Đất Nghệ

Cầu đá Quan Thành

 

 

Cầu đá Quan Thành là chiếc cầu đá duy nhất còn sót lại ở trên đất Nghệ An. Cầu bắc qua Bàu Rộc, còn gọi là Bàu Đá, thuộc xóm 5, xã Trung Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Cầu cũng là ranh giới giữa hai xã, phía bắc là xã Nam Thành, phía nam là xã Trung Thành.

Cầu dài gần 30 m, rộng 1,37 m. Cầu nguyên có 18 nhịp, nay còn 17 nhịp, gồm 18 trụ, mỗi trụ cách nhau 1,5 m. Toàn cầu được ghép từ 40 phiến đá, mỗi nhịp được ghép từ 2 đến 3 phiến, 6 nhịp ghép 3 và 10 nhịp ghép 2; mỗi phiến dài 1,67 m; phiến rộng nhất 95,5 cm, phiến hẹp nhất 41,5 cm. Các phiến đá được kết cấu với nhau bằng các mộng đá rất chặt chẽ, vững chãi (hàng ngày, xe công nông chở hàng vẫn đi lại được trên cầu). Cầu đã phục vụ việc đi lại cho nhân dân trong vùng rất thuận tiện.

Cầu được làm vào năm Tân Dậu - Khải Định thứ 6 ( 1921), do công của cụ Nguyễn Văn Thuyết. Trong bài "Thạch kiều rộc gia truyền ca" có câu:
Vua Khải Định vào năm Tân Dậu,
Đầu vụ thu nhật thạch khởi công...
Cầu hoàn thành vào năm Nhâm Tuất - Khải Định thứ 7 (1922):
Đá kéo đã đủ, xin làng phải bắc
Trong một năm Nhâm Tuất lạc thành,
Khắp bốn phương nức tiếng tài danh.
Nguyễn Văn Thuyết, thường gọi cụ Bá Thuyết, hay cụ Bá Hoan, lúc còn nhỏ ham học, nhưng vì gặp nạn lụt đói, cha mất sớm, mẹ già, em què, nên phải dở dang việc học. Ông vốn quê ở làng Phù Lưu, nay thuộc xã ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ông tổ của ông là Nguyễn Văn Giai (1554-1628), đậu Hoàng giáp năm 1580, làm quan đến Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, Lại bộ Thượng thư, kiêm Ngự sử đài Đô ngự sử, Vĩnh Lộc hầu Trụ quốc thượng trật, sau được ban Lễ Quận công. Ông Thuyết đưa mẹ và em ra ở làng Nhạn Tháp, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông ở nhờ nhà ông tộc trưởng Nguyễn Văn Khương, rồi theo học thầy là nhà nho Lê Huấn đạo. Ông được họ Thái chọn làm chàng rể để dạy học cho con cháu trong nhà, là bà Thái Thị Chiêu. Vì chưa có con trai, nên ông dốc tâm vào làm việc nghĩa thiện, cho xây dựng chùa trong vườn nhà mình để cầu đức Phật độ trì. Ông lại lo tu tạo nhiều đền chùa trong vùng. Vì thấy bầu Rộc rộng, cản trở việc đi lại của nhân dân trong vùng, nên ông mới nghĩ tới việc phải bắc một chiếc cầu đá cho vững bền. Năm Tân Dậu, ông đứng ra vận động nhân dân quyên góp và bỏ của nhà ra để làm cầu đá. Dân làng ai cũng đồng ý, chỉ có ông Phan Thế Du cai tổng và ông Cao Đình Cát cựu lý trưởng là không đồng ý, vì cho rằng ông là người nơi khác đến ngụ cư, làm mất thể diện của mình. Ông vẫn quyết tâm làm cầu, tự vẽ bản thiết kế, rồi lên báo cáo xin quan huyện Thái Văn Chính đệ lên xin tòa Cơ mật viện chuẩn y. Bộ chuẩn cho làm và cấm các quan viên ở Kim Thành không được cản trở việc dựng cầu. Ông liền đi ra tận Thanh Hóa, vào Hà Tĩnh để lạc quyên, thuê thợ đá giỏi, huy động nhân công đục đẽo đá bắc cầu. Cầu làm xong, được quan huyện Thái Văn Chính báo lên cấp trên cho máy bay về chụp ảnh và thưởng cho ông Thuyết một trữ tiền tắm vàng. Sau khi làm cầu xong ông Thuyết mới sinh được con trai, lúc đó ông đã 65 tuổi. Việc làm từ thiện của ông Thuyết đã thấu đến trời, phật, nên về cuối đời ông được toại nguyện, sinh được con để nối dõi tông đường.
Làng cũng đã cho dựng bia đá ở bên trái, phía bắc cầu để ghi chép lại công việc bắc cầu đá, để ghi lại công ơn của ông thuyết, ghi tên những người đóng góp tiền của xây cầu. Vì chưa đủ thời gian đọc ghi chép văn bia, nên chúng tôi xin được có dịp giới thiệu lại nội dung văn bia này trong một bài viết khác. Khi làm lễ khánh tán cầu đá, ông Trần Danh Trạc (Tú Trợc) có làm bài: "Thạch kiều Rộc gia truyền ca" để mừng lễ và ghi công ơn của ông Thuyết. Ca rằng:
Nay mừng! Trời thanh. Biển lặng. Vận mở văn minh.
Trên cửu trùng kính chúc vạn niên,
Dưới trăm họ câu ca cổ vị!
Làng ta nay Kim Thành một xã,Phúc Thành biệt thôn.
Nhờ giang sơn phong thổ rạng rãng,
Trong dân xã được bình yên khang thái.
Mạch càn hợi uốn khúc Rồng quanh lại,
Nước canh tân dăng cánh Phượng chầu về.
Tả Thần, hữu Phật uy nghiêm
Anh linh hách trạc lưu phương muôn đời.
Dòng Tượng Thủy, voi chầu tắm mát
Núi Mã Sơn, ngựa rước đón đưa
Trong kho Bạc rỡ ràng yên vững lạc,
Voi, cờ sắp dăng thành bể Bắc,
Chiêng trống rền vang khắp cõi trời Nam.
Nước trong khe đưa chỉ Gạo với Tiền,
Mành ngoài vạn nhịp nhàng Thuyền với Cá.
Xem phong cảnh hữu tình, phong hóa,
Có câu rằng: đắc địa sinh nhân.
Đền Trung Linh sinh nảy đấng hiền nhân,
Khuôn Đại Khối đúc nên người tuấn ngạn.
Văn đèn sách đua chen Bút Trận,
Võ tài nghề nổi tiếng lừng vang.
Kẻ công danh võng giá nghênh ngang,
Người văn lý đua tay sừng sỏi.
Tiếng thong thả vui chơi ngoài nội,
Của xây về ngàn vạn tư thương.
Công đua nhau mực thước đo lường,
Tài đàn kém tư làn du tử
Của tuôn về như nước như non,
Khách thương mại vui cười ngoài chợ
Lũ tiều phu đủng đỉnh chốn non nhân
Thuyền Ngư Thủy vui chơi miền nước Trí.
Ơn phong thổ giang sơn chung tú khí
Năm thôn ta đều được thịnh cường.
Đến hội này phúc đáo tâm linh
Trong thôn xã được nhiều tay phú quí.
Vâng đội đức ơn trên thánh đế
Giáng thiện đàn niệm phúc tích nhân.
Người Hà Tĩnh vốn họ công thần
Ông Nho Bá vốn dân cư nhập hộ
Mấy lâu nay trọng thiên yên thổ
Ông có lòng báo đáp giang sơn
Lập ngọn đàn giảng tụng kinh văn
Chỉ khuyến giáo nhân dân hướng hóa.
Đêm ngày hương đèn giong dả
Ông một niềm chỉ quyết tu thân
Mở nhung đường tích đức tu nhân
Nên cấu giá thạch kiều lại rạng
Lòng quyết chí thịnh hành phổ khuyến
Đội ơn trên rộng lượng từ bi
Tới huyện đường lệnh ấn Châu phê
Đem về để ông chấp Chiếu.
Ông vâng lãnh tứ phương biển cáo
Kẻ hằng tâm đa thửa thuận tình
Giá việc này cứu tế độ sinh
Nhờ lượng phúc làm ân tế độ.
Vua Khải Định vào năm Tân Dậu,
Đầu vụ thu nhật thạch khởi công
Thợ hai bên thiết thạch nhất tâm,
Việc công đức đua nhau làm rả rả.
Kiều bên nam Phó Đường làm thợ cả
Về bên bắc thủ mực Phó Xa.
Được hai bên lương giáo thuận hòa
Tài trí sảo trong tay đều đủ cả.
Trong ba tháng đủ kiều thượng hạ
Lịnh mấy ngày kéo đá cho xong
Trên kỳ anh trống dục ầm ầm
Dưới dân xã kéo về ra rả
Cứ hiệu lệnh trống tung, cờ phất
Những mấy xã sau trước rộn ràng
Giọng đò đưa khoan hội hò khoan
Cứ một nhịp reo cười đua sức.
Đá kéo đủ xin làng phải bắc,
Trong một năm Nhâm Tuất lạc thành
Khắp bốn phương nức tiếng tài danh
Cầu Rộc Thủy lưu truyền vĩnh viễn.
Cầu bắc được, lễ hành khánh tán,
Pháp sư tuyên hành, trên thiện đàn giảng tụng thích kinh.
Những mấy đêm ngày vui vẻ,
Khách tứ phương lịch sự tới đán tiền,
Chiêm bái nghe kinh, thực hội này là hội văn minh
Từ nay được âm siêu dương khánh.
Khách thích thú vui tình đấu cảnh
Có kẻ sáo, người diều, có kẻ gà, người chuyện
Kẻ đàn, người sáp, kẻ đọc, người đàn
Thú vui thú vang lừng trời đất,
Vui thật vui náo nức đông tây.
Trên túc nhạ giáng bách phúc lai,
Dưới trăm họ thừa ân phú chí
Nay về sau vận mở thái bình!
Dân yên hiền hậu, đinh đa tài vượng,
Binh khỏe dân giàu, trong hoàng trù ngũ phúc kiêm thu.
Chữ kính chúc tam vẹn đủ, nước Rộc thủy nối
Cầu thượng thọ, chốn Đường Nghiêu vui vẻ tháng ngày,
Núi Thung Sơn dẫn mạch trường sinh
Chùa Phúc Tự hữu tình non nước.
Nay về sau sẵn đường công đức
Lợi kiến Phúc Thành, nhờ ông cha xây đắp nên nhân.
Đinh đa cự phú, kẻ hằng tâm, người hằng sản
Phú quả viên thành, phúc vô cương vạn thọ.
Vô cương, trong dân xã văn thăng, võ tiến.
Kiều ky cao phú thạch giang,
Lỗ kỳ bình nhân vật thịnh.
Các hề nhị bộ xuất hề nhị,
Vạn nhân ca Thuấn nhật, Nghiêu thiên.
Ta chúc mừng Thánh đế vạn vạn niên. 
       (Bài này nguyên bằng chữ Nôm, ông Nguyễn Thọ Thuyết ghi lại).
 
Đến năm 1956, lũ lụt dâng to và mạnh cuốn trôi 11 nhịp, phải hai năm sau (1958), nhân dân xã Trung Thành mới tập trung làm lại cầu, để nhân dân tiện đường đi lại. Ngày 30/12 năm Mậu Thìn (1958) thì hoàn thành việc sửa cầu. Ông Nguyễn Thọ Thuyết, người dân xã này làm tiếp bài thơ "Nối lại nhịp cầu", trong đó có đoạn nhắc lại công ơn đối với ông Nguyễn Văn Thuyết như sau:
Cụ Bá Thuyết người đề xướng đầu tiên
Chống gậy đi khắp hết mọi miền
Quyên góp để xây nên cầu Đá
Mỗi nhịp cầu trên ba mươi tạ
Đặt mua, mời thợ trùm phường
Kén Phó Xa, Phó Đường thủ mực hai bên,
Trên năm lẻ hoàn thành tất cả.
Lượng bia xong khánh thành rỡn rả
Bài văn bia cụ Thái Văn chính đề xong
Còn để truyền lưu niệm mấy dòng
Cho ta thấy công lao ông cha ta còn đó
Tính đến nay đã gần thế kỷ
Khởi đầu nan các cụ trước đứng đầu.
Còn giờ đây chỉ mấy nhịp cầu,
Ta nối lại để thắm tình thấu nghĩa...
Ông Phan Thế Hữu, công tác ở Đại sứ quán, khi về quê vào dịp 2/9/1990, thăm lại cầu Đá đã làm bài thơ "Qua cầu nhớ ai", đoạn mở đầu như sau:
Còn người còn nước còn non,
Tuổi cao càng rõ ngọn nguồn nghĩ suy.
Bước lên cầu Đá ta đi
Cầu 17 nhịp gối kè đôi bên
Nối liền các ngả đi về
Thắm tình đi lại thịnh bề làm ăn
70 năm dày dạn phong trần
Cầu vẫn một dạ quí ân trọng tình
Cụ Bá Thuyết ơn tác thành
Tụ lòng thiên hạ mối manh nên đà
Phó Đường cùng với Phó Xa
Cùng ban thợ đá quê nhà ra tay
Khởi công Tân Dậu đua tài,
Năm sau Nhâm Tuất ca bài hoàn công...
Cầu đá Quan Thành, duy nhất còn sót lại trên đất xứ Nghệ, xứng đáng được xếp hạng di tích để bảo vệ và vinh danh cùng quê hương, đất nước.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441806

Hôm nay

2206

Hôm qua

2317

Tuần này

21710

Tháng này

216980

Tháng qua

112676

Tất cả

114441806