Có phải UBND tỉnh “tiền hậu bất nhất”?
Trong bài báo trên đây, tác giả Phạm Xuân Cần viết: “Sai sót quan trọng nhất và có thể là một trong những nguyên nhân gây ra rắc rối cho giải thưởng HXH lần này chính là sự thiếu nhất quán về thành phần Hội đồng giải thưởng giữa các văn bản pháp lý”.
Đọc kỹ các văn bản của UBND tỉnh về giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV không hề thấy chỗ nào là “thiếu nhất quán về thành phần Hội đồng giải thưởng”. Trong Quyết định thành lập BCĐ, Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo (Quyết định số 3908/QĐ.UBND.VX ngày 6/9/2010) ghi rõ ràng danh sách BCĐ, Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo gồm 44 vị, trong đó có một số vị vừa là thành viên BCĐ, vừa là thành viên Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo. Do yêu cầu phải bổ sung thành viên BCĐ, Tổ thư ký giúp việc và thay thế thành viên Hội đồng sơ khảo nên ngày 30/12/2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 6410/QĐ.UBND.VX bổ sung 3 thành viên vào BCĐ, Tổ thư ký giúp việc và thay thế 2 thành viên Hội đồng sơ khảo. Sau Quyết định này, thành viên BCĐ, Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo giữ nguyên cho đến hết giải. Vậy căn cứ vào đâu để nói rằng: “thiếu nhất quán về thành phần Hội đồng giải thưởng giữa các văn bản pháp lý”? Thật ra, tác giả Phạm Xuân Cần đã lập luận dựa vào sự thay đổi quy định về cơ chế ràng buộc giữa người tham gia chấm giải với người có tác phẩm dự giải để đi đến kết luận "thiếu nhất quán về Hội đồng giải thưởng”. Quy định này được ghi tại tiết 3, điều 2 của Quyết định 3908 như sau: “Để đảm bảo tính khách quan, các thành viên của các Ban sơ khảo, Hội đồng chung khảo không vừa là những người có tác phẩm tham dự Giải”. Sau khi Quyết định này ban hành, lãnh đạo Hội VHNT đã trực tiếp gặp Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Trạc (nay là Bí thư Tỉnh ủy) đề nghị không đưa quy định trên đây vào Quyết định của UBND tỉnh mà để cho Điều lệ giải quy định. Đáp ứng đề nghị đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Trạc đã gạch bỏ tiết 3, điều 2 của Quyết định 3908, ghi rõ ràng bên lề: “Do Điều lệ giải quy định” và chuyển văn bản này yêu cầu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường hoàn chỉnh lại. Đó là lí do vì sao trong Quyết định 6410 có thêm nội dung thứ hai là hủy bỏ tiết 3, điều 2 của Quyết định 3908. Cần nhớ rằng, trong tờ trình số 06/TTr-TTrH ngày 2/4/2010 của Hội VHNT do Chủ tịch Hội Mai Cường ký đề nghị “Thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ 4-giai đoạn 2006 - 2010” không hề có dòng nào ghi quy định trên đây. Điều đó chứng tỏ, quy định trên đây hoàn toàn do UBND tỉnh đưa vào Quyết định 3908 chứ không phải do Hội VHNT đề xuất bằng văn bản. Việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 6410 hủy bỏ quy định tại tiết 3, điều 2 của Quyết định 3908 là hoàn toàn đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, coi như quy định này không có trong Quyết định của UBND tỉnh. Không thể nói là UBND tỉnh “tiền hậu bất nhất” trong việc quy định thành phần Hội đồng giải thưởng. Nói cách khác, UBND tỉnh không quy định cơ chế ràng buộc giữa người tham gia chấm giải với người có tác phẩm dự giải mà trả lại cho Hội VHNT tham mưu đưa vào Điều lệ. Còn đưa như thế nào, giữ nguyên hay sửa đổi thì đó là quyền của Hội VHNT. Khi đưa vào Thể lệ giải, quy định trên đây được sửa lại là: “Thành viên Hội đồng sơ khảo, thành viên Hội đồng chung khảo nếu có tác phẩm dự giải thì không được dự các phiên họp xét, cho điểm tác phẩm của mình”. Sự thay đổi này là thẩm quyền của Hội VHNT. Dù công văn đề nghị thay đổi quy định này là của BCĐ thì người kí và chịu trách nhiệm vẫn là Phó Chủ tịch Hội VHNT. Sự thay đổi này nếu không được thông qua Ban thường vụ, Ban chấp hành Hội VHNT thì đó là không đúng nguyên tắc làm việc, chứ không phải là sai phạm về nguyên tắc pháp luật. Nội bộ Hội VHNT không thống nhất với sự thay đổi này là do thiếu đoàn kết nhất trí, thể hiện sự không ổn trong nội bộ Hội VHNT. Không thể biến sự không ổn trong nội bộ Hội VHNT thành sự “không ổn về khung khổ pháp lý” của giải thưởng Hồ Xuân Hương.
Ai chỉ đạo giải thưởng?
Dưới tiểu đề “Bỗng dưng… Ban chỉ đạo”, tác giả Phạm Xuân Cần viết: “Điều khác biệt rõ nhất của kỳ giải thưởng lần này là sự xuất hiện của Ban chỉ đạo… Ban chỉ đạo được thành lập nhằm mục đích để chỉ đạo giải thưởng HXH được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, nhưng rõ ràng chức năng, quyền và nhiệm vụ không rõ, quy chế hoạt động không có, văn bản gốc là Thể lệ giải cũng không có chỗ cho thiết chế này. Điều này đã vô hình chung đặt BCĐ trong tình trạng lơ lửng “chân không đến đất, cật không đến trời”. Cứ như lập luận của tác giả Phạm Xuân Cần thì BCĐ giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV thành lập ra là thừa, là “lơ lửng chân không đến đất, cật không đến trời”. Giải thưởng Hồ Xuân Hương là của tỉnh, do đó UBND tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo. Cơ chế chỉ đạo của cả 4 lần trao giải thưởng là: Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối văn xã thay mặt UBND tỉnh chỉ đạo giải thưởng, trực tiếp làm Chủ tịch Hội đồng giải thưởng (hoặc Trưởng Ban chỉ đạo), Chủ tịch Hội VHNT làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng (hoặc Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo), Giám đốc Sở VHTT (nay là Sở VH-TT&DL) và một số thành viên khác thuộc thành phần lãnh đạo làm ủy viên Hội đồng giải thưởng (hoặc ủy viên Ban chỉ đạo). Thành lập hay không thành lập Ban chỉ đạo thì trách nhiệm chỉ đạo giải thưởng vẫn là của các thành viên đó, không có gì thay đổi. Quy định hay không quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Ban chỉ đạo thì các thành viên Ban chỉ đạo vẫn phải làm việc theo cương vị, trách nhiệm của mình. Cứ như lập luận của tác giả Phạm Xuân Cần thì giải thưởng Hồ Xuân Hương không cần Ban chỉ đạo vì đây là một thiết chế “lơ lửng, chân không đến đất, cật không đến trời”. Nếu vậy thì Hội đồng giải thưởng chỉ có các Ban sơ khảo, còn Hội đồng chung khảo chỉ có mấy vị Trưởng Ban sơ khảo ngồi lại với nhau. Thử hỏi, việc chung khảo quyết định chọn tác phẩm để trao giải thưởng sẽ thực hiện như thế nào, do ai chỉ đạo? Đó là chưa nói nhiều công việc quan trọng khác như làm việc với lãnh đạo tỉnh về chủ trương, làm việc với Sở tài chính để giải quyết kinh phí, làm việc với Văn phòng UBND tỉnh để ban hành các văn bản; tất cả những công việc ấy nếu không có Ban chỉ đạo thì ai làm? Và khi phát sinh các đơn thư khiếu kiện, ngoài Ban chỉ đạo thì ai có thẩm quyền giải quyết? Từ trước tới nay, UBND tỉnh đã thành lập hàng chục Ban chỉ đạo như: Ban chỉ đạo xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn hóa; Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Ban chỉ đạo an toàn giao thông; Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm; Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng… Nhiều cuộc hội nghị tổng kết, hội thảo khoa học, nhiều cuộc vận động lớn, UBND tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo. Đó là thẩm quyền của UBND tỉnh chứ đâu phải là “bỗng dưng” như tác giả Phạm Xuân Cần viết. Trong Quyết định thành lập các Ban chỉ đạo đều chỉ ghi nhiệm vụ một cách tổng quát như Quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải thưởng Hồ Xuân Hương chứ làm gì có quy định cụ thể về quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động như tác giả Phạm Xuân Cần yêu cầu. Đối với những Ban chỉ đạo có sự tham gia của nhiều ngành thì phải phân công công việc cụ thể cho từng thành phần để dễ phối hợp. Nếu quy định quyền hạn của Ban chỉ đạo thì cũng chỉ là việc sử dụng con dấu, số tài khoản.
Thật ra, lập luận của tác giả Phạm Xuân Cần chỉ là bắt bẻ trên văn bản, còn trong thực tế thì tác giả thừa hiểu quyền năng của Ban chỉ đạo. Chứng cớ là khi viết bài báo trên đây, tác giả không gửi đăng báo ngay mà gửi cho Bí thư Tỉnh ủy Phan Đình Trạc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh -Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Xuân Đường với yêu cầu là phải hủy kết quả chấm giải làm lại từ đầu. Và khi biết đề nghị của mình không được chấp nhận, tác giả mới gửi bài đăng báo. Hãy nghe tác giả tâm sự trong bài “Hãy tranh luận một cách sòng phẳng và minh bạch” (đăng báo Lao động Nghệ An số 731 ra ngày 24/11/2011): “Và tôi đã chờ, cho đến khi biết chính xác thông tin Ban chỉ đạo đã họp và quyết định vẫn tiếp tục giải thì mới gửi bài báo đi. Tôi nghĩ mình đã ứng xử không tồi”. Nếu Ban chỉ đạo là “lơ lửng, chân không đến đất, cật không đến trời” thì làm gì tác giả Phạm Xuân Cần gửi gắm niềm tin đến mức như vậy.
Quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật?
Theo quan điểm của tác giả Phạm Xuân Cần thì giải thưởng Hồ Xuân Hương là giải thưởng của Nhà nước, do đó cơ quan thường trực chịu trách nhiệm xây dựng các văn bản cho giải thưởng này phải là Sở VH-TT&DL, là cơ quan quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật. Vì vậy, việc UBND tỉnh quy định: “Hội VHNT Nghệ An là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm xây dựng Điều lệ, cơ cấu và mức giải thưởng” là chưa hợp lý. Tác giả cho rằng: “Sự thiếu chuyên nghiệp về pháp lý có lẽ có nguồn gốc từ việc giao cho Hội VHNT chủ trì xây dựng Điều lệ giải và các văn bản khác”. Theo tác giả thì “việc xây dựng văn bản pháp luật là của cơ quan nhà nước”. Tác giả còn so sánh việc Sở VH-TT&DL tham mưu cho UBND tỉnh về giải thưởng Hồ Xuân Hương giống như Sở TT&TT tham mưu về giải thưởng báo chí.
Có đúng Sở VH-TT&DL là cơ quan quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật? Để lý giải điều này phải căn cứ quy định của pháp luật và trên cơ sở khoa học về quản lý nhà nước chứ không thể khẳng định một cách chủ quan. Trong cuốn “Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam” của PGS-TS Nguyễn Cửu Việt (NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội-2008) định nghĩa khái niệm quản lý nhà nước như sau:
“Quản lý nhà nước được hiểu theo hai phạm vi: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Quản lý nhà nước theo nghĩa rộng là toàn bộ mọi hoạt động của Nhà nước nói chung, mọi hoạt động mang tính chất nhà nước, nhằm thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước”. “Hoạt động hành pháp - một trong ba loại hoạt động cơ bản của Nhà nước, tức là hoạt động chấp hành hiến pháp, luật và điều hành trên cơ sở hiến pháp và các luật đó, chính là quản lý nhà nước theo nghĩa hẹp”. (Sách đã dẫn, trang 19-20).
Nếu Sở VH-TT&DL có nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật thì đó là quản lý nhà nước theo nghĩa hẹp, tức là hoạt động hành pháp. Vậy Sở VH-TT&DL quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật thì “điều hành” theo những điều luật nào? Hội VHNT chịu sự quản lý nhà nước của Sở VH-TT &DL thì “chấp hành” theo những điều luật nào? Hiện nay, Nhà nước chưa ban hành Luật về phát triển văn học nghệ thuật (không phải Luật Nhà văn như đề nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Hồng). Chỉ có nghệ thuật Điện ảnh là đã có Luật Điện ảnh và một số bộ môn nghệ thuật khác có văn bản quản lý nhà nước của Bộ VH-TT&DL như: nghệ thuật biểu diễn, mĩ thuật, nhiếp ảnh. Lĩnh vực văn học với nhiều bộ môn như sáng tác, lý luận phê bình, sưu tầm nghiên cứu, dịch thuật, đều chưa có luật hoặc các văn bản quản lý nhà nước. Các giải thưởng văn học nghệ thuật của trung ương cũng chỉ mới có Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là có Pháp lệnh, do đó cơ quan thường trực là Bộ VH-TT&DL. Bộ VH-TT&DL (trước đây là Bộ VHTT) cũng chỉ quản lý nhà nước đối với những bộ môn nghệ thuật đã có luật hoặc có văn bản quản lý nhà nước như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật và nhiếp ảnh. Sở VH-TT&DL Nghệ An chưa có thẩm quyền quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật mà chỉ thực hiện chức năng quản lý của cơ quan chủ quản đối với các đoàn nghệ thuật và các đơn vị có hoạt động mĩ thuật, nhiếp ảnh. Trong phạm vi quản lý chuyên ngành, Sở VH-TT&DL chỉ quản lý hoạt động văn nghệ quần chúng, không quản lý văn học nghệ thuật chuyên nghiệp. Còn Sở TT&TT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí là theo quy định của Luật Báo chí. Tại khoản 4, điều 17a của Luật Sửa đổi một số điều của Luật Báo chí (ban hành năm 1999) quy định cơ quan quản lý nhà nước về báo chí địa phương như sau: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về báo chí trong phạm vi địa phương, theo sự phân cấp của Chính phủ”. Quy định như vậy thì đương nhiên Sở TT&TT có nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về báo chí. Tác giả Phạm Xuân Cần viết rằng: “Việc xây dựng văn bản pháp luật là của cơ quan Nhà nước”. Vậy giải thích thế nào khi Luật Công đoàn qua ba lần sửa đổi đều do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hệ thống tổ chức công đoàn xây dựng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hệ thống tổ chức công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội chứ đâu phải cơ quan Nhà nước.
Giải thưởng Hồ Xuân Hương là giải thưởng của tỉnh, do đó chọn đơn vị nào làm cơ quan thường trực là quyền của UBND tỉnh. Khi Sở VH-TT&DL chưa phải là cơ quan quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật thì chọn Hội VHNT làm cơ quan thường trực là hợp lý vì Hội vừa quản lý hội viên, vừa quản lý các tác phẩm dự giải, là cơ quan chuyên môn.
Tác giả Phạm Xuân Cần cho rằng giao cho Hội VHNT làm cơ quan thường trực giải thưởng Hồ Xuân Hương là “thiếu chuyên nghiệp về pháp lý”, nhưng cứ lập luận như tác giả thì không biết tính chuyên nghiệp về pháp lý thể hiện ở chỗ nào?