VKSND TP Hải Phòng khởi tố về tội giết người đối với Đoàn Văn Vươn (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng-Hải Phòng) và 2 em trai cùng một người cháu ruột; vợ và em dâu của Vươn cũng bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ. Động thái này cho thấy các cơ quan hành pháp ở TP Hải Phòng đang thực thi cái gọi là sự nghiêm minh của một nhà nước pháp quyền trước những hành vi vi phạm pháp luật nhằm để cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội bình yên hơn.
Lẽ thường, kẻ có hành vi phạm pháp thường bị dư luận xã hội lên án. Ví như trường hợp giết người cướp tài sản của Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, dù cơ quan pháp luật tuyên phạt 18 năm tù là đã tột khung theo các chế định của pháp luật nhưng dư luận xã hội vẫn đòi phải xử cao hơn nữa, phải loại ra khỏi đời sống xã hội. Trường hợp của anh em Đoàn Văn Vươn thì khác, dù dấu hiệu của hành vi giết người và chống người thi hành công vụ là rất rõ nhưng dư luận lại đang theo chiều hướng sẻ chia với họ.
Dễ hiểu với sự sẻ chia này bởi theo như ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang, thì “cậu ấy đã có công với bà con xóm làng chúng tôi, nếu không có cậu ấy làm bờ kè tạo tấm lá chắn thì không biết bao giờ người dân Vinh Quang mới hết cảnh vỡ đê, chạy bão”. Những người dân xã Vinh Quang quên sao được chỉ mới đây thôi, mỗi lần có bão là cả làng, cả xã lại phải chạy bão. Thế rồi với quyết tâm “đánh bạc với giời”, anh chàng Vươn đã thuyết phục được cả gia đình dồn hết tâm sức để biến một vùng cát trắng không chỉ thành bờ kè dài hai cây số, một bãi bồi màu mỡ, một vạt rừng ngập mặn rộng 60 ha… mà còn là thành lũy che chắn cho dân nghèo cả một vùng. Đất nước rất cần những thành luỹ nhân dân như thế.
Nói vậy để thấy sự phũ phàng trong lời của ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng, nói với báo chí vào chiều 10-1 rằng “Ông Vươn chẳng có công lao gì vì sử dụng hàng chục hecta và thu lời nhưng không có đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt là từ năm 2007 đến nay, ông hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cho gia đình chứ có ích gì cho xã hội. Còn tài sản tại đầm của ông Vươn chẳng có gì nhiều nên khi cưỡng chế phải giải tỏa”.
Ông Khánh không nhỏ một giọt mồ hôi nào trên vùng cát trắng Vinh Quang nên ông nói thế cũng là dễ hiểu. Nhưng ông quên bản thân là cán bộ nên bổn phận công bộc buộc phải biết được mồ hôi của dân đã đổ ra thế nào trên đất đai để có bờ xôi ruộng mật, biết để lượng hóa nó mà hành xử cho có tình có lý.
Những người như ông Vươn lẽ ra phải nhận được sự tôn vinh. Và nếu có một kịch bản theo định hướng XHCN nhất thì kịch bản đó phải bắt đầu từ việc chính quyền ở đây, với đầy đủ ban ngành đoàn thể, chí ít cũng đến công khai cảm ơn gia đình anh Vươn đã có công lao vô bờ bến đối với sự nghiệp nông thôn mới ở quê nhà; rồi thì chính quyền huyện này phải hỏi gia đình anh Vươn khó khăn gì nếu muốn duy trì và thu lợi cao nhất từ mô hình này để xã, huyện, ngân hàng… bằng mọi khả năng của mình để hỗ trợ phát triển. Bởi dân giàu thì nước mạnh; bởi anh Vươn có thu nhập thì địa phương thu được thuế…Mà nếu chỉ làm đơn giản như vậy thôi thì anh Vương cũng khó để bỗng dưng tự biến mình thành kẻ giết người chứ chưa nói gì đến việc cả một gia đình 5-7 người vì anh, vì phải bảo vệ anh mà rơi vào vòng lao lý.
Nếu qủa thật những cán bộ cốt cán của huyện Tiên Lãng suy nghĩ như ông Khánh thì cái cách cưỡng chế khó thuyết phục đối với anh Vươn là không có gì lạ. Công bộc không biết tôn trọng công sức của dân thì người dân rất dễ trắng tay ngay trên mảnh đất thấm đẫm mồ hôi của họ. Đó là căn nguyên số một của những vụ giải tỏa, cưỡng chế di dời mà kéo theo sau đó là kiện cáo đông người, vượt cấp và những thảm kịch không bút tích nào kể xiết. Điều đó đã và vẫn đang xảy ra giữa đất nước chúng ta mà dù muốn hay không chúmg ta cũng cần phải thấy.
Và khi phải tự bảo vệ một cách quyết liệt, những nông dân vốn hiền lành như đất có lúc sẽ hành động thái quá. Giữa ranh giới mong manh của những cân đong đo đếm, đôi lúc họ vô tình tự biến thành những kẻ gây án, những tội phạm… Nghĩ mà rơi nước mắt.
Đất nước đang cần huy động nguồn lực từ dân để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Nguồn lực từ dân không chỉ là tiền bạc mà còn phải tính đến cả mồ hôi và nước mắt.
Nguồn: quechoa.com