Cảm nhận chung của chúng tôi là: Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 9 được tổ chức ở Nghệ An rất công phu, rất hoành tráng. Các nhà thơ Trung ương và địa phương hội tụ rất đông nhưng lực lượng ca múa nhạc được mời tới biểu diễn còn đông hơn các nhà thơ gấp nhiều lần. Tôi rất háo hức và yên tâm ngồi nghe. Nhưng rồi càng nghe càng cảm thấy thất vọng. Tuy cuối buổi Ban Tổ chức đã ngỏ lời cảm ơn và đánh giá “Ngày Thơ Việt Nam” năm nay đã: “Thành công tốt đẹp!”. Ngược lại, chúng tôi nghĩ rằng: chất lượng của Ngày Thơ tầm cỡ Quốc gia không để lại nhiều ấn tượng. Nếu không muốn nói là nhạt nhòa. Vì vậy, tôi mạo muội nêu ra những suy ngẫm của mình về những cái chưa xứng, chưa đạt để các cơ quan quản lý, lãnh đạo ngành Văn hóa Nghệ thuật của Trung ương và địa phương xem xét những suy nghĩ của quần chúng.
Một là: Hầu hết những bài thơ được chọn cho các nghệ sỹ ngâm hoặc do các nhà thơ tự đọc đều là những bài cũ rích, đã được đăng báo, được in trong các thi phẩm từ hàng chục năm trước. Thậm chí rất nhiều bài được sáng tác từ thế kỷ trước, nay lại đem ra hâm lại. Thiết nghĩ, mỗi năm chỉ có một Ngày Thơ tại sao không chọn lọc những bài mới sáng tác trong năm mà lại phải lặp lại cái đã được sáng tạo từ trước?
Hai là: Đã là Ngày Thơ thì nên dành cho thơ để tôn vinh Thơ là chính. Không nên để ca, múa, nhạc lấn sân. Tuy có ca khúc được phổ nhạc từ thơ nhưng cũng không nên lạm dụng thái quá. Vả lại, những ca khúc đó ra đời từ lẩu từ lâu, nghe mãi rồi. Ví như bài “Hạt gạo làng ta” đã nghe đi, nghe lại từ mấy chục năm nay nên “Rằng hay thì thật là hay…” nhưng liệu có nên chăng?
Ba là: Việc thả thơ, buộc những câu thơ được coi là “hay” vào các quả bóng bay rồi thả lên bầu trời, có ý nghĩa và tác dụng như thế nào thì chúng tôi chưa biết mà chỉ thấy tiếc công tiếc của. Giá như Ban Tổ chức chọn những câu hay, in thành những tờ bướm để tặng cho những người yêu thơ tới dự thì quý biết mấy. Vì chúng tôi sẽ được thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái tài sáng tạo của các nhà thơ và cũng để làm kỷ niệm thì có ý nghĩa hơn việc thả những câu thơ vu vơ vút vít lên trời cho chú Cuội thưởng thức!
Bốn là: Những năm gần đây cao trào làm thơ phát triển rất mạnh, có thể nói người người, lớp lớp làm thơ, nhưng rất buồn là trong ngày thơ chỉ thấy toàn những nhà thơ “già” công chúng đã quen mặt quen tên. Chưa được thấy những gương mặt “trẻ” (trẻ về tuổi đời, trẻ về tuổi nghề) để chứng tỏ sự phát triển, sự lớn mạnh của Thơ Việt Nam.
Năm là: Thơ Việt Nam có nhiều hình thức, nhiều thể loại vì vậy đã là Ngày Thơ Việt Nam thì cũng nên thể hiện đa dạng, bởi Ngày Thơ Việt Nam không phải là ngày của Thơ mới (thơ tự do). Nếu tôi không nhầm thì Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức trong những năm qua nói chung và ở Nghệ An nói riêng là ngày thơ của Thơ tự do thống soái từ đầu tới cuối. Chúng tôi không được nghe các thể thơ truyền thống của dân tộc như thơ lục bát, song thất lục bát và thơ Đường luật. Nói về thơ Đường luật đã được tổ tiên ta vận dụng sáng tác hàng ngàn năm nay và đã để lại nhiều thi phẩm bất hủ. Cách đây khoảng 10 năm Câu lạc bộ Unesco Thơ Đường Việt Nam (nay là Hội thơ Đường luật Việt Nam) đã được thành lập. Chỉ riêng tỉnh Nghệ An đã có hàng chục chi nhánh thơ Đường và hàng trăm hội viên tham gia nhưng không hiểu tại sao Ngày Thơ Việt Nam lại vắng bóng thơ Đường? Mặt khác, Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn bài thơ Đường luật “Nguyên Tiêu” của Bác Hồ và lấy ngày Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng) làm “Ngày Thơ Việt Nam” thế mà cả một ngày Hội thơ của đất nước lại không có một bài thơ Đường luật nào. Không hiểu thơ Đường luật hiện nay không có bài nào đáng chọn hay vì lý do gì? Phải chăng Ban Tổ chức dị ứng với thơ Đường nên mới “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”.
Bên trên là một số ý kiến của Người yêu thơ muốn chia sẻ với các cụ đã và đang “Thắp sáng Đường thi”. Đồng thời cũng góp ý với cơ quan chủ quản về Thơ của cả Trung ương và địa phương nhằm mục đích sao cho “Ngày Thơ Việt Nam” ngày càng đa dạng hơn, phong phú hơn, đổi mới hơn, chất lượng hơn.