Cuộc sống quanh ta
Mấy ghi nhận về đời sống văn học 2009
1. Quán triệt Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị
Năm nay, Hội đồng LLPB văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức 03 lớp tập huấn, bồi dưỡng lý luận phê bình văn học nghệ thuật nhằm cung cấp cho các cán bộ chỉ đạo, quản lí văn hoá,… những kiến thức cơ bản về quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật đã được thể hiện trong Nghị quyết 23, một nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về văn học nghệ thuật. Cũng trong năm, Hội đồng lý luận phê bình VHNT Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, đặt ra một số vấn đề đương đại của sáng tác văn học.
Chỉ tính riêng Hội thảo khoa học “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay” (8/2009) cũng thấy, trong xu thế giao lưu, hội nhập và toàn cầu hoá, có nhiều vấn đề đang được đặt ra và đòi hỏi giải quyết cả trên phương diện lí luận, lẫn thực tiễn sáng tạo. Chi phối đời sống sáng tạo, còn có sự kiện, Hội đồng LLPB VHNT Trung ương triển khai các đề án: Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật, Chống sự xâm nhập của các sản phẩm độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội… do Ban Bí thư giao.
Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương phối hợp với các Bộ, Ban, ngành thành lập các tổ soạn thảo 9 Đề án triển khai Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn học nghệ thuật. Bao gồm: “Xây dựng Nghị định về các Hội Văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, “Xây dựng chương trình, nội dung đào tạo về văn học nghệ thuật trong hệ thống các trường chính trị – hành chính”, “Xây dựng Chương trình giáo dục thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong các trường học”, “Tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hoá, văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, “Xây dựng và rà soát các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ. Chế độ tài trợ đặt hàng đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật. Chính sách khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động văn học nghệ thuật và thành lập Quỹ sáng tác”,… Bên cạnh những Đề án nêu, UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam còn tham gia đóng góp văn bản cho Đề án “Tính xã hội của tổ chức Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam” do Bộ Nội vụ chủ trì và Đề án “Tính dân chủ trong nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật” do Viện Nghiên cứu Văn hoá chủ trì. Nói gọn lại, sáng tạo văn học nghệ thuật trong thời kì mới, được kiện toàn về mặt tổ chức, được củng cố để trở thành một mặt trận thống nhất chung.
2. Hoạt động sáng tác văn học ồn ào, ít thành tựu…
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Hội VHNT của cả nước mở trại sáng tác, hội thảo, tập huấn cho hàng nghìn văn nghệ sĩ. 05 Nhà sáng tác của Trung tâm hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lúc nào cũng có văn nghệ sĩ cả nước tham dự sáng tác. Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, 10 Hội chuyên ngành Trung ương; và các Hội VHNT các tỉnh, thành phố tiếp tục phát động cuộc thi sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sẽ trao giải đợt II vào dịp Lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2 và dịp Lễ kỷ niệm sinh nhật Bác ngày 19/5/2010. Một số Hội VHNT tỉnh, thành phố phát động các cuộc thi sáng tác về đề tài nông thôn, công nghiệp, về đề tài biên phòng và kỉ niệm kháng chiến, có Hội còn mở cuộc vận động sáng tác về thuỷ điện Sơn La, về chuyển đổi cây trồng, tái định cư… Có hàng trăm chuyến đi thực tế và trại sáng tác được tổ chức, trong và sau các sự kiện này có hàng nghìn tác phẩm được công bố, xuất bản. Chất lượng nghệ thuật của các sáng tác văn học loại này chưa cao, có lẽ gây chú ý hơn cả chỉ ở tính phong trào và tính thời sự.
Hồi kí và các sáng tác có tính tự truyện tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận. Cuốn Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh, Một mình một ngựa và Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương của Ma Văn Kháng đặt ra các vấn đề có ý nghĩa thời sự về thực tiễn của thể loại hồi kí – tự truyện; cơ sở và tiêu chí đánh giá quan điểm, cách nhìn của chủ thể sáng tạo, ngay vấn đề hình thức công bố tác phẩm cũng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh sự phong bế, kiểm duyệt vẫn còn đang được duy trì và áp dụng. Hồi kí Nguyễn Đăng Mạnh mặc dù chỉ phát tán trên mạng, nhưng đã có ảnh hưởng rộng rãi trong giới văn chương, một số diễn đàn đăng tải các bài phê bình ráo riết chỉ trích Nguyễn Đăng Mạnh, đây đó cho thấy rõ tính chất cực đoan, cơ hội trong các phản hồi. Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương, sau khi được thẩm định đã bị cắt gọt dăm chục trang.
Truyện ngắn năm nay trôi đi một cách thong thả, chưa có dấu hiệu nào cho thấy có sự đổi mới mạnh mẽ về nghệ thuật. Các sáng tác của Ngô Phan Lưu (Xoa tay và cười), Bảo Ninh (Chuyện xưa kết đi được chưa), Sương Nguyệt Minh (Dị hương), Võ Xuân Hà (Thế giới tối đen),… còn ít được quan tâm. Chỉ có thể loại tiểu thuyết mới có thêm điểm nhấn mới về hình thức tự sự. Quyên của Nguyễn Văn Thọ, Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng,… chẳng hạn. Các sáng tác thơ, cho dù được in ấn và quảng cáo rộng rãi, song cũng chưa có một sự đột khởi nào về phương diện tư tưởng và hình thức biểu đạt. Cuốn Thơ trẻ 360 độ chỉ hội hợp được các sáng tác và gương mặt thơ trẻ. Bản tường trình giấc mơ đi vắng của Lê Thiếu Nhơn, Những giấc mơ đa chiều của Tuệ Nguyên, Mùi thơm của im lặng của Đồng Chuông Tử, Với tay ngắt bóng của Đỗ Trọng Khơi và Hai bầu trời của Khánh Phương, Và đột nhiên gió thổi của Mai Văn Phấn… mới chỉ được một số trang báo điểm danh và quảng cáo.
Hội VHNT Lạng Sơn tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật tại Bà Rịa - Vũng Tàu, kết thúc trại đã thu được 88 tác phẩm thuộc các loại hình văn xuôi, thơ, nhiếp ảnh, mỹ thuật. Hội VHNT Lào Cai tổ chức cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế tại các thôn, bản, trường học tại huyện Bát Xát. Hội VHNT Sơn La mở Trại sáng tác tại tỉnh cho 51 hội viên, cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề Xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La, di dân tái định cư và chương trình phát triển cây cao su của tỉnh. Hội VHNT Lai Châu mở Trại sáng tác tại Đại Lải và 03 đợt đi thực tế. Hội VHNT Hải Dương tổ chức cuộc thi thơ lục bát trên tạp chí Văn nghệ Hải Dương, xuất bản 05 đầu sách mới. Hội VHNT Quảng Ninh mở được 7 Trại sáng tác cho gần 30 hội viên các chuyên ngành. Hội VHNT Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức trại viết ký văn học cho 21 tác giả trong và ngoài Hội. Hội VHNT Đak Lak tổ chức đi thực tế sáng tác về các đề tài chiến tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Hội VHNT Quảng Trị tổ chức Trại sáng tác có sự tham gia của 40 tác giả, thu về 13 bài ký, 4 truyện ngắn và 46 bài thơ; xuất bản 05 đầu sách bao gồm truyện ngắn, bút ký và thơ… Chung quanh chuyện nhà văn đi thực tế và chuyện mở Trại sáng tác rầm rộ ở khắp các tỉnh thành, ngoài chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, còn đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm về hiệu quả và di chứng của “cuộc đi” đó.
3. Phê bình văn học nhiều sự vụ, và còn ở tình trạng tản mạn…
Hội thảo “Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay” được tổ chức chủ yếu nhằm triển khai tinh thần của Nghị quyết 23 và hướng đến việc “đề xuất với Đảng, Nhà nước những phương hướng, nhiệm vụ khả thi, những công việc trọng tâm phải làm”.
Một số Hội VHNT địa phương tổ chức Hội thảo về sáng tác, lý luận phê bình văn học nghệ thuật đương đại, chỉ rõ thực trạng bi đát của phê bình văn học địa phương, củng cố quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật. Hội VHNT Lào Cai đăng cai Hội thảo sáng tác về đề tài dân tộc và miền núi, Hội VHNT Phú Thọ đăng cai Hội thảo về Thực trạng lý luận phê bình văn học nghệ thuật ở các Hội VHNT địa phương, hội thảo sáng tác về đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Hội Liên hiệp VHNT Tp. HCM tổ chức hội thảo về quan điểm “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận…” của Hồ Chí Minh. Hội VHNT Nam Định tổ chức hội thảo Thực trạng thơ Nam Định hiện nay; hội thảo Nâng cao chất lượng viết truyện ngắn.
Các cuộc “Hội thảo” về văn học trẻ, do Ban Công tác Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, L’espace… tổ chức: Toạ đàm tác phẩm Di Li (Trại hoa đỏ, Bảy ngày trên sa,Bóng đêm bao trùm, 6/2009) Toạ đàm tác phẩm của Phong Điệp (Kẻ dự phần, Blogger, 7/2009), Tọa đàm Tác phẩm Nguyễn Quỳnh Trang (1981, Nhiều cách sống. 10/2009), Toạ đàm tác phẩm Đặng Thiều Quang (8/2009); Toạ đàm Thơ trẻ 360 độ, Nhà văn trẻ và câu chuyện thế hệ (10/2009)… cho thấy có một sự cố gắng duyệt đội ngũ, nhận diện gương mặt trẻ, song sự kiện đó đồng thời cũng phản ánh rõ chẳng những sự đơn điệu, làng nhàng và ồn ào giả vờ trong các sáng tác trẻ mà còn cả chất lượng chuyên môn của phê bình văn chương.
Các bài viết: “Nhà văn trẻ cày nhiều”, “Nhà văn trẻ, bươn chải và khát vọng” (Lê Anh Hoài), “Lý giải về sự khó đọc của tiểu thuyết hiện nay” (Phùng Gia Thế), “Người viết trẻ "được mùa" tiểu thuyết?” (Trần Hoàng Thiên Kim), “Truyện ngắn 8x, một thái độ sống và sáng tạo” (Nguyễn Hoài Thu), “Vốn sống của người viết trẻ” (Nguyễn Văn Học), “Người viết phải biết tự trọng với nghề” (Tường Duy), … đã đặt ra các vấn đề về vốn sống, những khó khăn, thách thức của người viết trẻ, những thiên hướng sáng tác hiện nay của họ, sự dồi dào của sức viết và khả năng sáng tác hàng loạt…. Các bài: “Vụng về trình diễn thơ”, “Nhớ lại hai đêm trình diễn thơ”, “Trình diễn thơ – một kiểu giết thơ”… chỉ rõ nguồn ảnh hưởng của trình diễn thơ, các yếu tố cốt lõi của thơ trình diễn, thực trạng và xu thế vận động của loại hình này ở Việt Nam. Cũng trong năm nay, đội ngũ phê bình văn học trẻ được duyệt lại, những thách thức và nét riêng trong cách làm phê bình của thế hệ mới tiếp tục được đặt và được ghi nhận: “Phê bình văn học trẻ tiếp nối và lớn mạnh (Văn Giá), “Phê bình văn học trẻ: cung chưa đủ cầu” (Diệp Thảo), “Lý luận phê bình văn học Trẻ: còn nhiều thách thức” (Hiền Nguyễn)…
Có nhiều vấn đề của đời sống văn học tiếp tục được phê bình văn học đặt ra và giải quyết tương đối rốt ráo. Có thể kể đến vấn đề văn học mạng, năm nay loại hình này đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Giới cầm bút đã bắt đầu nói đến văn học mạng như “xu thế không cưỡng nổi”, nói đến “những con sâu mạng”, thậm chỉ cả “văn hoá mạng thời hội nhập”, và “mùa văn học mạng”… Cùng với vấn đề văn học mạng, phê bình truyền thông đã chú ý tới các giải thưởng văn học tư nhân (Lá Trầu, Bách Việt…), giải thưởng của các Hội chuyên ngành. Giới truyền thông kịp thời đem các vấn đề uy tín của các giải thưởng, xu thế xã hội hoá giải thưởng và tiêu chuẩn đánh giá tác phẩm văn học ra thảo luận. Sự kiện Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn để khuyết giải thường niên về thơ chỉ cho thấy sự thất bại của Hội đồng này trước yêu cầu nắm bắt những chuyển biến phức tạp và đa dạng của đời sống văn học.
Năm 2008 nở rộ các sáng tác tự truyện đồng tính: Bóng của Nguyễn Văn Dũng, Không lạc loài của Nguyễn Thành Trung, Song song của Vũ Đình Giang và “Những đốm lửa trên Vịnh Tây Tử” của Trang Hạ… Năm nay, đánh giá lại vấn đề này phía sáng tác phủ nhận tính chất hiện tượng, trào lưu của nó, coi đó là việc rất bình thường; phía phê bình vẫn giữ quan điểm chê trách nhiều hơn khen ngợi.
Cuộc bàn tròn: Ý thức nữ và nhà văn (12-1-09) do tạp chí Tia Sáng thực hiện, có sự tham gia của Trần Thuỳ Mai, Thiên Ngân, Ngô Thị Hạnh, Song Phạm, Thanh Nguyên, Trần Lê Sơn Ý, Hồng Hạnh,… đã lí giải các khái niệm nữ quyền, nữ tính từ nhiều cảm quan, một số người viết thừa nhận họ có quan tâm đến đến vấn đề giới trong sáng tác, xem đó là vấn đề quan trọng, chi phối cách thể hiện, lựa chọn đề tài, xây dựng nhân vật trung tâm. Tác giả Lý Lan có bài viết sâu sắc về Phê bình văn học nữ quyền cũng đăng trên tạp chí Tia sáng, đặt ra các vấn đề: phê bình văn học nữ quyền là gì, các giai đoạn phát triển của phê bình văn học nữ quyền và sự vận dụng lí thuyết văn học nữ quyền ở Việt Nam. Hoạt động phê bình văn học nữ quyền ở Việt Nam đã chớm nở trong mười năm gần đây, sự phát triển lực lượng nhà văn nữ trong gần một thế kỷ qua, nhất là ba thập niên gần đây và những thành tựu họ đạt được đã khẳng định sự tồn tại và khởi sắc của một nền văn học nữ Việt Nam đương đại; và thực tế này đòi hỏi những lý thuyết văn học tương thích để phân tích phê bình và đánh giá. Chung quanh vấn đề văn học đồng tính, sex trong văn chương, văn học nữ quyền và phê bình nữ quyền, một số diễn đàn (Tiền phong, Tia sáng, Văn nghệ Trẻ) đã tạo ra sự trao đổi, bàn tròn có ý nghĩa thiết thực.
Cuộc trao đổi – đối thoại về chủ nghĩa hậu hiện đại trên phương diện lí thuyết và biểu hiện thực tế của nó trong văn học Việt Nam tạo thành một sự kiện đáng chú ý trên một số diễn đàn, gồm cả báo mạng internet và báo viết. Báo điện tử Tổ quốc có chuyên đề: “Câu chuyện về một kiểu cắt nghĩa xã hội” (Lã Nguyên), “Văn chương Hậu hiện đại, nhìn từ góc độ sáng tác” (Lê Anh Hoài), “Đối thoại về con đường đi vào văn chương hậu hiện đại Việt Nam” (Inrasara cà Hải Lam), “Một cái nhìn về thực tiễn văn chương hậu hiện đại” (Phùng Gia Thế). Tạp chí Hồng Lĩnh cũng đăng loạt bài: “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại” (Hoàng Ngọc Hiến), “Về lối viết hậu hiện đại trong văn học ta” (Hà Quảng). Bản tin LLPB văn học nghệ thuật số 10/2009: “Nhận biết về chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật” (Hồ Sĩ Vịnh)… Có lẽ chỉ đến năm nay, phê bình nhận diện văn học hậu hiện đại ở ta mới tạo thành một vệt đậm và gây chú ý cả các tác giả ở hải ngoại.
Có nhiều sự kiện phê bình tạo được dấu ấn trong đời sống văn học. Hội thảo “Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá” ở Đồng Nai tháng 1/2009 đặt ra vấn đề cách viết, cách tư duy của người viết trong thời kì CNH - HDH, hội thảo “Văn học với đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân” ở An Giang tháng 3/2009, đề cập đến nhiều vấn đề về tình hình văn học trong vùng ĐB SCL, về trách nhiệm của nhà văn trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, cùng những trăn trở của nhà văn về vấn đề tam nông. Cùng với sự xuất hiện của nhiều trường ca trong năm, một số vấn đề của trường ca được bàn lại, bàn tiếp sâu sắc hơn. Toạ đàm trường ca Trần Anh Thái 6/2009 do Viện Văn học tổ chức, “Đối thoại trường ca và trường ca hiện đại” có sự tham gia của Chu Văn Sơn, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Văn Dân; Tản mạn về trường ca của Trần Đình Sử;Trần Anh Thái với thi pháp của lửa của Đoàn Ánh Dương; Trường ca Trường Sơn - Những điểm nhấn của Đoàn Minh Tâm, Thanh Thảo và trường ca của Chu Văn Sơn… cho thấy những đăng trưng của thi pháp trường ca, nguồn gốc và diễn tiến của thể loại này. Các vấn đề truyện trinh thám và tiểu thuyết trinh thám, đặc trưng và vai trò của phê bình văn học trong năm chụm lại thành một vệt bài trên các diễn dàn Văn nghệ Trệ, Văn nghệ, Thể thao văn hoá… chỉ tiếc rằng ở đó vẫn chưa có nhiều bài viết có kiến giải, phát hiện mới về thể loại này ở ta. Báo Sài Gòn giải phóng có loạt bài về văn học đề tài chiến tranh cách mạng, cho thấy sự thiếu hụt của lực lượng và tác phẩm viết về đề tài đó. Giới Blogger Việt Nam tranh luận kéo dài về Ma chiến hữu của Mạc Ngôn, chung quanh nội dung quan điểm, cách nhìn về chiến tranh biến giới Việt – Trung, 1979. Các cuốn 100 khuôn mặt văn nghệ sĩ của Vũ Uyên Giang, Hồ Nam; Hồi kí của một thằng hèn của Tô Hải bị phê bình mạnh mẽ trên báo Văn nghệ công an. Gió lẻ và 9 câu chuyện khác của Nguyễn Ngọc Tư, Giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh, Trịnh Công Sơn, vết chân dã tràng của Ban Mai… đặt ra các vấn đề về ảnh hưởng, cách viết, sự trung thực trong học thuật, sự khách quan và văn hoá phê bình.
Có ba xu hướng phê bình đáng kể: phê bình văn học nữ quyền, phê bình phân tâm học, phê bình thi pháp. Xu hướng thứ nhất mặc dù chưa có thành tựu, nhưng qua một số bài viết lẻ đã và đang đặt ra những vấn đề sẽ còn được được giải quyết thấu đáo hơn nữa. Xu hướng thứ hai, nổi bật có cuốn Sự ham muốn của bút pháp của Đỗ Lai Thuý. Xu hướng thứ ba có Thơ, thi pháp và chân dung của Đặng Tiến. Nói chung, phê bình văn học năm nay cơ bản vẫn ở tình trạng tản mạn và phân tán. Các đặc điểm này chẳng những thể hiện trong một người viết trước sự bề bộn, rợn ngợp của văn chương, mà còn ở giữa những người viết trong cách xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá văn học hoặc trong cách đặt ra một vấn đề văn học nào đó; giữa phê bình văn học hải ngoại và trong nước, giữa các thế hệ trong văn chương. Chính sự phân tán, tản mạn trong phê bình đã khiến cho chính phê bình cứ quẩn quanh mãi trong việc xác định chức năng, đối tượng, bản chất của nó; cho nên mới có hiện tượng năm trước nhận diện thực trạng, năm sau lại nhận diện thực trạng và bàn về chức năng phê bình.
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511785
Hôm nay
2111
Hôm qua
2337
Tuần này
22159
Tháng này
218658
Tháng qua
121356
Tất cả
114511785