Xứ Nghệ ngày nay
Chiều tà thành Vinh
Chiều xuống. Công chức già, trẻ, trai, gái ùa ra sân cầu lông, bóng chuyền. Lũ thanh thiếu niên kéo nhau ra sân bóng đá. Mấy ông bà trung niên hoặc về hưu xỏ giày ba ta, hướng Quảng trường, đi bộ. Một bộ phận khác bao gồm các doanh nghiệp và công chức có vẻ thành đạt hơn thì cầm vô lăng, vặn tay ga đến mấy câu lạc bộ quần vợt mới mở. Cũng là lúc mấy quán bia hơi dần nêm chặt người; những bà mẹ trẻ tất tả đi đón con, hoặc tranh thủ tạt qua chợ; còn bọn trẻ thì hối hả đạp xe đến…lớp học thêm…Đã thành nếp trên dưới chục năm như vậy. Dân gian gọi đó là chiều tà, chiều tà Thành Vinh, còn các nhà xã hội học văn hóa thì quy nó về những khái niệm thú vị: thì giờ rỗi và hứng thú sử dụng thì giờ rỗi.
Thì giờ rỗi và hoạt động rỗi là một nội dung lý thú trong xã hội học, nhất là xã hội học văn hoá. Khảo cứu vấn đề này cũng cho thấy sự khác biệt lớn giữa đô thị và nông thôn. Về mặt kinh tế xã hội thì thì giờ rỗi là khoảng thì giờ trong đó con người không bị ràng buộc bởi các nhu cầu sinh tồn sơ đẳng. Đó là khoảng thì giờ gần như tự do cho sự lựa chọn của mỗi người, mà chủ yếu là để thoả mãn các nhu cầu tinh thần. Vì vậy sử dụng thì giờ rỗi như thế nào cũng là một chỉ báo quan trọng về đặc điểm và đẳng cấp xã hội – văn hoá của mỗi người. Mặt khác, về thể chất cũng như tinh thần thì, con người dù tinh vi đến mấy cũng cần được nghỉ ngơi như một cỗ máy. Thời gian nghỉ này chính là thời gian căn chỉnh và tái tạo lại năng lượng. Chính vì vậy, về mặt tinh thần thì thì giờ rỗi chính là quãng thời gian cần cho sự sáng tạo. Không có thì giờ rỗi thì không có sáng tạo.
Ở nông thôn, cũng như ở đô thị nhịp thì giờ rỗi có thể giống nhau ở cấp độ ngày, thường là vào giữa trưa và cuối ngày. Ngoài điều đó ra, do điều kiện lao động, nghề nghiệp khác nhau nên thì giờ rỗi cũng có kết cấu khác nhau. Ở nông thôn, thì giờ rỗi ngoài nhịp ngày ra, còn có nhịp mùa vụ với khái niệm nông nhàn. Ở đô thị không có khái niệm mùa, nhưng có nhịp rỗi vào cuối tuần, trước đây là một, nay là hai ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài ra, nếu là công chức còn có một nhịp rỗi theo chu kỳ năm, đó là nghỉ phép. Tuy nhiên, nhịp nghỉ của người nông dân chủ yếu do thiên nhiên, tự nhiên quy định. Mệt thì nghỉ, gặt mùa xong thì nghỉ chẳng hạn. Với người đô thị, thì giờ rỗi được quy định bởi pháp luật hoặc thị trường, khó có thể tuỳ tiện. Ngay cả với một nhịp rỗi dài nhất, chung nhất cho mọi người, đó là nhịp rỗi cuối đời, thì thị dân và nông dân cũng có sự khác biệt khá rõ. Với thị dân, nhất là công chức tuổi nghỉ hưu hoặc thôi làm việc đã được thể chế hoá, hoặc được thực hiện khá rõ ràng, còn người nông dân, hầu như chỉ thôi làm việc khi không còn đủ sức. Dù điều kiện sống đã có nhiều thay đổi, nhưng tình hình đó cũng chưa phải đã đảo ngược.
Thế nhưng, sự khác biệt quan trọng nhất giữa đô thị và nông thôn là ở việc người ta đã sử dụng thì giờ rỗi như thế nào. Người ta chia hoạt động rỗi làm hai dạng: nghỉ ngơi và vui chơi, giải trí. Nghỉ ngơi được hiểu là hoạt động nghiêng về sinh lý, đơn thuần là cơ thể cần được ngừng làm việc để lấy lại sự cân bằng về vật chất và sức lực. Còn vui chơi, giải trí là hoạt động nghiêng về tinh thần, nhằm tạo lập sự cân bằng, hứng thú về tâm lý, hoặc kích thích sự sáng tạo. Riêng về vui chơi giải trí cũng được chia ra theo các cấp độ cao thấp như sau: hoạt động cơ thể(vui chơi, thể thao, du lịch); hoạt động thực hành (mỹ nghệ, thủ công…); hoạt động tâm hồn (văn chương nghệ thuật); hoạt động trí tuệ (tìm tòi, hoạt động khoa học nghiệp dư); hoạt động xã hội (giao lưu các nhóm bạn…)
Theo đó, tuy không thể nói một cách đơn giản: nông thôn thì nghỉ ngơi, đô thị thì vui chơi giải trí, nhưng hầu như mọi sự đo đếm đều cho thấy đó đang là hai xu hướng chính trong sử dụng thì giờ rỗi của hai khu vực. Hiện nay, đời sống tinh thần, vật chất của nông thôn cũng đã tăng lên, nhưng dù sao so với đô thị vẫn còn một khoảng cách khá xa. Bởi vậy, dù hàm lượng vui chơi giải trí trong sử dụng thì giờ rỗi ở nông thôn có tăng lên thì về mức độ, về sự đa dạng, phong phú, về đẳng cấp cũng chưa thể sánh với đô thị.
Mặc dù có trên hai trăm năm tuổi nhưng Vinh vẫn được coi là đô thị trẻ, với đặc trưng là chưa cắt rời được với nông thôn, vẫn còn nhiều dan díu với văn hoá làng xã. Trong sử dụng thì giờ rỗi cũng có tình hình tương tự. Rất tiếc, chúng tôi chưa có điều kiện để tổ chức các cuộc điều tra một cách chính xác về thì giờ rỗi và sử dụng thì giờ rỗi của các tầng lớp cư dân Vinh hiện nay. Thế nhưng, bằng các quan sát và quan sát thể nghiệm cũng có thể cảm nhận được đôi điều.
Trước hết có thể nhận thấy nhu cầu và việc tổ chức sử dụng thì giờ rỗi của người dân Vinh ngày càng đa dạng và phong phú với xu hướng chung là ngày càng lành mạnh. Phong trào rèn luyện thể dục thể thao phát triển mạnh, với tỷ lệ trên dưới 30% dân số tham gia tập luyện thường xuyên. Ngoài bóng đá ( 20 sân ), bóng chuyền( 206 sân), cầu lông ( trên 200 sân và nhà thi đấu), bóng bàn… là những môn thể thao đã phổ biến từ lâu ở Vinh, gần đây môn quần vợt cũng bắt đầu phát triển khá nhanh với 7 câu lạc bộ và một số sân của các cơ quan. Các môn thể thao này thu hút được hàng ngàn người tham gia vào mỗi buổi chiều, và thường được dân gian gọi là “chiều tà”, mà “bóng đá chiều tà” một thời ở sân C7 Quang Trung được coi như là một “thương hiệu”, một “đẳng cấp”. Đặc biệt gần đây, phong trào đi bộ rèn luyện sức khỏe phát triển sâu rộng trong tầng lớp những người lớn tuổi, tạo nên một hình ảnh, một thói quen đẹp khi chiều xuống. Từ ngày Quảng trường Hồ Chí Minh được xây dựng, năm 2003 đến nay, thì đây là đích đến của hàng nghìn người đi bộ hàng đêm, nhất là những ngày hè – thu. Vinh cũng là đô thị có hoạt động thể dục thể thao của người cao tuổi được tổ chức chặt chẽ và có phong trào mạnh, với hai môn thể thao được yêu thích là Thái cực quyền và Thái cực trường sinh. Vào ngày nghỉ, vài năm gần đây một thú vui mới được nhiều người yêu thích là câu cá. Ngoài ra, 6 công viên và vườn hoa góc phố cũng là nơi thu hút được một số lượng người đáng kể. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật nghiệp dư cũng phát triển khá rộng khắp, với những câu lạc bộ nổi tiếng như Câu lạc bộ thơ Hồng Lam, với hàng nghìn hội viên, có tổ chức rộng khắp các phường xã; câu lạc bộ Hán Nôm; câu lạc bộ văn nghệ của người khuyết tật…Ngoài ra hứng thú sử dụng thì giờ rỗi của tuyệt đại bộ phận dân cư chính là xem truyền hình. Như vậy hứng thú sử dụng thì giờ rỗi của người dân Vinh vẫn có xu hướng nghiêng về các hoạt động cơ thể nhiều hơn. Mặt khác, tuy chưa thống kê cụ thể, nhưng có cảm nhận là tỷ lệ tham gia các hoạt động thể dục thể thao của người cao tuổi lớn hơn tỷ lệ này ở thanh thiếu niên. Hình ảnh dễ bắt gặp vào mỗi buổi chiều là trong lúc người trung niên, phụ nữ đánh cầu lông, người già đi bộ, thì lớp trẻ đang ngụp lặn và hò hét trong các quán bia hơi, các cháu thiếu niên nhi đồng thì “chạy sô” theo các lớp học thêm. Ngay các môn thể thao được yêu thích thì một số môn như bơi lội, cờ vua…vốn rất cần cho trẻ con đô thị cũng rất kém phát triển ở Vinh. Đó là chưa kể tốc độ xây dựng nhanh đã làm biến mất nhiều sân chơi bãi tập, trong đó phải kể đến sự biến mất của thương hiệu “bóng đá chiều tà C7 Quang Trung”. Ngoài ra, nếu so với thể thao thì các hoạt động vui chơi giải trí khác về văn hóa tinh thần của cư dân Vinh có vẻ nghèo nàn hơn. Trong đó đáng kể là người Vinh gần như không còn thói quen đến rạp xem phim hay xem biểu diễn nghệ thuật. Nếu như dưới thời thuộc Pháp, với hai vạn dân, Vinh có tới ba bốn rạp hát và chiếu bóng, trong thời kỳ bao cấp, Vinh vẫn có ba rạp, và nhiều bãi chiếu phim ngoài trời, cùng với Nhà hát nhân dân ngoài trời, thì nay với gần ba mươi vạn dân, chỉ có một rạp chiếu phim, một nhà hát mà cũng không mấy khi sáng đèn, chật rạp. Thú vui đến sân vận động thì trồi trụt lên xuống, hoàn toàn phụ thuộc vào thành tích thi đấu của đội bóng đá Sông Lam. Đặc biệt, được mệnh danh là đất học, nhưng văn hóa đọc của người dân Vinh có dấu hiệu suy giảm rõ nét. Số người ham mê đọc sách thật sự không nhiều. Trẻ con đa phần chỉ say truyện tranh, lớn lên thì đọc trên mạng là chủ yếu. Các tác phẩm văn học không còn là chủ đề của các cuộc tranh luận hay nhàn đàm nữa. Các nhà văn Xứ Nghệ vì vậy thiếu công chúng, gần như họ chỉ đọc cho nhau và đọc của nhau. Ngày càng ít nhà có tủ sách gia đình. Có thể coi ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc là đúng với thực trạng thành phố Vinh: “ Cần vận động khôi phục, xây dựng lại các tủ sách gia đình, chống lại kiểu văn hóa trọc phú, nhà giàu nào cũng có một tủ rượu rất sang mà tuyệt đối không có tủ sách, đem khoe với mọi người bao giờ cũng đem khoe tủ rượu, chứ không hề khoe tủ sách.”[1]
Những hiện tượng trên đây cho thấy hứng thú sử dụng thì giờ rỗi của cư dân Vinh đang có xu hướng thiên về các hoạt động thân thể, các thú vui bình dân, thị dân. Các hoạt động văn hóa nhằm di dưỡng tâm hồn, tái tạo khả năng sáng tạo còn chưa phổ biến. Phải chăng điều này cũng phản ánh dân trí chung, phản ánh đẳng cấp văn hóa của đô thị Vinh? Vì vậy cùng với việc nâng cao dân trí nói chung, cần phải từng bước nâng cao thị hiếu và nhu cầu hưởng thụ văn hóa một cách lành mạnh và ở trình độ ngày càng cao. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho mọi người dân đều có thể tham gia vào các sinh hoạt văn hóa thể thao, vui chơi giải trí mà mình yêu thích và phù hợp với điều kiện công tác, sinh hoạt và thu nhập của mình. Hình thành nhiều sân chơi, bãi tập cho người già và trẻ nhỏ. Tạo môi trường và khuyến khích hình thành nhiều câu lạc bộ, điểm vui chơi giải trí phù hợp với đặc điểm từng loại người và lứa tuổi. Phát triển các dịch vụ văn hóa, tạo điều kiện cho người dân Vinh được tiếp cận và hưởng thụ những loại hình văn hóa mới, hiện đại. Đặc biệt cần có sự phối hợp giữa đoàn thanh niên, ngành giáo dục, hội văn học nghệ thuật, các cơ quan doanh nghiệp phát hành sách thực hiện các giải pháp đồng bộ để khơi dậy, khôi phục thói quen đọc sách nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Hạn chế những hình thức sử dụng thì giờ rỗi thiếu lành mạnh như rượu bia bê tha, bài bạc sát phạt nhau, hoặc các trò tiêu khiển vô bổ khác. Tin rằng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu hưởng thụ và khả năng, điều kiện hưởng thụ văn hóa của người dân cũng tăng lên.
tin tức liên quan
Videos
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114511928
Hôm nay
2254
Hôm qua
2337
Tuần này
22302
Tháng này
218801
Tháng qua
121356
Tất cả
114511928