Năm nay, chúng tôi tập trung cao hơn vào mảng tuyên truyền, quảng bá cho du lịch Cửa Lò.
PV: Liệu có cần phải quá chú trọng vào công tác quảng bá khi Cửa Lò đã là một địa chỉ quen thuộc và đầy hấp dẫn đối với du khách gần xa?
Ô.LMT: Vâng, chúng tôi luôn cảm thấy chưa thể tự bằng lòng. Có thể nói, so với thời gian cách đây khoảng chục năm, Cửa Lò ngày nay đã có những đổi thay và có những thành tựu rất đáng tự hào; “nhìn xuống”, “nhìn ngang” là vậy, còn “nhìn lên”, “nhìn ra” thì Cửa Lò quả thật còn phải cố gắng rất nhiều. Cùng đi lên từ du lịch biển, nhưng so với Đồ Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu…Cửa Lò còn có khoảng cách, không chỉ về cơ sở hạ tầng, về thời gian hoạt động du lịch, tính liên kết trong hoạt động tour tuyến, mà còn cả về phong cách giao tiếp, ứng xử của người làm du lịch… Do đó, chúng tôi xác định phải không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch đồng thời tăng cường thông tin quảng bá về du lịch Cửa Lò không chỉ với người dân trong nước mà còn ra cả nước ngoài.
PV: Ông có thể nói rõ hơn?
Ô.LMT: Chúng tôi tăng cường tuyên truyền, quảng bá trên các loại hình báo viết, báo nói, báo điện tử và báo hình. Trên đài truyền hình trung ương sẽ quảng bá về du lịch Cửa Lò trên một số kênh. Chúng tôi cũng đã sản xuất các chương trình về du lịch Cửa Lò để phát trên kênh NTV và một số đài truyền hình các tỉnh. Lễ hội sông nước Cửa Lò năm 2012 cũng sẽ được tổ chức dài ngày hơn, hoành tráng, sôi động hơn và đây cũng là một biện pháp để tạo tiếng vang, dấu ấn của đô thị biển Cửa Lò đối với du khách gần xa.
PV: Tăng cường quảng bá để du khách biết đến mình nhiều hơn cũng là một cách, nhưng có lẽ biện pháp quan trọng nhất, lâu dài, bền vững và hiệu quả nhất là Cửa Lò phải tự tạo ra sức hấp dẫn cho chính mình bằng chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ du lịch, bằng bản sắc, sự độc đáo riêng có như người xưa đã nói “Hữu xạ tự nhiên hương”. Vậy Cửa Lò đã có chiến lược đầu tư như thế nào trong định hướng phát triển du lịch?
Ô.LMT: Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo thị xã cũng như của lãnh đạo tỉnh xác định du lịch là ngành mũi nhọn của Cửa Lò. Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 17 về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011 - 2020 có thể nói là kim chỉ nam cho hoạt động du lịch của tỉnh nói chung và Cửa Lò nói riêng. Trước mắt, chúng tôi tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, chú ý phát triển các dịch vụ cao cấp. Việc này thì có tiền là làm được. Cái quan trọng có ý nghĩa nền tảng và tạo động lực phát triển bền vững du lịch Cửa Lò thuộc về lĩnh vực văn hóa. Đây là hướng đi mà chúng tôi đã có nhiều cố gắng, song kết quả chưa đạt được như mong muốn.
PV: Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
Ô. LMT: Như anh thấy đấy, mặc dù có lịch sử hàng thế kỷ, nhưng đô thị du lịch Cửa Lò mới được thành lập chưa đầy 20 năm, so với Huế, Hội An… họ có bề dày hàng trăm năm làm du lịch. Con người làm du lịch ở Cửa Lò xuất phát từ nông dân, ngư dân, có người nói một cách hình ảnh là “xắn quần móng lợn làm du lịch”, tất nhiên sẽ có những bất cập, hạn chế.
PV: Theo ông, tính cách người dân xứ biển nơi đây có những thuận lợi và khó khăn gì đối với hoạt động du lịch?
Ô.LMT: Đây quả là một câu chuyện dài, và đã có nhiều ý kiến trao đổi. Có thể nói cư dân Cửa Lò, cũng như người xứ Nghệ nói chung, có phẩm chất thật thà, chất phác, hồn nhiên. Đây là ưu điểm, là thế mạnh tạo nên sự tin cậy, dễ mến đối với du khách, song đi liền với nó thì trong tính cách của cư dân Cửa Lò cũng còn chưa thật tinh tế, chưa thật nhuần nhuyễn, khéo léo, thanh lịch. Giọng Nghệ trầm ấm, hồn hậu song không có cái nhẹ nhàng, thanh thoát như giọng Bắc, giọng Huế… Cái đó người ta gọi là khí chất con người mỗi vùng miền, và không dễ thay đổi. Cửa Lò hôm nay, từ phố xá đến con người đã có nhiều thay đổi theo hướng đô thị hóa, nhưng để hình thành nên một thế hệ công dân có cốt cách văn hóa phù hợp với tính chất làm du lịch chuyên nghiệp không thể là chuyện ngày một ngày hai mà cần có sự nỗ lực dựng xây, vun đắp, giáo dục đào tạo trong thời gian dài, qua nhiều thế hệ. Tài nguyên du lịch Cửa Lò rất lớn, từ những trầm tích, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, từ cảnh quan thiên nhiên, từ vị trí đặc biệt của Cửa Lò trong bản đồ du lịch xứ Nghệ… nhưng có phát huy được hay phát huy đến mức độ nào, tốc độ và hiệu quả ra sao… tất cả đều phụ thuộc vào con người.
PV: Từ góc độ quản lý nhà nước, Cửa Lò đã làm gì để tạo ra một thế hệ công dân biết làm du lịch một cách chuyên nghiệp?
Ô.LMT: Quả là có rất nhiều điều để nói xung quanh khái niệm “chuyên nghiệp”. Nếu lấy tiêu chí hội nhập quốc tế mà xét thì Cửa Lò còn phải cố gắng nhiều. Hiện lượng du khách quốc tế đến với Cửa Lò chưa nhiều, và hầu hết những người làm du lịch của chúng tôi chưa biết giao tiếp bằng tiếng Anh, chưa kết nối được nhiều tour quốc tế. Trong điều kiện có thể, chúng tôi đã thực thi nhiều giải pháp nhằm xây dựng một đô thị du lịch Xanh - Sạch - Đẹp - Thân thiện - Văn minh. Mấy năm gần đây, Cửa Lò không còn tình trạng ốt quán tạm bợ, chèo kéo chặt chém khách, người bán hàng rong, người ăn xin đã giảm nhiều… Hằng năm đều tổ chức tập huấn về ứng xử, giao tiếp cho đội ngũ những người làm du lịch trên địa bàn. Chúng tôi đang đề xuất và được UBND tỉnh yêu cầu thực hiện quy định buộc các cơ sở dịch vụ sử dụng lao động qua đào tạo. Về lâu dài, chúng tôi chú trọng khâu giáo dục - đào tạo, không chỉ qua các trường chuyên nghiệp, đào tạo nhân lực, mà bắt đầu từ nhà trường phổ thông. Các em là chủ nhân tương lai của Cửa Lò, là sứ giả của du lịch Cửa Lò, là những người sẽ kế tục và phát huy thành quả của sự nghiệp làm du lịch hôm nay lên một tầm cao mới. Sẽ là rất tuyệt vời nếu như một du khách tình cờ đến Cửa Lò, được các em thiếu nhi giới thiệu về Cửa Lò với tất cả sự am hiểu và niềm đam mê. Sau này, nếu các em không sinh sống ở Cửa Lò thì các em vẫn tiếp tục là sứ giả của đô thị du lịch biển.
Ngành Giáo dục Đào tạo thị xã đang thực hiện việc mỗi trường học nhận chăm sóc, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Chúng tôi xác định làm du lịch nhưng không phá vỡ cảnh quan tự nhiên, làm sao để giữ gìn được sự toàn vẹn của di tích, bảo toàn được các truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.
PV: Theo tôi, Cửa Lò cần định hướng xây dựng con người làm du lịch vừa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp du lịch theo hướng hiện đại, vừa giữ gìn được phẩm chất của người xứ Nghệ, con người Cửa Lò. Có như thế mới tạo nên được dấu ấn về văn hóa, và đây chính là tài nguyên du lịch với tiềm năng không thể xem thường. Đây là bài toán khó. Cửa Lò hôm nay có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Có phải thế chăng mà bên cạnh đại đa số người làm du lịch có ý thức làm việc chuyên nghiệp, đàng hoàng, vẫn có một bộ phận nhỏ người làm du lịch có tư duy và cách làm du lịch thiếu bền vững, đặt hiệu quả kinh doanh lên hàng đầu? Bên cạnh đó, có một bộ phận cư dân từ nơi khác đến đem theo những phong tục, nề nếp văn hóa khác biệt với cư dân Cửa Lò. Vấn đề là cần làm gì để bộ phận cư dân này cũng sẽ ứng xử theo nề nếp, phong tục văn hóa Cửa Lò. Ông có thể cho biết giải pháp của Cửa Lò về những vấn đề này?
Ô.LMT: Là một đô thị du lịch biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm lên tới 20%, Cửa Lò có sức thu hút mạnh mẽ người dân từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống. Sự giao lưu, tiếp biến văn hóa là tất yếu trong cuộc sống hiện nay. Sự phát triển bao giờ cũng có mặt trái, mặt không thuận. Chúng tôi quan niệm không thể chấp nhận cái xấu, cái tiêu cực. Cái gì mà người dân các nơi đem đến là hay, là tốt thì chúng tôi học tập, tiếp thu, còn cái gì không hay, không tốt thì kiên quyết loại bỏ. Bên cạnh việc vận dụng các chế tài pháp lý, các cơ chế chính sách… thì tôi nghĩ phải bắt đầu từ việc giáo dục ý thức cho người dân. Làm sao mỗi người dân phải có ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống của gia đình, của quê hương; mỗi gia đình giữ gìn được nề nếp, gia phong, trở thành một môi trường văn hóa có sức đề kháng mạnh với cái xấu ngoài xã hội, không để cái xấu xâm nhập, tác động. Và mỗi người dân phải có ý thức đấu tranh với những cái xấu. Tôi nghĩ nếu văn hóa xứ Nghệ, văn hóa Cửa Lò có sức hấp dẫn thì sẽ biến những người dân từ nơi khác đến thành dân cư Cửa Lò, xét về mặt văn hóa.
PV: Cũng trong chiến lược phát huy các giá trị văn hóa phục vụ du lịch, Cửa Lò đã và sẽ làm gì để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa và đưa du lịch di sản, du lịch tâm linh vào thực tế làm tăng hiệu quả hoạt động du lịch? Ví dụ như tuyển dụng, bố trí hướng dẫn viên du lịch tại một số di tích trọng điểm trên địa bàn?
Ô.LMT: Đây là ý tưởng hay. Giữa văn hóa và du lịch bao giờ cũng có mối quan hệ mật thiết, và chúng tôi nghĩ tương lai của du lịch sẽ thuộc về du lịch văn hóa. Từ trước đến nay, Cửa Lò rất chú trọng vấn đề này. Tất yếu Cửa Lò phải có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá tri thức về lịch sử, văn hóa địa phương. Chúng tôi quan niệm sẽ là tốt hơn, hay hơn nếu mỗi người dân, từ các cháu nhỏ đến người lớn đều là một sứ giả, một người đại diện của Cửa Lò, sẵn sàng giới thiệu cho du khách về Cửa Lò.
Hiện chúng tôi đang chuẩn bị làm một cuốn sách giới thiệu về các di tích - danh thắng cũng như những di sản, giá trị văn hóa trên địa bàn để trước hết mỗi người dân, nhất là các em thiếu nhi, có nhận thức đúng, đủ và sâu về quê hương mình, từ đó có ý thức bảo tồn, phát huy và giới thiệu với du khách. Làm sao để mỗi người dân trong không gian du lịch, từ người làm nghề xe ôm, tài xế xe điện, người bán hàng, phục vụ… đều là sứ giả du lịch.
Cũng nằm trong mục tiêu phát huy các giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch, thời gian gần đây chúng tôi đẩy mạnh công tác xã hội hóa phục hồi, tôn tạo các di tích. Các di tích như đền Mai Bảng, đền Yên Lương, chùa Lô Sơn và gần đây nhất là đền Làng Hiếu chủ yếu được xây dựng, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa. Việc xây dựng chùa Ngư trên đảo Song Ngư là một kết quả rất đáng ghi nhận.
PV: Nhưng cũng phải nói rằng Cửa Lò chưa khai thác được nhiều các giá trị di tích, di sản văn hóa phục vụ du lịch? Và cũng cần phải cảnh giác với nguy cơ làm sai lệch di tích gốc khi đầu tư, tôn tạo di tích?
Ô. LMT: Đúng như anh nói. Hiện nay, Cửa Lò có 28 di tích, trong đó có 2 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh, 10 di tích khác đã được nâng cấp sửa sang. Nếu tính cả mối liên kết trong bản đồ di sản xứ Nghệ, thì tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng chưa khai thác được nhiều. Nguy cơ sai lệch, mai một di tích, di sản, không chỉ là di sản vật thể như đình, đền, chùa, mà cả di sản phi vật thể như dân ca ví giặm là có, thậm chí là đáng lo ngại. Chính vì vậy mà hơn lúc nào hết, không chỉ Cửa Lò mà cả tỉnh, cả xứ Nghệ cần có những giải pháp bảo tồn di sản một cách khoa học. Theo tôi, công việc này nên bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức, từ giáo dục. Việc phục hồi, tôn tạo di tích cần phải tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng nguyên gốc. Câu chuyện lại trở về vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa. Theo tôi, việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa phải đặt nguyên tắc và mục tiêu văn hóa lên hàng đầu, chứ không chỉ quan niệm làm văn hóa để làm du lịch.
PV: Vâng, một khi các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, được phát huy một cách bài bản, thì sẽ trở thành tài nguyên, tiềm năng du lịch. Trở lại câu chuyện phát triển du lịch, theo ông, Cửa Lò cần làm gì để tăng thời gian hoạt động du lịch, thoát khỏi tính chất mùa vụ?
Ô.LMT: Trong câu chuyện, tôi đã phần nào trả lời câu hỏi của anh. Để thoát khỏi tính chất mùa vụ, tăng hiệu quả hoạt động du lịch, đòi hỏi sự tập trung nguồn lực của nhà nước và các thành phần kinh tế. Tỉnh đang xây dựng đề án thiết lập chuỗi hoạt động du lịch để kéo dài thời gian du lịch, trong đó Cửa Lò cũng là một mắt xích, một mũi nhọn. Thị xã đang tập trung phát triển các dịch vụ cao cấp, như khu resort ở Cửa Hội, đảo Lan Châu, sân golf, rồi xây dựng khu du lịch đảo Ngư, công viên...
PV: Ông có thể nói rõ hơn về hướng phát triển du lịch trên đảo Song Ngư?
Ô.LMT: Bộ Quốc phòng đã nhất trí chuyển giao đảo sang mục đích dân sự, và chúng tôi đang xúc tiến việc đền bù tài sản cho đơn vị quân đội. Sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, chúng tôi sẽ làm quy hoạch và kêu gọi nhà đầu tư. Trong tương lai, đảo Ngư sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn với các dịch vụ cao cấp như nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm… Nhưng chúng tôi cũng xác định trong quá trình quy hoạch, xây dựng sẽ bảo tồn chùa Ngư, cũng như những vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ trên đảo. Dĩ nhiên doanh nghiệp cũng cân nhắc kĩ về hiệu quả trước khi đầu tư. Không chỉ sau khi được đầu tư, mà ngay bây giờ, đảo Ngư đã là một điểm đến vô cùng hấp dẫn. Chỉ chưa đầy 30 phút thuyền máy, bồng bềnh trên sóng nước là du khách đã đến cầu cảng, rồi đến bãi tắm tiên, vãn cảnh chùa Ngư, và thưởng thức các đặc sản trên đảo, ai có sức khỏe và can đảm có thể tự làm một tour du lịch mạo hiểm trên đảo.
PV: Quả là vô cùng hấp dẫn. Qua cuộc trao đổi này, ông có thông điệp gì gửi đến bạn đọc của Tạp chí Văn hóa Nghệ An cũng như đông đảo du khách gần xa?
Ô.LMT: Cửa Lò đang phấn đấu nâng cao hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm du lịch để trở thành một đô thị du lịch biển đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế. Các bạn hãy đến và cùng khám phá Cửa Lò, có rất nhiều điều thú vị đang chờ đợi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! Xin chúc ông sức khỏe và chúc Cửa Lò đón ngày càng nhiều du khách, và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người!
PV (thực hiện)