Đất Nghệ

Trần Đại Vương chính kinh

Trần Đại Vương chính kinh, Chính kinh của Trần triều hiển thánh giáng bút khuyên đời, được soạn vào giờ Mùi ngày Rằm tháng 11 năm Tân Mão, niên hiệu Thành Thái (1891), tại Đền Vọng Hà Lạc. Câu cuối cùng, chốt lại bằng dòng chú thích "Hữu, kinh văn cộng tam bách lục thập ngũ tự" (Từ đây trở lên, kinh văn gồm 365 con chữ).

Chỉ 365 từ. Ngắn gọn, súc tích. Lời kinh không cầu kỳ, xa lạ. Hơn nữa, những quan niệm về đối nhân, xử thế; những nghĩa vụ của mọi con dân, đề tử rất sát với đời thường - cảnh ngộ. Ôn tồn như cha mẹ dạy con, tường tận như anh em, vợ chồng, bạn bè bảo ban nhau vậy.
Để sáng tỏ sự ra đời và ý nghĩa của 365 con chữ trong chính kinh, tám tháng sau, vào ngày Rằm tháng Bảy năm Nhâm Thìn, Trần triều Điện soái Thượng tướng quân Phạm — giáng bút ra Yết thị: Qui định về thể thức xin và lĩnh kinh; Cách thức tụng và niệm; Giải thích về hai chữ "Giới sát".
Nếu chính kinh nhấn mạnh về ngũ luân, trước hết là trung hiếu thì, Yết thị lại nhắc nhở phải nghiêm giới sát. Chính kinh dạy: "Vi tử khắc hiếu; Vi thần khắc trung; Huynh đệ khắc hoà; Phu phụ khắc kính; Bằng hữu khắc tín;" (Làm con phải hiếu; Làm tôi phải trung; Anh em phải hoà thuận; Vợ chồng phải tôn trọng nhau; Bạn bè phải giữ chữ tín). Đó là ngũ luân. Đối với bản thân: "Tửu, sắc, tài, khí... nghiêm nhi tuyệt chi; kiêu, lẫn, tham, ô... cấm nhi giới chi". Đối với nghề nghiệp: "Sĩ, nông công, thương các hữu thường nghiệp ("Tứ dân nghề nghiệp xưa nay/Sĩ, nông, công, cổ trong tay cho cần" - Dòng thứ 3 tr.14a Chính kinh diễn ca - SĐD)
Yết thị răn: Muốn đọc kinh, trước tiên phải nghiêm giới sát, giới sát không chỉ với sát sinh như giới tu hành quan niệm mà phải hiểu thêm rằng: "1. Chửi mắng cha mẹ người; Vu oan giáng hoạ cho người... là khẩu sát; 2. Làm sai lệch hồ sơ chứng án; Xui người kiện tụng; Phỉ báng đặt điều, bày mưu cài bẫy hại người là tâm ý sát..."
Sau tám năm ra đời, chính kinh đã được hơn 8.000 sở trên cả nước rước về phụng sự. Đông đảo quần chúng nhân dân đã tự nguyện "đầu" thành đề tử. Chừng mực nào đó, những tư tưởng duy tân, tiến bộ đã thức tỉnh được lòng tự tôn dân tộc động viên tinh thần yêu nước và phát huy tác dụng tích cực của kinh văn. Nhưng bọn "cổ môn đồ" lại giở trò dèm pha phỉ báng. Mặt khác, bọn cơ hội lại lợi dụng uy tín của chính kinh để lừa bịp mị dân, kiếm ăn bất chính. Trước tình trạng ấy, ngày 28/9 năm Kỷ Hợi (1889), Nguyên Từ quốc mẫu giáng tứ diễn kinh ra quốc âm thành Chính kinh diễn ca để dễ truyền, dễ hiểu. Đồng thời, Điện soái Thượng tướng quân ban hành Hiểu thị, vạch mặt bọn xấu, nhắc nhở mọi người chớ nhẹ dạ cả tin. Hai bản này gồm 11 tấm in 21 trang do Học sinh Khuông ở Hà Lạc vọng từ và Hành sinh Ngọc ở Thanh Đông vọng từ khắc ván. 5 năm sau, Cấn (Lương) sinh Dương, Hà Lạc vọng từ và Mặc sinh Duyên, Hà An vọng từ, khắc lại.
Cả bốn bản nói trên, gồm 17 trang in 2 mặt. Đó là kinh bổn. Tiếp theo là 15 trang phụ lục gồm Nghi thức thí thực và Nghi thức phóng sinh do Bút sinh Phạm Ngọc Minh, Tiến Thiện đàn phụng tả. Tổng cộng 32 trang x 2 mặt, được đệ tử Văn Thiện đàn thuộc đền Phượng giang, thôn Ngọc Long xã Vân Tụ, huyện Yên Thành rước về khắc lại vào mùa xuân năm Tân Tỵ, Bảo Đại(1944). Nhân ngày hội sách Việt Nam 20/4/2007 gia đình cụ Trần Khắc Hinh đã hiến tặng Thư viện Nghệ An.
Hiện nay nhằm bảo tồn phát huy giá trị Di sản văn hoá, Bộ Kinh này đang được Thư viện Nghệ An, Nhà xuất bản Nghệ An đưa vào kế hoạch in, dịch, giới thiệu, cho ra mắt bạn đọc hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội./.
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511958

Hôm nay

2284

Hôm qua

2337

Tuần này

22332

Tháng này

218831

Tháng qua

121356

Tất cả

114511958