Ban chấp hành Trung ương nhận định: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Nghị quyết đã nhận diện và chỉ rõ những vấn đề cấp bách nhất về xây dựng Đảng hiện nay. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với muôn vàn biểu hiện khác nhau của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp. Đó là công tác cán bộ còn lúng túng, bị động, công tác quy hoạch cán bộ, nhất là ở trung ương chưa tốt, việc bố trí cán bộ chưa công tâm, khách quan. Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” ở nhiều nơi rơi vào tình trạng hình thức dẫn đến hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết vừa tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Ban chấp hành TW xác định nguyên nhân của tình trạng sa sút, yếu kém của Đảng là do chưa có tiền lệ về việc thực hiện đổi mới kinh tế, phải mò mẫm, vừa làm vừa học… chưa lường được diễn biến và các khó khăn trong quá trình đổi mới; Do chống phá của các thế lực thù địch với các âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường chia rẽ nội bộ Đảng, ly gián Dân với Đảng, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhưng nguyên nhân chính là do chủ quan, do cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu; Do việc thực hiện không nghiêm các chủ trương, chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước; Các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, bị vi phạm; Công tác tổ chức, cán bộ còn có biểu hiện lạc hậu về nhận thức, hủ lậu về thực hành; Tình trạng buôn quan bán chức đang hủy hoại sức sống của Đảng và Nhà nước. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nhiều khi còn hình thức; Công tác kiểm tra, giám sát giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp còn chưa thường xuyên, chưa nghiêm.
Trước thực trạng đáng lo ngại đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã xác định phải tập trung để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách về tư tưởng chính trị, đội ngũ cán bộ và phương thức lãnh đạo của Đảng với những mục tiêu, phương châm và giải pháp cụ thể.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã nhận thức và nhận định vấn đề một cách sát thực, đúng đắn về những khó khăn của Đảng ta hiện nay; xác lập được mục tiêu, cách đi, bước đi phù hợp để chỉnh đốn lại Đảng trên các phương diện chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ… Những nhận định trên thể hiện sự dũng cảm nhận chân vấn đề của Đảng, điều mà không phải lúc nào Đảng ta cũng làm được kịp thời. Hơn nữa, Đảng ta cũng đã tự nhận trách nhiệm chính về các nguy cơ này. Đây chính là tiền đề cho sự tự đổi mới, tự chấn chỉnh mình để tăng cường sức mạnh và ý chí vùng thoát khỏi các nguy cơ của Đảng ta.
Việc khắc phục và hóa giải các nguy cơ đối với Đảng và chế độ không phải là dễ dàng và nhanh chóng nhưng là điều khả thi. Chúng ta có thể tin tưởng điều đó vì Nghị quyết 4 đã thể hiện và khẳng định tư duy sáng suốt, bản lĩnh kiên định của Đảng ta. Nhân dân chờ đợi và hy vọng Đảng ta sẽ thực hiện nghiêm túc, quyết liệt quyết tâm và sách lược chính trị quan trọng này. Đó là phương thuốc không thể không dùng để chống căn bệnh suy thoái hiện nay./.