Diễn đàn

Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương - Đôi điều nói lại

NTT- Năm qua, nhiều câu chuyện về giải thưởng lùm xùm, inh ỏi. Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương của Nghệ An quê tôi cũng không phải ngoại lệ, nó ồn ào như một cái chợ trên báo địa phương, trên blog cá nhân. Có cả chuyện đau lòng đến nỗi, vợ nhạc sĩ Mai Cường (Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An vừa qua đời) gọi điện cho tôi kêu phóng viên báo (địa phương) đã nói sai lời chị (về chồng) khiến chị rất đau đớn. Theo quan sát của tôi, chả có giải thưởng nào hoàn mỹ cả, vì việc thẩm định VHNT là rất lơ tơ mơ giữa các thành viên hội đồng, dù mỗi thành viên đều có uy tín nhất định. Tuy nhiên, khi đã được quyết định bằng lá phiếu thì thật khó thay đổi. Có lúc tôi nghĩ, nếu thay một hội đồng khác thì “mẫu số lơ tơ mơ” vẫn không thay đổi. Và một số người được giải thấp hay không được giải sẽ không bao giờ thỏa mãn, nên đơn khiếu nại hay khiếu kiện bay như bướm là chuyện không gì lạ. Chợt nhớ câu nói của nhà thơ giải Nobel Pablo Neruda: “Giải thưởng như phấn trên cánh bướm, bướm bay, phấn sẽ rơi rụng ít nhiều”.

Sáng nay nhận được “bài từ Nghệ An gửi ra” của nhà văn Nguyễn Thị Phước và tiến sĩ Nguyễn Duy Bình trò chuyện về giải thưởng Hồ Xuân Hương, tôi hiểu, chị Phước (thành viên Hội đồng chung khảo) muốn “nói lại đôi điều” sau khá nhiều ẩn khuất vừa rồi. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

GIẢI THƯỞNG VHNT HỒ XUÂN HƯƠNG – NÓI LẠI ĐÔI ĐIỀU

(Trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Thị Phước và TS. Nguyễn Duy Bình)

NDB: – Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV đã khép lại, nhưng có thành viên Hội đồng xét chọn giải thưởng phát biểu trên báo chí, tỏ ý chưa đồng thuận với Hội đồng. Chị nghĩ gì về điều này?

NTP: – Quan điểm cá nhân, họ có quyền bảo lưu. Tôi chưa đọc nên không biết cụ thể họ nói gì, chỉ nghe phong thanh là ai đó thấy “buồn”. Tôi thấy chẳng có gì lạ. Giả dụ 100 người mà 99 người vui, 1 người buồn – thì xét về đại cục đó cũng là điều vui. Chỉ tiếc là suốt gần 1 năm trời từ khi Hội đồng bắt đầu làm việc, họ chẳng nói, chỉ sau khi công bố kết quả, sau khi nhạc sĩ Mai Cường qua đời họ mới nói ra trên báo chí về quan điểm này! Không đồng tình thì lẽ ra nói từ đầu, phản đối không được ai nghe thì lên cấp cao hơn, vẫn không được thì không nên dự giải, không nên nhận giải.

Sông Lam số 108 đã nói về việc UBND Tỉnh sửa đổi quyết định 3908. Xin nói thêm, nhiều người đã gọi điện cho lãnh đạo Hội, khi quyết định này còn chưa đến tay họ, xin rút khỏi Hội đồng. Lao động 5-10 năm, ở độ sung mãn nhất, mà thành quả ấy bị loại hẳn khỏi giải HXH, vì lần giải sau thì nó đã quá “đát” – thì chọn cách nào?

NDB: Vài người lại có ý kiến nên mời các văn nghệ sỹ ở Trung ương về chấm?

NTP: Đầu năm 2010, nhạc sĩ Mai Cường cũng đặt vấn đề: hay chúng ta chỉ chấm sơ khảo, còn chung khảo mời văn nghệ sỹ Trung ương về chấm? Nhưng người phản đối mạnh mẽ, quyết liệt là chị Đàm Quỳnh Ngọc: “họ học cùng lớp, cùng trường, cùng thầy, cùng sách với tôi, họ cũng như tôi. Với lại ở đây cũng có người quen biết họ, sẽ không khách quan” (ý này cũng được chị Ngọc nhắc lại tại một phiên họp HĐCK vào cuối tháng 11/2011).

NDB: Có báo đưa thông tin, một vị trong Ban thường vụ Hội nói rằng, họp Ban thường vụ 5 người nhưng chỉ có mình chị đồng ý việc đề nghị UBND tỉnh sửa đổi quyết định 3908?

NTP: Sau khi có quyết định 3908/QĐ-UBND. VX cho đến khi có quyết định sửa đổi và bổ sung (QĐ6410), Ban Thường vụ không họp.

Ngày 10/12/2011, tại phiên họp toàn thể Ban chỉ đạo, Hội đồng chung khảo, có đ/c trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự, có đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, phòng PA83 Công an tỉnh, tổ thanh tra thành lập theo QĐ số 1341 của Sở VHTT & DL; ông Đinh Thanh Quang, Phó chủ tịch Hội, thành viên Hội đồng, nói rằng: “báo đưa sai hoàn toàn lời phát biểu của tôi (tức ĐTQ)”. Ông Đặng Khắc Thắng – thành viên Hội đồng, và là Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, phụ trách báo chí, yêu cầu ông Quang làm văn bản gửi Sở để Sở yêu cầu báo cải chính theo đúng luật Báo chí. (Tuy nhiên, đến nay, theo ông Thắng, ông Quang chỉ “giải trình” mà không yêu cầu báo chí cải chính nên Sở không có cơ sở giải quyết(?!)

NDB: Những người có trách nhiệm phản ứng như thế nào trước sự việc này?

NTP: Tôi xin dẫn lời ông Lê Minh Niệm, phó VP UBND tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo: “Một số báo phản ánh (về giải HXH) chưa trung thực, kể cả blog; xúc phạm cá nhân, hạ uy tín cá nhân, vi phạm luật báo chí; không đi vào bản chất vấn đề, thiếu xây dựng, làm dư luận phức tạp hơn. Mục đích là gì? Để hoạt động như kiểu này tôi thấy không ổn. Việc thành viên hội đồng được dự giải và không chấm điểm tác phẩm của mình, được đồng tình rất cao. Hội đồng trên 40 người, không cho dự giải là thiệt thòi cho cả cá nhân và cả cho giải. Nếu thực tế thấy (điểm nào trong quyết định 3908) không phù hợp thì UBND tỉnh có thể bãi bỏ, vẫn đúng pháp luật”.

Tôi cũng xin dẫn thêm ý kiến nhạc sĩ Hoàng Thành (trưởng ban sơ khảo âm nhạc-múa, thành viên hội đồng chung khảo và là ủy viên Ban Thường vụ Hội): “Tôi là người dự giải, chấm giải (HXH) nhiều (lần) nhất. Lần này, thể lệ vẫn căn bản như ba lần trước, không có gì sai. Lúc đầu cũng có ý kiến đề nghị thành viên hội đồng không dự giải, nhưng qua trao đổi anh em thống nhất đề nghị là vẫn được dự. Lần này khác trước là công minh hơn, chặt chẽ hơn, từng bước từ sơ khảo đến chung khảo làm rất nghiêm túc, dưới sự giám sát chặt chẽ của Ban chỉ đạo. Một số báo nói chưa đúng, chưa có ý thức xây dựng”.

Đ/c Phó giám đốc Sở Tư pháp (người ký công văn 1412 của Sở tư pháp), khẳng định: “Tôi làm gần 30 năm về tư pháp rồi nên tôi cũng rất thận trọng. Tôi học luật. Tra từ điển – cả từ điển nước ngoài, đều không có thuật ngữ “khung khổ pháp lý” như bài viết trên báo Lao động Nghệ An. Chúng tôi khẳng định việc tư vấn (tức công văn 1412) là hoàn toàn đúng. Tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Ngoài ra, ông cũng đã kể lại việc ông C. đến Sở Tư pháp gặp ông và “hỏi thật”: muốn đánh cho hủy giải (hủy kết quả giải HXH) mà đánh bằng điểm số không được. Có cách gì đánh cho hủy giải không?

NDB: Nghe nói có người còn viết báo nói chị “thao túng” giải thưởng. Cả một Hội đồng mấy chục con người, toàn cỡ có nhung có gạc cả, thế mà chị thao túng được ư?

NTP: Tôi đâu có giỏi giang thế! Khi tôi mới nhận giải của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho tập thơ “Cho đồng thơm gió”(CĐTG), nhà thơ Vũ Toàn nhắn tin: “Phước gửi tập thơ này dự giải HXH đi, tập của Phước giải A là không phải bàn”. Tôi trả lời là tập này đã dự giải HXH lần trước, chỉ được giải B (lần đó, Ban sơ khảo xếp giải A, Hội đồng chung khảo xếp B, tôi cũng là thành viên HĐCK và cũng không bỏ phiếu tác phẩm của mình). Tôi khi đó cũng thấy thiệt thòi, và bây giờ đã rõ ràng – CĐTG được giải không phải xét 5 năm mà là của 30 năm, không phải của một tỉnh mà là của cả nước, không phải trên tổng số 112 giải mà là 22 giải (và thơ chỉ có 5) – nhưng tôi có dám than phiền câu nào đâu! Tôi tôn trọng quyết định của Hội đồng, và cũng muốn mọi người làm đúng quy chế. Lần này cũng vậy thôi. Còn chuyện báo chí, tôi ít đọc mấy báo đó, lại càng không muốn đôi co với ai. Có thời gian rảnh thì để bày cho con học toán.

Việc nhạc sĩ Mai Cường và tôi đại diện cho Hội gặp lãnh đạo Tỉnh (tháng 9/2010) đề nghị sửa đổi quyết định 3908, Ban chấp hành và cơ quan đều biết, cuối tháng 5/2011 nhạc sĩ Mai Cường còn trao kỷ niệm chương cho hội viên, đón nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Đình Kính ở văn phòng Hội (xem ảnh bìa 3 tạp chí Sông Lam số 105). Ngày 25/5/2011 anh Cường còn chủ trì họp Ban chỉ đạo; ngày 2/6 tiếp nhà văn Đỗ Kim Cuông ở quán Ta (đường Trần Phú), có cả tôi và anh Hùng (lái xe), ngày 6/6 anh ký văn bản trả lời đơn thư khiếu nại ở ban sơ khảo mỹ thuật, ảnh… Những thời điểm “nhạy cảm” tôi thường bị những tai nạn kiểu như vậy. Nhưng tôi tin bạn bè, đồng nghiệp. Trong giới văn nghệ sĩ, những người chân chính vẫn chiếm đại đa số, họ bao giờ cũng có bộ lọc tốt để xử lý thông tin.

Nhà thơ Lê Quốc Hán, ủy viên BCH Hội, trưởng ban sơ khảo thơ, thành viên HĐCK nói: “Sai lầm đầu tiên của Hội đồng chúng ta là quá cầu toàn. Tôi dự tất cả các cuộc họp Ban chấp hành (Hội). Anh em hoạt động 5 năm, tác phẩm xứng đáng. Không cho chúng tôi dự giải thì chúng tôi rút khỏi hội đồng hết. Chẳng lẽ suốt đời không được dự giải Hồ Xuân Hương à? Bàn đi bàn lại, gần như trăm phần trăm đề nghị: thành viên Hội đồng phải được dự giải”.

NDB: – Vậy theo chị, chuyện có nhiều đơn thư là do đâu?

NTP: – Lần giải này không nhiều đơn thư hơn lần trước, nhưng nó gây ồn ào hơn. Cũng có một phần do sự “cầu toàn” như nhà thơ Lê Quốc Hán nói. Còn nhiều nguyên nhân khác.

Một số tác giả không nghiên cứu kỹ thể lệ, vi phạm thể lệ mà không biết, nên thắc mắc. Một số người không hiểu rõ, bị nhiễu thông tin, nghi ngờ thành viên hội đồng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Có người không thỏa mãn kết quả của mình (và/ hoặc của người thân) viết nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, thậm chí vu khống người khác, kết tội mà không cần bằng chứng không cần lý lẽ, nói lấy được. Điều này báo chí cũng đã nói nhiều. Tôi xin dẫn lời của nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: “…thói vĩ cuồng của các “vĩ nhân tỉnh lẻ” với những hành vi gây sức ép không có điểm dừng đã gây ra những vụ lùm xùm như vừa diễn ra với giải thưởng Hồ Xuân Hương gần đây” (vanhoanghean.com.vn ngày 19/12/2011),…

NDB: Xin cảm ơn chị đã tham gia cuộc trò chuyện này. Tôi hy vọng năm mới, văn nghệ tỉnh nhà sẽ có những bứt phá về nội dung cũng như hình thức và các văn nghệ sĩ Nghệ An luôn đoàn kết, sáng tạo để đóng góp cho công chúng nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Nguồn:nguyentrongtao.org

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511713

Hôm nay

239

Hôm qua

2337

Tuần này

22087

Tháng này

218586

Tháng qua

121356

Tất cả

114511713