Khách mời văn hóa

Giáo sư Hồ Sĩ Quý: Rất cần một bảng giá trị không lệch lạc

VHNA: Gần đây, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã ra nghị quyết 4 về chỉnh đốn Đảng. Xét cho cùng đây cũng chính là vấn đề Con Người, vấn đề văn hoá, tất nhiên là khu biệt ở cộng đồng cán bộ, đảng viên của Đảng. Để có thể có một cái nhìn toàn diện hơn vấn đề này từ trong chiều sâu tâm thức văn hoá, đặt vấn đề trong tổng thể cộng đồng dân tộc, VHNA đã có cuộc trao đổi với giáo sư, tiến sĩ triết học Hồ Sĩ Quý – Viện trưởng Viện thông tin Khoa học xã hội. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Mỗi cá nhân thông thường đều có những nét riêng về phẩm chất, tính cách. Tuy vậy, trong phạm vi một cộng đồng thì sự khác biệt của các cá nhân đó lại không làm mất đi những phẩm chất và những tính cách chung, mà người ta thường gọi là mẫu số chung về tính cách cộng đồng. Chúng tôi quan niệm đó là bảng giá trị nhân cách của cộng đồng. Nếu chấp nhận cách hiểu này thì, theo Giáo sư, trong bảng giá trị đó, cộng đồng người Việt Nam chúng ta có những phẩm chất nào được coi là tiêu biểu nhất, và những cái gì tạm gọi như là những thói xấu cố hữu chưa gột bỏ được?
GS. HSQ: Nét tích cực tiêu biểu và những thói xấu cố hữu trong tính cách người Việt là chuyện được bàn nhiều ở vài năm trước, lúc tâm thế xã hội còn tràn đầy không khí lạc quan, cái không khí khiến nhiều người tin hơn ở những đức tính tốt đẹp của người Việt, coi đó có thể là nguyên nhân lớn tạo nên sự phát triển. Một phần nữa, lúc đó cuốn sách “Người Trung Quốc xâu xí” của Bá Dương, tác giả người Đài Loan, mới được biết đến nên cũng gây ảnh hưởng, tạo cảm hứng mới mẻ cho sự bàn cãi. Mấy năm nay, đời sống kinh tế xã hội tuy vẫn phát triển nhưng đã nảy sinh nhiều vấn đề nổi cộm, có những điểm tắc nghẽn rất khó khai thông nên việc bàn đến tính cách người Việt có phần nhạt đi. Hiện thời, có lẽ anh Vương Trí Nhàn là một trong số ít những người còn mặn mà với chủ đề này.
Sự thực, đây là vấn đề rất căn bản, nằm ở tầng rất sâu trong văn hóa. Nó sẽ đeo bám sự phát triển trong mọi bước ở tương lai. Nghĩa là điều hay, nếu đạt tới, nó cũng có công, và cái dở, nếu mắc phải, nó cũng là một trong những kẻ tội đồ.
Trong một số bài báo và trả lời phỏng vấn, tôi cũng đã vài lần khẳng định cái hay, cái dở ở người Việt. Nay, lùi xa hơn một chút để suy ngẫm, tôi thấy, vẫn đủ cơ sở để một lần nữa khẳng định, thông minh, năng động, học giỏi và ít nhiều chịu khó là phẩm chất khó phủ nhận của người Việt, trong so sánh với bất kỳ cộng động tương đương nào. Và, thiếu triệt để trong tư duy và hành động, thiếu đại lượng khi nhìn nhận cá nhân, khi đánh giá người bên cạnh mình, và thiếu một bảng giá trị không lệch lạc để điều chỉnh hành vi là những điểm dở nhất trong tính cách người Việt, kể cả người Việt sống ở nước ngoài.
PV. Giáo sư có thể nói kỹ hơn...
GS. HSQ: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên các trang tin Online, lâu nay nhiều ý kiến đã tỏ ý hoài nghi các phẩm chất thông minh, năng động, học giỏi và chịu khó của người Việt. Các bằng cớ đưa ra cũng không dễ cãi. Cũng đã có những nghiên cứu định lượng công phu với ý định nhằm khẳng định một lần cho dứt điểm về vấn đề này. Nhưng sự thật không đơn giản thế, ấy là chưa nói đến việc nghiên cứu định lượng ở ta cũng chưa đạt tới trình độ thật tin cậy. Thành thử mọi ý kiến, kể cả ý kiến của tôi hôm nay, cũng chỉ là những cảm nhận, những suy tư, khái quát có phần cảm tính.
Nhưng thật khó phủ nhận, tại sao từ thời cụ Đào Duy Anh, cụ Nguyễn Văn Huyên, cụ Phạm Quỳnh đến tận ngày nay, lúc nào cũng có những tiếng nói và quan trọng hơn, những hiện tượng, những chứng cứ chứng minh cho những phẩm chất đẹp này ở người Việt. Xin không nhắc lại những hiện tượng đáng tự hào của nhiều cá nhân và cộng đồng người Việt ở Đức, ở Pháp, ở Mỹ … và trong các kỳ thi tranh tài quốc tế, dù không ít cuộc thi chỉ là những thi cử ở tầm học trò. Người Việt trong cạnh tranh, giao tiếp với các cộng đồng bên ngoài, thường bộc lộ khá rõ tư chất thông minh, dù đôi lúc thông minh có phần “láu cá”. Tính năng động, độ nhạy bén, khả năng thích nghi với hoàn cảnh, cũng là phẩm chất khá trội, dù không ít trường hợp vẫn chưa vượt quá trình độ “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Còn tinh thần hiếu học, thì xưa nay luôn là giá trị dễ thấy nhất, dù mục đích của việc học thường vẫn bị chê trách là học “để làm quan”, học để có bằng cấp, và nhiều lắm là học để làm việc, chứ rất ít người học với tinh thần “yêu thích tìm ra sự thật hơn là làm vua Ba Tư”. Và, tính cần cù, sự chịu khó trong kiếm sống nữa. Ngày nay, người cần cù có thể ít hơn, nhưng cũng chưa hề quá lời khi không ít người vẫn bị chê là “cần cù đến cù lần”.
Tôi nghĩ rằng, nếu cộng đồng, các tổ chức xã hội, bộ máy giáo dục và các quan chức có trách nhiệm, có cái nhìn “đãi cát tìm vàng”, chứ không phải “bới lông tìm vết”, với những hiện tượng này, ít ra phải được như cụ Tạ Quang Bửu ngày trước, thì tình hình sẽ khả dĩ hơn rất nhiều. Không đánh giá thích đáng những hiện tượng này, có thể sẽ là một sự lãng phí ngớ ngẩn. Ý tôi muốn nói là, nếu không đủ đại lượng để có cái nhìn ưu ái với những hiện tượng này, để nâng đỡ, khuyến khích, sử dụng và phát huy những hiện tượng này, xã hội sẽ lãng phí một nguồn lực quý - nguồn lực trí tuệ, nguồn lực con người.
Cũng cần nói thêm rằng, nhu cầu xã hội về một cái nhìn đại lượng ưu ái đối với phẩm chất thông minh, năng động, học giỏi và chịu khó khi đánh giá con người, mà tôi muốn nói đến ở đây, không phải chỉ là nhu cầu cần có một thái độ, một “lòng tốt”, hay là một “quan chức anh minh”…, mà là nhu cầu trong hoạt động, trong thực tế với các chính sách, chế độ, cơ chế… đảm bảo cho các phẩm chất đẹp có cơ hội nảy nở, thể hiện mình và phát triển. Chỉ nghĩ trong đầu mà chưa thể hiện thành hành vi, thành chính sách thì vẫn chưa thể coi là có thái độ đúng. 
PV. Thế còn cái xấu của người Việt, thưa Giáo sư?
Như vừa đề cập, trong tính cách người Việt, những điểm hạn chế đáng ngại nhất, khi đối chiếu với nhu cầu của sự phát triển đất nước ở thời điểm hiện nay, đó là thiếu triệt để trong tư duy và hành động, thiếu đại lượng khi nhìn nhận cá nhân, khi đánh giá người bên cạnh mình, và thiếu một bảng giá trị không lệch lạc để điều chỉnh hành vi.
GS. Trần Đình Hượu trước đây đã cảnh báo đại ý rằng, người Việt ai cũng biết làm một vài câu thơ, nhưng chẳng có nhà thơ nào và tác phẩm thơ nào được tôn vinh như là biểu tượng của cả nền văn hóa. Ngay cả Nguyễn Du cũng chưa được như Tagore trong văn hóa Ấn Độ, hay Đỗ Phủ, Lý Bạch trong văn hóa Trung Hoa. Cả dân tộc đánh giặc ngoại xâm gần như liên tục trong nhiều thời đại, nhưng chẳng có tướng sĩ nào được tôn vinh thành tượng đài thiêng liêng của ý chí dân tộc; hình tượng Trần Hưng Đạo được biết đến trong tâm thức dân gian, trên thực tế, là tượng đài của một Đức Thánh Trần, chứ không phải là tượng đài của một nhà quân sự tài ba. Chiến sỹ - nông dân áo vải cờ đào thì mới chỉ là đám đông anh hùng, không hề có một gương mặt cụ thể với những nét tính cách cụ thể. Nếu Chiến tranh thế giới II để lại ở Nga một số con phố mang tên những chiến sỹ binh nhất binh nhì, thì Chiến tranh chống Mỹ ở ta, đến nay, ngay các vị tướng cũng chưa được nhắc tới. Và, điều đáng ngại là ở chỗ, chúng ta thấy thế là bình thường.
Triệt để trong tư duy và hành động thường có nguy cơ, và đôi khi buộc phải, rơi vào cực đoan. Nhưng ở ta, mẫu người cực đoan, trong lĩnh vực nào cũng thế, lại rất ít nhận được sự thiện cảm của cộng đồng, nếu không muốn nói là thường bị ghẻ lạnh. Trong khi đó, ở phương Tây, người cực đoan có “đám đông” của họ, và rất nhiều phát minh, sáng tạo, sáng chế, tác phẩm… đã ra đời từ những ý tưởng cực đoan ở những con người cực đoan. Cực đoan, trong không ít trường hợp là đi đến tận cùng lý lẽ của vấn đề, là tư duy “vét cạn” toàn bộ sự việc, buộc sự việc phải lộ ra bản chất của nó. Cực đoan, mặt tốt của nó là triệt để. Đây là cái mà người Việt rất thiếu. Ngày nay, nhìn vào các hiện tượng văn hóa - xã hội, dù đã qua nhiều năm hội nhập và GDP đã vượt qua ngưỡng 1000 USD đầu người năm, nhưng đâu đâu ta cũng thấy những hiện tượng cải tiến, chắp vá, “có mặt nọ có mặt kia”…; rất ít có những hiện tượng là sản phẩm của tư duy triệt để, nhất quán, làm một lần là xong và không phải làm lại.
PV. Có phải Giáo sư cho rằng triệt để thì phải cực đoan?
GS.HSQ: Mọi sự triệt để đều có màu sắc cực đoan. Nhưng rất nhiều hiện tượng cực đoan lại chẳng mang thái độ triệt để hay tư duy triệt để nào cả. Đây là điều không dễ phân biệt nên trước cộng đồng, những người có tư duy triệt để thường phải chịu thiệt thòi. Trong cộng đồng người Việt, không nhiều người đủ đại lượng để nhận ra trong số những người cực đoan thì ai là người có tư duy triệt để, có cái nhìn xuyên thấu logic của sự việc. Vậy nên, các liệu pháp sốc, các phương án toàn diện - tổng thể, các giải pháp chấp nhận hy sinh… thường rất khó được tán đồng; chưa kể, những khó khăn khách quan cho những giải pháp kiểu này lại luôn rất lớn.
Thực tế đời sống ở Việt Nam cho thấy, những khó khăn khách quan luôn có xu hướng khuất phục được rất nhiều người có tư duy triệt để, khiến mọi ý đồ triệt để nhất rồi cũng phải thỏa hiệp hoặc chùn bước. Nhiều sự khởi đầu đầy hăng hái nhưng do thiếu một sự cực đoan cần thiết, nên rồi, kết quả vẫn không như mong đợi. Những ý tưởng to lớn không hiếm khi vẫn chỉ cho ra những kết quả bé tý, thường là do thiếu một phương thức thực hiện hợp lý với những cách làm và cách nghĩ triệt để. Nền văn hóa ở ta không khuyến khích những người dám chết để làm điều mình cho là có ích. Cộng đồng luôn nhân danh những giá trị của tiền nhân về dại và khôn, lợi và hại, cho và nhận, tâm và tài… để răn dạy các cá nhân không nên quá mạo hiểm với đời sống của mình. Điều này cũng có ý nghĩa tích cực của nó. Nhưng về một phương diện khác thì nó cản bước sự sáng tạo, làm thui chột ý chí vươn tới đỉnh cao và kéo dài sự sống của những cái lạc hậu. Điều này rất khác với văn hóa duy lý châu Âu.
Cách đây ít lâu, đứng trước những vấn nạn của nền giáo dục nước nhà, GS. Hồ Ngọc Đại nhận xét: “Tình trạng loạn trường đại học, loạn giáo sư, loạn tiến sỹ… là thực trạng buồn của giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, cái cần “nổi loạn” nhất là sự nổi loạn của tư duy thì ta lại trì trệ, lại không dám, chỉ biết cam chịu”[1]. Tôi chú ý đến sự nhắc nhở của ông về tính triệt để trong tư duy và hành động. Với nền giáo dục đã có vài thập niên cải cách mà càng làm càng rối, thì tư duy chắp vá, thiếu triệt để, kém đồng bộ, chỉ “cải cách phần ngọn”… là thứ cần phải tính đến. Nghĩa là, cần có các giải pháp toàn diện - đồng bộ với tư duy triệt để. Nói như GS. Hoàng Tụy, sự trục trặc ở đây đã thuộc về lỗi hệ thống. Hệ thống vận hành của giáo dục đã không còn đủ sức tự sửa những lỗi của nó nữa. “Sai lầm hệ thống lớn nhất trong lĩnh vực giáo dục là đã đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới, kìm hãm thế hệ trẻ trong nền cử nghiệp hư học”[2].
Dĩ nhiên, cắt nghĩa sự yếu kém của giáo dục mà chỉ tìm nguyên nhân ở nếp tư duy, ở phẩm cách con người hay ở văn hóa thì rất không đầy đủ và do đó, rất dễ lệch lạc. Bởi đó là những nguyên nhân xa. Còn những nguyên nhân gần, nguyên nhân trực tiếp hơn của tình trạng yếu kém của giáo dục hiện đang thuộc về lợi ích, thuộc về bộ máy quản lý giáo dục, và cơ chế vận hành bộ máy quản lý ấy.
PV: Tôi đồng ý với Giáo sư, từ nhận thức đến chính sách là một khoảng cách, từ chính sách đến thực hiện chính sách lại là một khoảng cách lớn hơn. Giáo sư lý giải như thế nào về điều Giáo sư vừa nói, hiện nay ta đang thiếu một bảng giá trị không lệch lạc để điều chỉnh hành vi.
GS. HSQ: Theo tôi, bảng giá trị điều chỉnh hành vi ở ta đang lệch lạc, thậm chí khá lệch lạc.
Nếu lần theo những hiện tượng kinh tế - văn hóa - xã hội cụ thể, có lẽ không mấy khó khăn để nhận ra, mục đích thực, mục đích kép, hoặc mục đích ẩn giấu đằng sau không ít các hiện tượng đó không trùng với hoặc không giống như mục đích mà chủ nhân của những hiện tượng ấy trình diễn trước công luận. Ngày nay, khi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân… trá hình hoặc công nhiên can thiệp vào các kế sách, thì giá trị nào chi phối các động cơ của con người cũng không quá khó để nhận diện. Dư luận và báo mạng gần như than vãn hàng ngày về những lợi ích đằng sau một số dự án, công trình, kế hoạch… Cái điều chỉnh hành vi của những người vụ lợi trong các công trình dự án đó, hẳn không phải là những lợi ích quốc kế dân sinh. Không hề quá nếu nói rằng, đôi khi những thành tích quốc kế dân sinh, rất tiếc, lại chỉ là hệ quả của một lợi ích khuất tất khác. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hội nghị TW 4 mới đây đã phải ra Nghị quyết nhằm chặn lại hiện tượng “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” Thậm chí, Nghị quyết chỉ rõ, hiện tượng tệ hại đó đang “thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”[3]. Bởi vậy, nói lệch lạc về giá trị có thể cũng còn là nhẹ.
Nếu động cơ tối thượng thúc đẩy sự ra đời ồ ạt của các trường đại học những năm vừa qua nằm ngoài sứ mệnh thiêng liêng của giáo dục, thì giá trị thực dẫn dắt và điều chỉnh hoạt động của những trường đó, trước hết, hẳn không phải là tri thức, cũng không phải là nâng cao dân trí hay đào tạo nguồn nhân lực[4]. Và, cũng từ đó, nếu động cơ thúc đẩy người học đến trường không phải là tri thức… thì giá trị điều chỉnh hành vi của người học hẳn cũng không thể là trí tuệ, hay cao hơn, học để làm việc, làm người. Nhà trường và người học gặp nhau ở điểm này – mục tiêu cao nhất trên thực tế chỉ còn là mảnh bằng. Bằng thật, đương nhiên, nhưng kiến thức thì giả hoặc gần như giả. Ai đó nói vương quốc giả dối đã lên ngôi cũng không hề quá.
Hiện nay giá trị nào ở ta được tôn vinh xếp ở bậc thang cao nhất trong bảng các giá trị làm người. Rất tiếc, dù ít ai công khai thừa nhận, lại chính là “làm quan”giàu có. Tôi không nghĩ làm quan giàu có không phải là các giá trị đáng được trân quý. Nhưng làm quan giàu có là những giá trị cao hơn mọi giá trị khác, xếp đầu bảng trong bảng các giá trị, được tôn vinh từ công sở đến gia đình, thì ở đây đúng là có sự lệch lạc. Dĩ nhiên, những người thực sự mơ được làm quan và được trở thành giàu có không nhiều. Nhưng tôi nói bảng giá trị lệch lạc, vì biết rằng không ít cá nhân đã phải lỡ dở về sở trường sở đoản cá nhân, phải hy sinh niềm đam mê riêng của mình về văn chương, nghệ thuật, khoa học, hay thậm chí nhàn tản… để lao vào làm giàu và phấn đấu làm quan, vì nếu không như thế thì khó mà chịu nổi tiếng thở dài của vợ con, bố mẹ và những người thân, trước khi hứng chịu sự chê bai của xóm giềng, đồng nghiệp và xã hội. Người thành đạt được cộng đồng thừa nhận, ở ta, trước hết phải là người giàu có, hoặc “làm quan”, rồi mới đến các “tước vị” khác. Giải thưởng quốc tế và quốc gia về chuyên môn, dẫu có một không hai, cũng chưa phải là cao, nếu người nhận giải vẫn nghèo khó hoặc là người nằm ngoài vòng hoạn lộ (宦路). Nghệ sỹ tài ba, nhà khoa học tiếng tăm, người thày mẫu mực… cũng không tránh khỏi bị người thân và đồng nghiệp đo bằng thu nhập và chức vị.
Tình trạng này nếu còn kéo dài thì quả thực là nguy hiểm.
PV: Cha ông có câu “thuốc đắng dã tật”. Thuốc nào cho căn bệnh nói trên? Văn hóa và luật pháp? Hay là cái gì khác…? và văn hóa có phải là phương thuốc cơ bản nhất?
GS. HSQ: Giải pháp hữu hiệu và triệt để cho căn bệnh nói trên, cũng là giải pháp hữu hiệu và triệt để cho mọi căn bệnh khác ở Việt Nam trên đường chuyển đổi để phát triển, theo tôi, là công khai tất cả những gì có thể công khailoại trừ bằng được lợi ích cục bộ.
Ở tầm vĩ mô, tôi nghĩ đây là giải pháp trị được tận gốc mọi cái xấu trong xã hội. Mọi giải pháp khác chỉ là hệ quả của giải pháp này trong những lĩnh vực và hiện tượng cụ thể. Giải pháp này đụng đến cơ chế, xuyên qua các chính sách, gây sức ép đến từng người và tất cả các thiết chế xã hội, nên nó buộc cái xấu phải trả lại cho luật pháp tính nghiêm minh của luật pháp, trả lại cho văn hóa tính nhân văn của văn hóa, trả lại cho kinh tế tính chính đáng của lợi ích kinh tế, và trả lại cho chính trị tính “vị dân” của chính trị.
Thành tựu của sự phát triển đất nước từ những năm đổi mới đến nay, do rất đáng kể nên đã khiến chúng ta ít nhiều lãng quên ngăn ngừa lợi ích cục bộ và không chú ý thỏa đáng đến nhu cầu công khai của đời sống xã hội. Nay, tệ thiếu công khai và sự lộng quyền của lợi ích cục bộ đã cản trở sự phát triển đến mức báo động. Chúng đang “thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
PV: Xin cám ơn Giáo sư!
                                                                                     Thảo Nguyên thực hiện
 
[1]Hồ Ngọc Đại. Cần sự nổi dậy của tư duy giáo dục. http://dantri.com.vn/c0/s0-249651/can-su-noi-day-cua-tu-duy-giao-duc.htm
[2]Hoàng Tụy. Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống.
[4] Trong “Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học” trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 ngày 26/5/2010, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, từ 1998 đến 2009, đã có 304 trường đại học, cao đẳng được thành lập,trong đó có 230 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn; 9 trường đại học được nâng cấp từ khoa trực thuộc đại học Quốc gia, đại học vùng; 7 trường đại học được thành lập theo phương thức sáp nhập, chia tách và có 58 trường đại học, cao đẳng được thành lập mới hoàn toàn. 35/63 tỉnh, thành phố có thêm trường đại học, cao đẳng mới. Năm 1997, cả nước mới chỉ có 15 trường đại học ngoài công lập, đến hết tháng 9/2009 con số này là 78 trường. Nghĩa là bình quân trong thời gian này cứ 1 tháng có tới gần 3 đại học mới ra đời.  Xem: Báo cáo số 29/BC-UBTVQH12 ngày 26/5/2010 của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-6/2010).

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511101

Hôm nay

2100

Hôm qua

2359

Tuần này

21475

Tháng này

217974

Tháng qua

121356

Tất cả

114511101