra khỏi các thị trường 5G toàn cầu nhằm tìm cách buộc Trung Quốc phải khuất phục trước ưu thế về công nghệ thì Trung Quốc cùng đồng thời tiến hành song song hai động thái đáp trả. Một mặt, Trung Quốc đòi các đối tác châu Âu phải mở cửa thị trường cho Huawei thì mới cung cấp khẩu trang và các thiết bị y tế hiện đại khác giúp châu Âu dập dịch. Mặt khác, lợi dụng việc Mỹ và các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đang vật lộn với đại dịch nghiêm trọng, Trung Quốc vừa thể hiện mình như một nhà lãnh đạo toàn cầu, vừa tăng cường tập trận và tranh thủ khai thác các nguồn năng lượng (băng cháy) tại khu vực luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro này./.

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434809

Hôm nay

280

Hôm qua

2349

Tuần này

21459

Tháng này

211857

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434809