Cuộc sống quanh ta

Học cách làm dân

Nhiều người thích làm “quan” nhưng không có tố chất “quan” và không biết học cách làm “quan”. Chiều sâu gốc rễ là họ không biết tố chất dân và không biết hỏi dân, học dân và học cách làm dân.

Tố chất dân

Dân - họ là ai? Dưới chế độ phong kiến đã có nhiều câu trả lời. Họ là những người chở thuyền, lật thuyền - “lật thuyền mới biết dân như nước” (Nguyễn Trãi). Họ là gốc của nước (“quốc dĩ dân vi bản”).

 Họ được coi là quý nhất (“Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”). Họ sống thực tế, không lý luận suông (“Dân dĩ thực vi thiên” - dân lấy ăn làm trời”)... Tất nhiên, đó là cách nhìn theo hệ quy chiếu của giai cấp phong kiến. Trên thực tế, những người nông dân chân lấm tay bùn vẫn mãi sống kiếp đời nô lệ và quan vẫn là phụ mẫu của dân.

Dân theo quan niệm của Hồ Chí Minh là đồng bào, là con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên.  Đồng bào là một cách gọi rất Việt Nam, rất thiêng liêng, chạm vào chiều sâu nhất của văn hóa Việt Nam, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. Đồng bào theo quan niệm của Hồ Chí Minh là công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, người buôn bán, thợ thủ công, dân nghèo thành thị..., tức là những người mang dòng máu Việt, cùng một bọc sinh ra. Họ là những người lao động chân tay và trí óc ở khắp mọi miền đất nước... Nghĩ  về họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.

 Phải biết cách làm dân thì mới phát huy sức mạnh to lớn tiềm ẩn trong dân. Cần có năng lực thấu hiểu và thấu cảm đời sống và thân phận người dân. Phải thành thực lắng nghe ý kiến của người dân, người ngoài Đảng. Hồ Chí Minh dạy: “Dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta”(1). “Đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay so sánh. Họ so sánh bây giờ và so sánh thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và họ so sánh toàn bộ phận. Do sự so sánh, họ thấy chỗ khác nhau, họ thấy mối mâu thuẫn. Rồi lại do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết. Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì sự so sánh kỹ càng đó, mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình”(2).

Theo Hồ Chí Minh, vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả. Đó là một lẽ rất giản đơn, dễ hiểu. Chỉ dưới ánh sáng minh triết Hồ Chí Minh thì sức mạnh tiềm ẩn trong dân mới được phát lộ. Đó là lực lượng, trí tuệ, quyền hành, lòng tin, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng và lòng tốt. Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên phát hiện ra những tố chất trong dân mà không phải ai và tổ chức nào cũng nhìn nhận được. Dân là những người nhiều tai mắt, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Chính nhờ những “tố chất dân” mà họ so sánh đúng và “biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. 

Theo Hồ Chí Minh, “tiếng dân chính là truyền lại ý trời”(3). Vì vậy, “dân muốn gì ta phải làm nấy”(4). “Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(5). Dân bầu ra cán bộ để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân. Dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(6).

Tuy nhiên, cần phải hiểu thấu đáo rằng “bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn. Người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên.

Sự khẳng định đầy niềm hứng khởi và tin tưởng tuyệt đối của Hồ Chí Minh đối với dân đang được thực tiễn trong công cuộc đổi mới chứng minh một cách đầy thuyết phục như  một đại biểu Quốc hội đã chỉ ra: “Chính những người nông dân vốn ít được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, thậm chí phải chịu đựng nhiều rủi ro không chỉ của thiên tai mà của cả một số sai sót trong điều hành của Chính phủ lại làm nên những thành tựu, những thương hiệu hơn hẳn công nghiệp trên nhiều lĩnh vực quan trọng”.

Thế nhưng, trước đây cũng như hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên coi nhân dân là những người “không quan trọng”(7). Có người thường “cho dân là dốt không biết gì, “dân ngu khu đen”, "mình là thông thái tài giỏi”. Họ xem thường dân, coi khinh dân nên không có năng lực lắng nghe và thấu hiểu  dân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xa cách giữa nhân dân với cán bộ, gây nên sự khủng hoảng niềm tin của nhân dân với Đảng và Chính phủ.

Hỏi dân, học dân và học cách làm dân

Tại sao phải học dân và học cách làm dân? Vì nhiệm vụ của Chính phủ và Đảng  là phụng sự nhân dân. Nghĩa làm đày tớ cho dân. Làm đày tớ cho dân nghĩa là việc gì lợi cho dân (chứ không phải lợi cho “quan” hay một nhóm người), dù nhỏ mấy, cũng phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh. Muốn làm được như vậy thì phải gần gũi dân, nghe ngóng và hiểu biết dân, học hỏi nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Bốn điều  đó cán bộ phải thuộc lòng và ra sức thực hành. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân. Bác Hồ dạy:

“Không học hỏi nhân dân thì không lãnh đạo được dân.

Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”(8)

 Một lẽ phải, thường tình, trở thành chân lý hiển nhiên, đó là khi quyền hành trong tay dân và nhân dân đã ủy thác quyền lực cho mình thì người cán bộ phải có trách nhiệm với dân, làm mọi nhiệm vụ nhân dân giao cho và phải làm cho tốt. Còn khi đã cảm nhận được sự giảm sút lòng tin của dân thì nên chủ động, vui lòng từ chức. Người cán bộ, lãnh đạo hiện nay, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, cán bộ cấp cao cần thấm nhuần sâu sắc, quán triệt bài học sáng giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(9).

Nhân dân còn quan tâm đến sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, đó là một tín hiệu đáng mừng vì họ còn tin vào bản chất tốt đẹp của chế độ. Chỉ khi nào còn tin Chính phủ là của dân, do dân, vì dân thì nhân dân mới chân thành góp ý phê bình Chính phủ. Một khi nhân dân đã quay lưng lại với chế độ, không “thèm” góp ý phê bình Chính phủ và cán bộ của Chính phủ thì đó là dấu hiệu sự suy vong của chế độ. Một Chính phủ thật sự là công bộc của dân thì phải biết khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện, cơ chế để nhân dân góp ý, thẳng thắn phê bình mình. Giải thích cho dân hiểu để dân chia sẻ là một trong những cách làm tốt nhất để tạo mối quan hệ mật thiết giữa cán bộ với dân. Theo tinh thần Hồ Chí Minh, mười ý kiến của dân, một ý kiến đúng cũng là quý. Khi mà Chính phủ và Đảng đóng cửa bảo nhau, tự phê bình và phê bình, kiểm điểm, thiếu công khai, minh bạch; không dám chịu trách nhiệm cá nhân, tranh công đổ lỗi; khi mà nhân dân không còn mối quan tâm đến Đảng và Chính phủ, đến “ông nọ, bà kia” thì câu chuyện đang đi đến hồi kết.

Việc cần làm ngay hiện nay là người lãnh đạo, người cán bộ phải xác định rõ trách nhiệm, bổn phận tận tụy phục vụ nhân dân suốt đời và phải biến nhận thức đó thành hành động thường trực hằng ngày, từ việc lớn đến việc nhỏ. Đúng là người cán bộ phải học mãi, học suốt đời bốn chữ “phục vụ nhân dân” mới thuộc được. Một số cán bộ không phải sa ngã từ đầu mà thường là khi có chút quyền chức và “cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ” như Bác Hồ đã cảnh báo, mới sa ngã. Họ không vượt qua được chính mình, không chiến thắng được kẻ thù trong lòng là chủ nghĩa cá nhân.

Chúng ta đang học tập Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thực chất của hai nhiệm vụ lớn này là trở lại, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với việc quán triệt quy định về 19 điều đảng viên không được làm, rất cần thiết phải nhấn mạnh những điều cán bộ, đảng viên phải làm, đó là trách nhiệm, bổn phận của người cán bộ, công chức trước Tổ quốc và nhân dân. Từ pháp lệnh cán bộ công chức đến triển khai có hiệu quả trên thực tế là cả một quy trình chặt chẽ từ giáo dục đến những tiêu chí, quy định cụ thể, “đức trị” kết hợp chặt chẽ với “pháp trị”. Giáo dục là biện pháp chủ yếu và lâu dài, nhưng phải nghiêm ngặt kiểm tra, giám sát, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân theo những tiêu chí, quy định phục vụ nhân dân. Không có một cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu nào chịu trách nhiệm thì tiêu cực không những không giảm mà còn phát sinh. Có sai phạm thì phải xử lý theo kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước. Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, tập thể nào sai lầm thì lập tức sửa chữa, xử lý. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, thậm chí “đánh bùn sang ao”, tranh công, đổ lỗi. “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa nào, làm nghề nghiệp gì”(10). Ngay cả việc chúng ta thường nói và là nhóm giải pháp đầu tiên trong 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 đưa ra là nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên thì cũng phải có tiêu chí, thước đo cụ thể, gương mẫu như thế nào, không thể hô khẩu hiệu “gương mẫu” chung chung.  Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trước hết và xuyên suốt đến tận cuối đời là làm tròn bổn phận cán bộ là người công bộc của dân, quyết tâm, suốt đời hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh suốt đời nói và làm: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của  quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sống giữa lòng dân, đến tận cuối đời vẫn sẵn sàng trở về sống cuộc sống người dân. Người là số ít trong các nhân vật đã trở thành huyền thoại ngay khi còn sống. Hàng trăm mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch chứng minh cho điều đó, nhưng nhìn một cách cô đúc, Hồ Chí Minh là lãnh tụ duy nhất trên thế giới mà cống hiến cho dân tộc và nhân loại là cực đại, phần cho cá nhân là cực tiểu. Người không có một tấm huân chương nào. Tấm huân chương lớn nhất của Người chính là lòng dân. Hồ Chí Minh không có gì riêng tư cho mình. Cuộc sống riêng của Người hòa làm một với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Hồ Chí Minh là con người toàn vẹn, có cuộc sống trọn vẹn từ lúc bước vào đời đến khi ra khỏi cuộc đời. Trước lúc vĩnh biệt chúng ta, Người viết về việc riêng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Có bao nhiêu lãnh tụ trên thế giới  đến lúc đi gặp Cụ Các Mác, Cụ Lênin vẫn không quên dặn dò “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”?

Phải trở về với Hồ Chí Minh để làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân. Đây là điểm gốc, điểm mẹ trong việc thực hiện Chỉ thị 03 và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Bởi vì một khi người cán bộ không còn tấm lòng trọng dân, tin dân, thương dân, gần dân, yêu quý dân, mà lại vô cảm trước đời sống của dân thì không thể suốt đời phục vụ nhân dân. Mà không xác định việc phục vụ nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, suốt đời thì đừng làm lãnh đạo và cán bộ nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích rõ: “Có người nói rằng: mọi việc họ đều phụ trách trước Đảng, trước Chính phủ. Thế là đúng, nhưng chỉ đúng một nửa. Họ phụ trách trước Đảng và Chính phủ, đồng thời họ phải phụ trách trước nhân dân. Mà phụ trách trước nhân dân nhiều hơn phụ trách trước Đảng và Chính phủ, vì Đảng và Chính phủ vì dân mà làm các việc, và cũng phụ trách trước nhân dân. Vì vậy nếu cán bộ không phụ trách trước nhân dân , tức là không phụ trách trước Đảng và Chính phủ, tức là đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ”.

Xã hội nào cũng cần có công bộc (serviteur public) là những người phục vụ chung của xã hội.  Bác Hồ dùng hai chữ “đày tớ” trong chế độ mới cũng theo nghĩa đó. Trong chế độ cũ, nhà nước là bộ máy của giai cấp bóc lột dùng để thống trị và áp bức nhân dân; viên chức quan lại tự xưng là “cha mẹ dân”, đè đầu cưỡi cổ dân. Họ là quan theo đúng nghĩa của từ này. Chế độ mới từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đến nay - chế độ Dân chủ Cộng hòa - đã đem lại địa vị chủ nhân cho người dân và địa vị người đày tớ cho cán bộ. “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a,b,c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”(11). Một thực trạng đáng buồn hiện nay là “đội ngũ cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản”(12), “chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước”; “tình trạng chạy chức, chạy quyền... chưa được khắc phục”. Trong khi thiếu cơ chế để phát huy tố chất dân và chưa có cơ chế xây dựng tố chất cán bộ thì một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Họ leo lên chức quyền bằng con đường mua bán. Vì chạy chức quyền nên họ không bao giờ có tố chất cán bộ  theo đúng nghĩa phục vụ dân và không xứng danh làm cán bộ. Họ làm việc theo lối “quan” chủ, không học dân, hỏi dân, bỏ ngoài tai ý kiến của dân. Họ muốn làm “quan” nhưng không chịu học dân và học cách làm dân. Nhiều việc làm của họ theo kiểu “hành dân là chính” đang “đưa nhân dân đối lập với Đảng và Chính phủ”(13). Đó là một nguy cơ có thật, “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

 

 

 

 

--------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr.285.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.245-246.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.79

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.148

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.297.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.60.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.285.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.88.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.161.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.641.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.555.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.294

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570213

Hôm nay

2249

Hôm qua

2367

Tuần này

22596

Tháng này

228737

Tháng qua

129483

Tất cả

114570213