Ở đâu có thể không còn trân trọng cái danh làng văn hóa, gia đình văn hóa, nhưng ở Hưng Thắng điều đó vẫn là một giá trị được cộng đồng ghi nhận, tôn vinh. Ngày đại đoàn kết, ngoài rất nhiều hoạt động được 6/6 xóm tổ chức như văn nghệ thể thao, cũng là ngày giữa “ba quân thiên hạ” tờ giấy nhỏ nhưng chở đầy ý nghĩa “gia đình văn hóa” được trân trọng trao cho mỗi gia đình. Lại như xóm 16, đó còn là ngày truyền thống của xóm. Nhà nhà góp chung làm nên một bữa liên hoan mặn thật rôm rả mà đầm ấm. Người ta bảo, “vui đâu vui chính do mình tạo nên”, với Hưng Thắng quả là thế thật. Người phụ nữ Hưng Thắng, bận rộn thế, nào ruộng đồng, nào chăn nuôi, nào việc nhà nhưng chẳng thua kém ai, dẫn đầu luôn cả phong trào thể thao, văn nghệ. Trong 6 đội văn nghệ, 6 đội bóng chuyền của 6 xóm, tổ chức phụ nữ vẫn là mạnh nhất. Hầu như chiều nào chị em cũng luyện tập, “trước là khỏe cho mình, sau nữa cho chồng con được nhờ”, chị Chủ tịch Hội phụ nữ xã cười bảo vậy. Mới đây thôi, Hưng Thắng đã có một câu lạc bộ dân ca, thành lập trước tiên trong toàn huyện. Hóa ra cũng vui, cũng hay. 14 thành viên yêu dân ca xứ Nghệ được hát hò vào mỗi ngày thứ 7 hoặc chủ nhật cuối cùng của tháng, mỗi quý lại về một xóm biểu diễn thỏa cái yêu thích dân ca trong ai đó còn rạo rực và hâm nóng tình yêu cho ai đó đang hững hờ. Có làm mới thấy, thực ra vẫn còn nhiều người mặn nồng với dân ca quê mẹ. Cái ngày ra mắt cũng có nhà hảo tâm nọ doanh nghiệp kia tài trợ. Chưa thật xuất sắc, nhưng CLB dân ca xứ Nghệ Hưng Thắng đại diện cho Hưng Nguyên đi thi ở tỉnh cũng kiếm được cái giải ba. Cái quan trọng là mình làm, mình phục vụ dân mình, dân mình yêu mình, cái đó Hưng Thắng đã làm được. Vậy nên dân vẫn nỗ lực xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Chỉ còn một làng nữa cố gắng là Hưng Thắng có đủ 100% làng đạt danh hiệu LVH, còn gia đình văn hóa thì hàng năm đạt từ 81-84%, các hoạt động thể thao văn nghệ vẫn sôi động trong xóm ngoài làng, tạo cho Hưng Thắng một không khí tươi vui và đầm ấm.
Hưng Thắng là vậy, huyện Hưng Nguyên cũng vậy, sau một năm chuyển động cũng cố gắng để tạo nên những nét mới cho gương mặt văn hóa. Cái dễ nhận thấy đó là sự chỉn chu, bắt mắt của hệ thống cổ động trực quan. Năm 2011, Hưng Nguyên đã đầu tư hoàn thiện 5 cổng chào ở đường 48 và đường tránh Vinh, thêm 9 điểm treo băng rôn dọc đường 48, 03 điểm ở các xã vùng giáo, 2 cụm cổ động chính trị tại Hưng Mĩ và di tích Lê Hồng Phong. Các cụm cổ động ở Hưng Xá, Hưng Châu, Hưng Yên, Hưng Đạo, thị trấn và 10 panô lưu động cũng thường xuyên thay đổi chủ đề tạo không khí rộn ràng trong những ngày có sự kiện lớn. Gần một tỉ đồng đầu tư cho hoạt động tuyên truyền năm 2011, và rất có hiệu quả, đó là điều chưa năm nào Hưng Nguyên làm được.
Hoạt động văn nghệ cũng sôi động hơn so với các năm trước, nhất là trong tổ chức hội phụ nữ. Vẫn là chị em dẫn đầu, văn nghệ trong tổ liên gia, hay đội văn nghệ xóm, xã, chị em vẫn hăng say và hoạt động tích cực nhất. Phong trào ca hát trong các cơ quan cũng bắt đầu mạnh lên. Các hoạt động văn hóa văn nghệ của huyện cũng chú trọng hơn về cơ sở. Việc tham gia các hội diễn, liên hoan văn nghệ ở tỉnh là một dịp để huyện nhà đầu tư hơn, chăm tỉa hơn cho chương trình thêm hay, thêm chất lượng. Sau cuộc thi, là những chuyến đi lưu diễn phục vụ nhân dân tại cơ sở. Đâu cứ phải chuyên nghiệp hay danh ca nổi tiếng, những chương trình “cây nhà lá vườn” vẫn được bà con hào hứng đón đợi. Đó chính là cuộc sống văn hóa ở cơ sở, cũng là điều mà những người làm văn hóa mong đợi nhất mỗi lần về cơ sở.
Đời sống có thể chưa thật giàu có, nhưng chính quyền huyện nhà và người dân vẫn không quên chăm lo các di tích. Di tích lịch sử Xứ ủy Trung kỳ, đền thờ Trạng nguyên Bạch Liêu, đền Thái Phúc, đền Long Giang, đền Rậm, đền vua Lê, đền Hoàng Mười, đặc biệt là Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh... đang được trùng tu tôn tạo lớn, nhỏ mà nguồn chính vẫn là xã hội hóa với hàng tỉ đồng kinh phí. Cũng trong dòng chảy tìm về văn hóa cội nguồn, một điều rất ý nghĩa với Hưng Nguyên, với di sản quê hương là việc triển khai đề án Sưu tầm di sản Hán Nôm trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, một việc làm cho di sản Hán Nôm duy nhất có ở cấp huyện. Câu chuyện anh em lặn lội vào Thư viện Huế, ra Thư viện Trung ương để tìm tư liệu mà trong đó có công rất lớn của thầy giáo, nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Huy Bích để bây giờ huyện nhà đã có được một tài liệu quý giá về Hán Nôm chứng tỏ sự lo lắng, sự quan tâm của người Hưng Nguyên hôm nay cho văn hóa Hưng Nguyên, cho văn hóa tương lai....
Cái gặt hái được năm qua, với văn hóa Hưng Nguyên, đó còn là hoạt động thể thao. Chơi cầu lông, bóng đá ở cơ sở là chuyện chơi hàng ngày theo nhu cầu của người dân, vốn đã duy trì từ lâu nay, không có gì phải bàn. Phụ nữ thì mạnh về bóng chuyền, cầu lông, thanh niên thì mạnh về bóng đá, ở đâu có sân bóng là chiều nào cũng rậm rịch người chơi, người hò reo cổ vũ. Các giải thi đấu, giao lưu nhân các sự kiện cũng đội này, xã kia tham gia đầy đủ. Còn chuyện đi thi thố, Hưng Nguyên cũng không kém bạn thua bè. Giải cầu lông toàn tỉnh 2011, là năm đầu tiên Hưng Nguyên có được một đội ngũ đông nhất về số lượng đồng thời cũng có chất lượng nhất với 1 HCV, 2HCB, 3HCĐ đứng tốp đầu với 4 đơn vị bạn. Bóng đá thiếu niên nhi đồng cúp báo Nghệ An, Hưng Nguyên cũng giành được giải ba, vượt hẳn các năm trước. Tham gia đua thuyền trong lễ hội sông nước Cửa Lò, Hưng Nguyên giật luôn 02 giải nhất đáng mặt vùng quê có dòng Lam chảy qua, kèm theo đó là giải nhất Teakwondo, rồi 5HCV đầu bảng Karatedo... khẳng định một sự vươn lên, một sức bật đã được hình thành trong thể thao Hưng Nguyên, tạo đà đi lên cho năm mới.
Hi vọng trong năm con rồng này, với đà sẵn có, Hưng Nguyên không ngừng phấn đấu để mỗi năm lại có thêm nhiều cái mới, cho văn hóa huyện nhà ngày một khởi sắc, phong phú, bề thế hơn.