Để góp phần thể hiện đúng và rõ vị thế, vai trò của nhân dân trong Hiến pháp, theo chúng tôi, từ Nhân dân cần được nhấn mạnh bằng cách viết hoa.
Việc viết hoa từ Nhân dân, nếu được thực hiện thì sẽ đem lại ý nghĩa lớn lao.
Một là, viết hoa chữ Nhân dân có nghĩa rằng Nhân dân là quan trọng. Hiến pháp đã khẳng định, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể, là người quyết định mọi công việc của đất nước. Nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ. Nhân dân ủy quyền cho Nhà nước. Nhân dân là “ông chủ”. Nhà nước là “công bộc” của nhân dân. Nhà nước có trách nhiệm, nghĩa vụ phục vụ Nhân dân. Nhân dân là chủ thể, nhân dân là cơ sở, động lực và là mục tiêu của phát triển.
Hai là, từ Nhân dân không phải là một khái niệm chung chung, trừu tượng. Nhân dân là mọi người Việt Nam, gồm tất cả mọi giai cấp, tầng lớp, trong đó có những bộ phận cơ bản, nền tảng. Theo tinh thần Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nhân dân bao gồm: công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, đồng bào các dân tộc, đồng bào các tôn giáo… và đồng bào định cư ở nước ngoài. Trong đó, hiện nay và cả trong tương lai lâu dài, ở nước ta, công nhân, nông dân vẫn là gốc, là nền tảng, là lực lượng cơ bản, chủ yếu. Viết hoa từ Nhân dân cũng góp phần khẳng định điều này.
Ba là, Nhân dân có “danh” cao thì cũng có “phận” lớn. Nhân dân đã thỏa thuận lập ra Nhà nước thì Nhân dân phải có nghĩa vụ giúp đỡ, phê bình, đôn đốc Nhà nước, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước để Nhà nước hoàn thành sứ mệnh “dẫn đường” (1) của mình.
Bốn là, lâu nay, trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, chúng ta đã viết hoa Đảng, Nhà nước, còn nhân dân thì lại viết thường. Trong khi, nhân dân là gốc, nền tảng và là mục đích của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, viết hoa từ Nhân dân trong Hiến pháp sẽ góp phần làm bình đẳng hóa vai trò các chủ thể rường cột trong hệ thống chính trị và hoàn chỉnh cơ chế vận hành của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trên thực tế.
Năm là, viết hoa từ nhân dân trong Hiến pháp cũng có nghĩa rằng, Hiến pháp là sự kế thừa truyền thống văn hóa trọng dân của dân tộc và là sự tiếp tục tư tưởng dân là gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với ý nghĩa là tài sản thiêng liêng bất khả xâm phạm, Hiến pháp Việt Nam phải là sự kết tinh của trí tuệ, đạo đức và văn hóa của tất cả Nhân dân Việt Nam. Viết hoa từ Nhân dân không chỉ là viết hoa tên chủ nhân Hiến pháp. Viết hoa từ Nhân dân cũng không chỉ là chuyện hình thức, từ ngữ, câu chữ, kỹ thuật đơn thuần. Sửa đổi nhỏ này, nếu được thực hiện, đây sẽ là nền tảng, cơ sở pháp lý có chiều sâu văn hóa cho những bước tiến có tính bước ngoặt trong văn hóa dân chủ của của đất nước trong thời gian tới.
----------------------------------------------------
(1) “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường”. (Hồ Chí Minh, toàn tập, NXBCTQG, H, 2000, tr 56).