Những góc nhìn Văn hoá
Từ di chỉ Làng Vạc & văn hóa Đông Sơn ở Nghệ Tĩnh, bàn thêm về vị trí xứ Nghệ thời Hùng Vương
Kết thúc bài báo Văn hóa Đông Sơn ở Nghệ Tĩnh, ông Hoàng Quốc Tuấn viết: “Di tích Làng Vạc & các di tích cùng thời khác ở Nghệ Tĩnh đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu toàn diện nền văn hóa khảo cổ Đông Sơn, tức cũng có nghĩa là nghiên cứu giai đoạn phát triển cực thịnh của thời kỳ Hùng Vương. Như vậy nền văn minh Việt cổ không chỉ tồn tại ở vùng sông Hồng, sông Mã, mà còn tồn tại đặc sắc ở vùng sông Lam. Ý nghĩa của nó là ở chỗ góp phần làm sáng tỏ vấn đề cương vực phía Nam của đất nước các vua Hùng, cung cấp những bằng chứng để bác bỏ ý kiến sai lầm cho rằng biên giới nước Văn Lang thời các vua Hùng chỉ đến sông Mã, Nghệ Tĩnh là đất của người Chàm, là cư dân Lạc Lồi như một số người chủ trương.” (1)
Bảo vật quốc gia: Dao găm đồng cán rắn ngậm chân voi, khai quật tại di chỉ Khảo cổ học Làng Vạc năm 1973 ( Ảnh: Bảo tàng Nghệ An)
Cần nhấn mạnh thêm: Di tích Làng Vạc quý hiếm vì đã cung cấp cho kho tàng di sản vật thể ở ta một loạt những trống đồng & các đồ nghệ thuật trang sức độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao, giúp các nhà khoa học phác thảo được bức tranh lịch sử đương thời. Điều đó vô cùng ý nghĩa đối với lịch sử đất nước ta & lịch sử dân tộc Việt. Từ góc độ một người nghiên cứu cổ sử, qua thư tịch cổ & nguồn tư liệu dân gian chúng tôi muốn trình bày một hướng tiếp cận khác.
Bảo vật quốc gia: Môi đồng cán tượng voi, khai quật tại Di chỉ Khảo cổ học làng Vạc năm 1981 ( Ảnh Bảo tàng Nghệ An)
Một số học giả quê xứ Nghệ cho rằng có một nhà nước cổ đại Việt Thường Thị ở xứ Nghệ trước nhà nước Văn Lang. Đó là các ông: Bùi Dương Lịch (1757-1828), Bùi Văn Nguyên (1918-2003), Bùi Thiết (1942-2019), Phan Duy Kha…Hoàng giáp Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký đã dành hẳn mục Cổ Đế 古帝(Đế vương thời xưa) với gần 2.000 chữ nói về quốc gia cổ đại Việt Thường Thị. Căn cứ vào thư tịch cổ, ông đã chứng minh về sự tồn tại của quốc gia này và phê phán Ngô Sĩ Liên - tác giả chính bộ Đại Việt sử ký toàn thư là “thiển cận” vì sử gia này không đưa Việt Thường Thị vào “tín sử”: “Còn Việt Thường Thị là vua của bản quốc, thần truyền thánh kế, quốc tộ lâu dài, bỏ đi thì lấy ai làm quốc thống? Chỉ là cái thuyết không qua sự kê cứu, mượn tiếng con cháu Thần Nông làm trọng, mà làm hỗn hợp Việt Thường vào đấy. Như thế sao gọi là tín sử? Hay vì ông ấy không sinh ra ở đất Việt Thường mà có ý thiên vị chăng? Nếu không thì làm sao kiến thức lại thiển cận đến thế?”(2)
Bùi Thiết viết hẳn một cuốn sách Việt Thường Thị - phát hiện mới về nhà nước cổ đại sớm nhất trong lịch sử Việt Nam (Nxb Hồng Đức, 2016). Quan điểm cơ bản của ông trong tác phẩm này được trình bày trong bài “Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị” đăng trên Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An số 4/2016 như sau: Có một nhà nước cổ đại Việt Thường Thị mà lãnh thổ gồm vùng đất từ Thanh Hóa trở vào đến khoảng Quảng Trị - Thừa Thiên và kinh đô chính là vùng huyện lỵ huyện Việt Thường xưa “có thể nằm trên đất xã Đức Thuận và phường Trung Lương (Trung Lương - Văn Chàng) vùng quanh núi Ngọc?” và thời gian tồn tại từ thời Đường Nghiêu năm thứ 5 (2353 tr.CN) đến khi bị Hùng Vương thôn tính (696-682 tr.CN). Tôi đã có dịp công bố bài viết Mấy trao đổi về bài “Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị” trên Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An số 6/2016. Kết luận của tôi trong bài viết này: “Như Gs. Đào Duy Anh đã phân tích…, nước Việt Thường này chỉ có thể ở miền Dương Tử, có quan hệ ngoại giao với Đường Nghiêu và nhà Chu có thể là tiền thân của nước Việt của Việt Duẫn Thường (510-497 tr.CN) & Việt Câu Tiễn (496-476 tr.CN). Đến thời Chiến Quốc (484 tr.CN-221 tr.CN), do áp lực của chiến tranh tàn khốc, nước Việt tan rã, người Việt Thường di tản đến nhiều vùng đất khác nhau trong đó có vùng đất nước ta. Theo truyền thống, họ lấy tên quê cũ đặt cho vùng đất mới. Sau này, dựa theo tên Việt Thường sẵn có người Hán đặt ra huyện Việt Thường. Nhiều địa danh mà ông Bùi Thiết khảo sát ở Hà Tĩnh có yếu tố Việt hoặc Thường hoặc Việt Thường có thể cho phép chúng ta nghĩ rằng cư dân cổ Hà Tĩnh có một bộ phận là cư dân nước Việt Thường di tản sang!”(3). Dẫu sao thì theo tục truyền, Việt Thường vẫn được cho là miền Nghệ An (gồm cả Hà Tĩnh hiện nay) vì là ở phía Nam Giao Chỉ. Việt Thường (越裳,còn được viết là 越常, 越嘗 hoặc Việt Thường thị 越裳氏) là một quốc gia hay một bộ được chép trong các sách chính sử (Toàn thư, Cương mục) hay địa chí (Dư địa chí của Nguyễn Trãi). Riêng Việt sử lược chép là bộ lạc.
Tuy không tán thành quan điểm của Bùi Thiết, nhưng tôi thấy ý kiến của ông gợi ra nhiều nghi vấn. Các tài liệu Trung Hoa xưa nói về nước Việt Thường đã được GS Đào Duy Anh phê phán kỹ lưỡng, nhưng còn nguồn tư liệu truyền thuyết ở nước ta.Gần đây, một người con xứ Nghệ là PGS TS Ngô Đức Thọ (1936-2019) lần đầu tiên đã dịch trọn vẹn văn bản Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (1470), hiện lưu tại Bảo tàng Hùng Vương, Phú Thọ. Ngọc phả gồm 21 tờ, 42 trang chữ Hán, tổng cộng gần 10.000 chữ.
Điều cần chú ý là không phải ngẫu nhiên mà Ngọc phả Hùng Vương lại dành những trang đầu tiên ghi về Cựu đô Ngàn Hống như là một kinh đô của người Việt cổ trước khi có kinh đô Phong Châu 峯州 của nướcVăn Lang. Đó là nội dung ghi ở các trang 2a , 2b, 3a và 3b. Bản dịch như sau: “Kinh Dương Vương kính vâng chỉ dụ của vua cha, đem quân lính theo núi Nam Miên mà đi về phía Nam. Trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa để đóng đô ấp (tức quốc đô). Qua đất Hoan Châu (nay - tức năm 1470 thời điểm Nguyễn Cố soạn Ngọc phả - HSH chú - đổi là xứ Nghệ An, nơi đó là các xã Nội Tiên Lộc, Tả Thiên Lộc, Tỉnh Thạch thuộc huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang) vua chọn được một vùng phong cảnh tươi đẹp [núi non] muôn nhẫn lâu đài, gọi là núi Hùng Bảo Thứu Lĩnh, tất cả có 199 ngọn (xưa gọi là Cựu đô, nay gọi là Ngàn Hống) vùng này giáp biển ở cửa Hội Thống, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông, bèn xây dựng đô thành để định nơi cho bốn phương triều cống. Bấy giờ khí xuân ôn hòa, vạn vật đua sắc…”.(4)
Một sự định vị cụ thể như thế về Cố đô Ngàn Hống trong Ngọc phả lại liên quan rất nhiều với những ghi chép trong thư tịch cổ Trung Hoa về Việt Thường Thị. Rất nhiều sử sách Trung Hoa xưa nói đến nước Việt Thường. Chẳng hạn thời Nam Bắc triều (420-581) có ghi chuyện người nước Việt Thường dâng rùa thần cho vua Nghiêu 堯 nhà Đào Đường 陶唐 trong tác phẩm Thuật dị chí 述異記 của Nhâm Phưởng 任昉 thời Nam Lương 南梁 (502-557) như sau : 陶唐之世越常國獻千歳神龜方三尺餘,背上有文科斗書,記開闢已來。帝命録之謂之龜厯. Phiên âm: Đào Đường chi thế Việt Thường quốc hiến thiên tuế thần quy phương tam xích dư, bối thượng hữu văn khoa đẩu thư, ký khai tịch dĩ lai. Đế mệnh lục chi vị chi quy lịch. Dịch: Vào thời Đào Đường, người nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn năm, vuông hơn ba thước, trên lưng (mai rùa) có lời văn viết bằng chữ khoa đẩu (chữ hình giống con nòng nọc), ghi từ thuở khai thiên lập địa đến nay. Vua (Nghiêu) sai ghi lại gọi là lịch rùa. (Lối chữ khoa đẩu ấy chẳng biết có gì liên quan đến chữ viết của người Thái, người Lào, người Campuchia hiện nay cũng phần nào có hình giống con nòng nọc hay không là điều cần phải tìm hiểu! - HSH chú thêm).
Hay tác phẩm Thủy kinh chú của người thời Bắc Ngụy là Lịch Đạo Nguyên (sinh năm 466 hoặc 472(?), mất (năm 527) dẫn sách Lâm Ấp ký (tác giả khuyết danh):九德,九夷所極,故以名郡。郡名所置,周越裳氏之夷國《周禮》九夷遠極越裳.白雉、象牙,重九譯而來。自九德通類口,水源從西北遠荒,逕寧州界來也。九德浦內逕越裳究、九德究、南陵究. Phiên âm: Cửu Đức, Cửu Di sở cực, cố dĩ danh quận. Quận danh sở trí, Chu Việt Thường Thị chi Di quốc. “Chu lễ” Cửu Di viễn cực Việt Thường. Bạch trĩ, tượng nha, trùng cửu dịch nhi lai. Tự Cửu Đức Thông Loại khẩu, thủy nguyên tòng tây bắc viễn hoang, kinh Ninh Châu giới lai dã. Cửu Đức phố nội kinh Việt Thường cứu. Cửu Đức cứu, Nam lăng cứu. Dịch: Quận Cửu Đức là chỗ cuối cùng của Cửu Di, cho nên đặt tên quận như vậy. Đặt ra quận ấy, vốn là nước Man Di của họ Việt Thường thời nhà Chu. Chu lễ có nói “Chỗ xa nhất của Cửu Di là nước Việt Thường, đem chim trĩ trắng và ngà voi, nhiều lần phiên dịch mà đến chầu.” Từ cửa Thông Loại quận Cửu Đức, nguồn nước chảy ra từ miền xa vắng phía Tây Bắc, chảy qua đất Ninh châu mà đến đây. Từ bến Cửu Đức đi đến suối Việt Thường, suối Cửu Đức, suối Nam Lăng.
Những ghi chép trùng hợp giữa Ngọc phả Hùng Vương và thư tịch cổ Trung Hoa như thế phải chăng ít nhiều gợi cho ta một thực thể Kinh đô có thật, một quốc gia cổ đại có thật ở vùng Núi Hồng sông Lam?
Lại nữa, về việc chuyển kinh đô từ Ngàn Hống ra núi Nghĩa Lĩnh Ngọc phả ghi như sau: “Về sau vua lại đi tuần thú, trải khắp núi sông, xa giá đến xứ Sơn Tây, thấy địa hình trùng điệp, núi đẹp sông hay. Vua bèn tìm địa mạch, nhận thấy từ núi Côn Luân giáng xuống qua cửa ải, tựa như cầu vồng thoát mạch, rồng vút đi xa... Lấy sông Bạch Hạc làm nội Minh Đường, ngã ba Lãnh của sông lớn làm trung Minh Đường, núi Tượng Sơn của Nam Hải làm ngoại Minh Đường. Nghìn núi quay lại, vạn sông chầu về, tất cả đều hướng về núi Tổ Nghĩa Lĩnh, thu hết hình thế. Vua nhận thấy thế đất này quý hơn hẳn đô thành cũ ở Hoan Châu, bèn lập chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh thường ngự giá lưu lại ở đây. Bên ngoài dựng đô thành Phong Châu (nay đô thành cũ còn thấy ở thôn Việt Trì, xã Bạch Hạc của huyện Bạch Hạc). Vua xa giá trở về đô thành cũ Hoan Châu, dựng lập đô thành, trước ở núi Thứu Lĩnh, sau ở núi Nghĩa Lĩnh. Nay lấy núi Thứu Lĩnh làm đô ấp sở tại của họ Việt Thường. Khi ấy vua đi tuần thú trở về cung điện ở núi Nghĩa Lĩnh, thấy bà cung phi Thần Long Quân nữ mang thai, có điềm lành ứng rồng, ánh hào quang đỏ đầy ắp nhà, trong trướng sinh hương, mùi hương ngào ngạt mấy tuần. . .”
Các tác giả Địa chí huyện Can Lộc lại cung cấp nguồn tư liệu truyền thuyết khác chi tiết hơn. Tục truyền, cha của Long Vương là Dương Vương, khi mới mở nước, đi xem phong cảnh núi sông, tìm nơi xây dựng kinh đô. Khi về phương Nam, đến vùng Ngàn Hống, thấy phong cảnh núi non trùng trùng điệp điệp, 99 ngọn (Ngọc phả Hùng Vương ghi là 199 ngọn) cao tận trời xanh, chân núi vờn đến gần cửa Đơn Hay (tức cửa Đan Nhai, tức Cửa Hội) có thế rồng vây hổ chầu, Dương Vương rất lấy làm vừa ý.
Vương bèn quyết định đắp thành dưới núi, lấy nơi này làm đô ấp, cứ như vị trí ngày nay thì thành ấy là đất Nội -Tả - Hữu Thiên Lộc thuộc Châu Hoan (nay thuộc phạm vi các xã Thiên Lộc, Phúc Lộc, Tùng Lộc thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Dựng xong đô ấp, Dương Vương lại cưỡi thuyền thẳng về hướng bắc, tiếp tục đi xem phong cảnh đất nước. Thuyền đang đi, bỗng có một người con gái “tóc dài ngài (người) đẹp, da phấn mặt hoa” từ dưới nước nổi lên, tự xưng là Thần Long. Sau khi chào hỏi ân cần, vương mời nàng lên thuyền, đôi bên trò chuyện rất ăn ý. Dương Vương đưa nàng về đô ấp Ngàn Hống và cưới làm vợ.
Vương lại tiếp tục tuần thú phương Bắc. Đến vùng núi như ngày nay là Sơn Tây, vương thấy cảnh núi sông thật là hùng vĩ, đặc biệt ngã ba Hạc là nơi thủy bộ thuận lợi, xem ra nhiều chỗ ưu việt hơn đất Hoan Châu. Vương bèn cho xây dựng đô ấp mới ở vùng Nghĩa Lĩnh, từ ngã ba Hạc đến vùng núi Hi Cương, làm nơi hành tại.
Dương Vương lại lên vùng Hưng Hóa - Tuyên Quang bây giờ, lấy thêm một người con gái họ Mã là nàng Ngọc Nương làm vợ và dựng một cung sở cho nàng ở, cung sở đó xưa là vùng Tiên Cát, gần Việt Trì ngày nay. Vương ở Tiên Cát ít lâu rồi trở về đô ấp Ngàn Hống. Lúc này, nàng Thần Long đã đến ngày mãn nguyệt khai hoa, sinh con trai đầu lòng. Đó là Long Vương, con trưởng của Dương Vương, tức là Vua Hùng thứ nhất, sau này gọi là Hùng Hiền Vương (tức Lạc Long Quân). Khi Long Vương lớn lên, Dương Vương giao cho đô ấp Nghĩa Lĩnh để trông coi việc nước ở phương Bắc và thay cha chăm sóc bà mẹ thứ là Mã Ngọc Nương. Trong thời gian ở kinh thành Nghĩa Lĩnh, nhân một chuyến đi tuần thú, Long Vương gặp nàng Âu Cơ ở vùng Sơn Tây cũ và lấy làm vợ. Long Vương đưa nàng Âu Cơ về động Hi Cương, còn mình thì ở luôn Phong Châu (gần ngã ba Hạc) làm việc nước. Về sau Long Vương bỏ kinh đô cũ Ngàn Hống, lấy Phong Châu làm kinh đô chính, đặt tên nước là Văn Lang, chia làm 15 bộ. Từ đó cố đô Việt Thường ở Ngàn Hống bị thời gian xóa dần dấu vết.(5)
Trên đây là một số tín hiệu cho thấy đã từng xuất hiện kinh đô Ngàn Hống của nước Việt Thường hay kinh đô buổi đầu Hùng Vương trước khi có kinh đô Phong Châu. Ngàn Hống hay Hồng Lĩnh là một ngọn núi lớn ở phía bắc Hà Tĩnh. Núi nằm giữa các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh ngày nay. Kinh đô Ngàn Hống được định vị ở phía nam núi Hồng Lĩnh, trên phần đất các xã Thiên Lộc, Phúc Lộc, Tùng Lộc (huyện Can Lộc) ngày nay.
Như vậy, cứ theo truyền thuyết thì vị trí xứ Nghệ hết sức quan trọng trong thời đại Hùng Vương dựng nước, xứ Nghệ đã từng là kinh đô nước ta thời Kinh Dương vương tức Hùng Vương thứ nhất. Điều này cần phải tiếp tục làm sáng tỏ hơn nữa vì còn nhiều bí ẩn.
Trở lại di chỉ Làng Vạc. Theo các nhà khảo cổ học, di chỉ Làng Vạc có niên đại tuyệt đối được xác định bằng phương pháp các bon phóng xạ C14 là khoảng 2.000 năm cách ngày nay, tức vào khoảng cuối thế kỷ I tr.CN, vào giai đoạn cuối của văn hóa Đông Sơn. Những kết quả nghiên cứu mới cho phép xác định văn hóa Đông Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, hoặc ít ra cũng thuộc giai đoạn chuyển tiếp từ đỉnh phát triển cao nhất của thời đại đồ đồng sang sơ kỳ thời đại đồ sắt(6). Vấn đề hiện nay là cần làm rõ mối liên hệ giữa nền văn hóa Làng Vạc trong văn hóa Đông Sơn với các truyền thuyết về nhà nước Việt Thường Thị & cố đô Ngàn Hống buổi đầu thời đại Hùng Vương.
Trống đồng làng Vạc (Ảnh Bảo tàng Nghệ An)
Cũng có thể tìm hiểu kỹ những trang sử các giai đoạn sau ở xứ Nghệ để góp phần hiểu thêm các giai đoạn trước. Tiếp sau nước Văn Lang thời Hùng Vương là nước Âu Lạc thời An Dương Vương (208 tr.CN đến 179 tr.CN). Truyền thuyết nói An Dương Vương mất tại Nghệ An. Hiện nay đền thờ vua có nhiều, nhưng chỉ có 2 ngôi đền quy mô & nhiều ý nghĩa nhất là đền ở thành Cổ Loa do An Dương Vương dựng lên nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thủ đô Hà Nội; thứ hai là đền Cuông ở lưng chừng sườn núi Mộ Dạ nay thuộc xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tục truyền đây là nơi An Dương Vương đi ra biển. Tại sao ông lại trút hơi thở cuối cùng ở đây? Câu thành ngữ quen thuộc Cáo chết ba năm quay đầu về núi có ý nghĩa là con người dù đi xa vẫn nhớ về quê cha đất tổ, không bao giờ quên được nơi gốc tích phải chăng có liên quan gì đến cái chết này?
Sau đó là thời Bắc thuộc (179 tr.CN đến 905). Nơi đây từng có kinh đô Vạn An của Mai Hắc Đế trong khởi nghĩa Mai Thúc Loan (713-722); có khởi nghĩa Dương Thanh (719-720). Gần đây một số người còn cho rằng các anh hùng dân tộc Phùng Hưng (?-879) thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa chống nhà Đường khoảng đời Đại Lịch (766-779) & Ngô Quyền (898-944) người chỉ huy trận Bạch Đằng lừng lẫy, “vị tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc” (chữ dùng của Phan Bội Châu) đều quê Đường Lâm. Trước đây người ta cho là xã Đường Lâm ở Sơn Tây, nhưng có giả thuyết của Gs Đào Duy Anh: “Chúng tôi rất nghi ngờ những ghi chú ấy và nghĩ rằng rất có thể người ta đã lầm Đường Lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc Lộc (Phúc Lộc châu có huyện Đường Lâm) thành tên xã Đường Lâm ở huyện Phúc Thọ…Có thể châu Phúc Lộc gồm cả miền nam Hà Tĩnh & miền Quy Hợp, Ngọc Ma ở phía Tây Hoành Sơn”(7).Nay một số người tiếp tục làm sáng tỏ giả thuyết trên, chứng minh Đường Lâm là tên huyện đời Đường thuộc châu Phúc Lộc. Đại Việt Sử ký toàn thư ghi: “Tân Mùi, (791) (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan, bắt dân đóng góp nặng. Mùa Hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ”(8). Ở bài Thần sơn Ngô Quảng với phong trào Cần vương và phong trào Đông du in trong Danh nhân Nghệ Tĩnh (Tập II, 1982), Giáo sư Bùi Văn Nguyên viết: “Theo gia phả họ Ngô ở Thanh Hóa thì chi trưởng họ Ngô vốn ở tỉnh này. Ông tổ họ là Ngô Nhật Đại làm nghề cày cấy... rồi hậu duệ là Ngô Mân được bổ làm Châu mục châu Đường Lâm (nay là vùng Can Lộc, Thạch Hà, Hà Tĩnh), sinh ra Ngô Quyền ở đấy... Đến khi Ngô Quyền lên làm vua thì ngài cho rút về hạt Sơn Tây, ở tại làng Đường Lâm (có thể tên làng đặt trùng với tên châu ở miền trong để làm kỷ niệm). Và từ đó có một chi họ Ngô ở Hà Tây”. Đem khớp mấy tài liệu kia lại, ta thấy rõ là có một châu Đường Lâm tại phía Nam của châu Hoan. Hồi trước, nơi đó đã từng có một nhánh họ Ngô cư ngụ. Rất có thể, Ngô Quyền là con của vị Châu mục đất Đường Lâm ấy và ngài đã được sinh ra ở trên đất này. Qua nhiều đời, tông tộc họ Ngô đã nối tiếp di hạ ra nhiều chi nhánh ở trên lưu vực sông Lam. Lại theo Trần Ngọc Vương, Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương: “Vị trí chính xác của châu Đường Lâm còn phải khảo chứng thực địa, bổ sung các cứ liệu về họ tộc, cư dân, phong tục, sản vật, ngôn ngữ bản địa, cũng như sự thờ cúng và tư liệu điền dã tại địa bàn Thanh Hóa ngày nay và các khu vực lân cận. Dù vậy, có thể khẳng định rằng quê Ngô Quyền nằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hóa -Nghệ An ngày nay mà khó có thể ở vị trí Sơn Tây (khi đó là huyện Gia Ninh của Phong Châu) được.Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm. Tên xã Đường Lâm tại Sơn Tây ngày nay mới xuất hiện từ năm 1964 (ngày 21 tháng 11)”.(9)
Dẫu sao thì hành trình của xứ Nghệ nói riêng & của cả nước nói chung vào thời đại Hùng Vương từ mây mù huyền thoại đến lịch sử hãy còn nhiều ẩn số. Hy vọng các thành tựu khảo cổ học cùng những trang sử các giai đoạn sau sẽ góp phần soi sáng hơn nữa vị trí xứ Nghệ thuở người Việt bắt đầu dựng nước cũng như lịch sử đất nước ta thời đại Hùng Vương.
Chú thích:
(1) Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp QG Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam. H.9.2019, tr.497 - 504).
(2) Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nxb Khoa học Xãhội. H.1993, tr.227.).
(3) Hồ Sĩ Hùy, mấy trao đổi về bài “Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị”. Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An số 6/2016.
(4) Nguyễn Cố Ngọc phả Hùng Vương Ngô Đức Thọ dịch, chưa xuất bản. Xem thêm: Hồ Sĩ Hùy: PGS Ngô Đức Thọ - một chuyên gia Hán Nôm hàng đầu Đặc san Khoa học & Công nghệ Nghệ An số 11 - 2020.
(5) Võ Hồng Huy (CB), Thái Kim Đỉnh, Chương Thâu: Địa chí huyện Can Lộc, Huyện ủy, UBND huyện Can Lộc, Sở VH&TT Hà Tĩnh, 1999, trang 224-225).
(6) Nguyễn Quang Miên: Nhận thức mới về niên đại các quá trình phát triển của văn hóa Đông Sơn. Sở Văn hóa & thông tin Thanh Hóa: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Kỷ niệm 80 năm phát hiện & nghiên cứu văn hóa Đông Sơn. Thanh Hóa, 2004, tr.279-284.
(7) Đào Duy Anh:Đất nước Việt Nam qua các đời Nxb Thuận Hóa, in lần 2, 1997; tr102.
(8) Đại Việt sử ký toàn thư Bản in nội các quan bản T1. Ngô Đức Thọ dịch, H.2003, tr. 271.
(9) Xem: Trần Ngọc Vương, Nguyễn Tô Lan, Trần Trọng Dương Đường Lâm là Đường Lâm nào? Tạp chí Văn hóa Nghệ An vanhoanghean.com.vn › 30-nhung-goc-nhin-van-hoa › Thứ 4, ngày 11.5.2011); Tạp chí Xưa & Nay.
tin tức liên quan
Videos
Đền Hồng Sơn
Chuyển đổi số và liên thông Thư viện - xu hướng phát triển tất yếu
Phản đối Trung Quốc vi phạm lãnh hải và phá hoại tàu Việt Nam
"Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên"
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114513308
294
2315
21245
220181
121356
114513308