Với tình hình thực tế của xã hội Việt Nam trong nhiều năm qua, thì nhóm thứ nhất thường chiếm số lượng khá hạn chế. Các phương thức hoạt động và hợp tác giữa các cá nhân trong nhóm này thường dựa trên cơ sở đồng đẳng - bình đẳng về trình độ chuyên môn và đạo đức khoa học. Nhưng hoạt động của nhóm này thường là co cụm, thiên về việc kết hợp với nhau theo những nhóm cá nhân nhỏ lẻ nằm ngoài những quy hoạch và dự án của nhà nước, thực chất là một sự tự cô lập/phân biệt mình với những người thuộc nhóm thứ hai. Họ hoạt động khoa học như những cá nhân bị xé lẻ ở bên ngoài hệ thống, bên ngoài mạng lưới chính thức, và đôi khi vì cái khí chất “thuần túy khoa học” bất chấp các hoàn cảnh lịch sử, nên họ rất dễ bị quy chụp, bị kiểm điểm, kỷ luật… Nhẹ hơn, họ bị cấm làm việc, hoặc được làm việc dưới sự kiểm soát nhưng theo danh nghĩa của người khác hoặc của tập thể. Điều đó có nghĩa là “vốn xã hội” của nhóm này gần như đã bị đẩy về con số không.
Trong khi đó, những người “chính danh” ở trong hệ thống, ở trong mạng lưới, vì luôn bị chi phối bởi tính mục đích của hệ thống đó, đã uyển chuyển đưa ra những phương thức làm việc cho phù hợp với quyền lợi của mình và quyền lợi của một số người khác, bất luận thực tế khách quan của xã hội cũng như những hệ quả mà nó đem lại. Họ sẵn sàng gạt sự thật, gạt lịch sử và những quy luật khách quan của xã hội sang một bên. Sự trung thực không còn được coi như là yếu tố tiên quyết cho một kết luận khoa học, mà thay vào đó là những cứ liệu, số liệu đã được chỉnh sửa để áp vào cho một định đề có sẵn. Sự hợp tác giữa những “người làm khoa học” này mặc dù là khá khăng khít và nhịp nhàng, nhưng mục đích luận của nhóm lợi ích đã khiến họ trở thành một mạng lưới của những cá nhân phi khoa học. Như vậy, nhóm lợi ích trong hoạt động KHXH với mục tiêu/đích đến của mình, họ có thể tạo nên một sự tin tưởng và hợp tác chặt chẽ. Nhưng những giá trị ảo, hay giá trị bề mặt của nó sẽ khiến KHXH ngày càng tụt hậu.