Cuộc sống quanh ta
Quan niệm của Nho giáo về đạo làm người
Nho giáo - một học thuyết chính trị, đạo đức ra đời từ Trung Quốc, trải qua hơn 25 thế kỷ tồn tại và phát triển nhưng vẫn còn đó như sự thách thức với thời gian. Nho giáo về sau đã khác nhiều so với lúc mới xuất hiện, nhưng nó vẫn có điểm chung - đó là một học thuyết chính trị, đạo đức của giai cấp phong kiến Trung Quốc, chủ trương dùng "lễ trị", "đức trị" để quản lý xã hội. Khổng Tử nói: "Dùng đạo đức làm đường lối chính trị thì như sao Bắc Đẩu ở một chỗ nhất định mà các sao khác đều vây quanh"(Luận ngữ vi chính, 1)(1). Những nguyên tắc đạo đức của Nho giáo như nhân, lễ, nghĩa, trí, tín vừa là chuẩn mực để điều chỉnh hành vi của con người, vừa là những biện pháp để bảo đảm cho chính trị, nhân nghĩa được thực hiện. Bởi vậy, Nho giáo không đưa ra định nghĩa nào về khái niệm "Đạo làm người", nhưng qua các tác phẩm kinh điển, qua tư tưởng của các đại biểu Nho giáo có thể thấy, khái niệm "Đạo làm người" đã được Nho giáo đi sâu khai thác. ([1])
1. Đạo làm người
"Đạo làm người" là khái niệm được hình thành từ rất lâu, nhưng ngày nay, luận bàn về nó không phải là một điều đã cũ, cổ hủ. Bởi lẽ, từ khi có con người và xã hội loài người thì những mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với chính bản thân mình luôn nảy sinh và do vậy, "Đạo làm người" luôn vận hành. Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, trình độ nhận thức của con người không ngừng được nâng cao, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp thì "Đạo làm người" lại càng được chú ý hơn bao giờ hết.
Khi bàn đến "Đạo làm người", Nho giáo nhấn mạnh đến “Đạo nhân”, "Đạo làm người". Theo nghĩa đó, “Đạo làm người” được hiểu là nguyên tắc chính trị, là quy phạm đạo đức và luân lý, là đạo lý trị quốc và xử thế của con người. Nói cách khác, đạo làm người được hiểu là đường lối, nguyên tắc đạo đức mà con người có bổn phận gìn giữ và tuân theo trong đời sống. Đó là nhân sinh quan, là quan niệm sống trong sạch, thuận theo lẽ phải.
Nguyên tắc chính trị là tư tưởng chỉ đạo việc trị quốc, bình thiên hạ, phản ánh hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền. Quy phạm đạo đức, luân lý theo quan niệm của Nho giáo chính là tam cương, ngũ thường, trung hiếu, tam tòng, tứ đức,… Đạo làm người của Nho giáo bao quát các mối quan hệ trong xã hội ở một phạm vi rất rộng. Một người có đạo đức, có “đạo làm người” là cơ sở để người đó thực hiện tốt mối quan hệ trong quan hệ với tự nhiên, trong ứng xử xã hội, ứng xử với chính bản thân mình theo danh phận
Nho giáo gọi con người đạt được các chuẩn mực đó là “người quân tử”, “đấng trượng phu”. Với Khổng tử, người quân tử không thuần túy chỉ địa vị xã hội của người đó, mà chủ yếu chỉ phẩm chất đạo đức mà người đó đạt được. Ông cho rằng, “Tề Cảnh Công có một ngàn cỗ xe bốn chỗ nhưng sau khi chết, dân không thấy có công đức gì mà khen. Bá Di và Thúc Tề chết đói ở chân núi Thú Dương, nhưng đến nay dân hãy còn ca ngợi. “Thành bất dĩ phú, diệc chi dĩ dị” (thật chẳng vì giàu, chỉ vì đức lạ). Có lẽ là nói về điều này chăng” (Luận ngữ, Quý thị, 12)(2).
2. Đạo làm người qua các mối quan hệ
2.1. Quan hệ của con người với bản thân
Nho giáo là học thuyết rất chú trọng đến đạo đức con người, trong đó có đạo đức trong ứng xử với chính bản thân mình. Với nguyên tắc đạo đức này, Nho giáo coi trọng sự nghiêm khắc trong việc tu thân, tích đức.
Theo Nho giáo, người quân tử đối với mình trước hết phải làm những việc khó, sau mới được hưởng thành quả (Nhân giả tiên nan; nhi hậu hoạch; khả vị nhân hỹ) (Luận ngữ, Ung giã, 20)(3). Đến đời Tống, Phạm Trọng Yêm cho rằng, người khổ trước thiên hạ, vui sau thiên hạ là người có nhân. Khác với những người bất nhân, người quân tử, nhân đức là người luôn vui vẻ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù đó là vinh hoa hay đói nghèo, túng thiếu. Họ không bị phú quý, danh lợi, giàu sang làm lung lạc.
Khi đề cập đến mẫu người quân tử, Khổng Tử thường đưa ra những tiêu chuẩn khác nhau, song chung quy lại, người quân tử phải đạt được chín điều sau: (1) Nhìn thì phải để ý nhìn sao cho sáng; (2) Nghe thì phải lắng tai nghe cho rõ ràng; (3) Sắc mặt phải giữ cho ôn hòa; (4) Tướng mạo thì phải giữ cho khiêm cung; (5) Nói năng phải giữ bề trung thực; (6) Làm việc phải trọng sự kính cẩn; (7) Có điều nghi hoặc thì phải hỏi han; (8) Khi giận thì nghĩ đến sự hoạn nạn có thể xảy ra; (9) Thấy lợi thì phải nghĩ tới điều nghĩa” (Luận ngữ, Quý thị, 10)(4). Theo Khổng Tử, chín điều này phải có sự hài hòa với nhau mà ông gọi là “trung dung”. Để đạt được những điều này, trước hết người quân tử phải rèn luyện được 5 đức cơ bản: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đây cũng là tư tưởng xuyên suốt đạo làm người của Nho giáo nói riêng, hệ thống tư tưởng Nho giáo nói chung. Người quân tử, theo Nho giáo, phải biết giữ đức nhân của mình, có thể vì nhân mà sát thân chứ không thể vì thân mà hại nhân. Để gìn giữ đức nhân, người quân tử phải tự kiềm chế mình để tuân theo lễ tiết của xã hội (Luận ngữ, Nhan Uyên, 1), để vững vàng, trầm tư như núi trước mọi thử thách của cuộc đời (Luận ngữ, Ung giã, 21). “Khắc kỷ phục lễ vi nhân”, tức là điều gì không hợp với lễ thì đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói, đừng làm. Theo Khổng Tử, là người ai cũng có nỗi sợ hãi của mình, bản thân ông cũng nói nhiều đến chữ “sợ” (úy); nhưng không có chỗ nào, ông khuyên người ta tham sống sợ chết cả. Ngược lại, ông còn khuyên người có nhân và chí khí thì phải biết chọn cái chết một cách xứng đáng: “Người có chí khí và người có đức nhân không tham sống mà hại người. Họ phải xả thân để thành nhân”. Để đạt được tất cả những phẩm chất đạo đức đó, để hành động như một người quân tử giúp đời, Khổng Tử cho rằng, người quân tử phải luôn lấy “tu thân” làm đầu. Tu thân là cơ sở để xây dựng nhân cách cho mình, để hành đạo giúp đời (tề gia, trị quốc, bình thiên hạ).
Nhân là đạo đức căn bản nhất của con người; nó bao hàm trong mình mọi đức tính. Do vậy, người có nhân đồng nhất với người hoàn thiện nhất, người quân tử. “Người có đức nhân là người phải nghiêm trang, tề chỉnh, rộng lượng, khoan dung, đức tín, lòng thành, siêng năng, cần mẫn và biết thi ân với năm đức (cung, khoan, tín, mẫn, huệ) (Luận ngữ, Dương hóa, 6)(5). Đó cũng là người biết yêu người đáng yêu, biết ghét người đáng ghét. Người có đức nhân cũng là người có đức lễ, vì biểu hiện ra bên ngoài của nhân là lễ (khắc kỷ phục lễ vi nhân). ở phạm vi quốc gia, lễ được hiểu là việc tuân theo kỷ cương phép nước và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Nghĩa được các nhà Nho đặt trong mối quan hệ với lợi. Họ có xu hướng coi nhẹ lợi mà chỉ chú trọng nghĩa. Khổng Tử cho rằng, “quân tử hiểu rõ về nghĩa, tiểu nhân hiểu rõ về lợi”(6). Do vậy, Khổng Tử hay khuyên điều nghĩa, cho nghĩa là một điều căn bản để lập thân, việc gì hợp với nghĩa thì làm, không hợp thì bỏ. Lễ, Tín và Nghĩa gắn bó chặt chẽ với nhau: “Người quân tử lấy nghĩa làm gốc, theo lễ mà thực hiện, nói ra bằng lời khiêm tốn và hoàn thành bằng thái độ thành thực. Như vậy thật là quân tử (Luận ngữ, Vệ Linh Công, 17)(7). Mạnh Tử còn bài xích lợi hơn, ông chỉ thấy có nghĩa mà không có lợi. Nhà vua chỉ nói điều nhân nghĩa, hà tất phải nói tới lợi. Trí là trí tuệ, là tri thức, hiểu biết của người quân tử, là cơ sở để hành sự. Người hoàn thành, đạt được việc tu thân là người làm tròn, làm đúng phận sự của mình (chính danh). Trên cơ sở làm tròn phận sự của mình mà mở rộng ra việc làm tròn phận sự, nhiệm vụ của mình đối với người khác trong mọi mối quan hệ.
Yêu cầu của Nho giáo về tiêu chuẩn đạo đức để con người tu thân là rất toàn diện. Không những đề cao tinh thần tu thân, bản thân Khổng Tử còn là một tấm gương về tu thân. Ông muốn cả xã hội tu thân để tạo thành một “vương quốc của người quân tử”. Quan niệm của Nho giáo về đạo làm người trong quan hệ đối với bản thân cho đến nay vẫn còn những giá trị nhất định, giúp chúng ta rèn dũa bản thân, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, sống đúng danh phận của mình.
2.2. Quan hệ của con người với người khác (với xã hội)
Trong xã hội, con người phải duy trì đồng thời nhiều mối quan hệ khác nhau, như quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị, quan hệ luân lý đạo đức, quan hệ tôn giáo, quan hệ gia đình..., trong đó quan hệ kinh tế là cái đóng vai trò cơ bản. Nhưng ngay từ sơ kỳ, các nhà Nho đã không quan tâm đến quan hệ kinh tế, cũng không quan tâm đến các quan hệ pháp luật, tôn giáo. Họ tuyên bố: “Trong xã hội, mọi nghề nghiệp đều là thấp kém, duy chỉ có nghề đọc sách là cao quý” (Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao). Vì vậy, sự tập trung của các Nho gia chủ yếu vào lĩnh vực chính trị, đạo đức, điều này phù hợp với đường lối đức trị, với quan niệm cho rằng chính trị, đạo đức quyết định sự an nguy của triều đình, sự ổn định của xã hội.
Khổng Tử là người đầu tiên nêu lên mối quan hệ giữa con người với con người, giữa “kỷ” (mình) và “nhân” (người). Với ông, nguyên tắc đối xử giữa người với người là xem người cũng như mình, cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người (thi chư kỷ nhi bất nguyên, diệc vật thì ư nhân), mình muốn làm nên thì giúp người làm nên, mình muốn thành đạt thì giúp người thành đạt (kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân). Với quan niệm về “kỷ” và “nhân” này, Khổng Tử đã khẳng định tư tưởng đạo đức coi trọng con người của Nho giáo. Nguyên tắc thứ hai mà Khổng Tử đề cao là “Trung dung”, “Trung hòa”. “Trung hòa là cái tính tự nhiên của trời đất, trung dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, là không thiên lệch về bên nào. Dung là thường. Trung dung nghĩa là dùng đạo Trung làm lẽ sống thường ngày vậy”(8). Nghĩa là đạo Trung dung đòi hỏi con người đừng thái quá về mình, cũng đừng thái quá về người. Nó giống như mối tương quan giữa “văn” và “chất”: “Chất mà trội hơn văn thì thô kệch, văn mà trội hơn chất thì phù phiếm, văn và chất đều hài hòa thì mới là quân tử (Luận ngữ, Ung giã, 16)(9).
Mạnh Tử đã khái quát mối quan hệ của con người trong xã hội thành 5 mối quan hệ cơ bản, đó là: quân - thần (vua - tôi), phụ - tử (cha - con), phu - phụ (chồng - vợ), trưởng - ấu (người lớn tuổi - người nhỏ tuổi, anh - em), bằng hữu (bạn bè). Cơ sở của mỗi mối quan hệ đã được Mạnh Tử thuyết minh rõ ràng: “Cha con thì có tình thân ruột thịt, vua tôi thì có nghĩa, chồng vợ thì có khách biệt, lớn tuổi và ít tuổi thì có thứ tự, bạn bè thì có điều tín” (phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín)(10). Mạnh Tử gọi năm mối quan hệ đó là “nhân luân”, có nhà Nho gọi đó là “ngũ luân”. Đó là năm mối quan hệ được coi là tiêu biểu cho các mối quan hệ xã hội lúc bấy giờ. Các mối quan hệ này dần dần quy về 3 mối quan hệ. Đó là quan hệ vua - tôi, cha - con, chồng - vợ, còn gọi là “Tam cương”. Đây được coi là những mối quan hệ giường mối, làm trụ cột của xã hội phong kiến Trung Quốc từ thời Hán trở đi.
ở giai đoạn đầu, các nguyên tắc đối xử của nhà Nho còn mang tính hai chiều, yêu cầu người dưới có nghĩa vụ đối với người trên và người trên cũng phải có nghĩa vụ với người dưới. Nhưng về sau, khi chế độ phong kiến tập quyền được xác lập, tính đẳng cấp được đề cao, nguyên tắc ứng xử dần chuyển sang yêu cầu khắt khe với người dưới, đòi hỏi người dưới phải phục tùng vô điều kiện đối với người trên. Trong mối quan hệ giữa vua và bề tôi, nguyên tắc đạo đức của Nho giáo, về cơ bản, là quân nhân thần trung. Cả quân và thần đều phải đáp ứng những yêu cầu sau:
Thứ nhất, phải chính danh. Đứng trước thực trạng xã hội rối ren, Khổng Tử cho rằng, đó không phải là nguyên nhân một sớm một chiều, mà là một quá trình bắt nguồn từ sự sa đọa của các thế lực cầm quyền, làm cho “danh” không được “chính”, tức là “danh” không phù hợp với “thực”. Vì vậy, ông yêu cầu vua trước hết phải “chính danh”. Chính danh là “vua cho ra vua”, nếu danh bất chính thì lời nói không đúng đắn, dẫn đến việc làm sai, khi đó người với người trong xã hội không kính trọng nhau, không còn hòa khí, luật pháp lỏng lẻo và người dân sẽ mất nơi tin cậy, nhờ vả (Luận ngữ, Tử Lộ, 3). Khi dân không còn trông cậy, nhờ vả, thì dân sẽ không còn tin ở bậc cầm quyền, lúc đó dù muốn hay không thì xã tắc cũng khó tránh bề suy sụp.
Thứ hai, phải có sự tôn trọng của cả hai phía với nhau. Khổng Tử yêu cầu: “Nhà vua sai khiến bề tôi thì dựa vào điều lễ, bề tôi phụng sự nhà vua thì dựa vào điều trung” (Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung) (Luận ngữ, Bát dật, 19)(11).
Kế thừa quan điểm này của Khổng Tử, Mạnh Tử còn mạnh mẽ hơn, khi ông khuyên Tề Tuyên Vương rằng: “Nếu nhà vua xem bề tôi như tay chân thì bề tôi xem nhà vua như lòng dạ của mình; nếu nhà vua xem bề tôi như chó ngựa thì bề tôi xem nhà vua như người dưng trong nước; nếu nhà vua xem bề tôi như cỏ đất thì bề tôi xem nhà vua như kẻ thù” (quân chi thị thần như thủ túc, tắc thần thị quân như phúc tâm; quân chi thị thần như khuyển mã, tắc thần thị quân như quốc nhân; quân chi thị thần như thủ giới, tắc thần thị quân như khấu thù) (Mạnh Tử, Ly Lâu hạ) (12).
Thứ ba, cả vua và bề tôi đều được Khổng Tử coi là người cầm quyền; họ phải đạt được cả nhân đạo và thiên đạo. Bởi lẽ, một ông vua đồng thời cũng phải là người thầy của dân, phải là người nhân đức nhất trong những người nhân đức. Người làm chính trị mà có đức nhân thì như đứng vào vị trí của sao Bắc đẩu, vị trí mà tất cả các ngôi sao khác đều phải hướng đến (Luận ngữ, Vi chính, 1). Vua phải đảm bảo cho dân được no ấm, phải xây dựng được lực lượng quân sự hùng hậu và đặc biệt, phải có được lòng tin của dân. Không những thế, vua phải làm cho dân giàu và biết giáo hóa dân(13). Vua sáng còn là người biết trọng dụng người đức độ, tài năng, phải biết rộng lượng đối với bề tôi của mình. Vua phải là người hết lòng vì dân chúng. Mạnh tử đã khuyên các bậc vua chúa: “Ngài vui cái vui của dân thì dân cũng vui cái vui của mình, ngài lo cái lo của dân thì dân cũng lo cái lo của mình. Vì thiên hạ mà vui, vì thiên hạ mà lo, thế mà không làm vương thì chưa có vậy” (Mạnh Tử, Lương Huệ Vương). Ngoài ra, vua còn phải thực hiện chính sách điền địa công bằng, phân minh, giảm tô thuế cho dân, cải thiện đời sống nhân dân. Đó cũng là nhiệm vụ trọng yếu của người cai trị đất nước. Nho giáo khuyên vua không nên lạm dụng hình phạt để ép dân đi vào tôn ti trật tự, mà nên bằng đức hạnh, lễ nghĩa, vì đức hạnh có sức mạnh cảm hóa con người và làm cho con người biết hổ thẹn khi làm sai: “Dắt dẫn (dân) bằng chính pháp, sửa trị dân bằng hình phạt, thì dân chỉ tạm tránh khỏi được tội lỗi, chứ không có lòng hổ thẹn. Nếu dắt dẫn bằng đạo đức, sửa trị bằng lễ giáo, thì dân không những có lòng hổ thẹn mà còn cảm hóa quy phục”(14). Đức hạnh và lễ tiết ở đây chính là những tiêu chuẩn về đức tính, là những quy định về giao tiếp, lễ nghi mà con người phải có, phải tuân theo.
Trong đạo làm tôi, Khổng Tử đề cao chữ “Trung”, nhấn mạnh lòng biết ơn, sự phục tùng, tinh thần phục vụ hết lòng hết sức của bề tôi đối với vua, với quốc gia. Theo ông, người làm tôi, làm quan trước hết phải là người có đức trong mọi hành động, có thái độ đúng ở mọi nơi, mọi lúc, chứ không phải khi nhận chức tước mới là làm quan. Khi chứng kiến cảnh xã hội có chiến tranh, huynh đệ tương tàn, Mạnh Tử đã phê phán những kẻ làm quan mà không đúng danh phận của mình, chỉ biết hùa theo điều ác của vua, phò vua chỉ biết sửa soạn binh đao đi đánh chiếm nước khác, gây chiến tranh. Ông kết tội: “Hùa theo điều ác của vua mà không can ngăn là tội nhỏ, xúi giục điều ác của vua là tội lớn. Những quan đại phu thời nay đều xúi giục điều ác của vua, cho nên bảo rằng quan đại phu thời nay là người có tội lớn”(15). Với lời kết tội này, ông đã nêu lên tư tưởng về “Đạo làm quan”: “Khi thiên hạ có đạo thì đem đạo theo thân mà ra làm quan. Khi thiên hạ không có đạo thì đem thân theo đạo mà lui về ở ẩn” (Mạnh Tử, Tân tâm hạ). Ông cũng thẳng thắn nói: “Thà ở bậc dưới là dân, không chịu đem mình là người hiền mà thờ ông vua vô đạo” (Mạnh Tử, Cáo Tử hạ). Từ đó, ông đã nêu ra ba trường hợp nên ra làm quan và ba trường hợp nên từ quan (Sở tựu tam, sở khứ tam). Thứ nhất, làm quan khi thấy có thể hành đạo được. Thứ hai, làm quan vì giao tế có lễ. Thứ ba, làm quan khi vua biết trọng dụng, nuôi dưỡng. Khi ra làm quan rồi, thì phải trung với vua, hết lòng hết sức thờ vua, nhưng cũng không vì vậy mà biến mình thành kẻ “ngu trung”. Người làm tôi trung còn là người biết can gián vua, khi vua làm điều trái đạo; không những thế, còn có thể phế truất ngôi vua, khi thấy vua là kẻ vô đạo.
Bên cạnh quan hệ vua tôi, trong gia đình cũng có nhiều mối quan hệ, nhưng mối quan hệ mà Nho giáo quan tâm nhất, coi là cơ bản nhất, làm rường cột cho các mối quan hệ khác là mối quan hệ giữa cha và con, giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Tiêu chuẩn trong mối quan hệ này, theo Khổng Tử, là “Phụ từ tử hiếu”. Nho giáo giai đoạn sau đã đẩy mối quan hệ này lên mức tuyệt đối là “Phụ sử tử sự” (Cha quyết, con phục tùng). Để ổn định gia đình, vai trò của người cha “từ” cũng rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sự phục tùng của người con. Do vậy, Nho giáo đặc biệt đề cao Hiếu, khi coi Hiếu là nguồn gốc của mọi đức hạnh. Nếu Khổng Tử coi đạo Hiếu là một loại ý thức luân lý của con cái đối với cha mẹ, thì đến Tông thánh Tăng Tử (ông Thánh của đạo Hiếu) đã phát triển đạo Hiếu lên thành một khái niệm trừu tượng, phổ biến, một nguyên tắc của mọi đức khác, là phẩm chất vĩnh hằng của con người, là cơ sở của mọi đường lối chính trị tốt đẹp. Phạm trù trung tâm trong học thuyết Nho giáo là Nhân, thì Hiếu được coi là gốc rễ của Nhân.
Hiếu cũng có quan hệ chặt chẽ với Trung. Theo Nho giáo, xã hội là sự mở rộng mối quan hệ cha con ra cả nước, cả thiên hạ là quan hệ vua – tôi và mở rộng đạo làm con, đạo Hiếu ra phạm vi ấy là đạo làm tôi, đạo Trung. Đạo Hiếu trong quan niệm của Nho giáo có nhiều nội dung sâu sắc và mang đậm tính nhân văn.
Ngoài ra, Nho giáo còn đề cập đến đạo đức trong mối quan hệ chồng – vợ, huynh – đệ, bạn bè,... với những yêu cầu đạo đức rất cụ thể.
Với Nho giáo, nhân, lễ, nghĩa, trí, tín được đặt ra trong quan hệ của con người với chính bản thân mình để tu thân, để trở thành người quân tử, còn chính danh là yêu cầu đạo đức được đặt ra trong quan hệ với người khác (với xã hội) để mỗi người thực hiện đúng việc, đúng phận sự của mình làm cho xã hội ổn định, phát triển. Những quan niệm này của Nho giáo cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa thời sự của nó. Trong điều kiện hiện nay, khi mối quan hệ của con người với con người càng được mở rộng, khi xã hội đang có những biểu hiện xuống cấp về mặt đạo đức, tệ quan liêu, tham ô, tham nhũng đang diễn biến phức tạp, thì tư tưởng về đạo làm người trong mối quan hệ với xã hội của Nho giáo lại càng có ý nghĩa, góp phần điều chỉnh hành vi của mỗi người để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
*************
(1) Ngữ văn Hán Nôm, t.1: Tứ thư. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.227.
(2) Ngữ văn Hán Nôm. Sđd., tr.513.
(3) Ngữ văn Hán Nôm. Sđd., tr.312.
(4) Ngữ văn Hán Nôm. Sđd., tr.512.
(5) Ngữ văn Hán Nôm. Sđd., tr.516.
(6) Giản Chi và Nguyễn Hiền Lê. Đại cương Triết học Trung Quốc, t.2. Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2005, tr.452.
(7) Ngữ văn Hán Nôm. Sđd., tr.485.
(8) Doãn Chính. Đại cương lịch sử triết học phương Đông cổ đại. Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2003, tr.189-190.
(9) Ngữ văn Hán Nôm. Sđd., tr.326.
(10) Ngữ văn Hán Nôm. Sđd., tr.698.
(11) Ngữ văn Hán Nôm. Sđd., tr.253.
(12) Nguyễn Hữu Vui (Chủ biên). Lịch sử triết học. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 2004, tr.35.
(13) Ngữ văn Hán Nôm. Sđd., tr.429.
(14) Ngữ văn Hán Nôm. Sđd., tr.244-245.
(15) Doãn Chính. Đại cương lịch sử triết học phương Đông cổ đại. Sđd., tr.253.
Nguồn: vientriethoc.com.vn
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao
Đề cương Văn hóa Việt Nam và hành trình nhận thức, lý luận văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
114513681
Hôm nay
2154
Hôm qua
2313
Tuần này
21618
Tháng này
220554
Tháng qua
121356
Tất cả
114513681