Những góc nhìn Văn hoá

Đọc sách KHẢO VÀ LUẬN MỘT SỐ TÁC GIA - TÁC PHẨM VĂN HỌC TRUNG ĐẠI(1)

Những năm gần đây, trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân tộc đã xuất hiện những công trình hướng tới tổng kết thế kỷ XX. Khác với khu vực văn học hiện đại, việc xác định giá trị văn học truyền thống vừa ghi nhận, thâu thái kết quả học thuật mới, vừa đi sâu lý giải những tác gia – tác phẩm quá khứ, thậm chí còn cần tiếp tục giải mã nhiều "nghi án văn chương" có khi cách ngày nay tới cả năm, mười thế kỷ.

Điều đó cũng có nghĩa là những giá trị tiềm tàng của văn học quá khứ tiếp tục toả sáng, được bồi bổ, tích hợp thêm với những kiến giải học thuật ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Đặt trong xu thế chung, công trình tập hợp Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học trung đại Việt Nam của PGS. Bùi Duy Tân thể hiện rõ nét cả hai tính chất tổng kết thành tựu và đặt lại vấn dề khám phá mới, kiến giải thêm về các tác gia – tác phẩm văn học.

Là nhà giáo có tới bốn chục năm giảng dạy chuyên ngành văn học trung đại ở bậc đại học, Bùi Duy Tân có điều kiện "thâm canh" kỹ lưỡng, trở đi trở lại với nhiều đề tài tưởng như đã quen thuộc, không còn điều gì bàn thêm được nữa. Nói ngay như về văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà, ông đã dựa vào cứ liệu gần ba chục dị bản khác nhau để phân tích, và được đề nghị sử dụng bản chính thống vốn lấy từ sách Đại Việt sử ký toàn thư. Về tác giả bài thơ, ông cho rằng đây là "hiện tượng âm phù" nằm trong truyền thống đời sống dân tộc, đặc biệt thường xuất hiện trong bối cảnh chiến tranh vệ quốc ; do vậy khi sử sách ghi thời điểm xuất hiện bài thơ rất khác nhau, có khi gắn với việc giúp Lê Hoàn đuổi giặc ngoại xâm (981) có khi giúp Lý Thường Kiệt phá Tống (1076) ; từ đó ông thận trọng lựa chọn biện pháp tình thế khi viết sách giáo khoa trung học : sau tên Lý Thường Kiệt có thêm dấu hỏi chấm (?). Cũng với sự nghiêm cẩn như thế, ông bàn thấu lẽ đạt tình về việc nên coi bài thơ Quốc tộ (Vận nước) của Đỗ Pháp Thuận là tác phẩm sớm nhất của văn học trung đại Việt Nam ; ông tập hợp đủ đầy tư liệu, biện giải tận gốc nguòn hai chữ Khuê tảo trong thơ Lê Thánh Tông viết về Nguyễn Trãi, chỉ rõ những cách hiểu sai, dịch sai và cả con đường truyền rộng những lối hiểu sai ấy. Ngoài ra, ông còn giải thích, đính chính hàng chục trường hợp sai lệch, dễ bị nhầm lẫn hoặc đã từng bị mặc nhận như về tư liệu dòng họ Nguyễn Trãi, vấn đề "Hội Tao đàn" vai trò của Lê Thánh Tông ở các thi tập Quỳnh uyển cửu caHồng Đức quốc âm, v.v.
Khi hướng tới phân tích từng tác gia – tác phẩm cụ thể, Bùi Duy Tân có điều kiện thâm nhập, diễn giải, nắm bắt chắc chắn quá trình chuyển dịch từ Hán – Nôm sang chữ quốc ngữ cũng như lịch sử quá trình nghiên cứu, trên cơ sở đó tiếp tục bổ sung những ý kiến mới. Cách làm này giúp các trang viết của ông gần với bài giảng văn học cổ, trong đó có phân tích, cảm thụ, trao đổi, luận bình đưa lại vốn kiến văn thật sự sâu sắc. Xác định Nguyễn Trãi trên tư cách nhà văn chính luận kiệt xuất, ông nhấn mạnh từng đặc điểm và tính chất nổi bật như tính chiến đấu xuất phát từ ý thức tự giác dùng văn chương phục vụ những mục đích chính trị, xã hội, phản ánh tinh thần dân tộc, nêu cao lý tưởng vì dân, thể hiện lý tưởng chính trị xã hội cao nhất, và xét trên phương diện thể loại thì những áng văn này phản ánh trình độ phát triển cao của văn chính luận dân tộc (tr. 68 - 85). Với niềm say mê nghề nghiệp, say mê nền văn học cổ điển, tác giả có nhiều trang viết thật sự tâm đắc, khám phá sâu sắc thêm những giá trị tinh thần vốn đã trở thành biểu tượng, bản sắc và niềm tự hào dân tộc. Chẳng hạn, ông bình về khía cạnh nội dung thơ văn thuộc mẫu hình hoàng đế – thi nhân thật ý vị, sâu lắng : "Thơ đề vịnh thiên nhiên, phong cảnh của Lê Thánh Tông thật độc đáo. Nhiều bài thơ là sự gắn kết, hoà quyện giữa cảm hứng nghệ thuật và tư duy thế sự, nhiều bài thơ lại là biểu tượng một thiên nhiên quốc huy, đầy ắp hình tượng đất nước, vượng khí non sông, huy hoàng một Nam quốc, Nam thiên, địa linh nhân kiệt, uy nghi, đĩnh đạc, cổ kính, vĩnh hằng. Cả hai lối thơ đề vịnh này trước Lê Thánh Tông thật ít, mà sau hoàng đế cũng không mấy ai vượt trội hơn" (tr. 130). Còn có thể gặp được rất nhiều đúc kết sâu sắc và thi vị như thế khi tác giả viết về các danh nhân Thái Thuận, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Đào Duy Từ, Mạc Thiên Tích hoặc về bộ phận sử ca, diễn ca lịch sử dân tộc...
Đọc tập sách của Bùi Duy Tân, có thể thấy rõ ông là người sống trong nghề, thật sự yêu nghề, hiểu nghề, có thẩm quyền bàn luận nhiều vấn đề học thuật chuyên sâu của văn học trung đại dân tộc. Theo mạch văn và chủ định của ông, tập sách phần nào có những đoạn trùng lặp, nhất là khi tác giả hướng tới khái quát theo giai đoạn, theo thể loại hay theo cụm vấn đề. Tuy nhiên, điều có lý ở đây, chính là người viết nhằm đan kết, xử lý tư liệu theo một cách hình dung mới, nghĩa là nhằm tạo cho bạn đọc một điểm nhìn mới, bổ sung một cách hình dung mới về diện mạo và chiều hướng phát triển của văn học dân tộc. Hơn nữa, viết kỹ như vậy cũng chưa hẳn là thừa, bởi như PGS Bùi Duy Tân thường vui vẻ nhắc đi nhắc lại về sự "giảng đến rách mép" mà khi ra đời, các học trò vẫn còn hiểu sai, viết sai. Vì thế mà chúng ta càng trân trọng tập sách Khảo và luận..., một hợp tập khảo sát tư liệu và các vấn đề văn học sử còn rất cần thiết cho cả hôm nay và ngày mai.
 
 (Báo Nhân Dân,số 16218, ngày 2 - 12 - 1999;
Bùi Duy Tân tuyển tập. NXB Giáo dục, H., 2007)


([1]) Tập sách của PGS. Bùi Duy Tân, NXB Giáo dục,  H., 1999.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114562063

Hôm nay

2123

Hôm qua

2368

Tuần này

21176

Tháng này

220587

Tháng qua

129483

Tất cả

114562063