Thế là một tính từ trở thành danh từ mới, chưa hề có trong các từ điển lớn trước đó như Larousse 1866-1878 hay Đại từ điển Bách khoa 1885-1902. Ngay sau đó, thế giới đã chấp nhận một từ ngữ mới.
Đó là bản kháng nghị nổi tiếng, của các nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng, chống lại một bản án oan cũng nổi tiếng là xấu xa trong lịch sử tư pháp (xử đại úy Dreyfuss, sau gọi là “Sự kiện Dreyfuss”).
Trên thực tế, các tác giả của bản kháng nghị đã bị chính quyền chỉ trích, phân biệt đối xử, hăm dọa, kể cả tù đầy, nhưng không nao núng, mà vẫn theo đuổi sự việc tới cùng. Nay gọi là dấn thân.
Như vậy, danh từ “trí thức” ra đời nhân một sự kiện chống bất công nói riêng và chống mọi bất cập của xã hội nói chung.
Từ đó, một người có học vấn cao sẽ được mang danh “trí thức” nếu ông ta sẵn sàng tạm bước ra khỏi lĩnh vực chuyên sâu của mình để lên tiếng – với lập luận vững chắc – về những bất cập xã hội, với động cơ không vụ lợi. Nay gọi là phản biện.
Sau 100 năm, nghĩa gốc bị thay đổi
Từ rất lâu trước khi có từ “trí thức”, xã hội đã sử dụng nhiều từ tôn vinh dành cho những người có học vấn uyên thâm, làm nghề sáng tạo: nào là học giả, nhà văn, nào là nghệ sĩ, bác học…
Đó là bước tiến lớn khi xã hội nhận ra các sản phẩm tinh thần ngày càng đặc trưng cho văn minh nhân loại.
Từ “trí thức” xuất hiện năm 1906 với nội hàm mới, đủ phân biệt với những từ ngữ vẫn quen dùng trước đó… Để được gọi là trí thức, điều kiện “cần” là làm nghề sáng tạo các giá trị tinh thần; còn điều kiện “đủ” là phản biện xã hội – để xã hội tốt đẹp thêm.
“Trí thức” xâm nhập Việt Nam từ ngót trăm năm, đến nay nghĩa gốc có nhiều thay đổi. Đại thể, có hai hướng lớn:
- Một hướng cố giữ nguyên nghĩa: tuy chỉ thoi thóp, bị chìm lấp, nhưng khi cần thiết và gặp hoàn cảnh thuận lợi vẫn cứ bùng lên – chứng tỏ nó chưa chết hẳn. Bằng chứng là cách đây 5 năm – khi mọi người thảo luận sôi nổi về vai trò trí thức – đã có những “suy nghĩ về khái niệm trí thức”. Sau đó, thêm một ý kiến khác tỏ vẻ không đồng tình (với hướng thứ hai) về sự tầm thường hóa trí thức, với nhận định “trí thức ngày càng đông, nhưng càng… không đúng nghĩa”…
– Một hướng khác, áp đảo, đã rất thành công biến “trí thức” thành một từ bao quát và gói ghém trong nó tất cả các từ cụ thể quen dùng trước đó (như: học giả, soạn giả, tác gia, bác học, văn gia…). Ở mức độ cụ thể hơn nữa, ta có các từ chỉ rõ bằng cấp và nghề nghiệp của họ (ví dụ): tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, giáo sư, nhà văn, nhà khoa học, nhà toán học… Tất cả, đều được quan điểm này coi là trí thức.
Theo hướng thứ hai, công lao của người sáng tạo từ “trí thức” rốt cuộc chỉ là đưa ra một từ chung, để gộp vào nó các từ sẵn có về giới “có học” trong xã hội.
Hướng thứ hai mạnh tới mức khuất phục được cả nhiều người soạn từ điển và soạn Nghị Quyết ở nước ta. Và do vậy, cũng là ý kiến của đông đảo bạn đọc trong cuộc thảo luận đầu năm 2012. Cụ thể, số người nói giống như GS Ngô Bảo Châu (và như Nghị Quyết) vẫn đông gấp bội số người đồng ý với GS Chu Hảo.
GS Ngô Bảo Châu:“Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”… giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.
Nghị quyết số 27-NQ/TW (6-8-2008) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã đưa quan điểm:
Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.
GS Chu Hảo:
Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức.
Nó càng thuận tiện khi cần tổng kết thành tích đào tạo. Nếu – như hiện nay – coi tốt nghiệp cao đẳng cũng là trí thức, thì số lượng giới này của chúng ta đào tạo ra đã tới vài triệu – là đông đảo, hết sức phong phú.
Đương nhiên, để phát huy sức mạnh xây dựng CNXH của đông đảo trí thức, cần phải xếp họ vào đội ngũ – đúng như nghị quyết đã chỉ rõ. Nó cũng giúp chúng ta hiểu thêm một đặc trưng lớn của trí thức XHCN.
- N.N.L.