Đến năm 1867, Nhật Hoàng Meiji (Minh Trị) mới phục hồi quyền lực cho triều đình, bãi bỏ chế độ samurai, lập chế độ quân chủ lập hiến. Tuy vậy thế lực quân phiệt vẫn có ảnh hưởng lớn trong đời sống; nghị viện có rất ít quyền lực; nhà vua đồng thời là Thống soái Tối cao quân đội và trực tiếp chỉ định Thủ tướng. Dân Nhật tin rằng đất nước họ là của thần thánh, dân tộc Nhật là hậu duệ của Nữ thần Mặt trời Amaterasu, Nhật Hoàng không phải là người thường mà là thần thánh, mọi người phải tuyệt đối trung thành với Nhật Hoàng, coi nhà vua là biểu tượng của đất nước.
Trong Minh Trị Duy Tân, với khẩu hiệu “Phú quốc cường binh” “Thoát Á nhập Âu”, Nhật đã phát triển mạnh công nghiệp nặng. Giai cấp tư sản Nhật ra đời và nhanh chóng lớn mạnh, hình thành nhà nước phong kiến-tư bản, đối nội thi hành sự thống trị độc tài chuyên chế, đối ngoại ra sức thôn tính các nước xung quanh để biến Nhật thành một đế quốc hùng mạnh của châu Á. Công nghiệp vũ khí và lực lượng quân đội nhanh chóng phát triển. Nhật lần lượt đánh bại Trung Quốc và Nga trong các xung đột năm 1894 và 1904-1905, buộc Trung Quốc phải cắt bán đảo Liêu Đông và đảo Đài Loan, Bành Hồ cho Nhật. Thế lực quân phiệt Nhật lấn áp dần phái dân sự, chính sách xâm lược được tiến hành dưới chiêu bài tạo dựng một “Vành đai Đại Đông Á phồn vinh”. Tháng 9. 1931, Nhật chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc rộng 1 triệu km2 rồi lập “Mãn Châu Quốc”, dựng Phổ Nghi làm bù nhìn đứng đầu. Đầu 1932, Nhật tấn công Thượng Hải. Ngày 7.7.1937, Nhật gây ra vụ Lư Câu Kiều, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Tháng 11, Nhật chiếm Thượng Hải; tháng 12, chiếm Nam Kinh, thủ đô Chính phủ Trung Quốc và gây ra vụ thảm sát 300 nghìn người Trung Quốc ở đây. Tháng 8.1936, Chính phủ Nhật xác định Nam tiến tức “phát triển xuống vùng biển phía Nam” là “quốc sách cơ bản”, đầu tiên chúng chiếm đảo Hải Nam và Trường Sa (2. 1939).
Đối nội, bè lũ quân phiệt Nhật phản đối lập Chính phủ dân sự, thời gian 1921-44 chúng gây ra ra 64 vụ bạo lực chính trị, từ thập kỷ 30 chúng nắm hầu hết quyền lực. Nhật Hoàng Hirohito (Dụ Nhân, 1901-1989) lên ngôi từ 1926, lấy niên hiệu là Showa (Chiêu Hoà). Hirohito không đấu tranh với cánh hữu quân phiệt mà còn a dua thi hành chính sách của chúng. Năm 1932, các sĩ quan trẻ ám sát Thủ tướng ôn hoà Tsuyoshi Inukai. Tháng 2.1936, chúng làm đảo chính lật đổ Chính phủ Okada, tuy bất thành song chúng đã ám sát nhiều quan chức cấp cao ôn hoà. Khắp nước Nhật bao trùm một không khí cuồng tín, hiếu chiến, không một ai dám tỏ ý chống lại chính quyền hoặc nhà vua. Hãy so sánh: nước Đức Hitler cũng phát xít hiếu chiến nhưng còn có không ít người chống lại Hitler, chứng cớ là đã có hơn 5000 người Đức bị hành quyết vì định ám sát hắn, trong đó có cả Thống chế Rommel, Tư lệnh quân đội Đức tại Bắc Phi.
2. Chiến tranh Thái Bình Dương
Sau khi Đức gây chiến ở châu Âu và liên tiếp giành thắng lợi như chẻ tre, bè lũ quân phiệt Nhật càng nôn nóng Nam tiến. Đầu năm 1940, Chính phủ Nhật tái xác định quốc sách Bắc thủ, Nam tiến, coi tiến xuống phía Nam là mục tiêu chính, nhằm: - cắt đường viện trợ của Mỹ cho Trung Quốc qua Đông Dương và Miến Điện, qua đó buộc Trung Quốc đầu hàng, vì lúc này Nhật đang bị sa lầy ở Trung Quốc rộng mênh mông; - chiếm tài nguyên Đông Nam Á để phục vụ kinh tế Nhật; - tranh thủ khi Anh, Pháp đang bị Đức đánh cho tơi bời ở châu Âu, Nhật cướp các thuộc địa của họ ở châu Á. Nhật phải “Bắc thủ” là do âm mưu “Bắc tiến” từng bị Liên Xô đập tan ở Khalkhingôn (5.1939); và tháng 8.1939 Đức - Liên Xô ký Hiệp ước không xâm phạm với nhau, Nhật biết không thể một mình chọi với Liên Xô.
Lúc này Mỹ là cản trở chính cho việc Nam tiến của Nhật, vì Hà Lan đã đầu hàng Đức; Anh đang bị máy bay Đức ném bom dữ dội và đang lo bị Đức tấn công, không sức đâu để ý đến các thuộc địa của mình ở châu Á. Mâu thuẫn Mỹ-Nhật ngày một gay gắt, trước hết là do Nhật xâm lược Trung Quốc, các quyền lợi của Mỹ tại Trung Quốc bị xâm phạm. Tính đến tháng 11.1939, Mỹ đã gửi 382 công hàm kháng nghị Nhật. Mỹ tăng viện trợ cho Chính phủ Tưởng Giới Thạch chống Nhật và không thừa nhận Chính phủ Uông Tinh Vệ thân Nhật. Thứ hai, Mỹ chiếm Philippines làm thuộc địa và quan tâm đến tài nguyên vùng Đông Nam Á, việc Nhật Nam tiến sẽ đe doạ lợi ích của Mỹ. Ngoài việc kháng nghị, Mỹ còn tăng gấp đôi lực lượng hải quân ở vùng này và tuyên bố Mỹ sẽ không để yên cho Nhật Nam tiến. Thứ ba, Nhật lập quan hệ đồng minh với Đức, Ý là nhằm vào Mỹ, đồng thời Nhật chuẩn bị phối hợp với Đức chiếm Singapore, thuộc địa của Anh, đồng minh thân cận của Mỹ. Thứ tư, để đối phó với chính sách xâm lược của Nhật, Mỹ ngày càng hạn chế xuất khẩu sang Nhật, gây khó khăn lớn cho chính sách Nam tiến với hướng chính là Đông Dương và Indonesia.
Tháng 6.1940, Nhật ký Hiệp ước Hữu hảo với Thái Lan, kích động Thái Lan mâu thuẫn với Pháp (cái gọi là nguy cơ chiến tranh Xiêm-Pháp năm 1940). Đồng thời Nhật đòi chính quyền Pháp ở Đông Dương cắt đường tiếp tế Trung Quốc của Mỹ qua biên giới Việt-Trung (Hải Phòng-Lào Cai-Vân Nam) và yêu cầu Anh cắt đường tiếp tế Trung Quốc qua Miến Điện và Hongkong. Tháng 7, Nhật quyết định đưa các thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan vào “phạm vi trật tự mới ở Đông Nam Á”.
Ngày 27.9.1940, Nhật, Đức, Ý ký hiệp định Đồng Minh, lập Trục phát xít Âu-Á. Hitler có dự lễ ký ở Berlin. Mussolini không đánh giá cao việc này. Điều 1 Hiệp định viết: Nhật thừa nhận “sự lãnh đạo của Đức và Ý trong việc lập lại trật tự mới tại châu Âu”. Điều 2, Đức và Ý thừa nhận vai trò tương ứng của Nhật tại châu Á. 3 nước thoả thuận sẽ giúp nhau nếu 1 trong 3 nước bị Mỹ tấn công. Hiệp định có thời hạn 10 năm.
Tháng 11.1940, Tư lệnh Hạm đội Liên hợp, đại tướng hải quân (đô đốc) Isoroku Yamamoto, nhân vật số ba ở Nhật (sau Thiên Hoàng và Thủ tướng), cùng Bộ trưởng Hải quân bàn kế hoạch đánh úp Trân Châu Cảng, một dự định tuyệt mật chỉ hai người này biết.
Ngày 13.4.1941, Nhật và Liên Xô ký Hiệp ước Trung lập không xâm phạm lẫn nhau, nhờ đó Nhật rảnh tay đối phó với Mỹ, Anh trong việc Nam tiến. 10 ngày sau khi Đức tấn công Liên Xô, Chính phủ Nhật thông qua quyết định chiếm Đông Nam Á dù phải đánh nhau với Mỹ. Nhưng để che mắt Mỹ, Nhật bày trò đàm phán bí mật với Mỹ. Ngày 14.4, Nhật gửi thông điệp cho Pháp đòi chiếm 8 sân bay ở Đông Dương. Ngày 14.7, Nhật đòi Pháp để Nhật dùng 8 sân bay ở Nam Việt Nam và sử dụng cảng Sài Gòn và Cam ranh. Về sau, máy bay Nhật cất cánh từ Sài Gòn đã tiêu diệt hạm đội Anh tại Singapore; từ sân bay Gia Lâm máy bay Nhật thường xuyên sang ném bom Côn Minh cắt đường tiếp tế của Mỹ sang Trung Quốc qua Miến Điện. Ngày 23.7, Nhật ký với chính quyền Pháp tại Đông Dương hiệp định cho Nhật chiếm Việt Nam. Mỹ phản ứng bằng cách ngừng đàm phán bí mật với Nhật và đóng băng tài sản Nhật, ngừng bán dầu cho Nhật. Anh và Hà Lan cũng làm theo. Việc Mỹ cấm vận tuy không lập tức gây khó khăn vì Nhật đã dự trữ dầu đủ dùng trong 2 năm, nhưng về lâu dài là bất lợi; Nhật chỉ còn trông mong vào việc chiếm Indonesia, nước sản xuất nhiều dầu mỏ. Vì vậy Nhật đã yêu cầu Indonesia (thuộc Hà Lan) cắt đứt quan hệ với châu Âu để tham gia “Khối cộng đồng phồn vinh Đại Đông Á ” do Nhật đưa ra.
Tháng 9.1941, Chính phủ Nhật thông qua quyết định phát động chiến tranh Thái Bình Dương. Tháng 10, Bộ trưởng Lục quân Hideki Tôjô, một trùm quân phiệt khét tiếng hiếu chiến từng là Tư lệnh đạo quân Quan Đông ở Mãn Châu, được Nhật Hoàng cử làm Thủ tướng (thay Konoe từ chức) kiêm Bộ trưởng hai Bộ Lục quân và Nội vụ. Tôjô có quyền như một shogun và được thăng từ Trung tướng lên Đại tướng.
Ngày 5.11, Nhật quyết định “phải chuẩn bị chiến tranh với Mỹ, Anh và Hà Lan nếu trước ngày 1.12.1941 các yêu cầu của Nhật không được đáp ứng.” Đó là các yêu cầu Nhật nêu ra trong cuộc đàm phán với Mỹ từ 4.1941: - để Nhật chiếm Trung Quốc và Đông Nam Á; - Mỹ và Anh không được tăng cường lực lượng trong vùng châu Á - Thái Bình Dương; - Mỹ bán cho Nhật các thứ hàng Nhật cần. Rõ ràng, Mỹ không thể đồng ý với các yêu cầu đó. Vì vậy ngày 1.12, Nội các Nhật chính thức quyết định khai chiến với Mỹ, Anh, Hà Lan. Thật ra, ngay từ ngày 26.11, một hạm đội hùng hậu đã bí mật rời Nhật Bản tiến về Trân Châu Cảng (Pearl Harbor, cách Nhật 6000km, cách bờ biển phía Tây nước Mỹ 3000km). Lực lượng này gồm 6 tầu sân bay, 2 thiết giáp hạm, 3 tầu tuần dương, 11 tầu khu trục, 3 tầu ngầm cùng 423 máy bay hải quân, ngoài ra còn 27 tầu ngầm đi trước trinh sát./.
Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp
1. Xem “Võ Sĩ Đạo – Linh hồn Nhật Bản”, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.