TỐI thứ 7 hàng tuần, 19 thành viên của câu lạc bộ dân ca Thái bản Cằng, xã Môn Sơn lại tụ họp về nhà văn hóa bản để sinh hoạt. Tiếng khèn, tiếng pí, tiếng sáo của các nghệ nhân Lương Văn Nghiệp, Vi Văn Thân lại réo rắt, hòa quyện vào các điệu nhuôn, xuối, lăm… của các mẹ, các chị. Thành lập vào tháng 2/2010 với 14 thành viên, đến nay, sau gần 2 năm hoạt động, CLB dân ca bản Cằng thu hút thêm 5 thành viên tham gia sinh hoạt. 19 thành viên với đầy đủ thành phần, lứa tuổi: hội người cao tuổi, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, có người đã hơn 60 tuổi, có người mới đôi mươi, nhưng điểm chung ở họ là yêu thích dân ca, không muốn dân ca, nhạc cụ dân tộc mình bị thất truyền. Bác Vi Văn Thân (62 tuổi) thổi khèn và hát khắp thì ít ai sánh bằng. Trẻ tuổi như các anh Lô Văn Điệp, Hà Đức Trường (mới ngoài 20) nhưng có giọng hát rất tốt. Còn nghệ nhân Lương Văn Nghiệp - Chủ nhiệm CLB thì vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Anh không những chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ: khèn, đàn tính, pí, xi xa lo, tập pinh, tăng bu, trống, chiêng mà còn truyền dạy cho mọi người nhạc cụ dân tộc. Anh tích cực sưu tầm những điệu múa, bài hát và các loại nhạc cụ dân tộc Thái rồi dàn dựng, tập luyện cho CLB để biểu diễn phục vụ bà con dân bản và tham gia các hội thi văn nghệ do xã, huyện tổ chức. CLB hoạt động hoàn toàn tự nguyện, mà theo như anh Nghiệp nói thì: “Vui là chính, mình vui, bản làng vui là sướng cái bụng rồi” và “Nếu không biết giữ gìn, dân ca, nhạc cụ dân tộc mất dần thì tiếc lắm”. Ngoài sinh hoạt định kỳ, các đám cưới, lễ mừng nhà mới trong vùng đều có CLB đến góp vui, rồi các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày kỷ niệm các đoàn thể… lời ca, tiếng đàn lại rộn ràng thôn bản. Anh Nghiệp còn khoe: Xã Môn Sơn hiện có tới 4 CLB dân ca, nhạc cụ dân tộc Thái (CLB của xã và 3 CLB các bản: Cằng, Tân Sơn và bản Xiềng) và cả 4 CLB đều hoạt động rất tốt.
Khởi nguồn việc thành lập của các CLB dân ca Thái ở Con Cuông là từ xã Yên Khê. Tháng 12/ 2007, CLB dân ca Thái bản Tờ, xã Yên Khê chính thức ra mắt và duy trì hoạt động vào tối thứ 7 hàng tuần trong suốt 4 năm qua. Các nghệ nhân Vi Thị Lan, Vi Thị Thiết và nhiều người cao tuổi như bác Lương Văn Minh, Lương Văn Hảo gắn bó với CLB từ ngày thành lập tới nay. Với mong muốn: “Lời ca, tiếng đàn của dân tộc mình không bị mai một…” cụ Lang, cụ Thiết đã truyền niềm yêu thích hát dân ca cho các con, cháu trong anh em, họ hàng. Cụ Vi Thị Lan không chỉ hát được các làn điệu cổ mà còn dựa trên các làn điệu đó sáng tác rất nhiều bài hát mới có nội dung đối đáp giao duyên, hát mừng nhà mới, mừng có cháu trai, cháu gái để dạy cho các hội viên CLB. Sau một năm, xã Yên Khê có thêm CLB dân ca Thái ở bản Nưa.
Không chỉ ở Yên khê, Môn Sơn, CLB dân ca Thái liên tục được thành lập ở các xã: Lục Dạ, Chi Khê, Bồng Khê, Lạng Khê, Mậu Đức, Thạch Ngàn… và điểm chung đáng ghi nhận ở các CLB là hội viên tham gia tự nguyện với mong muốn vốn văn nghệ dân gian của dân tộc mình mãi được lưu truyền. Nhạc cụ thì do các hội viên tự chế, sưu tầm. Cụ Lô Tiến Lục ở bản Tổng Xan, xã Thạch Ngàn, vừa có tài đàn hát lại rất khéo tay làm ra những chiếc khèn bè, sáo Pí và những nhạc cụ cổ truyền khác bằng tre, nứa và quả bầu gáo. Các Nghệ nhân Lương Văn Nghiệp (Môn Sơn), Lô Tiến Lục (Thạch Ngàn), Lô Hữu Toàn (Mậu Đức)… rất tích cực trong việc truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ nhằm khơi dậy và thắp lên ngọn lửa tình yêu âm nhạc cho bà con đồng bào Thái nơi đây.
Từ khi các CLB ra đời, phong trào đàn, hát dân ca dân tộc Thái lan tỏa mạnh. Nhiều gia đình, dòng họ ở Con Cuông đã bắt đầu tìm mua thêm các bộ chiêng, trống. Họ xuống tận các xã Diễn Tháp, Diễn Hồng (Diễn Châu) đặt mua các nhạc cụ. Đó là những nỗ lực đáng quý từ phía người dân. Đến thời điểm này, huyện Con Cuông đã có 15 CLB dân ca và nhạc cụ dân tộc được thành lập và hoạt động khá hiệu quả. Con số đó ghi nhận những cố gắng của đội ngũ cán bộ văn hóa huyện nhà. Cùng với việc xây dựng CLB dân ca, nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác nhằm bảo tồn và phát huy vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào Thái được ngành văn hóa huyện nhà quan tâm tổ chức hàng năm như Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen và nhiều hội diễn văn nghệ khác.
Tuy nhiên, để dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào Thái nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung được bảo tồn bền vững thì sự nỗ lực của người dân và cán bộ ngành văn hóa là chưa đủ mà cần phải được sự tiếp sức của nhà nước và toàn xã hội. Một tin vui các CLB bản Nưa, bản Yên Thành (Lục Dạ) và bản Xiềng vừa được dự án phát triển du lịch cộng đồng vườn Quốc gia Pù Mát tập huấn và cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở Hòa Bình. Mong rằng, dân ca, dân nhạc, dân vũ của đồng bào Thái sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.