Xứ Nghệ ngày nay

Người Ơ đu học chữ

 Trong thung lủng núi rừng, bản làng còn chìm đắm trong sương mai giá lạnh, đó đây các em học trò người dân tộc Ơ đu đưá choàng khăn, mang áo ấm, đứa được bố mẹ địu sau lưng đến trường ở bản Văng Môn thuộc thung lủng xã Nga My, huyện miền núi Tương Dương, Nghệ An để học chữ.

Đồng bào Ơ đu học tiếng của chính dân tộc mình
 
Lâu nay đồng bào dân tộc Ơ đu rất ít người đi học chữ. Cả tộc người này hiện không có ai có trình độ ĐH, có hai người hiện đang theo học Trung cấp y và Công nghệ thông tin là học vấn cao nhất. Tổng số học sinh của cả dân tộc này hiện chưa đầy 50 em. Cuộc sống của họ lâu nay luôn bám với núi rừng, các con khe, con suối nhỏ biệt lập với những sinh hoạt bên ngoài trung tâm huyện Tương Dương. Bản làng nằm rải rác dọc đôi bờ Nậm Nơn (thuộc lưu vực lòng hồ thuỷ điện bản Vẻ). Để bảo tồn dân tộc ít người này, dự án tái định cư cho người Ơ đu đã được xây dựng tại bản Văng Môn thuộc xã Nga My (vùng đất được mệnh danh là “miền rét sương”, vì bốn mùa đều có sương giá lạnh). Trường học Mầm non bản Văng Môn chỉ dành riêng cho con em đồng bào dân tộc Ơ đu theo học, cả trường chỉ có một lớp với 16 học sinh, 2 cô giáo chăm sóc. Trường được xây dựng theo chương trình Dự án tái định cư đồng bào Ơ đu. Quan sát trong phòng học của các em, tôi chẳng thấy có đồ chơi hay đồ dùng gì giá trị. Cô giáo Lô Thị Xin –quê ở huyện Con Cuông lên đây “gieo chữ” tâm sự: “Sau khi ra trường, Lô Thị Xin lên “miền rét sương” này dạy học đã 6 năm nay, trước đây chủ yếu dạy cho các em học trò mầm non người dân tộc Thái ở trường trung tâm của xã Nga My. Dịp hè vừa qua, Trường mầm non của bản Văng Môn được thành lập , Xin xung phong về đây dạy học cho các em dân tộc Ơ đu. Chồng Xin là bộ đội ở xa, con nhỏ đầu lòng phải gửi ông bà ngoại, cứ vài tuần Xin lại bắt xe ôm về Con Cuông thăm con một lần.
Buổi đầu không nói hết khó khăn! Để các cháu được đến trường, đến lớp, cô giáo phải đi tuyên truyền, vận động từng nhà một, vận động mãi mới được 16 em tới trường. Nhưng oái oăm thay! Cô trò không biết tiếng nhau. Tất cả những trò nhỏ này đều chỉ biết giao tiếp bằng tiếng của người dân tộc Thái hoặc Khơ mú, trong khi dạy học cô phải dùng tiếng Việt phổ thông. Cái khó nữa là tâm lý của phụ huynh học sinh người Ơ đu không mấy ai mặn mà đối với việc học của con cái, phần lớn họ có thói quen như những ngày còn ở trong khe, trong suối là thả con trẻ lăn lóc “được chăng hay chớ!” Khi ra vùng tái định cư cũng vậy! Cô giáo đến nhà riêng vận động các cháu đến lớp học chữ, có phụ huynh còn đưa lý lẽ này kia ra để lý sự, chẳng hạn: “cô giáo có nuôi được con tôi không?” hoặc “xưa nay ta có học đâu mà cũng sống”, “học cái chữ làm gì cho mệt, lớn lên rồi cũng vào rừng…” 
Khi cho con trẻ đến trường, cô giáo vận động bà con mang theo cơm, cháo để giữa buổi cho trẻ ăn chống đói nhưng bà con không đồng ý. Nhiều người cho rằng; như thế là trái với “phong tục”của người Ơ đu. Vì quan niệm lạc hậu đó mà bao đứa trẻ đến trường bị đói, rồi khóc nhao nhác. Cô giáo Lô Thị Xin bao lần phải hy sinh những đồng tiền lương ít ỏi của mình để mua thủ sẵn ít gạo để nấu cơm, cháo phòng lúc các cháu đói cho các cháu ăn. Suốt mấy tháng trời, hết vận động, tuyên truyền cho đến bây giờ các bậc phụ huynh người Ơ đu mới hiểu. “Khi đã hiểu, người Ơ đu yêu quý cô giáo Xin lắm!” –Một cô bạn đồng nghiệp của Xin đã nói vậy.
Điều đáng biểu dương là từ buổi ban đầu các cháu học sinh mầm non người dân tộc Ơ đu không biết tiếng Việt hoặc có biết cũng chỉ bập bẹ đôi ba tiếng, thế nhưng gần học kỳ theo học, cô giáo Lô Thị Xin cùng với một cô giáo khác có tên là Lương Thị Quỳnh Thi - người dân tộc Thái, quê ở xã (Yên Na-Tương Dương) đã dạy cho các cháu bắt đầu nói được tiếng Việt (Kinh) phổ thông. Không những thế mà các cháu còn hát thuộc lòng nhiều bài hát như bài: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, một ngày vui, quanh bên Bác”, “chú voi con”, “bé lên ba” …Một số cháu nay đã biết kể chuyện cổ tích bằng tiếng Việt.Mặc dù đang ở tuổi mầm non nhưng các cháu bắt đầu biết viết từng chữ cái của tiếng Việt.  
Tạm rời lớp học mần non, chúng tôi tới thăm Trường tiểu học Văng Môn. Đây cũng là ngôi trường mới xây khang trang, ngói mới đang đỏ tươi, nằm kề bên ngôi trường mần non sạch đẹp. Xa xa, chúng tôi đã nghe tiếng các em học trò Ơ đu tập đánh vần bi bô. Thấy khách lạ vào, hàng chục đôi mắt tròn xoe nhìn theo, nhất là khi thấy các nhà báo có máy ảnh kỹ thuật số và Camera. Lâu nay các em sống trong khe, suối của thung lủng núi rừng dọc sông Nậm Nơn (nay là lòng hồ thuỷ điện bản Vẻ), làm gì biết đến những vật lạ như thế. Trường tiểu học Văng Môn có 5 khối lớp, nhưng tổng số học sinh chưa đầy 40 em. Đầu học kỳ một có 3 giáo viên gồm: thầy giáo Bắc, thầy giáo Lầm -quê ở Tương Dương và cô giáo Hồ Thị Quỳnh Nga -quê ở Nam Đàn, được phân về đây dạy mỗi ngày một buổi. Để thuật lợi trong việc dạy học, các thầy cô phải tổ chức dạy lớp ghép. Khi chúng tôi có mặt, chứng kiến một phòng học phải ghép 3 khối lớp, mỗi khối dành riêng một tấm bảng gắn trên tường xây. Thầy giáo Bắc cho biết: Học Lớp ghép gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học, nhưng vì thiếu phòng học, thiếu giáo viên, ít học trò… nên buộc các thầy cô phải tổ chức dạy và học như thế. Cô giáo Hồ Thị Nga -phụ trách giảng dạy khối 4 có chút than phiền: Có một số học sinh gần hết cấp 1 rồi mà đánh vần vẫn chưa chuẩn, thậm chí chữ viết tiếng Việt còn biết rất ít, nhiều học sinh không có sách vở để học bài. Một buổi đi học, buổi còn lại các em đứa thì chăn bò, đứa vào rừng, đứa lên nương…các em phải làm đủ thứ việc để phụ giúp gia đình. Một số em bỏ học, các thầy cô phải đội mưa, đội gió đến từng gia đình vận động mãi các em mới chịu quay trở lại lớp.
Bây giờ đồng bào Ơ đu ra nơi ở mới, trường lớp được xây dựng khang trang, giáo viên dạy giỏi của huyện được điều về, đường sá đi lại thuận tiện , số học sinh cấp mầm non và cấp tiểu học được học ngay tại bản, học sinh cấp 2 học ở trung tâm của xã cách bản làng Văng Môn không bao xa…Thế nhưng việc học chữ của con em người Ơ đu kể ra cũng đang lắm gian nan! Được biết, sắp tới Văng Môn còn được mở thêm các lớp học tiếng Ơ đu giống như lớp “bình dân học vụ” cho đồng bào biết được chính tiếng mẹ đẻ của mình. Hiện nay dân số đồng bào Ơ đu không còn nhiều; chưa đầy 350 người/73 hộ dân. Để bảo tồn văn hoá của dân tộc này, việc học chữ tiếng Việt, học tiếng Ơ đu là hết sức cần thiết đối với mỗi người con của dân tộc họ./.
 
                                                                 
 
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511032

Hôm nay

231

Hôm qua

2359

Tuần này

21406

Tháng này

217905

Tháng qua

121356

Tất cả

114511032