Người xứ Nghệ

Vị tướng biệt động và những giọt nước mắt(*)

 Chiều ngày 16.5.2012, tôi nhận được điện thoại từ một cựu chiến sĩ biệt động, báo tin đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) - người được những chiến sĩ quen gọi bằng danh xưng thân mật “Tướng biệt động”, “Ông trùm biệt động” vừa ra đi.

 Tin ông qua đời không làm tôi kinh ngạc bởi từ năm 2010, di chứng căn bệnh hiểm nghèo khiến việc ăn uống của ông rất khó khăn. Nhưng sự ra đi vĩnh viễn của ông để lại trong lòng tôi một sự tiếc nuối khôn nguôi về khoảng trống của quyển tự điển sống về lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu)

phó Tư lệnh, tham mưu trưởng Quân khu, kiêm chỉ huy lực lượng Biệt động Sài Gòn Gia Định. Ảnh: TL 

Lần giở lại tập tư liệu Mậu Thân 1968 - những con người, sự kiện vô cùng bi tráng, đã khiến tôi có niềm rung cảm mãnh liệt để viết nên tiểu thuyết Đêm Sài Gòn không ngủ. Tay tôi run run chạm vào tập hồ sơ. Còn đây, lá thư tôi gởi cho ông từ năm 2006: “Cháu rất mong được nghe chú kể lại những sự việc chi tiết hơn, nhất là đường dây hoạt động của Biệt động Sài Gòn, tâm tình, bối cảnh, sinh hoạt đời thường trong những ngày chiến tranh…”.

Giờ đây, đọc lại lá thư ấy, tôi nhận ra mình đã non nớt biết bao, bạo gan biết bao để gởi tới “Ông trùm biệt động” một lá thư “yêu cầu” được giúp đỡ, khi xông vào cánh rừng rậm lịch sử Mậu Thân 1968 với những bi hùng, đau thương, uẩn khúc, đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Gởi lá thư đi rồi, tôi mới bắt đầu run. Nhưng chỉ mấy ngày sau, ông Tư Chu gọi tôi đến. Khi ấy, ông đang điều trị chứng bệnh ung thư vòm họng, nói năng rất khó khăn. Và đặc biệt, hàng ngày món ăn chính của ông là canh khoai mỡ được vợ ông - bà Đoàn Thị Nhỏ, cựu giao liên, trinh sát Biệt động Sài Gòn nấu rất công phu. Ông đã tiếp tôi bằng cả tâm tình, tin cậy trao cho tôi nhiều tư liệu quý báu.

Kể từ hôm đó, mỗi tuần, tôi thu xếp qua nhà riêng của ông, tại 14 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền nghe ông kể chuyện Biệt động Sài Gòn. “Ông trùm biệt động” trải tấm bản đồ Sài Gòn mà ông đã dùng khi chỉ huy lực lượng biệt động đánh vào nội đô Sài Gòn, với các mũi: Đài phát thanh Sài Gòn, Tòa đại sứ Mỹ, Bộ tư lệnh hải quân chính quyền Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Và tấm bản đồ ấy được ông đau đớn khoanh tròn các mục tiêu, giọng tiếc nuối: “Như vậy chỉ có 5 đội chiến đấu thực hiện được theo kế hoạch còn các mục tiêu khác như Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát thì do hiệp đồng với phân khu bạn về thời gian và địa điểm chưa khớp nên kế hoạch chiến đấu bị bể. Riêng đơn vị đánh vào khám Chí Hòa để giải thoát tù nhân của ta, đã bị lộ trên đường đến mục tiêu nên phải rút. Đến nay tôi vẫn còn tiếc rẻ về việc ta không đánh được vào Tổng nha cảnh sát và khám Chí Hoà, hai nơi này địch yếu, có thể giải thoát được số anh em bị tù, tăng thêm được lực lượng chiến đấu tại chỗ và hỗ trợ trực tiếp cho phong trào quần chúng”.

Nhờ ông, tôi hiểu thêm một cách sâu sắc, máu thịt, rằng không phải ngẫu nhiên mà đêm mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, đồng loạt tiếng nổ long trời lở đất đã vang lên trong các mục tiêu đầu não của địch. Đó là vận hành của quá trình máu, mồ hôi nước mắt, trí tuệ, sự hy sinh của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Đó là những bà chúa kho dũng cảm nhiều năm liền sống trong kho vũ khí nội thành, những giao liên sẵn sàng nhận lấy tù đày, cái chết giữ bí mật đượng dây; những bà mẹ nuốt lại nỗi đau khi những đứa con thơ bị địch bắt làm con tin để rún ép mẹ, những “cô gái điếm”, “những ả ca-ve” vượt lên nỗi oan khiên âm thầm thu thập tin tức, tài liệu của địch…


Ảnh nhà báo Donluice thăm gia đình ông Tư Chu, kể chuyện ông đã phát hiện và viết bài về hai đứa con ông Tư Chu bị địch bắt vào tù, nhằm buộc ông ra đầu hàng. Bài viết về những đứa trẻ bị bắt vào tù của nhà báo Donluice gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận quần chúng trong và ngoài nước sau Mậu Thân. Sau đó, nhờ sự mưu trí của cơ sở biệt động, hai đứa con của ông Tư Chu được giải thoát 

Vì những chiến sĩ thầm lặng đó mà ông đã giành giật với tử thần, cố viết sách để vinh danh họ, với lời đề tựa chân thành của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Anh muốn dành chút thì giờ còn lại ghi chuyện cũ, nhắc lại công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định thời kháng chiến chống Mỹ, một lực lượng do anh trực tiếp chỉ huy.

Khi anh tâm sự với tôi điều này, tôi đã khích lệ anh và nhắc: “Thật là có lỗi nếu chúng ta quên những con người đó!”. Cuốn sách vì thế, ngoài những trang xúc động, kể cả những câu chuyện và nói những tâm sự cá nhân anh, nhưng phần lớn vẫn là bằng sự trân trọng của mình, anh đã cố gắng khắc hoạ hình ảnh của lực lượng biệt động Sài Gòn Gia Định và chiến công của những người đồng đội”.

Những người trẻ chúng tôi đặc biệt ấn tượng và ngưỡng mộ những trang lịch sử bi hùng của lực lượng Biệt động Sài Gòn với những chiến công bất tử, làm rung chuyển Nhà trắng nước Mỹ. Đó là đội quân trong lòng địch, có sở trường đánh nhanh, rút nhanh, thần tốc, gây bất ngờ cho đối phương. Vì lẽ đó, ông không khỏi nghẹn ngào, xúc động khi chỉ qua một đêm, ông gần như mất hết những chiến sĩ gạo cội mà ông đã dày công xây dựng hàng chục năm trời trong lòng địch: “Năm đội biệt động với tổng số 88 đồng chí đã đơn độc chiến đấu trong lòng địch. Với lực lượng ít ỏi, vũ khí bộ binh nhẹ, phải đánh trả máy bay, xe thiết giáp, pháo binh và chống chọi với số quân địch nhiều gấp mấy chục lần. Vậy mà anh em vẫn ngoan cường bám trụ, đánh đến viên đạn cuối cùng và người cuối cùng. Hầu hết hy sinh và số ít sa vào tay giặc, những tin tức đau lòng làm tất cả chúng tôi đều xót xa”. Đêm ấy, ông đã khóc rất nhiều khi mất những chiến sĩ thân yêu của mình. Nỗi đau ấy đi theo ông suốt cuộc đời, là nỗi day dứt không nguôi. Và khi nhắc đến họ, dù đã hơn 40 năm trôi qua, vị tướng biệt động vẫn không cầm được nước mắt.

Cảm nhận mình là người có lỗi trong đêm ấy theo suốt cuộc đời ông Tư Chu. Và cũng từ đó, ông luôn cố gắng làm một điều gì đó, thật cụ thể. Ngay trong những ngày chứng bệnh ung thư vòm họng hoành hành, ông đã viết lịch sử, tập họp lại tỉ mỉ danh sách các đội biệt động, gửi về cấp trên, đề nghị truy tặng anh hùng, liệt sĩ cho họ. Vào một buổi sáng, tôi đến thăm ông. Ông bức xúc mở trang báo, bày tỏ sự phẫn nộ vì câu nói của một quan chức trước tổn thất của một đề án “110 tỉ đồng không phải là nhiều”. Mắt ông hoa lên. Từ trong đống xà bần của những thông tin tham nhũng, ông nhìn thấy những người lính biệt động năm xưa hiện về, mình bê bết máu, đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, chờ đại quân vào phối thuộc, tiếp ứng nhưng vô vọng.


Bức ảnh Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) cùng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt

trong ngày giỗ Biệt động mùng 6 tết năm 2008. 


Ông kể về những người lính đánh vào Dinh Độc lập, bị vây bủa, khi rút vào nhà dân, không dám ăn trái dưa trên bàn thờ nhà dân vì nhớ đến “Lời thề thứ 9” của quân đội: không được lấy cây kim sợi chỉ của dân. Những chiến sĩ của ông sợ người dân Sài Gòn đánh giá tư cách người chiến sĩ cách mạng. Ông nghẹn ngào: “Vậy mà hơn 40 năm sau ngày đồng đội chúng tôi hy sinh, có những quan chức thốt lên: 110 tỉ không phải là lớn. Vậy bao nhiêu là lớn?!”. Ông bày tỏ sự bức xúc khi nhiều nơi đổ ra hàng tỉ đồng cho những bài diễn văn sáo rỗng, những lễ hội mang tính hình thức mà vô tình hay cố ý, cho đến nay vẫn chưa có một tấm bia tưởng niệm lực lượng Biệt động Sài Gòn. Những người chiến sĩ năm ấy hy sinh để lại mẹ già, vợ dại, con thơ bơ vơ giữa đời thường, nhiều chiến sĩ biệt động của ông mang những chứng bệnh mãn tính do di chứng những trận đòn dã man sau Mậu Thân, bởi lời khai của những kẻ chiêu hồi, phản bội.

Tôi thêm một lần chứng kiến vị tướng biệt động khóc, khóc nức nở, nghẹn ngào. Đó là mùa xuân năm 2008, khi ông cùng đồng đội - những người may mắn còn sống sót sau Mậu Thân 1968, đến thắp hương tưởng niệm những chiến sĩ biệt động hy sinh ở Đại sứ quán Mỹ, bị ngăn lại vì “sự tế nhị trong quan hệ ngoại giao”. Ông đứng lặng và phẫn nộ, không thốt được nên lời, để mặc những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt đầy những nếp nhăn sâu của một vị tướng cầm quân, bất lực trước sự lãng quên. Sau lần đó, ông đã làm mọi cách để những chiến sĩ của ông được vinh danh.

Mãi đến năm 2010, ông mới được thoả nguyện, khi các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã ngã xuống oai hùng ngày nào như Nguyễn Thị Rí (Tám A), Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Hoài Thanh, Nguyễn Văn Lém, Nguyễn Thanh Tuyền, Ngô Thanh Vân (Ba Đen), Nguyễn Gia Lộc và các đội biệt động được truy tặng danh hiệu anh hùng. Ông hay tin ấy khi căn bệnh đang trở nặng, phải truyền thức ăn bằng đường ngang hông. Và cuối cùng là ông, vị “Tướng biệt động” dù chỉ mang quân hàm đại tá, được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng trên giường bệnh năm 2012. Sự vinh danh ấy dẫu muộn màng như đã làm lòng ông ấm áp, khi về với những chiến sĩ thân yêu của ông nơi thế giới bên kia.

 

(*): Đại tá Nguyễn Đức Hùng, sinh năm 1928 tại xã Hậu Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, phục vụ trong quân đội.

Sau khi được quân đội đào tạo, cấp trên điều động  ông vào Sài Gòn, hoạt động bí mật trong lòng địch.

Ông từng giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định, nguyên Phó tư lệnh Quân khu này và là Thành ủy viên dự khuyết.

Nguồn: SGTT.VN

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434897

Hôm nay

2168

Hôm qua

2349

Tuần này

21547

Tháng này

211945

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434897