Diễn đàn

Đừng nên như thế!

Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 234 có đăng bài “Mặt trái con Người xứ Nghệ…” của tác giả Nguyễn Trung Ngọc. Tôi cho rằng đó là một cách nhìn nghiêm túc và rất trung thực của một người con xứ Nghệ. Ít có lời “tự phê” nào thẳng thắn mà khiêm nhường như vậy. Bị “ruồng rẫy” nhưng vẫn bình tĩnh nhận về mình những gì “đã sai và có thể còn sai” để mong vươn tới mãi. Phải chăng đó cũng là một nét đẹp nữa của người khu IV mà nhiều kẻ khác đã không nhìn thấy. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp Bình Dương cũng dũng cảm nhìn lại mình như vậy thì chắc hẳn mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều! Từ phía mình, một người tỉnh ngoài rất yêu xứ Nghệ, nhân Tạp chí mở diễn đàn trao đổi về vấn đề này tôi xin góp một tiếng nói với cảm xúc của riêng mình. Có lẽ góc nhìn của tôi khác với tác giả “Mặt trái con người Xứ Nghệ…” nên hai bài viết mang hơi hướng khác nhau nhưng nhìn sâu vào thì đều xuất phát từ tình yêu xứ Nghệ.Nguyễn Trung Ngọc thì “tự phê”còn tôi muốn hướng đến các doanh nghiệp Bình Dương với đôi lời trao gửi.

Chuyện mấy doanh nghiệp Bình Dương đang công khai hoặc ngấm ngầm tẩy chay công nhân có quê gốc từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được báo TT đăng với tít rõ to khiến tôi nhức nhối cả tuần nay dù tôi không phải là người thuộc 3 tỉnh Bắc miền Trung đó.  Rồi trên tờ điện tử có tên Kiến thức của Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam đăng bài viết “Cứ hồ sơ dân Nghệ xin việc là tôi loại ngay...” của một giám đốc công ty lại như đốt thêm nỗi buồn đau sâu kín của tôi.

Mỗi con người chúng ta xuất hiện trên cõi đời này như một sự vô tình nghiệt ngã của tạo hóa mà không một ai được quyền chọn cha mẹ, cũng như càng không một ai được quyền chọn quê hương. Và kẻ nào vì một chữ sỉ mà lấy làm xấu hổ về cha mẹ mình cũng như hổ thẹn về nơi mình đã sinh ra thì kẻ đó chưa đủ những yếu tố của một nhân cách.

Tương tự, là người có văn hóa không ai lại dè bỉu một người khác chỉ vì người đó không có những ông bố bà mẹ danh giá cũng như không có một vùng quê giàu sang. Chỉ có những kẻ ngu dốt mới có thái độ như thế.

Ai thì không biết nhưng chính bản thân tôi thời niên thiếu và ở tuổi trưởng thành đã từng sống nhiều năm ở những vùng quê nghèo tiền bạc mà giàu lòng nhân ái đó. 3 năm sống thời sơ tán vì chiến tranh ra đất Thanh Hóa, gần 7 năm sống thời sinh viên ĐHSP rồi thời học viên cao học ở Nghệ An; có khi hàng tháng trời rời Nghệ An vô Hà Tĩnh thực tập nghề dạy học. Rồi những năm đi lính gian khổ được sống những ngày huấn luyện tân binh giữa lòng đồng bào Nghệ An, Hà Tĩnh, nếu không được thụ hưởng tấm lòng bao dung, sự thương người có thể nói không ngoa là vô bờ bến của những người đồng bào nghèo khổ ở những nơi tôi đã đi qua thì chắc chắn tôi đã không sống được và nên người như ngày nay.

Bây giờ dù sống giữa Sài Gòn hoa lệ, nhiều đêm thao thức, những kỉ niệm về thời thơ ấu và trai trẻ của những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời bé nhỏ của mình vẫn thường ùa về đưa tôi chìm sâu vào giấc ngủ. Trong đó có những năm tháng sống trọn giữa những vùng quê Thanh Nghệ Tĩnh. Và tôi xem đó là  những năm tháng may mắn của đời mình bởi tôi đã được sống giữa những con người tốt đến mức không thể tốt hơn.

1972, học kì 2 của năm thứ nhất khoa Văn ĐHSP Vinh, cả khoa tôi sơ tán từ Quỳnh Lưu về xã Lăng Thành huyện Yên Thành Nghệ An. Tôi và ba thằng bạn cùng ở trọ (hiển nhiên là miễn phí hoàn toàn) trong một gia đình nông dân rất nghèo. Cả nhà chủ nhất loạt trân trọng gọi chúng tôi, những thằng sinh viên năm nhất ngô nghê và tồ không thể tồ hơn bằng thầy bởi họ rất kính trọng sự học. Điều đó khiến chúng tôi lấy làm bẽn lẽn nếu không nói là xấu hổ vì sự coi trọng tôn vinh không đáng có ấy. 

Thuở đó tôi mới 18 tuổi, cái tuổi không biết có bẻ gãy sừng trâu không nhưng ăn thì rất khỏe, ít khi tôi ăn mà thấy no.  Bữa cơm đầu tiên chúng tôi bưng từ bếp ăn tập thể của lớp về chỉ có mấy cọng rau và một soong canh lỏng bỏng nước. Thấy vậy bác chủ nhà ra mở cái chum to ngoài sân  đem vô cho cả bọn một qủa cà muối trắng phau to bằng cái bát con.  “Mời các thầy ăn thêm món này cho đủ bữa”, bác chủ nhà chỉ nói có vậy rồi mỉm một nụ cười khó hiểu bước ra ngoài.

Ối trời, đúng là dân xứ Nghệ, người đâu mà keo thế. Những bốn thằng thanh niên với một mâm cơm thế này mà cho chỉ nhõn một quả cà. Tôi nhìn thằng Khâm, thằng Khâm nhìn thằng Tùng, thằng Tùng nhìn thằng Nam ra ý thế này thì ai ăn ai nhịn đây, trong lúc cà muối lại là món rất khoái khẩu của chúng tôi. Cuối cùng để cho công bằng, thằng Tùng lớn tuổi nhất đứng ra chia đều quả cà làm 4 miếng. Mỗi thằng được ¼ bé tí xiu. Tôi háu đói nhất bọn nên vội vàng gắp phần của mình đút tọt vô miệng. Miếng cà vừa bỏ lọt chưa nằm yên trên lưỡi  chứ đừng nói là kịp nhai tôi đã la lên oai oái và nhè ngay ra. Ôi trời, mặn không thể mặn hơn, mặn hơn cả muối hột nguyên chất. Thì ra đó là món cà muối trường của dân Yên Thành. Cứ một lớp cà lại một lớp muối đến mức bão hòa bỏ vô chum to nén chặt lại bằng vĩ tre để ở góc sân rồi ăn dần hết năm này sang năm khác. Món này ai tham ăn muốn ăn nhiều cũng không được. Xong bữa rồi mà có mỗi một quả cà 4 thằng sinh viên ăn vẫn không hết. Lúc này chúng tôi mới hiểu được nụ cười kín đáo của bác chủ nhà khi “Mời các thầy ăn thêm món này cho đủ bữa”.

Chưa hết. Nhà nghèo nhưng gia đình bác chủ nhà vẫn nhường chỗ đẹp nhất với bộ phản gỗ dày đặt ở góc nhà có cửa sổ sáng sủa nhất cho 4 “thầy” nằm.  Ngay sát góc trên đầu tấm phản là một cái bồ to đựng khoai lát khô, phía trên ủ bằng lá chuối khô và đằn lên đó là một cái mâm gỗ dày. Ngay tối ngủ đầu tiên, cái mũi thính vì đói của chúng tôi  đã ngửi  thấy mùi thơm ngào ngạt của khoai khô. Vậy là áng chừng khuya đợi cho gia đình bác chủ nhà nằm trong buồng đã ngủ, chúng tôi thay nhau thò tay vô cái bồ nhẹ nhàng lấy khoai lát khô ra nhai.  Chao ôi là ngon và chao ôi là bùi và ngọt. Những lát khoai Yên Thành được nắng, được cất giữ trong bồ khô ráo với lá chuối khô thơm ơi là thơm, giòn ơi là giòn. Đến bây giờ tôi vẫn chưa có dịp được ăn lại những lát khoai khô ngọt ngào như thế. Dù đã cố tình ăn nhén lại nhưng tiếng khoai khô vẫn vang lên giòn tan cóc cách trong miệng tôi.  Thằng Khâm nằm sát bên hích cùi chõ đau điếng vào tôi ra ý bảo ăn nhỏ lại. Tôi vẫn không biết cách làm sao ăn cho nó khỏi kêu. Lỡ bác chủ nhà nghe thấy thì chết. Không lẽ 4 ông thầy lại ăn vụng. Thằng Khâm nói thầm vào tai tôi : mày ngậm cho mềm ra rồi hãy nhai. Tôi làm theo và thấy quả nhiên hết vụ âm thanh nổi. Thằng này quái thật (thảo nào bây giờ hắn đương chức Phó trưởng ban tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng). Được mấy hôm thì cái bồ khoai hao đi thấy rõ. Nó lõm cả lá chuối khô xuống, có là mù cũng thấy. Vậy mà không thấy bác chủ nhà nói gì. Cả bọn nhìn nhau thầm lo lắng. Bác ấy mà thưa lên khoa thì chỉ có nước bỏ khoa mà về, mà không về thì khoa cũng đuổi. Đời nào sinh viên sư phạm ra làm thầy lại đi ăn vụng của dân như thế.

Vậy mà ngày chủ nhật đầu tiên, cả bọn ngủ nướng dậy chưa kịp dụi mắt đã thấy bác chủ nhà mang vô cho một nồi khoai xéo bốc hơi ngào ngạt. Chính là những lát khoai trong cái bồ mà chúng tôi vẫn lén lấy ăn hàng đêm cho đỡ đói.  Bác bảo, gì chứ khoai thì nhà này nhiều lắm, còn mấy bồ nữa ở ngoài bếp, các thầy thích cứ lấy nấu lên mà ăn đừng nhai khoai khô sống lỡ đau bụng thì tội đấy.

Chúng tôi nhìn nhau tẽn tò. Hóa ra là bác chủ nhà biết hết mà làm như không biết.

Thật là kín đáo và ý nhị. Ai dám bảo người nhà quê ít học không có văn hóa. Có mà khối kẻ mũ cao áo dài có xách dép chạy cả ngày cũng không sánh được với họ.

Ở được chừng 3-4 tháng thì 3 thằng gồm tôi, Nam và Khâm cùng lên đường nhập ngũ. Chỉ mỗi thằng Tùng ở lại học cho đến ngày tốt nghiệp ra trường. Cái buổi chiều muộn của tháng 9 năm 72 đó, chúng tôi xách túi chào từ biệt gia đình bác chủ nhà để ra nơi tập trung rồi từ đó đi luôn. Cả hai vợ chồng bác chủ nhà bỗng cùng khóc thút thít nắm chặt tay 3 thằng chúng tôi:

- Các thầy đi cho khỏe, khi nào hết chiến tranh thì về lại Lăng Thành thăm gia đình hai bác nhé !

Bác gái còn vừa khóc vừa nói thêm:

- Khổ thân các thầy. Đi bộ đội mà không được lấy một ngày về thăm quê báo tin cho  cha mẹ biết. Lại bom rơi đạn nổ thế này…

Sự bịn rịn chia tay của hai bác chủ nhà khiến tôi ngùi ngùi xúc động, nước mắt ứa lưng tròng. Từ biệt gia đình bác chủ nhà trọ mà thấy như là từ biệt cha mẹ mình vậy. Mà nói cho đúng ra lúc đó ngay cha mẹ tôi ở quê cũng không biết cuộc đời con mình đang xảy ra một biến cố lớn: Từ biệt mái trường đại học, từ biệt cuộc đời sinh viên để lên đường ra trận mà ngày trở lại chẳng biết có hay không. Thời đó một bức thư  gửi về QB quê tôi phải cả tháng trời mới có thể đến.

Không thể kể hết ra đây những kỉ niệm ấm lòng về những tháng ngày niên thiếu tôi được sống giữa đùm bọc yêu thương của đồng bào Thanh Nghệ Tĩnh. Dù đầu óc có lú lẫn đến đâu tôi cũng không thể nào quên được. Tôi vẫn còn mắc nợ họ nhiều lắm, những con người nghèo khổ mà chân chất và vời vợi lòng tốt ấy.

Đến bây giờ, đó vẫn là những kỉ niệm êm đềm nhất của đời tôi.

Đến bây giờ, những người bạn tốt nhất của tôi đều là những người có một dòng ghi trong lí lịch - nơi sinh: Nghệ An/Hà Tĩnh. Dù hàng năm trời không gặp được nhau nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gọi điện thăm hỏi nhau vì vẫn nhớ về nhau, vì vẫn xem nhau là những người bạn tốt, tri âm và tri kỉ.

Đến bây giờ, những người thầy đáng kính nhất của tôi về cả học vấn lẫn nhân cách vẫn là những con người sinh ra từ xứ Nghệ.

Đến bây giờ, những mối tình trai trẻ si mê đầu đời vẫn in dấu sâu thẳm trong tâm hồn tôi đều mang tên về những người con gái gắn với những vùng quê Nghệ Tĩnh.

          Đến bây giờ, những bài hát hay nhất của một thời và mãi mãi mà mỗi lần mở ra tôi nghe không chán vẫn là những ca khúc Tiếng hò trên đất Nghệ An, Hò Sông Mã Hà Tĩnh mình thương.

Và, đến bây giờ, nhớ lại những chuyến đi công tác bằng ô tô hoặc tàu hỏa ra Hà Nội, cứ mỗi lần lướt qua những cung đường Thanh Nghệ Tĩnh là mỗi lần gây cho tôi niềm xúc động nghẹn ngào. Thậm chí có lần trên đường đi công tác từ Hà Nội về, xe chạy lướt qua vùng Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An, tôi đã đề nghị anh lái xe dừng lại 30 phút để tranh thủ chạy bộ tạt qua cánh đồng ven quốc lộ 1 vào làng Quỳnh Thạch tìm thăm lại căn nhà tôi đã ở trọ trong những ngày đầu mới chập chững vào học năm thứ nhất của khoa Văn ĐHSP Vinh hồi sơ tán. 

Vậy mà, sao lại có người nỡ nói “không” với họ, những con người Thanh Nghệ Tĩnh ấy.

Ở đâu mà chẳng có người tốt kẻ xấu. Ở đâu mà chẳng có kẻ thế này có người thế nọ.

Đừng nên như thế. Đau lòng lắm thay!

                                                           

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511937

Hôm nay

2263

Hôm qua

2337

Tuần này

22311

Tháng này

218810

Tháng qua

121356

Tất cả

114511937