Cuộc sống quanh ta
Gs Trần Đức Thảo và nhà thơ Huy Cận - Một lần tâm sự(1)
Vào một ngày đầu xuân năm 1991, nhà thơ Huy Cận và bố con chúng tôi đến thăm Giáo sư Trần Đức Thảo. Hôm đó, Huy Cận đã tặng Trần Đức Thảo bài thơ:
Gửi thế kỷ hai mươi
Rồi mai đây khi ngoảnh chào thế giới,
Đến phút tận cùng nhìn lại đường đi.
Ôi thế kỷ! Ngươi có gì tiếc nuối?
Có bâng khuâng khi cặp bến bờ kia?
Thế kỷ thông minh cướp quyền tạo hóa,
“Tranh sáng cùng mặt trăng, mặt trời”.
Bước mỗi bước tung nghìn phép lạ,
Nhãn hiệu “làm người ở thế kỷ hai mươi”.
Thế kỷ đau thương, hào hùng, náo nức,
Đập theo tim thế kỷ nhịp lòng ta.
Vũ trụ gây mơ để làm nên sự thực,
Đất nâng chân, trán đã chạm thiên hà.
Mang nặng đẻ đau biết bao hoài bão,
Người xung thiên xây bệ phóng cho đời.
Hy vọng lớn đã đi vào quỹ đạo,
Bảy mươi năm dễ chi bỗng tàn rơi!
Việt Nam, Việt Nam, Hồ Chí Minh muôn thủa!
“Không gì quý hơn độc lập, tự do”.
Mạch lịch sử đã ghi vào bộ nhớ,
Đã trăm năm trăm dân tộc mong chờ.
Một người ra đi để thương để tiếc,
Thế kỷ ra đi để trầm tích văn minh.
Cũng để lại khúc trường ca ca tiếp,
Nhớ mê say như ta lại nhớ mình.
Bài thơ sáng tác ngày 10-1-1991. Huy Cận đề tặng Trần Đức Thảo vào đầu tháng 1-1991 với lời đề tặng như sau: “Kính tặng Anh Trần Đức Thảo, Nhà triết học suy tư cùng thế kỷ”. Trước lúc đưa tặng Trần Đức Thảo bài thơ trên, Huy Cận nói với chúng tôi: “Tặng bài thơ này, ý mình muốn nói với Trần Đức Thảo: Anh là một trong những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại vào thế kỷ XX”.
Khi chúng tôi đến nhà, Trần Đức Thảo đang cặm cụi sửa Phụ lục của tác phẩm La Formation de l’Homme (Sự hình thành con người), được viết từ năm 1984. Có lẽ đây là một trong những tác phẩm mà Trần Đức Thảo sửa chữa để chuẩn bị mang sang Pháp. Trước khi đi công tác tại Pháp, Trần Đức Thảo cũng đã gửi tặng ông Phạm Văn Đồng tác phẩm ấy, và ngỏ lời đề nghị ông có ý kiến nhận xét và đóng góp để Trần Đức Thảo tiếp tục sửa chữa, hoàn thành. Gặp Huy Cận, Trần Đức Thảo nói ngay việc đó với cả sự phấn khích, rằng: “Đây là con đường tôi đang đi tới để giải mã về một vấn đề quan trọng: tìm hiểu sự biện chứng của việc hình thành con người”. Huy Cận lắng nghe, gật đầu, và nói khẽ: “Hay lắm, tốt lắm”.
Trần Đức Thảo ngừng tay và lấy mấy quả vú sữa đặt lên đĩa, định cắt thành miếng để mời chúng tôi. Nhưng rồi ông nói: “Chẳng cần đâu, ăn theo lối tự nhiên, bóp mềm đi rồi đưa vào miệng hút”. Tất cả chúng tôi đều làm theo lời anh, nghiêng miệng vào quả vú sữa, nơi anh đã cắt sẵn. Trong lúc ăn, Trần Đức Thảo nhìn Huy Cận và cười, rồi gật đầu, rất dí dỏm: “Phải hàng triệu năm mới được như thế này đấy. Cái thao tác cười đơn giản, nhẹ nhàng như bây giờ có được là tập tính loài đã phải trải qua, rèn luyện hàng triệu năm”. Chúng tôi cười vui, nhưng anh thì nghiêm túc nói tiếp: “Cái biện chứng người, cái biện chứng của sự người, cái biện chứng của sự sống liên quan mật thiết lắm”. Huy Cận tiếp lời anh: “Đúng thế, anh Thảo ạ. Chúng ta là kết quả của tự nhiên mà. Loài người nằm trong muôn loài”. Trần Đức Thảo tiếp ngay: “Nhưng đó là loài có trí tuệ”. Tôi có ghé vào một câu: “Đúng như Ăng-ghen nói, tự nhiên phát triển đến mức độ tự nhận thức được mình là bộ óc người”.
Trần Đức Thảo đi lấy nước pha trà mời chúng tôi uống, rồi Huy Cận và ông tiếp tục sang một ý khác. Trần Đức Thảo hỏi Huy Cận: “Nguyễn Đình Thi dạo này thế nào? Mình chỉ buồn cho anh ấy, giá như chỉ đi theo nghệ thuật thì hay biết mấy, mình thương anh Thi lắm. Gặp anh, tôi rất nhớ Xuân Diệu, rất quý trọng và rất thương Văn Cao. Tôi thích thơ Thế Lữ và thơ Hàn Mặc Tử. Thế hệ chúng mình quả đã sản sinh ra những tài năng kỳ lạ”. Huy Cận hỏi anh: “Vì sao?”. Trần Đức Thảo trả lời: “Vì bị chủ nghĩa thực dân đế quốc đàn áp mà dân tộc ta, trí thức chúng ta khi thấm thía nỗi đau thì muốn được giải phóng, để được tự do. Thôi thì trong hoàn cảnh đen tối ấy, mỗi cá nhân có chút ít tài năng tự tìm lấy con đường giải phóng tinh thần cho mình”.
Sau đó, Trần Đức Thảo lại trở lại vấn đề đã nêu ở trên. Anh nói: “Anh Cận ạ, có lẽ thơ anh hấp dẫn người đọc, trong đó có tôi, vì anh đã hài hòa trong sáng tạo của mình sự người và sự sống. Cũng đúng thôi, anh là kỹ sư nông học”. Huy Cận tiếp luôn: “Có lẽ. Tôi rất ngạc nhiên khi đứng trước cây phượng ở Nhà pha Hỏa Lò, trên cùng một nhánh mà vừa có hoa đỏ, vừa có hoa vàng. Tôi cũng suy nghĩ khi cầm trên tay lá cây môn cảnh, trên cùng một lá, đều là những chấm màu đỏ, mà có chấm nhỏ bằng hạt cát, có chấm lớn gần bằng bàn tay”. Trần Đức Thảo nói: “Bây giờ những điều đó rất dễ hiểu vì khoa học đã tìm hiểu và giải mã gene vị kỷ của tất cả loài thực vật và động vật. Nhưng nói vậy thôi, cái quả cầu não nhỏ vẫn có nét riêng ở từng cá thể và tất nhiên mối liên hệ của những cảm giác được sinh ra ở đấy với vỏ não của từng cá thể cũng rất khác nhau. Cho nên Huy Cận thì băn khoăn nhiều về cây hoa phượng ấy, về lá môn cảnh ấy, chưa hẳn tất cả mọi người đã có cái nhạy cảm với sự sống như thế. Nói chuyện với anh, bỗng dưng tôi nhớ Xuân Diệu. Có lần, khi tôi đến thăm Xuân Diệu, Xuân Diệu cắt cam mời tôi ăn, và tự khoe cam Vinh đấy, cam xã Đoài đấy, ngon hơn cam Mỹ Tho nhiều, mùi vị đặc biệt. Xuân Diệu kể: Cháu tôi đã có lần mua cam ở miền Nam mà cứ nói với tôi đây là cam Vinh, như để cho tôi vừa lòng. Tôi đã nói với cháu tôi: ‘Sao cháu lừa được bác. Nếu không phân biệt được màu sắc và hương vị, làm sao bác có thể làm thơ được. Thơ muốn sâu mà chỉ hiểu sự người thì không đủ, phải hiểu sự sống. Cái sự người dài lắm thì cũng đến vài triệu năm, còn cái sự sống thì có đến cả tỷ tỷ năm’”. Trần Đức Thảo nói tiếp với Huy Cận: “Anh cứ ngẫm mà xem, ăn miếng thịt ếch mà thấy ngon, thì trước hết phải có sự tích lũy sự sống của chính con ếch”.
Lan man trong câu chuyện, Trần Đức Thảo nói sang vấn đề lịch sử. Anh nói: “Lịch sử có quy luật của nó, nhưng điều bất lợi trong lịch sử của sự người, khi được ghi chép lại thì phần lớn do những người chiến thắng ghi lại, cho nên bị méo mó, bị sai lệch đi nhiều”. Huy Cận hỏi Trần Đức Thảo: “Nếu nói thế thì không có lịch sử à?”. Trần Đức Thảo nói: “Có lịch sử, nhưng muốn hiểu đúng phải phân tích, phải suy ngẫm. Nhưng để làm được việc đó thì con người phải có trí tuệ. Trí tuệ là kết quả của biện chứng hiện tượng tinh thần. Có thống nhất cái biện chứng hiện tượng tinh thần ấy với biện chứng của tự nhiên đưa đến lịch sử xã hội-con người thì mới có cơ hội để nhận chân lịch sử”. Huy Cận trả lời: “Anh Thảo ơi, thế thì khó quá”. Trần Đức Thảo nói: “Chẳng có con đường nào khác. Chính vì vậy nhiều nhà khoa học đã phải hi sinh trên bước đường nghiên cứu, từ Ga-loa cho đến Anh-xtanh đều vậy. Có người thì hi sinh về tính mạng, có người thì hi sinh sự sáng tạo của mình cho những kẻ có quyền lực. Sáng tạo về bom nguyên tử của Anh-xtanh đã bị chủ nghĩa đế quốc Mỹ đưa đến thảm họa tiêu diệt biết bao dân vô tội ở Nga, ở Herosima và Nagasaki. Tôi chưa nói đến sự hi sinh thầm lặng của họ trong cuộc đời nghiên cứu khoa học”.
Huy Cận xúc động hỏi Trần Đức Thảo: “Anh Thảo ơi, nên định nghĩa về anh như thế nào nhỉ? Là nhà hiện tượng học, hay nhà Mác-xít”. Trần Đức Thảo trả lời: “Phải có cái gạch nối: hiện tượng học - Mác-xít, đúng hơn nên gọi tôi là nhà duy vật biện chứng nhân bản”. Huy Cận nói tiếp: “Anh giải thích rõ hơn”.
Trần Đức Thảo thành thật tâm sự: “Lúc đầu, tôi có hiểu chủ nghĩa Mác đâu. Tôi được đào tạo về chủ nghĩa duy lý của Pháp nói riêng và của châu Âu nói chung. Có điều, tôi may mắn được các giáo sư hồi đó giảng kỹ cho tôi về cảm giác học của triết lý Spinoza. Chính vì vậy, trong lúc nghiên cứu hiện tượng học tinh thần của Hegel, tôi nhận chân được giá trị của hạt nhân duy lý của Hegel, trước hết cũng bằng cảm giác trí tuệ. Từ đó, tôi hiểu vì sao Mác đã cải tạo phép biện chứng duy tâm của Hegel để áp dụng vào chủ nghĩa duy vật và hình thành chủ nghĩa duy vật biện chứng. Vì say mê với giá trị của chủ nghĩa duy vật mà tôi đã phát hiện ra được thiên tài của Husserl trong hiện tượng luận, khi ông đặt vấn đề ngôn ngữ và tư duy của con người luôn luôn hướng tới đối tượng, khái niệm. Vậy thì phải có động lực chứ. Ông mơ hồ đoán định, nếu có động lực thì đó phải là động lực vật chất. Tôi đi tìm kiếm cái động lực ấy suốt từ năm 1946 cho đến nay. Tôi đã phát hiện ra được cái động lực ấy chính là năng lực bản chất người: cái biện chứng của năng lượng thần kinh với năng lượng tâm thần. Nhưng nếu dừng lại ở đấy thì tôi cũng chẳng khác gì Hegel và Husserl, tôi đã phân tích, tìm kiếm, chứng minh sự thống nhất biện chứng giữa biện chứng của tinh thần với biện chứng của tự nhiên đưa đến biện chứng của lịch sử xã hội-con người, đặc biệt là sự vận động của nền sản xuất xã hội. Chính cái biện chứng kỳ diệu ấy đã tạo ra giống loài người và tạo ra sự thống nhất con người nói chung với con người cá nhân-nhân cách trong mỗi chúng ta. Cái nhân loại, cái dân tộc, cái giai cấp là kết quả của biện chứng lịch sử tự nhiên-xã hội luôn luôn thống nhất với cái cá nhân-nhân cách. Con người nói chung nằm trong và xuyên qua con người cá nhân-nhân cách. Con người cá nhân, nhân cách tồn tại trong cái chung của con người nói chung ấy một cách cụ thể-cá thể”.
Huy Cận mỉm cười nói: “Hiểu được anh khó quá”. Trần Đức Thảo nói: “Nhưng muốn vươn tới tự do thì phải hiểu như thế. Tôi nói tự do ở đây là theo nghĩa tương đối trong mối quan hệ giữa tinh thần và vật chất, còn tự do tuyệt đối theo đúng nguyên nghĩa chỉ có trong lĩnh vực tinh thần mà thôi. Trong hoạt động sáng tạo của chúng ta, nghệ sĩ chân chính và nhà khoa học chân chính có hạnh phúc được đắm mình trong cái tự do tuyệt đối ấy. Kant đã có một ví dụ rất hóm hỉnh: khi hai người bạn tình quan hệ tình dục với nhau, thì làm gì có tự do tuyệt đối, bởi vì họ bị ràng buộc bởi quan hệ vật chất, nhưng khi mỗi người về căn phòng riêng của mình để viết nhạc, làm thơ, để nghiên cứu khoa học thì họ sẽ vươn tới tự do tuyệt đối”.
Huy Cận hỏi tiếp: “Vậy thì nên định nghĩa về Trần Đức Thảo thế nào?”. Trần Đức Thảo trả lời: “Tôi đã nói trong Hồi ký (1986), triết học của tôi là chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản”.
Trời đã đổ hoàng hôn, Huy Cận và chúng tôi chào Giáo sư Trần Đức Thảo để về. Ra trước cửa, đứng lại một hồi, Huy Cận nói với chúng tôi: “Tiếc quá, không có máy ảnh để chụp lại cái ngôi nhà tồi tàn này, mà trong đó có một nhà khoa học vĩ đại đang cần mẫn sống và làm việc cho đất nước, cho dân tộc, cho sự phát triển tự do của con người”.
TP. Hồ Chí Minh, 19-9-2011
(1): Các tác giả tặng bài viết này cho tạp chí Văn hóa Nghệ An
tin tức liên quan
Videos
Kí hiệu không gian rừng sim trong tác phẩm điện ảnh "Mắt biếc"
Một nước Nhật quá xa xôi!
Nhân vật trẻ thơ trong sáng tác của Nam Cao
Lenk
“Cái riêng” và “Cái chung” trong cuộc sống
Thống kê truy cập
114513682
Hôm nay
2155
Hôm qua
2313
Tuần này
21619
Tháng này
220555
Tháng qua
121356
Tất cả
114513682