Những góc nhìn Văn hoá

Quan niệm của Nguyễn Huy Tưởng về văn hóa và con người trong sáng tạo nghệ thuật

Nguyễn Huy Tưởng là một trong những nhà văn lớn của thế kỷ XX, cuộc đời và sự nghiệp của ông là một hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ để kiếm tìm, phát hiện và nâng niu cái đẹp; bảo vệ, ngợi ca những giá trị, phẩm chất cao quý, thánh thiện của con người với khát vọng xây dựng được những “cửu trùng đài” cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Trong khuôn khổ của bài viêt, chúng tôi muốn nhìn nhận những cống hiến, đóng góp của ông trên phương diện của một nhà văn hóa với những tư tưởng, quan điểm tiến bộ, nhân văn, mang đậm chất triết lí và tính thời sự sâu sắc.

 

1. Cảm thức về truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc

Là cây bút thành công ở đề tài lịch sử, sự nghiệp văn chương Nguyễn Huy Tưởng chiếm một vị trí quan trọng trên văn đàn, tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng bạn đọc bởi lối tiếp cận, miêu tả, phản ánh lịch sử một cách độc đáo. Nhắc đến ông bạn đọc thường nhắc tới tên gọi rất đỗi thân quen “nhà chép sử bằng văn chương.”

Yêu nước, yêu những trang sử dân tộc là hai phẩm chất nổi bật trong con người Nguyễn Huy Tưởng. Đó cũng là nguồn cảm hứng lớn chi phối và thấm đẫm trong từng trang viết của nhà văn. Cùng viết về đề tài lịch sử, nhưng khác với một số cây bút lãng mạn cùng thời mượn lịch sử để chạy trốn, thoát li thực tại,… Nguyễn Huy Tưởng không đồng tình, ông chủ trương một quan niệm đúng đắn, tiến bộ phải tôn trọng sự thật như nó vốn có, phải hiểu biết sâu sắc truyền thống lịch sử dân tộc mình, nhất là trong bối cảnh đất nước đang chìm trong bóng đêm nô lệ, vì “người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cầy ruộng. Cầy với ai cũng được mà cầy ruộng nào cũng được.” (Nhật ký, ngày 13/1/1932)

Ý thức rõ về vai trò, sức mạnh của truyền thống lịch sử - văn hóa, Nguyễn Huy Tưởng trở về quá khứ với độ lùi hàng nghìn năm để phản ánh, ngợi ca với khát vọng lớn lao muốn tái hiện những bức tranh hùng tráng về lịch sử nước nhà, tôn vinh những công lao to lớn của các vị anh hùng - những người đã viết lên những trang sử rực rỡ, oai hùng của dân tộc. Không tô hồng, không bôi đen lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng tôn trọng lịch sử đến từng chi tiết. Nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, ông không quá câu nệ, lệ thuộc máy móc vào tài liệu mà biết chọn lọc, khai thác những sự kiện, chi tiết độc đáo, có ý nghĩa và sức khái quát cao, tập trung vào những giai đoạn đầy biến cố, thử thách, những khoảng trống mà các sử gia còn bỏ ngỏ để lấp đầy, lý giải với cái nhìn biện chứng - khách quan.

“Ôn cố tri tân” - viết về quá khứ lịch sử để giải đáp, đề cập đến những vấn đề bức thiết của cuộc sống hiện thời, vì thế tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng tuy viết về những sự kiện cách xa hàng thiên niên kỷ nhưng vẫn sống động, như đang đối thoại với với cuộc sống hiện tại, với người đương thời để khích lệ, cổ vũ, động viên nhân dân đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù, giành lại độc lập, tự do.

Bao trùm lên sáng tác của nhà văn là nguồn cảm hứng lớn về lịch sử. Ngay từ buổi đầu đến với văn chương, Nguyễn Huy Tưởng đã có một tuyến bố dứt khoát, thể hiện rõ tinh thần nhập cuộc, ý thức về trách nhiệm, bổn phận của kẻ sĩ trước cuộc đời: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi.” (Nhật ký, ngày 19/12/1930). Viết văn để tỏ lòng yêu nước, đó là triết lí sống và là quan điểm sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, nó chi phối đến toàn bộ quá trình sáng tạo của nhà văn.

Vũ Như Tô(1941) là tác phẩm đầu tay, có ý nghĩa quan trọng trong đời văn Nguyễn Huy Tưởng, đánh dấu bước trưởng thành sau nhiều nỗ lực, cố gắng tìm tòi, thử nghiệm ở nhiều thể loại. Đây cũng là tác phẩm tâm huyết, kí thác những trăn trở, suy ngẫm và cả những khát khao sáng tạo. Viết Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng không thuần túy miêu tả, khắc họa một nhân vật được ghi trong sử sách mà qua những mâu thuẫn, xung đột kịch nhà văn muốn gửi gắm bức thông điệp về số phận, bi kịch của người nghệ sĩ sinh bất phùng thời; về những khối mâu thuẫn lớn giữa khát khao sáng tạo với hiện thực khốn cùng của cuộc sống dân tình; giữa trách nhiệm công dân và sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của người nghệ sĩ,… Vũ Như Tô là một kiến trúc sư có tài trời, có niềm khát khao sáng tạo, muốn tô điểm cho non sông những tòa đài hoa lệ lộng lẫy nhất trần gian. Và Cửu trùng đài chính là công trình nghệ thuật lớn lao, kỳ vĩ mà ông muốn dồn hết tâm lực để xây dựng thành công công trình tuyệt mĩ có thể sánh ngang với hóa công, bền với trăng sao, đời đời ngưỡng mộ.

Nhưng dưới thời vua Lê Tương Dực, những khát khao sáng tạo của người nghệ sĩ khó có thể trở thành hiện thực mà bị lâm vào những bi kịch không lối thoát, khi Cửu trùng đài được xây dựng để phục vụ cho mục đích ăn chơi xa hoa của vua chúa, nó được xây trên mồ hôi, xương máu của nhân dân. Và kết cục nó bị thiêu thành tro bụi. Như vậy, trong bối cảnh thời ấy, nghệ thuật tạm thời bị gác sang một bên để dành cho những mưu cầu của cuộc sống nhân sinh.

Viết Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng muốn đề cập đến vấn đề muôn thuở của người nghệ sĩ, đó là vấn đề tự do sáng tạo. “Kính sĩ mới đắc sĩ” - câu nói khẳng khái của Vũ Như Tô trước mặt vua Lê Tương Dực cho thấy mong ước của kẻ sĩ là phải được trọng dụng, phải được tạo mọi điều kiện để thi thố tài năng, tự do sáng tác. Bởi người nghệ sĩ chân chính có tài, có tình yêu nghệ thuật có thể sẵn sàng hy sinh bản thân mình, quên đi những vất vả, cực nhọc để được sáng tạo. Câu nói của Vũ Như Tô “Đời ta không quý bằng Cửu trùng đài. Ta sống với Cửu trùng đài, chết với Cửu trùng đài” cho thấy tình yêu mãnh liệt và sự hiến dâng cả cuộc đời cho nghệ thuật, cho những công trình kỳ vĩ sẽ còn lại với muôn đời sau.

Qua số phận, cuộc đời Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về sức sống, sự trường tồn của nền văn hóa dân tộc. Vì sao qua hàng ngàn năm lịch sử chúng ta vẫn chưa có những công trình nghệ thuật lớn có thể sánh ngang với các nước Trung Hoa, Cămpuchia…? Niềm băn khoăn đó được Nguyễn Huy Tưởng gửi gắm và giải đáp qua lời đề tựa của vở kịch: “Mải vật lộn quên cả đài cao mộng lớn. Công ông cha hay là nỗi thiệt thòi?” Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Tâm trí, sinh lực của toàn dân tộc dồn vào những cuộc đấu tranh sinh tồn để dành lại sự sống. Vì thế những khát khao sáng tạo của kẻ sĩ ít có cơ hội, điều kiện để thực hiện. Mặt khác dưới một số triều đại phong kiến, tầng lớp sĩ phu không được trọng dụng, nghệ thuật trở thành phương tiện phục vụ cho mục đích ăn chơi xa hoa của vua chúa, quan lại. Nhưng với niềm tin tưởng, kỳ vọng vào tương lai, vào sức sống mãnh liệt của dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng cảm nhận được một nền văn hóa mới sẽ nảy nở trên đất nước mình: “Nhưng đừng vội tủi. Sức sống tràn từ ải Bắc đến đồng Nam.”

Cũng trong lời đề tựa, Nguyễn Huy Tưởng viết “Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải. Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”, như vậy ông đã tự nhận mình là người “đồng bệnh” với Đan Thiềm - căn bệnh của tình yêu và niềm đam mê cái đẹp, trân trọng những khát khao sáng tạo của người nghệ sĩ, cảm thông với nỗi đau và bi kịch mà họ phải gánh chịu khi phải sống trong không gian o bế, ngột ngạt của xã hội đương thời. “Chế độ thì nghiệt ngã vô lý: Nhà không cho làm cao, áo không cho mặc đẹp”, và trước những lời khinh bỉ, coi thường của bọn giặc Tàu: “Người An Nam chỉ có thể làm được cái đền, cái miếu nhỏ nhỏ bé bé…” Và đặc biệt là khát khao sáng tạo cống hiến vì mục đích thiêng liêng của nghệ thuật mà kiến trúc sư họ Vũ bất chấp những lời can ngăn của thợ thuyền, dồn hết tâm lực để dựng xây Cửu trùng đài cho dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp của nước ngoài, làm cho đất Thăng Long thành nơi kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian.

Như vậy viết Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng xuất phát từ cảm thức sâu sắc về lòng tự tôn dân tộc, mong muốn sẽ xây dựng một nền văn hóa rực rỡ có thể sánh ngang với các nền văn hóa khác, mà trong đó người nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Trước khi chấp bút viết Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng từng tâm sự: “Than ôi! Những lâu đài của Chiêm Thành đến nay cũng thành vô dụng. Ta không có lâu đài, không có văn hóa chưa phải là cái xấu, đấy chỉ là dấu vết một dân tộc ham sống, chỉ biết sống mà quên cả những cái phồn hoa.” (Nhật ký, ngày 11/10/1941), và tâm sự đó cũng như những tâm sự của Vũ Như Tô sẽ được Nguyễn Huy Tưởng gửi gắm, kí thác trong cả hành trình sáng tạo văn chương của đời mình với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc tạo dựng những tác phẩm văn chương về đề tài lịch sử. Mỗi tác phẩm của ông là những công trình nghệ thuật có giá trị, khơi sâu vào mạch nguồn của lòng yêu nước, làm sống dậy những trang sử hào hùng của cha ông, bồi đắp cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, yêu truyền thống lịch sử - văn hóa nước nhà.

Với cái nhìn biện chứng, tiến bộ, Nguyễn Huy Tưởng cho rằng, làm nên truyền thống văn hóa dân tộc là cả một quá trình phấn đấu, sáng tạo, gìn giữ lâu dài, có sự kế thừa, phát huy, tiếp nối của nhiều thế hệ. Trước những sai lầm của công cuộc cải cách ruộng đất, trước những hành động bột phát, thiếu suy nghĩ của một số cán bộ đã có những hành động xóa sạch, lật nhào những giá trị, công trình văn hóa của quá khứ, ông đau đớn, xót xa và lên tiếng phê phán: “Cách mạng hãy khắc vào cốt những sai lầm đã phạm phải để không bao giờ, không bao giờ trở lại nữa. Chúng ta muốn đổi mới cho mau đến nỗi chúng ta muốn bỏ hết. Đến cả những tên của nhiều làng rất Việt Nam mà cũng rất thi vị, người cán bộ cũng bỏ đi, thay bằng những danh từ mang tính chất tuyên truyền chính trị. Không phân biệt được làng nào với làng nào với những tên đồng loạt: Tiến bộ, Hạnh phúc, Quyết tiến, Quyết tâm…” (1). Và ông thiết tha kêu gọi: “Đừng đi quá nữa. Cuộc đời không chỉ có cách mạng, mà còn có lịch sử, còn có cái âm vang truyền qua các thời đại, những cái bây giờ tưởng là không dùng nữa, nhưng không có thì cuộc đời trở nên trơ trẽn, lạnh lùng…” (2)

Đó là những tư tưởng, quan điểm đúng đắn, tiến bộ thể hiện cái nhìn xa rộng, có trách nhiệm của một nhà văn nặng tình với quê hương, đất nước, với tiền đồ của nền văn hóa dân tộc. Là cây bút có khuynh hướng sử thi với thế mạnh miêu tả các cuộc chiến đấu võ trang, theo sát những bước chuyển của cách mạng, kháng chiến, Nguyễn Huy Tưởng luôn quan tâm đến những vấn đề thời sự mà cuộc sống đang đặt ra. Bên cạnh đề tài về kháng chiến, về lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng còn dành nhiều trang viết để miêu tả, khắc họa vẻ đẹp của kinh thành Thăng Long - Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi ghi dấu những bước thăng trầm của lịch sử nước nhà, và đây cũng chính là quê hương ông. Viết về Hà Nội, ngoài việc tái hiện những tấm gương anh dũng, quả cảm của quân dân Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nguyễn Huy Tưởng còn quan tâm nhiều đến những khía cạnh của đời sống văn hóa qua các triều đại, các giai đoạn lịch sử trọng đại của Thủ đô với những nét đẹp riêng tạo nên cốt cách thanh cao, quyến rũ, thơ mộng của đất và người Tràng An.

Nguyễn Huy Tưởng từng ôm khát vọng lớn muốn viết được những tác phẩm vĩ đại kiểu như Chiến tranh và hòa bình (Lep.Tônxtôi), có thể giành được giải Nôbel, nhưng chặng đường sáng tạo của ông không thể trọn vẹn vì sớm phải từ giã cuộc đời ở tuổi 49 khi tài năng đang ở độ chín. Nhưng những tác phẩm của ông như: Vũ Như Tô, An Tư, Sống mãi với Thủ đô, Đêm hội Long Trì, Lũy hoa…, xứng đáng là những “cửu trùng đài” trong nền văn học nghệ thuật nước nhà, mà trong đó yếu tố lịch sử và truyền thống văn hóa luôn quyện hòa, đan xen, thẩm thấu trong từng trang viết làm nên những nét đặc sắc của văn chương Nguyễn Huy Tưởng.

2. Tình yêu thương, nâng niu, tôn trọng con người

Trong toàn bộ di sản văn chương Nguyễn Huy Tưởng để lại, bộ ba tập Nhật ký (gồm trên 1200 trang in khổ A4) được ông ghi chép bền bỉ, cần mẫn trong suốt cuộc đời cầm bút (từ ngày 2/11/1930 khi ông còn là cậu học sinh trường Bonnal - Hải Phòng cho đến ngày 21/6/1960 được viết trên giường bệnh Bệnh viện Việt - Xô, chỉ ít ngày sau khi ông qua đời). Đây là cuốn Nhật ký có giá trị và ý nghĩa to lớn, ngoài việc ghi chép những chuyện đời, chuyện nghề là những tâm sự thành thực của một tấm lòng đôn hậu luôn trăn trở, thao thức về trách nhiệm, sứ mệnh của bản thân trước cuộc đời với những tư tưởng, quan niệm tiến bộ về nghệ thuật, đặc biệt là những tư tưởng nhân văn về giá trị, về quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người.

Những năm 1956 - 1958 là giai đoạn đầy biến động của lịch sử - xã hội, với những hậu quả của công cuộc cải cách ruộng đất, cuộc đấu tranh phức tạp trên mặt trận văn hóa tư tưởng chống lại nhóm Nhân văn giai phẩm,.. đã để lại trong tâm trí Nguyễn Huy Tưởng nhiều suy tư, trăn trở trước tình trạng con người bị đối xử bất công. Ông viết: “Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người, dù là dưới hình thức phục vụ. Người là thật. Phải thật với người.”(Nhật ký, ngày 16/6/1956). Và ông nhấn mạnh: “Vấn đề chính là vạch những cái xấu, phải thấm nhuần cái chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Nâng niu, tôn trọng con người.”(Nhật ký, ngày 5/7/1956)

Trước những thảm cảnh của thân phận con người do những hậu quả sai lầm của công cuộc cải cách ruộng đất gây ra, nhất là những đối xử tàn bạo của một số cán bộ đối với sinh mạng con người, Nguyễn Huy Tưởng thiết tha kêu gọi: “Điểm xuất phát của cách mạng là con người. Đế quốc phong kiến khinh rẻ con người như cỏ rác. Chúng ta hãy nâng niu từng sợi tóc, từng giọt máu, từng tình cảm nhỏ của con người. Hơn lúc nào hết, phải đề cao cái ý thức tôn trọng con người, tôn trọng cái địa vị chủ nhân của của mỗi một người Việt Nam. Không để cho một cử chỉ thô bạo nào xâm phạm đến con người. Mỗi một con người là một lâu đài thiêng liêng mà chúng ta phải tới với một tấm lòng chân thành tôn kính.” (3)

Vẫn biết nghề cầm bút là một nghề cao cả, thiêng liêng, dù nhiều lúc ông đã phải “ứa nước mắt khóc” vì thấy viết không được như mình muốn, viết khó quá, nhưng trước những vấn đề phức tạp của cuộc sống nhân sinh, những câu chuyện buồn của nhân tình thế thái, Nguyễn Huy Tưởng luôn tự dặn lòng mình phải “là bó đuốc soi đường cho những người cùng khổ”, “tác phẩm phải vươn lên những vấn đề then chốt của nhân loại, xây dựng nhân phẩm, đề cập những vấn đề triết học, những vấn đề cuộc sống quan hệ đến vận mạng con người”.(Nhật ký, ngày 28/4/1956)

Là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, trọn đời gắn bó với cách mạng, trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng, hơn ai hết Nguyễn Huy Tưởng hiểu sâu sắc thực trạng của đời sống văn nghệ nước nhà. Nhiều người vì những định kiến hẹp hòi cá nhân chủ nghĩa, tinh thần địa vị, kèn cựa đã đưa ra những nhận xét chủ quan, phiến diện, hạ thấp những giá trị sáng tạo của người nghệ sĩ. Không đồng tình với lối phê bình quy chụp, ông viết: “Tác phẩm là một mảnh của của cuộc sống, là sự sống. Nó là một con người. Hãy nhận xét con người ấy thế nào, chứ đừng đòi thêm người phải có bốn tay, mười mắt.”(Nhật ký, ngày 7/6/1956). Và ông yêu cầu, kêu gọi những nhà văn chân chính không vì mục đích phục vụ trước mắt mà đuổi theo những đề tài vụn vặt, tầm thường. “Mỗi nhà văn phải có một thế giới quan, trong ấy sống những nhân vật của mình. Quan niệm phục vụ kịp thời, nó đã lãng phí bao nhiêu tài năng, dẫn đến những tác phẩm vô giá trị, những nghệ sĩ cơ hội…Nhà văn phải là nhà tư tưởng bằng nhân vật, bằng hình ảnh. Không phải chỉ là phản ánh, mà còn là tổng kết soi sáng. Đừng viết cái gì nó không soi sáng cho con người, cho xã hội…Suy nghĩ, suy nghĩ, và suy nghĩ. Đừng thờ ơ với cuộc sống dù nhỏ”.(Nhật ký, ngày 8/6/1956)

Tự hào về nghề viết, Nguyễn Huy Tưởng xác định trong tác phẩm của mình phải nêu và phản ánh được những vấn đề bức thiết của cuộc sống nhân sinh, đề cao, tôn trọng phẩm chất, giá trị cao quý của con người. Ông nhấn mạnh: “Nghề gì cũng đẹp, miễn đấy là một nghề. Nhưng có cái nghề nào thú vị hơn nghề văn, nó lấy nguyên liệu chính là con người, một cái gì đẹp nhất, toàn diện nhất, kỳ diệu nhất của sự sáng tạo?”(Nhật ký, ngày 16/6/1956)

Văn chương vì con người, con người là đối tượng phản ánh và cũng là đích đến của nghệ thuật. Nhiệm vụ cao cả của nhà văn phải hướng ngòi bút đến cuộc đời của những người cùng khổ để đồng cảm, sẻ chia, để nhân lên những tình cảm trong sáng, vị tha. Với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, vấn đề xây dựng tâm hồn con người là một mối quan tâm lớn mà cả cuộc đời cầm bút ông luôn trăn trở, khát khao sáng tạo, tìm tòi. Dù phê phán hay ngợi ca cũng đều xuất phát từ những giá trị nhân bản, từ truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc. Và hình tượng những con người chân chính, đại diện cho ý chí, sức mạnh và vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam được miêu tả trong những sáng tác của nhà văn là những tấm gương điển hình có tác dụng thanh lọc tâm hồn, hướng người đọc đến với các giá trị của chân – thiện – mỹ.

Từ cuộc đời sáng tạo và những trăn trở với nghề, Nguyễn Huy Tưởng đã đúc rút ra một triết lý nhân sinh sâu sắc: “Kỳ cho cuộc đời. Bao nhiêu những cái vĩ đại nhất (anh hùng, sáng tạo), những cái bạo liệt nhất (chiến tranh, cách mạng, phản cách mạng), những cái tàn ác nhất (giết người, thù oán, vv..) chung qui cũng chỉ là để giải quyết cái nhỏ mà lớn nhất là cuộc sống, mà cuộc sống có gì to tát đâu: một căn nhà, một chậu cảnh, một bông hoa, một tiếng khóc của trẻ con, vv… Thấy màng màng một cái gì là thơ và triết lý trong con người.” (Nhật ký, ngày 16/12/1956)

Có thể nói những tư tưởng, quan điểm giản dị mà sâu sắc của Nguyễn Huy Tưởng về lịch sử - văn học, về vấn đề con người trong sáng tạo văn chương được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có tác dụng lớn đối với những văn nghệ sĩ hôm nay khi đang đứng trước những thách thức, nhiệm vụ mới của thời đại./.

Chú thích

(1), (2), (3). Một ngày Chủ nhật, in trong Nguyễn Huy Tưởng, Toàn tập, tập V, tr. 127,128,129, NXB Văn học, Hà Nội, 1996

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114561743

Hôm nay

2171

Hôm qua

2334

Tuần này

2856

Tháng này

229286

Tháng qua

122920

Tất cả

114561743